Monday, January 10, 2022

CHÚNG TA BÂY GIỜ SỐNG TRONG MỘT THẾ GIỚI MỚI (Mikhail Gorbachev)

 



Chúng ta bây giờ sống trong một thế giới mới

Mikhail Gorbachev

9/01/22

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/23728-chung-ta-bay-gi-s-ng-trong-m-t-th-gi-i-m-i

 

Lời người dịch : Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Liên Xô không còn, chúng tôi dịch bài diễn văn cuối cùng của Tổng bí thư Mikhail Gorbachev.

Trần Quốc Việt

 

                                                   *

 

https://live.staticflickr.com/65535/51811283429_e0a135ec44.jpg

Cựu Tổng bí thư Mikhail Gorbachev (1991)

 

Bài diễn văn từ chức và giải tán Liên Xô vào ngày 25 tháng 12 năm 1991

 

Đồng bào thân mến ! Các công dân thân mến !

 

Do tình hình hiện nay và sự thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, vì thế giờ đây tôi chấm dứt các hoạt động của tôi trên cương vị Chủ tịch Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết

 

Tôi đi đến quyết định này vì lý do nguyên tắc.

 

Tôi đã thường xuyên lên tiếng kiên quyết ủng hộ tự trị và độc lập của các quốc gia và chủ quyền của các nước cộng hòa. Nhưng đồng thời, tôi ủng hộ gìn giữ Nhà nước liên bang và sự toàn vẹn của nước này.

 

Các sự kiện diễn ra theo hướng khác. Khuynh hướng thắng thế hiện nay là chia cắt đất nước này và làm tan rã Nhà nước, đây là điều tôi không thể chấp nhận.

 

Lập trường của tôi về vấn đề này đã không thay đổi sau hội nghị Alma Ata và sau khi các quyết định được thông qua ở đấy.

 

Hơn nữa, tôi tin chắc rằng những quyết định quan trọng như thế lẽ ra phải được ý toàn dân thông qua.

 

Tuy nhiên, tôi sẽ làm mọi thứ trong quyền lực của mình để bảo đảm những hiệp ước Alma Ata sẽ mang lại đoàn kết thực sự cho xã hội chúng ta và mở đường thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, tạo thuận lợi cho quá trình cải cách lâu dài.

 

Phát biểu lần cuối cùng trước đồng bào trên cương vị Chủ tịch Liên Xô, tôi thấy cần thiết phải bày tỏ lập trường của mình về con đường chúng ta đã bắt đầu từ năm 1985 - đặc biệt vì có nhiều phán xét chủ quan, hời hợt, gây tranh cãi.

 

Số phận đã định rằng, khi tôi trở thành người đứng đầu Nhà nước, thì đất nước này đã có điều gì đấy không ổn rồi. Chúng ta có mọi thứ : đất đai, dầu mỏ, khí đốt, và các tài nguyên khác, và Thượng đế cũng phú cho chúng ta nhiều trí tuệ và tài năng, tuy nhiên chúng ta sống tồi tệ hơn nhân dân ở các nước đã công nghiệp hóa khác và chúng ta càng ngày càng lạc hậu so với họ.

 

Lý do thì cũng đã rõ ràng ngay cả vào thời ấy - xã hội chúng ta bị bóp nghẹt trong gọng kềm của chế độ chỉ huy quan liêu. Quốc gia này gần như bắt đầu suy sụp vì bị bắt phải phục vụ ý thức hệ và phải gánh vác gánh nặng cuộc chạy đua vũ trang.

 

Tất cả các cuộc cải cách nửa vời -và đã có nhiều cuộc cải cách như thế- đều lần lượt thất bại. Đất nước này bắt đầu mất phương hướng. Chúng ta không thể sống mãi như thế. Chúng ta phải thay đổi căn bản mọi thứ.

 

Chính vì lý do này, tôi không bao giờ hối tiếc là tôi đã không dùng chức vụ Tổng bí thư của mình để chỉ "ngự trị" trong vài năm. Tôi coi cầm quyền như thế là vô trách nhiệm và vô đạo đức.

 

Tôi cũng bắt đầu hiểu những cuộc cải cách trên phạm vi lớn như thế trong xã hội giống như xã hội chúng ta là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và đầy rủi ro. Nhưng ngay cả bây giờ, tôi vẫn tin chắc rằng các cuộc cải cách dân chủ khởi đầu vào mùa xuân năm 1985 là đúng đắn về mặt lịch sử.

 

Quá trình đổi mới quốc gia này và tạo ra những thay đổi cơ bản trong cộng đồng quốc tế hóa ra phức tạp hơn ban đầu ta tưởng. Tuy nhiên, chúng ta hãy công nhận những gì cho đến nay chúng ta đã đạt được.

 

Xã hội đã đạt được tự do ; xã hội đã được giải phóng về chính trị và tinh thần, và đây là thành tựu quan trọng nhất - mà chúng ta chưa hiểu hoàn toàn, một phần vì chúng ta chưa học cách dùng tự do.

 

Tuy nhiên, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử :

 

Chế độ toàn trị mà từ lâu đã ngăn cản quốc gia này trở thành một nước cường thịnh đã bị xóa bỏ.

 

Con đường cải cách dân chủ đã được khai thông. Tự do bầu cử, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, cơ quan lập pháp đại diện cho dân, và một chế độ đa đảng tất cả đều đã trở thành hiện thực. Nhân quyền được coi là nguyên tắc tối cao và là ưu tiên hàng đầu.

 

Chúng ta đã bắt đầu chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, và chúng ta đang xác lập sự bình đẳng của tất cả các hình thức sở hữu. Nhờ cải cách ruộng đất, giai cấp nông dân bắt đầu hồi sinh, những nông dân cá thể đã xuất hiện và hàng triệu mẫu đất đã được cấp cho những người sống ở nông thôn và thị thành. Luật về tự do kinh tế của người sản xuất đã được ban hành, còn sự tự do kinh doanh, sự ra đời các công ty cổ phần và tư nhân hóa vẫn đang diễn ra.

 

Khi nền kinh tế chuyển sang thị trường tự do, chúng ta không được quên rằng sự cải cách này được thực hiện vì lợi ích của con người. Trong thời khó khăn này người ta phải làm mọi thứ để bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người, đặc biệt cho người già và trẻ em.

 

Chúng ta bây giờ sống trong một thế giới mới :

 

Chiến tranh lạnh và cuộc chạy đua vũ trang đã chấm dứt, và việc quân sự hóa điên cuồng của nước ta mà vốn làm suy yếu nền kinh tế của chúng ta, bóp méo tư duy của chúng ta và tổn hại đến đạo đức của chúng ta cũng không còn nữa. Nguy cơ thế chiến cũng không còn. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là về phần mình tôi đã làm mọi thứ trong thời kỳ chuyển tiếp này để bảo đảm việc kiểm soát an toàn vũ khí hạt nhân.

 

Chúng ta đã mở lòng ra với thế giới, đã từ bỏ việc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và xử dụng quân đội ngoài biên giới nước ta. Nhờ thế chúng ta nhận lại được sự tin tưởng, đoàn kết, và tôn trọng.

 

Chúng ta đã trở thành một thành trì chính của công cuộc tái cấu trúc nền văn minh hiện đại trên nền tảng dân chủ và hòa bình.

 

Các dân tộc và các quốc gia của nước này đã đạt được quyền tự do chọn cho mình con đường tự quyết. Cuộc mưu cầu cải cách dân chủ của Nhà nước đa quốc gia chúng ta đã đưa chúng ta đến thời điểm chúng ta sắp ký một hiệp ước liên bang mới.

 

Tất cả những thay đổi này đều đòi hỏi sự căng thẳng vô cùng và đều được thực hiện trong hoàn cảnh của cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại sự kháng cự ngày càng gia tăng từ những thế lực cũ, lạc hậu và phản động- những cấu trúc Đảng và Nhà nước và bộ máy quản lý kinh tế cũ - cũng như thói quen, thành kiến ý thức hệ, tâm lý bình đẳng và ký sinh của chúng ta. Sự thay đổi ấy đã vấp phải sự không khoan dung, trình độ văn hóa chính trị thấp và sợ thay đổi của chúng ta. Vì thế chúng ta đã phí rất nhiều thời gian. Hệ thống cũ sụp đổ trước khi hệ thống mới có thể bắt đầu hoạt động. Và cuộc khủng hoảng trong xã hội chúng ta lại càng trở nên gay gắt hơn.

 

Tôi ý thức về sự bất mãn trong dân chúng về tình hình nghiêm trọng ngày nay. Tôi nhận thấy chính quyền ở mọi cấp và bản thân tôi đều bị chỉ trích gay gắt. Tuy vậy tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là trong một đất nước rộng lớn như vậy, và cũng xét đến di sản của nó, thì những thay đổi cơ bản không thể nào được thực hiện được mà không có bao khó khăn và đau đớn.

 

Cuộc đảo chính tháng Tám đã đưa cuộc khủng hoảng chung lên đến đỉnh cao nhất. Điều tai hại nhất về cuộc khủng hoảng này là sự sụp đổ của Nhà nước. Và hôm nay tôi lo ngại các công dân chúng ta không còn là công dân của một cường quốc nữa - hậu quả của điều này có thể là nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta.

 

Tôi coi vấn đề quan trọng sinh tử là gìn giữ những thành tựu dân chủ đã đạt được trong vài năm qua. Chúng ta đã trả giá cho những thành tựu dân chủ này bằng toàn bộ lịch sử đau khổ của chúng ta và kinh nghiệm bi thảm của chúng ta. Cho nên chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ lý do nào, cũng không được từ bỏ những thành tựu này. Nếu không, tất cả bao hy vọng của chúng ta về tương lai tươi sáng sẽ bị chôn vùi. Tôi thành tâm và thẳng thắn nói với đồng bào tất cả điều này vì tôi coi đây là trách nhiệm đạo đức của tôi.

Hôm nay tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những công dân đã ủng hộ chính sách đổi mới nước này và tham gia vào các cuộc cải cách xã hội.

 

Tôi cảm ơn những chính khách, những nhà chính trị và người của công chúng cũng như hàng triệu người bình thường ở các nước khác đã hiểu được các mục tiêu của chúng ta và ủng hộ chúng ta, thỏa hiệp với chúng ta. Tôi cảm ơn họ hợp tác chân thành với chúng ta.

 

Tôi rời bỏ chức vụ này với bao lo ngại - nhưng cũng với bao hy vọng và niềm tin vào đồng bào, vào sự chín chắn và sức mạnh tinh thần của đồng bào. Chúng ta là những người kế thừa di sản của một nền văn minh lớn, cho nên sự hồi sinh của nền văn minh này thành cuộc sống mới, hiện đại và tử tế giờ đây phụ thuộc vào mỗi người và tất cả mọi người. Tôi muốn tỏ lòng biết ơn chân thành đến những người trong suốt những năm qua đã sát cánh bên tôi bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa và cao quý này.

 

Tất nhiên, có những sai lầm có thể tránh được, và có nhiều thứ có thể làm tốt hơn. Nhưng tôi tin chắc rằng chẳng sớm thì muộn các nỗ lực chung của chúng ta sẽ có kết quả và các dân tộc chúng ta sẽ sống trong xã hội dân chủ và thịnh vượng.

 

Chúc tất cả mọi người những điều tốt đẹp nhất.

 

Mikhail Gorbachev

Trần Quốc Việt dịch

 

Nguồn : Bản dịch tiếng Việt được dịch từ tác phẩm "Hồi ký" của Mikhail Gorbachev và có tham khảo bản dịch tiếng Anh của đài CNN từ tiếng Nga.





No comments: