Friday, January 7, 2022

CUỘC NỔI DẬY 6 THÁNG 1, 2021 MỚI CHỈ LÀ MÀN THỰC TẬP? (Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ)

 


Cuộc nổi dậy 6 Tháng Một 2021 mới chỉ là màn thực tập?

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
7 tháng 1, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/cuoc-noi-day-6-thang-mot-2021-moi-chi-la-man-thuc-tap/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/DSC03051-800x450.jpg

Sự kiện 6 Tháng Một 2021 vĩnh viễn là vết nhơ của nền chính trị Hoa Kỳ (ảnh: Kalynh Ngô)

 

Nói một cách đơn giản, đây vừa là sự trỗi dậy của những tư tưởng cực đoan vừa là lời cảnh báo về tình hình chính trị Mỹ trong vài năm tới. Mời đọc ý kiến của Peter Bergen, Phó Chủ tịch tổ chức New America, giáo sư Đại học tiểu bang Arizona…


Cuộc điều tra vụ 6 Tháng Một cung cấp điều gì?

 

Sự phát triển chính trị quan trọng nhất của nước Mỹ trong vài năm trở lại đây là “Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan”. Phong trào này có nhiều chất xúc tác; từ sự lớn mạnh của Chủ nghĩa dân tộc Da trắng cho đến việc một số khá lớn người Mỹ chấp nhận “Thuyết âm mưu Qanon”. Trong cuộc thăm dò của Viện Nghiên cứu Tôn giáo Công cộng được công bố vào Tháng Năm, 15% người Mỹ tin rằng một đường dây buôn bán tình dục theo kiểu Satan (Satanic ring of sex traffickers) đang điều hành giới tài chính, truyền thông và cả chính phủ Mỹ! Có đến 23% đảng viên Cộng hòa tán thành thuyết âm mưu này.

 

Theo cuộc thăm dò do tờ The Washington Post và Đại học Maryland thực hiện vào Tháng Mười Hai 2021, cứ ba người Mỹ thì có một người tán thành quan điểm “bạo lực chống lại chính phủ đôi khi là điều công bằng hợp lý”. Loại suy nghĩ này có bốn nguyên nhân:

 

* Sự thất bại của những người đang điều hành các nền tảng mạng xã hội trong việc giám sát các nội dung cực đoan;

 

* Sự phân cực ngày càng sâu sắc của chính trị Mỹ;

 

* Sự mất lòng tin sâu sắc vào chính phủ của những người bị cực đoan hóa do lockdown trong đại dịch;

 

* Và vai trò của cựu Tổng thống Donald Trump như “người châm ngòi ngọn lửa bất hòa”.

 

Sự thống trị của chủ nghĩa Trump là hoàn toàn có cơ sở. Cách đây sáu năm, khi ông Donald Trump tranh cử tổng thống, nhiều người hỏi liệu ông ấy có theo chủ nghĩa phát xít không. Để trả lời câu hỏi này phải quay lại năm 2004 khi cuốn sách The Anatomy of Fascism (Giải phẫu học Chủ nghĩa phát xít) của nhà sử học người Mỹ Robert Paxton, người từng kiểm tra thực tế các phong trào phát xít ở châu Âu thế kỷ 20, được nhiều người tìm đọc. Paxton đã tìm thấy những điểm chung chính giữa các phong trào phát xít, ví dụ “superiority of the leader’s instincts over abstract and universal reason” (tính ưu việt của bản năng người lãnh đạo so với lý lẽ trừu tượng và phổ quát) và “belief that one’s group is a victim, a sentiment that justifies any action” (niềm tin nhóm của mình là nạn nhân đã biện minh cho hành động).

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/GettyImages-1230728723-1024x683.jpg

Hàng ngàn người tham gia sự kiện 6 Tháng Một 2021 vẫn không thể bị truy tố (ảnh: Brent Stirton/Getty Images)

 

Điểm chung này cũng đúng với Trump và “Chủ nghĩa Trump” vào năm 2015. Nhưng có một đặc điểm then chốt của các nhà lãnh đạo phát xít mà Trump chỉ mới bắt đầu tiếp thu là sự ủng hộ của họ đối với “Vẻ đẹp của bạo lực và hiệu quả của ý chí, khi họ cống hiến cho thành công của nhóm” (the beauty of violence and the efficacy of will, when they are devoted to the group’s success). Sau khi thua cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, dường như Trump đã ở trong tư thế sẵn sàng kêu gọi bạo lực. Ông hô hào những người ủng hộ mình đến Washington, DC vào ngày 6 Tháng Một để tiến hành một cuộc biểu tình với lý do suy đoán cuộc bầu cử đã bị đánh cắp.

 

Hàng ngàn người ủng hộ Trump đã tập trung đúng ngày này, và Trump tiếp tục kích động họ bằng cách nói, “You’ll never take back our country with weakness. You have to show strength, and you have to be strong” (Bạn sẽ không bao giờ lấy lại đất nước bằng sự yếu kém. Bạn phải thể hiện sức mạnh và bạn phải mạnh lên). Khi những người ủng hộ ông tấn công biểu tượng quan trọng của nền dân chủ Mỹ, Tòa nhà Quốc hội, Trump đã không làm gì để ngăn cản họ, bất chấp lời thỉnh cầu của các thành viên trong gia đình (và cả những người ủng hộ ông tại kênh cánh hữu Fox News). Sau khoảng ba giờ, Trump mới bảo những người ủng hộ mình “go home” (hãy về nhà) trong một đoạn video nhưng ông vẫn tiếp tục khẳng định cuộc bầu cử là gian lận. Chưa hết, nhiều tháng sau, Trump mô tả cuộc tấn công chưa từng có vào nền dân chủ Mỹ trong nhiều thập niên là biểu hiện của “tinh thần, niềm tin và tình yêu”!

 

Chủ nghĩa Trump mạnh hơn chứ không giảm

 

Tình trạng hỗn loạn tại Điện Capitol khiến hơn 700 người bị bắt, trong đó có 75 người bị buộc các tội danh bạo lực; khoảng 140 cảnh sát bị thương; năm người chết, trong đó có một cảnh sát. Vì vậy, thật khó hiểu khi Trump và các cộng sự của ông (chẳng hạn như dân biểu Cộng hoà bang Alabama Mo Brooks, người từng khuyên đám đông “start taking down names and kicking ass” vẫn chưa bị truy cứu trách nhiệm. Trong đám đông hỗn loạn, có nhiều người mặc quân phục (thậm chí, một số còn mặc áo chống đạn); và có các thành viên nhóm cực hữu Proud Boys.

 

Theo Luật hình sự Mỹ (US Code), Title 18, Section 373, hành động bị xem là phạm tội nếu xúi giục người khác bạo lực khi tin rằng họ có thể thực hiện hành vi đó. Luật này đã được áp dụng trong quá khứ chống lại kẻ khuyến khích người khác khủng bố thánh chiến. Hãy tưởng tượng nếu vụ lộn xộn tại Điện Capitol là do các nhà lãnh đạo Hồi giáo xúi giục người theo đạo Hồi thì rất khó tin họ không bị truy tố. Cuộc nổi dậy ngày 6 Tháng Một rõ ràng được tiếp cảm hứng từ Trump và hậu quả tương lai của nó là không thể lường trước. Theo nghiên cứu Project on Security and Threats (Dự án về An ninh và Các mối đe dọa) của Đại học Chicago, 9% người lớn được hỏi đã nói rằng việc sử dụng vũ lực là hợp lý để Trump ở lại ghế tổng thống!

 

Trước dịp kỷ niệm 6 Tháng Một, Trump đã lên lịch cho một cuộc biểu tình ở tiểu bang Arizona vào giữa Tháng Một 2022, trong đó có khả năng ông sẽ lập lại tuyên bố “cuộc bầu cử tổng thống đã bị đánh cắp”, và chắc chắn những người ủng hộ ông lại cuồng lên! Tình hình ngày càng tồi tệ hơn vì có rất ít lực lượng đối kháng ở cánh hữu đang tìm cách đẩy lùi “chủ nhĩa Trump”. Thậm chí, một số chính trị gia đang phải trả giá chính trị. Ví dụ, dân biểu Cộng hoà Liz Cheney của tiểu bang Wyoming (con gái của cựu Phó Tổng thống Cộng hòa Dick Cheney) đã mất vị trí trong ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, trong khi dân biểu Adam Kinzinger của tiểu bang Illinois quyết định không tái tranh cử năm 2022.

 

Nguồn gốc sâu xa của sự kiện 6 Tháng Một 2021

 

Cuộc tấn công vào Điện Capitol có nguồn gốc sâu xa từ phong trào dân tộc chủ nghĩa Da trắng. Lãnh đạo ý thức hệ của phong trào này là William Luther Pierce, người đã ảnh hưởng sâu sắc đến cả một thế hệ, từ những người theo “Chủ nghĩa tối thượng Da trắng” thực hiện vụ đánh bom thành phố Oklahoma năm 1995 đến những kẻ cực đoan như nhóm Proud Boys ngày nay. William Luther Pierce là lãnh đạo chủ chốt của phong trào Tân Quốc xã (New Nazi) ở Mỹ trong ba thập niên cuối của thế kỷ 20.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/William_Luther_Pierce.jpg

William Luther Pierce (Wikipedia)

 

Đóng góp quan trọng nhất của ông cho ý thức hệ tối thượng của người Da trắng là cuốn tiểu thuyết The Turner Diaries xuất bản năm 1978 với bút danh Andrew MacDonald. Trong đó ông vẽ “biểu đồ” cho cuộc lật đổ bạo lực chính phủ liên bang Mỹ của một nhóm những người “yêu nước” da trắng bằng cách làm nổ tung trụ sở FBI và tấn công Điện Capitol. Sau cuộc tàn sát những người không phải da trắng, cuốn tiểu thuyết kết thúc bằng việc thành lập một nước Mỹ mới toàn người da trắng. Dù đây là một tác phẩm không có gì xuất sắc, nhưng The Turner Diaries có sức ảnh hưởng lớn và quyển sách đã bán được hàng trăm ngàn bản.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/download.jpg

 

Trong một nghiên cứu năm 2016, chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan J.M. Berger nhận định: “Cuốn tiểu thuyết đã truyền cảm hứng cho ít nhất 40 vụ tấn công khủng bố và tội ác căm thù ở Mỹ và ít nhất 200 vụ giết người”. Ví dụ kinh hoàng nhất là kẻ đánh bom thành phố Oklahoma, Timothy McVeigh, người bị ám ảnh bởi cuốn sách đến mức đã bán quyển sách này tại các cuộc triển lãm súng trên khắp nước Mỹ. McVeigh lên kế hoạch đánh bom năm 1995 vào tòa nhà liên bang Oklahoma, giết chết 168 người, dựa trên các tình tiết có trong tiểu thuyết. Khi McVeigh bị bắt, FBI tìm thấy các trích dẫn từ cuốn sách trong xe của hắn (sau cuộc tấn công Điện Capitol ngày 6 Tháng Một 2021, Amazon đã loại cuốn sách khỏi trang web).

 

 

Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến đầu tiên vào năm 1996 tại khu nhà của ông ta sâu trong khu rừng Appalachia thuộc tiểu bang West Virginia, William Luther Pierce đeo kính cận ra dáng trí thức, ôm con mèo và được người vợ châm trà, người luôn gọi ông là “Ngài”. Pierce giải thích: “Cuốn tiểu thuyết của tôi được thiết kế để kêu gọi những người theo chủ nghĩa tối thượng Da trắng hành động. Có lẽ ý tưởng quan trọng nhất thể hiện trong cuốn sách của tôi là mỗi người phải tham gia tích cực vào những gì đang xảy ra xung quanh họ”.

 

Pierce qua đời năm 2002, nhưng những ý tưởng cực đoan của ông ta vẫn tồn tại. Giống như nhiều người theo chủ nghĩa tối thượng Da trắng, ông ta bị ám ảnh bởi ý tưởng rằng người Da trắng đang bị thay thế bởi các nhóm dân tộc khác và họ có nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ mình! Loại suy nghĩ này vẫn tiếp tục kích thích những người theo chủ nghĩa tối thượng và chủ nghĩa dân tộc Da trắng, chẳng hạn những người tham dự cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc ở Charlottesville, Virginia năm 2017, nơi họ hô vang: “Jews will not replace us!” (Người Do Thái sẽ không thay thế chúng ta!).

 

Trở lại ngày 6 Tháng Một 2021, các thành viên của các nhóm cực hữu như Proud Boys, Three Percenters và Oath Keepers cũng lên kế hoạch tấn công theo các chương hồi trong The Turner Diaries và gọi đây “cuộc nổi dậy chống lại những tên bạo chúa và những kẻ phản bội cần bị xử tử” (insurrection against tyrants and traitors who needed to be “executed).

 

Tương lai chính trị của Trump

 

Một nhân tố khác của phong trào dân tộc Da trắng trong cuộc tấn công vào Điện Capitol là tư tưởng “leaderless resistance” (sự phản kháng không có người lãnh đạo), một ý thức hệ được nhà phân biệt chủng tộc nổi tiếng người Mỹ Louis Beam đưa ra vào đầu thập niên 1990 để tạo cớ cho những người ủng hộ ông ta chống lại chính phủ Mỹ mà không sợ bị các cơ quan thực thi pháp luật sờ gáy. Louis Beam giải thích: “Quan điểm của ý tưởng ‘phản kháng không có lãnh đạo’ là giữ cho các cá nhân và nhóm hoạt động độc lập, không có trung tâm chỉ huy hoặc một người lãnh đạo duy nhất”. Trong thực tế, hàng trăm kẻ tấn công không có liên hệ với bất kỳ tổ chức nào đã giúp họ khó bị cơ quan thực thi pháp luật theo dõi vì chỉ là “những người Mỹ bình thường bị cực đoan hóa bởi những gì đọc và thấy trên internet và trên các phương tiện truyền thông cánh hữu.

 

Cuộc thăm dò CNN công bố vào Tháng Chín cho thấy hơn 75% đảng viên Cộng hòa vẫn tin Biden đã không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và hơn 50% đảng viên đảng Cộng hòa tin rằng có bằng chứng hỗ trợ cho nhận định (mà nhiều người xem là không đúng) này. Điều đó có nghĩa là bất kể sự thực thế nào về vụ 6 Tháng Một, Trump đang có lợi thế để chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

 

Thậm chí ông có thể giành chiến thắng hoàn toàn trong cuộc bầu cử năm 2024 nếu được Đảng Cộng hòa chọn. Nhưng nếu thua, Trump có thể quay lại chiến thuật cũ: Khẳng định với một bộ phận khá lớn công chúng Mỹ rằng, chức vụ tổng thống một lần nữa lại bị đánh cắp! Hậu quả, bạo lực sẽ lớn hơn nữa so với những gì đã thấy tại Điện Capitol một năm trước, đặc biệt khi hàng chục triệu người Mỹ dường như chấp thuận bạo lực là “phương tiện hợp pháp” để Trump lấy lại ghế tổng thống nếu thất cử.

 

---------------------

ĐỌC THÊM:

Một năm sau ngày Quốc Hội Mỹ bị tấn công 





No comments: