Wednesday, January 26, 2022

ĐÌU HIU CHỢ LÁ DONG LÂU ĐỜI NHẤT HÀ NỘI TRONG NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM (Tường Vy - Saigon Nhỏ)

 



Đìu hiu chợ lá dong lâu đời nhất Hà Nội trong những ngày cuối năm

Tường Vy  -  Saigon Nhỏ

26 tháng 1, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/diu-hiu-cho-la-dong-lau-doi-nhat-ha-noi-trong-nhung-ngay-cuoi-nam/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/06-Cho-la-dong-1.jpg

Một người bán lá dong tại chợ cắt tỉa cẩn thận bó lá mới nhập về – Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Sau ngày đưa ông Táo về trời, không khí tại chợ lá dong Trần Quý Cáp (quận Đống Đa, Hà Nội) lại trở nên ảm đạm. Nhiều tiểu thương ngồi cả buổi chỉ bán được một vài bó, không như những năm trước chợ tấp nập từ sáng sớm.

 

Nằm cạnh ga Hà Nội và Văn Miếu Quốc Tử Giám, chợ lá dong lâu đời nhất Hà Nội này từ lâu đã trở thành địa điểm quen thuộc mua lá dong gói bánh chưng của nhiều người dân Thủ đô.

 

Hằng năm, cứ sau ngày 23 Tháng Chạp trở đi, khu chợ này bắt đầu tấp nập người mua kẻ bán. Những năm trước, số lượng lá dong xuất đi từ đây có thể lên tới hàng ngàn bó. Tuy nhiên, năm nay, khu chợ lại rơi vào cảnh đìu hiu, lượng khách mua giảm mạnh.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/06-Cho-la-dong-2.jpg

Bà Trần Thu Hường (trú phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) cho biết, gần 20 năm bán lá dong tại chợ, chưa năm nào khách lại vắng như năm nay – Ảnh: Kênh 14

 

Bà Trần Thu Hường (trú phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) cho biết, gần 20 năm bán lá dong tại chợ, chưa năm nào khách lại vắng như năm nay. Bà nói trong ngao ngán:

 

“Mọi năm ngày bán kém tôi cũng bán cũng lãi được 200 nghìn đồng. Vậy mà năm nay ngồi từ 8h sáng đến giờ là 15h mới bán được 1 bó (60 nghìn đồng)”.

 

Do lượng lá dong về chợ ít nên giá tăng gấp đôi dù sức mua không cao. Hiện, lá dong rừng có giá 150,000 đồng/100 lá, lá dong quê có giá 120,000 đồng/100 lá, lạt buộc bánh được bán 10,000 đồng/bó.

 

Bán lá dong tại chợ Trần Quý Cáp hơn 30 năm nay, ông Lê Đình Dũng cho biết: “Lá dong rừng khi gói bánh sẽ cho ra màu xanh đẹp, bánh thơm mà lúc bóc không bị dính lá. Còn dùng lá dong ta quê để gói bánh chưng thì sẽ có màu vàng, muốn xanh phải cho thêm lá riềng, lá dính vào bánh khi bóc”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/06-Cho-la-dong-4.jpg

Bà Thanh (65 tuổi, trú phố Trần Quý Cáp) cho biết, khu chợ nhỏ là nơi đong đầy những kí ức tuổi thơ của những thế hệ như bà – Ảnh: Kênh 14

 

Bà Thanh (65 tuổi, trú phố Trần Quý Cáp) cho biết, khu chợ nhỏ là nơi chứa đầy ký ức tuổi thơ của những người như bà. Cứ vào dịp cuối năm nên hễ thấy lá dong cũng như hoa đào là thấy Tết. Từng là nhân viên ga Hà Nội, bà Hoa hiểu rất rõ về chợ lá dong cổ xưa này. Bà kể lại, cuối những năm 1980 khi tàu từ Lạng Sơn xuống Hà Nội mang theo rất nhiều nông sản như: Măng khô, lá dong, sắn, khoai, lá chuối… để bán buôn.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/06-Cho-la-dong-3.jpg

Nhiều khách hàng kỹ tính nên phải 15 – 20 phút mới chọn được lá dong vừa ý – Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Về sau khi hầu hết nông sản xuống giá nên dân buôn chỉ còn chuyển lá dong về phục vụ dịp Tết. Đây là điểm ga cuối cùng nên các tiểu thương đổ đến lấy hàng, nhiều người tranh thủ bán luôn ngoài ga và chợ lá dong Trần Quý Cáp đã được hình thành như vậy, bà Thanh hồi tưởng:

 

“Lá dong huyện Bắc Hà (Lào Cai) khi ấy được gọi là lá dong rừng, rất quý. Đặc trưng của lá sẽ tạo nên lớp vỏ bánh có màu xanh tươi. Hoa đào, cành mai là thứ tạo nên nét đặc trưng ngày Tết. Trong giai đoạn khó khăn, nhiều nhà không có điều kiện mua hoa, nhưng bánh chưng thì nhà nào cũng phải có”.

 

Sau khi sắp đủ nguyên liệu gói bánh, bà sẽ gọi con cháu đến quây quần cùng nhau gói bánh, tâm sự. Và đó là cách bà Thanh duy trì sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình sau một năm tất bật. Bà kể trong sự hồi tưởng:

 

“Năm nào tôi cũng tự tay ra chợ mua lá dong. Ngày xưa phải mua ống cây giang, cây nứa về chẻ lạt buộc nhưng giờ người ta cũng làm sẵn cho rồi. Giờ đây Hà Nội phát triển nhanh về kinh tế, nhiều gia đình không còn thời gian gói bánh chưng. Nhưng với tôi, việc rửa lá dong, gói bánh là điều thiêng liêng và mang đến cảm giác Tết hơn cả”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/06-Cho-la-dong-5.jpg

“Lạt mềm buộc chặt”, lạt gói bánh được chẻ từ cây giang (cùng họ với tre nứa) có thể tước mỏng như tờ giấy, buộc bánh rất chắc – Ảnh: Kênh 14

 

Thế nhưng chắc giờ không nhiều người nghĩ như bà Thanh. Chợ lá dong cứ dìu hiu trong những ngày gáp Tết như thế này, rồi lần hồi, người ta chẳng muốn mở chợ nữa, và thế là Hà Nội lại mất thêm một nơi để trở về. (Tổng hợp)






No comments: