Monday, January 10, 2022

CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC LÀ KHƠI DẬY NỖI SỢ CHIẾN TRANH và GIÀNH CHIẾN THẮNG MÀ KHÔNG CẦN CHIẾN ĐẤU (Parth Satam - Money Control)

 



Chiến lược của Trung Hoa là khơi dậy nỗi sợ chiến tranh và giành chiến thắng mà không cần chiến đấu

Parth Satam

DCVOnline chuyển ngữ

POSTED ON JANUARY 9, 2022   

https://dcvonline.net/2022/01/09/chien-luoc-cua-trung-hoa-la-khoi-day-noi-so-chien-tranh-va-gianh-chien-thang-ma-khong-can-chien-dau/

 

Việc động binh ở Ladakh là một tín hiệu gởi cho Mỹ biết rằng Trung Hoa có thể đồng thời huy động cho cuộc chiến trên hai mặt trận, ngay cả khi đang ở đỉnh điểm của đại dịch, và có đủ khả năng kinh tế để trang trải chiến phí.

 

https://img.i-scmp.com/cdn-cgi/image/fit=contain,width=1098,format=auto/sites/default/files/styles/1200x800/public/d8/images/methode/2020/10/02/9d25a7ee-03d4-11eb-88c7-25dcd0ae6080_image_hires_081049.jpg?itok=0CH690GI&v=1601597466

Quân xa của Ấn Độ chạy dọc theo xa lộ dẫn đến Ladakh. Ảnh: EPA-EFE

 

Khi các báo cáo về một cây cầu của Trung Hoa xuất hiện bên bờ Pangong Tso trong khi bế tắc bước vào năm thứ hai, các chuyên gia đã chỉ ra những điểm tương đồng giữa chiến lược của họ ở Biển Đông và Ladakh. Đó là “Shi” và “Weiqi” (vi kỳ hay cờ vây), Shi là lợi thế chiến lược, là “nỗi sợ chiến tranh”, trong khi vi kỳ là một ván cờ nhằm “bao vây” kẻ thù và “lấp đầy khoảng trống”; cả hai để ‘chiến thắng mà không chiến đấu’.

 

Theo Alexander Vuving và Gregory Poling, trong các tranh chấp ở Biển Đông với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, Trung Hoa chiếm các đảo đang trong vòng tranh chấp trong thời gian ngắn khi không có sự hiện diện của những cường quốc khác như Pháp, Hoa Kỳ hay Liên Xô. Vuving giảng dạy tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương của Daniel K Inouye, trong khi Poling là Giám đốc, Chương trình Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

 

Theo Vuving, vào năm 1974, Trung Hoa đã khai thác ‘khoảng trống chiến lược’ do Mỹ để lại sau khi bị Quốc hội cấm can thiệp quân sự vào Đông Dương, và chiếm nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Vuving nói :

 

“Nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa bị bí mật chiếm đóng từ năm 1956 khi Pháp rút khỏi Việt Nam; vào năm 1988, nó đã chiếm giữ sáu bãi đá ngầm của Việt Nam trước khi Liên Xô tan rã và Mikhail Gorbachev có mối quan hệ hợp tác với Trung Hoa và Hoa Kỳ.” (Alexander Vuving)

 

https://cdn.i-scmp.com/sites/default/files/d8/images/methode/2020/10/02/8663bad8-03c9-11eb-88c7-25dcd0ae6080_image_hires_081049.jpg

Tuyên bố chủ quyền dọc biên giới Ấn-Trung. Nguồn: SCMP

 

Ở Ladakh, ‘khoảng trống chiến lược’ là sự vắng mặt của quân đội Ấn Độ, những người không theo dõi cuộc tập trận hàng năm của Giải phóng Quân Nhân dân (PLA) vào tháng Giêng ở Tây Tạng do đại dịch COVID-19, và việc giới nghiêm công bố sau đó vào ngày 24 tháng 3 năm 2020. Các đội hình của PLA nhất loạti chiếm giữ nhiều điểm ở Depsang, Gogra, Thung lũng Galwan, Suối nước nóng và Pangong Tso trong một cuộc hành quân như trong chiến tranh với lực lượng huy động lớn phía sau phòng tuyến của chúng, không giống như các cuộc đối đầu đơn độc ở Depsang (2013) và Chumar (2014).

 

Giới phân tích chiến lược và quân sự Ấn Độ cũng đồng ý rằng cách thức động binh của PLA không phải ở thế chiến đấu, mà chỉ để phô trương. Yan Xuetong (阎学通, Diêm Học thông), Chủ nhiệm Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại, Đại học Thanh Hoa là người đầu tiên đã trình bày rõ ràng về chiến lược này trong luận văn của ông vào tháng 7 năm ngoái:

 

“Nhiệm vụ của PLA vẫn sẽ là răn đe chứ không phải xâm lấn ra ngoài. Trung Hoa luôn tránh leo thang xung đột ở Biển Đông và biên giới Trung-Ấn thành chiến tranh.” (Diêm Học thông)

 

Sự ‘mạo hiểm’ này bằng cách đánh vào nỗi sợ leo thang chiến tranh của kẻ thù đã có tác dụng. Các tuyên bố của Ấn Độ sau khi phát giác ra các cuộc xâm nhập và ngay cả sau cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan là hòa giải — nhấn mạnh về “các biện pháp xây dựng lòng tin” trích dẫn “sự khác biệt trong nhận thức” về LAC và đề cao việc “duy trì hòa bình và yên tĩnh”. Chính Trung Hoa đang cáo buộc Ấn Độ có những hành động gây hấn và khiêu khích.

 

‘Sự răn đe’ không chỉ ngăn chặn chiến tranh giữa các cường quốc hạch tâm lớn hơn, mà ngay cả các quốc gia nguyên tử nhỏ hơn như Ấn Độ và Pakistan — cả hai đều ngầm rút lui khỏi những vụ đấm đá nhất thời vào tháng 9 năm 2016 và tháng 2 năm 2019. Trung Hoa cũng không huy động hoặc can thiệp trong các cuộc xung đột này hoặc can thiệp ở Kargil năm 1999. Cuộc bế tắc kéo dài 7 năm ở Sumdorong Chu và cuộc khủng hoảng Doklam kéo dài 2 tháng vào năm 2017 cũng đã không để trở thành xung đột.

 

Nhưng tại Ladakh vào tháng 4 năm 2020, Trung Hoa kết luận rằng giới lãnh đạo Ấn Độ đặc biệt không can đảm có một phản ứng quân sự. Ấn Độ đang quay cuồng trong một cuộc suy thoái kinh tế chưa từng có, đã trở nên tồi tệ hơn trong cuộc bế quan vì đại dịch, bên cạnh tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khổng lồ. Trong một cuộc phỏng vấn tháng 2 năm 2021, thủ tướng Narendra Modi phủ nhận các cuộc xâm lược vào tháng 6 năm 2020, trong khi Tư lệnh quân đội miền Bắc, Tướng YK Joshi nhắc lại rằng đã không nhượng mảnh đất nào cho Trung Hoa và Depsang là một “vấn đề di sản”.

 

Khi nói về Đài Loan, John Culver, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ về Đông Á, cho rằng Trung Hoa tôn trọng “ý chí chiến đấu và duy trì một thế trận lâu dài” của đối thủ. Culver nói thêm, “Thay vì xâm lược Đài Loan, nó sẽ tận dụng tác động tâm lý đối với Đài Loan để thúc đẩy đàm phán.”

 

Poling nói với tác giả :

 

“Chiến thuật ‘vùng xám ’của Trung Hoa khiến nỗi sợ rủi ro lên đến mức không thể chấp nhận được và buộc các bên chấp nhận hiện trạng mới, nhưng không sử dụng vũ lực. Điều này dường như áp dụng cho Biển Đông, Biển Hoa Đông, Đài Loan hoặc Ladakh.”  (Gregory Poling)

 

Việc huy động quân ở Ladakh cũng là một tín hiệu gởi cho Mỹ, rằng Trung Hoa có thể đồng thời huy động cho cuộc chiến ở hai mặt trận — mặt còn lại là Tây Thái Bình Dương — ngay cả khi đang ở đỉnh điểm của đại dịch, và có đủ khả năng kinh tế để trang trải chiến phí.

 

Các học trò giỏi của Vladimir Lenin và Tôn Tử, người Trung Hoa thạo chiến lược về văn hóa đã cho thấy một Ấn Độ kém về kinh tế và kỹ thuật, thì sức công phá cơ bắp và an ninh toàn quốc có thể chỉ có hiệu quả với Pakistan. Mặc dù Cuộc tranh giành Quyền lực Vĩ đại của Trung Hoa với Mỹ vẫn chưa chuyển sang ý thức hệ như Chiến tranh Lạnh với Liên Xô, nhưng bài học  duy nhất mà nó có vẻ đang truyền đạt là, “Ít nhất chúng ta không hung hăng nổ súng rần trời như người Mỹ.”

 

----

Tác giả | Parth Satam là một nhà báo viết về lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ trong hơn một thập kỷ. Twitter: @ParthSatam. Quan điểm là cá nhân.

 

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: China’s strategy is to instil the fear of war and win without fighting | Parth Satam | Money Control | JANUARY 07, 2022




No comments: