Saturday, September 25, 2021

THỦ TƯỚNG ĐỨC ANGELA MERKEL và TẦM NHÌN VỀ LIÊN HIỆP CHÂU ÂU (Thùy Dương - RFI)

 


Thủ tướng Đức Angela Merkel và tầm nhìn về Liên Hiệp Châu Âu

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 25/09/2021 - 12:15

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210925-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-%C4%91%E1%BB%A9...BB%87p-ch%C3%A2u-%C3%A2u

 

Chủ Nhật 26/09/2021, nước Đức tổ chức bầu cử Nghị Viện. Theo dự kiến, những kết quả bỏ phiếu đầu tiên sẽ được công bố vào khoảng 18 giờ ngày mai. Kết quả bầu cử sau đó sẽ cho phép lựa chọn người kế nhiệm thủ tướng Angela Merkel. Nước Đức sẽ có thủ tướng mới, sang trang gần 16 năm liên tục dưới sự lãnh đạo của bà Angela Merkel. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/d1392e10-1c4d-11ec-b4e4-005056a90284/w:980/p:16x9/23f873738ac10ee33f24a821800df3414e19ae31.webp

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại Bruxelles ngày 15/06/2021 Stephanie Lecocq POOL/AFP/Archivos

 

Không chỉ là một bước ngoặt chính trị đối với nước Đức, mà nhìn rộng ra châu Âu, kết quả bầu cử Đức cũng đang được Bruxelles ngóng đợi, bởi cho đến nay, với nền kinh tế đứng đầu khối 27 nước, có thể nói Berlin vẫn đóng vai trò đầu tầu tại Liên Hiệp Châu Âu.  

 

Khác với hai người tiền nhiệm Konrad Adenauer và Helmut Kohl, thủ tướng  Đức Angela Merkel không « thấm nhuần » công cuộc xây dựng Liên Hiệp Châu Âu. Khi mới bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2005, bà Merkel thậm chí còn không mặn mà với ý tưởng về Liên Âu, cũng không hiểu tầm quan trọng của nước Pháp. 

 

Thế nhưng, trong suốt gần 16 năm lãnh đạo, thủ tướng Đức đã cùng giới lãnh đạo châu Âu đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng, từ ngân sách Liên Âu giai đoạn 2007-2013, cuộc khủng hoảng đồng euro và nợ công Hy Lạp nổ ra vào năm 2010, khủng hoảng di dân quốc tế hồi năm 2015 và gần đây nhất là kế hoạch tái thiết kinh tế Liên Âu hậu Covid-19, đại dịch từng biến châu Âu thành khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng trên thế giới.  

 

Mặc dù kế hoạch phục hồi kinh tế châu Âu vừa qua là một bước tiến đặc biệt quan trọng của thủ tướng Merkel đối với Bruxelles, thế nhưng xét về tổng thể các hành động của lãnh đạo Đức tại châu Âu, bà Merkel vẫn chịu nhiều chỉ trích. RFI tiếng Pháp dẫn lời Daniela Schwarzer, giám đốc điều hành của tổ chức Open Society Foundation, nhận định bà Merkel « luôn tìm cách thỏa hiệp để tiến lên », nhưng mọi sự chuyển đổi là « quá chậm, gây lãng phí thời gian » của cả khối Liên Âu.  

 

Còn Franziska Brantner, chuyên gia về các vấn đề châu Âu của đảng Xanh, dù hoan nghênh việc bà Angela Merkel xử lý các cuộc khủng hoảng, nhưng lấy làm tiếc rằng nữ thủ tướng Đức « không có tầm nhìn », « không có tham vọng về châu Âu »« phản ứng với các cuộc khủng hoảng chỉ để tìm giải pháp, chứ không phải tìm cách tiến về phía trước », trái ngược với cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl và cựu ngoại trưởng Joschka Fischer. Bà Merkel cũng bị xem là gắn bó với tầm nhìn « liên chính phủ », chứ « không tìm cách củng cố, tăng cường các thể chế » của Liên Âu. 

 

Bất chấp những đánh giá theo chiều hướng nói trên, theo một cuộc thăm dò mới đây, nếu chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu được bầu theo thể thức bầu cử trực tiếp, thủ tướng Đức sẽ được 41% phiếu bầu, so với tỉ lệ 14% của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. 

 

                                                          ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

Bầu cử Đức : Châu Âu hồi hộp chờ người kế nhiệm Merkel

.

Angela Merkel, 16 năm đối đầu với bao khủng hoảng

.

Quan hệ với Nga và Trung Quốc: Hai thất bại của thủ tướng Đức Angela Merkel




No comments: