Saturday, January 8, 2022

CẮT TÍN DỤNG THUẾ LÀM NHIỀU TRẺ EM MỸ TIẾP TỤC CHỊU CẢNH ĐÓI NGHÈO (Thiện Lê / Người Việt)

 


Cắt tín dụng thuế làm nhiều trẻ em Mỹ tiếp tục chịu cảnh đói nghèo

Thiện Lê/Người Việt

January 7, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/cat-tin-dung-thue-lam-nhieu-tre-em-my-tiep-tuc-chiu-canh-doi-ngheo/

 

LOS ANGELES, California (NV) – Từ Tháng Bảy, 2021, nhiều gia đình thu nhập thấp được chính phủ giúp đỡ bằng cách cho những khoản ứng trước thuế, còn gọi là tín dụng thuế, để trang trải nhiều thứ. Nhiều gia đình thu nhập thấp nhận được đến $300 cho mỗi trẻ em trong nhà, giúp họ vượt qua được một số khó khăn trong đại dịch. Tuy nhiên, năm 2022 này chính phủ không cấp tín dụng thuế cho họ nữa, khiến nhiều gia đình gặp khó khăn trong mùa Đông này.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/01/DP-cat-tin-dung-thue-anh-huong-tre-em-ngheo-1-1068x683.jpg

Cắt tín dụng thuế sẽ gây nhiều khó khăn cho nhiều trẻ em trong gia đình thu nhập thấp ở Hoa Kỳ. (Hình minh họa: Francois Picard/AFP via Getty Images)

 

Vì vậy, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mời một số chuyên gia dự hội thảo hôm Thứ Sáu, 7 Tháng Giêng, để nói về ảnh hưởng của quyết định đó, nhất là đối với trẻ em.

 

Các diễn giả tại hội thảo của EMS nói về lợi ích của tín dụng thuế với các gia đình thu nhập thấp, ý nghĩa của chuyện mất đi sự hỗ trợ của chính phủ, những cách giúp đỡ tạm thời, và nói về chuyện Quốc Hội đang tìm cách giải quyết.

 

Diễn giả đầu tiên là bà Claire Zippel, chuyên gia nghiên cứu của Trung Tâm Ưu Tiên Ngân Sách và Chính Sách.

 

Bà Zippel cho biết khoản tín dụng thuế do chính phủ đưa ra từ Tháng Bảy đến hết năm 2021 là một phần của đạo luật American Rescue Plan, giúp đỡ được rất nhiều gia đình ra khỏi mức nghèo khó do chính phủ định ra.

 

Một gia đình được coi là nghèo khó khi một gia đình bốn người có thu nhập mỗi năm khoảng $26,000, tức là $72 mỗi ngày.

 

Nhờ đạo luật American Rescue Plan, các khoản tín dụng thuế giúp đến 4.1 triệu trẻ em ra khỏi mức nghèo khó. Người dân còn có thể được hoàn tiền lại sau khi nhận các khoản tín dụng thuế, và chính phủ còn mở rộng độ tuổi nhận tín dụng thuế lên đến 17 tuổi.

 

Đạo luật này giảm tỉ lệ trẻ em nghèo của mọi sắc dân xuống rõ ràng. Tỉ lệ nghèo của trẻ em gốc Phi Châu là 13%, trẻ em Latino 12%, trẻ em thổ dân Hoa Kỳ 10%, trẻ em gốc Á Châu 9%, và trẻ em da trắng 5%.

 

Bà Zippel cho biết các gia đình có thu nhập thấp, hay thu nhập dưới $35,000 mỗi năm, dùng khoản tín dụng thuế nhận được để chi trả nhiều nhất cho những thứ cơ bản trong cuộc sống như thực phẩm, quần áo, tiền thuê nhà, tiền điện nước và chi phí giáo dục của con cái.

 

Diễn giả thứ hai là bà Loree Jones, tổng giám đốc của Philabundance, một tổ chức bất vụ lợi chuyên giúp nhiều gia đình gặp khó khăn về thực phẩm ở Pennsylvania.

 

Bà cho biết đại dịch làm nhiều gia đình có trẻ em và các cộng đồng da màu gặp nhiều khó khăn về thực phẩm hơn. Đó là những người gặp khó khăn trước đại dịch, và lại chịu nhiều trở ngại nữa trong hai năm vừa qua.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/01/DP-cat-tin-dung-thue-anh-huong-tre-em-ngheo-3-1068x712.jpg

Nhiều gia đình phải dựa vào các tổ chức thiện nguyện để có đủ thực phẩm. (Hình minh họa: Spencer Platt/Getty Images)

 

Tuy gặp khó khăn, nhưng những gia đình đó không đủ điều kiện để nhận trợ giúp thực phẩm từ chính phủ, và phải nhờ những ngân hàng thực phẩm như Philabundance giúp đỡ. Ngoài ra, bà Jones còn nói các cộng đồng gốc Phi Châu, Latino và người thổ dân Hoa Kỳ còn thiếu thực phẩm nhiều hơn vì những chính sách kỳ thị.

 

Cũng theo bà Jones, những gia đình có phụ huynh độc thân lại dễ càng gặp cảnh khó khăn về thực phẩm hơn. Trong năm 2019, Hoa Kỳ có khoảng 10 triệu trẻ em không đủ thực phẩm, và con số đó tăng lên 12 triệu trong năm 2020.

 

Để đủ ăn, nhiều gia đình phải mua những loại thực phẩm rẻ tiền nhất, khiến trẻ em ăn uống không đủ chất, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.

 

Nếu ăn uống không đủ chất từ nhỏ, trẻ em có thể bị các vấn đề phát triển và trí não không phát triển bình thường được, dẫn đến sự thiếu các kỹ năng về ngôn ngữ hay phản xạ, cũng như không tập trung được khi đi học. Thiếu thực phẩm còn làm trẻ em có những vấn đề trong cách hành xử, và thậm chí còn có nhiều suy nghĩ tự tử.

 

Vì vậy, nhiều tổ chức bất vụ lợi khắp Hoa Kỳ phải tìm cách giúp đỡ những gia đình thiếu thực phẩm có đủ thức ăn cho trẻ em, nhất trong hai năm đại dịch vừa qua.

 

Diễn giả cuối cùng là bà Michelle Dallafior, phó giám đốc chuyên về ngân sách và thuế của tổ chức First Focus on Children, nói về những chính sách đang được thảo luận tại Quốc Hội để giúp trẻ em vượt qua cảnh đói nghèo trong đại dịch.

 

Đầu tiên, bà cho biết trẻ em Mỹ sẽ gặp nhiều nguy hiểm nếu Quốc Hội không thông qua dự luật Build Back Better, trong đó có gia đình không nhận được tín dụng thuế và không đủ thực phẩm.

 

Bà Dallafior cho hay khi các nhà lập pháp xem xét một dự luật, họ thường cắt những điều khoản có mục đích hỗ trợ trẻ em, và điều đó như xóa bỏ những tiến bộ đạt được qua đạo luật American Rescue Plan.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/01/DP-cat-tin-dung-thue-anh-huong-tre-em-ngheo-2-1068x600.jpg

Từ trái, bà Claire Zippel, bà Loree Jones và bà Michelle Dallafior. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

 

Build Back Better là dự luật có ngân sách đến $1,750 tỷ để đầu tư vào các chương trình xã hội và chính sách về khí hậu. Trong các chương trình xã hội của dự lật này có nhiều chính sách trợ giúp các gia đình thu nhập thấp và trẻ em.

 

Dự luật này đang được thảo luận tại Quốc Hội, nhưng có thể không thông qua được, và các nhà lập pháp đang cân nhắc chuyện cắt giảm ngân sách để tìm cách thông qua.

 

Với tình trạng chính phủ cắt những khoản trợ cấp quan trọng cho những gia đình thu nhập thấp có trẻ em, những gia đình đó sẽ gặp nhiều khó khăn trong mùa Đông này, và có thể tiếp tục gặp khó khăn trong những ngày tháng sau đó. [qd]

 

—–
Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com





No comments: