Saturday, September 25, 2021

NGA, TRUNG KHÔNG MUỐN HỘI ĐỒNG BẢO AN LHQ RA NGHỊ QUYẾT VỀ KHÍ HẬU và HÒA BÌNH (Trọng Thành - RFI)

 


Nga, Trung không muốn Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết về khí hậu và hòa bình

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 25/09/2021 - 17:09

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20210925-nga-trung-khong-muon-hoi-dong-bao-an-ra-nghi-quyet-ve-khi-hau-va-hoa-binh

 

Nga, Trung Quốc bác bỏ đề xuất Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết về khí hậu và hòa bình. Chính sách trục xuất người tị nạn tại vùng biên giới Mỹ - Mêhicô, của chính quyền Biden, bị lên án. Anh từ chối công nhận người chích ngừa bằng vac-xin Covishield tại Ấn Độ. Khí hậu, một chủ đề chính trong những ngày vận động bầu cử Quốc Hội cuối cùng tại Đức. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/9280c282-1e0f-11ec-901c-005056a97e36/w:980/p:16x9/changement-climatique_1024_0-2.webp

Trái đất bị hâm nóng làm gia tăng tình trạng khô hạn, bão lũ, nước biển dâng cao..., đe dọa tương lai nhân loại. Ảnh minh họa © RFI

 

Khí hậu là một chủ đề chính của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 76 họp tại New York tuần này. Hôm 23/09/2021, Hội Đồng Bảo An (HĐBA) có cuộc họp cấp cao đặc biệt bên lề Đại hội đồng về chủ đề khí hậu, hòa bình và an ninh. Cuộc họp do thủ tướng Irland Micheál Martin chủ trì, với tư cách chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An. Các diễn đàn của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc dường như cho thấy đa số các quốc gia đã nhận thức được rằng đa số các thách thức chủ yếu của nhân loại trong tương lai là do biến đổi khí hậu. Đề xuất của Irland về một nghị quyết về khí hậu và an ninh được đa số các thành viên HĐBA ủng hộ, trong lúc hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết phản đối.

 

 

Thông tín viên Carrie Nooten tường trình từ New York :

 

« Hồi năm ngoái, có đến 30 triệu người đã phải sơ tán do biến đổi khí hậu. Mà các biến động dân cư này, các luồng di cư này làm bất ổn nhiều khu vực rộng lớn. Đặc biệt là, trái ngược với một cuộc chiến tranh, xung đột, mỗi người có thể về nhà sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, những người tị nạn do các hậu quả của khí hậu nhìn chung sẽ phải tha hương mãi mãi.

 

Chính vì thế mà 12 trong số 15 thành viên Hội Đồng Bảo An yêu cầu Hội Đồng coi đây là một vấn đề thường trực, khi thông qua một nghị quyết có giá trị như luật quốc tế, và bổ nhiệm một đặc phái viên phụ trách tác động của khí hậu đối với hòa bình và an ninh. Đây là điều đã được thảo luận hồi tháng Hai 2021, nhưng Trung Quốc và Nga đã phản đối.

 

Ông Benjamin Pohl, thuộc nhóm tư vấn Adelphi, chuyên về chủ đề này, nhận định : ‘‘Trong 30 năm gần đây, Hội Đồng Bảo Anh đã xử lý ngày càng nhiều hơn các chủ đề thuộc về lĩnh vực giáp ranh giữa các vấn đề chính sách quốc tế và các vấn đề chính sách quốc gia. Nga và Trung Quốc không thích. Matxcơva và Bắc Kinh muốn ít nhất cũng giới hạn việc này, không cho phép đi xa hơn’’.  

  

Đối với ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, chỉ riêng việc đồng ý là vấn đề này có một vị trí trong lịch trình hành động của Hội Đồng Bảo An đã là một thông điệp rõ ràng gửi đến cộng đồng quốc tế ».

 

Về lý do phản đối của Nga, trang mạng của Liên Hiệp Quốc dẫn lời của đại diện Nga cho biết Matxcơva lo ngại có sự « trùng lặp » với vai trò của Đại hội đồng và Hội đồng Kinh tế và Xã hội - cũng làm việc về vấn đề biến đổi khí hậu. Nga cũng thể hiện coi nhẹ chủ đề khí hậu và an ninh, khi cử một đại diện cấp thấp tham gia vào cuộc họp này. Trung Quốc thể hiện thái độ đối kháng ít hơn Nga về sáng kiến này, khi thừa nhận sẵn sàng thảo luận về chủ đề này, ví dụ như « gắn bình diện khí hậu vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc », nhưng không chấp nhận việc « gắn liền vấn đề khí hậu vào tất cả các xung đột, chiến tranh ». Ngoại trưởng Ấn Độ cũng bày tỏ thái độ không ủng hộ sáng kiến nói trên khi cho rằng các biến đổi khí hậu có thể là một yếu tố làm trầm trọng thêm các xung đột, « nhưng không thể được xác định như là một nguyên nhân ».

 

 

Việt Nam muốn HĐBA vào cuộc

 

Trong cuộc họp của HĐBA hôm 23/09, Việt Nam khẳng định rõ lập trường thừa nhận mối liên hệ mật thiết giữa « biến đổi khí hậu », như một nguồn gốc « gây căng thẳng và bất ổn địa chính trị ». Việt Nam là thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An nhiệm kỳ 2020-2021.

 

Phát biểu tại cuộc thảo luận, chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: « Hội đồng Bảo an cần phát huy vai trò đi đầu trong nỗ lực xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động có các chiến lược, biện pháp về ngăn ngừa, xử lý hiệu quả ».

 

 

Khí hậu, chủ đề trung tâm tranh cử Quốc Hội Đức

 

Vấn đề khí hậu cũng là chủ đề chính trong 2 ngày cuối cùng của cuộc tranh cử Quốc Hội ở Đức. Khoảng 450 cuộc biểu tình trên khắp cả nước liên quan đến vấn đề này đã được tổ chức. Các cuộc biểu tình chủ yếu do phong trào « Fridays for future » tổ chức, phong trào bãi khóa mỗi thứ Sáu hàng tuần được khởi sự năm 2018, theo sáng kiến của nữ sinh Thụy Điển Greta Thunberg.

 

Chính cô Greta Thunberg có mặt tại Berlin hôm qua, 23/03, trước Nghị Viện Đức. Thông điệp chính của Greta Thunberg - gửi đến những người tranh đấu và giới lãnh đạo - là giới trẻ hãy tiếp tục xuống đường để yêu cầu các lãnh đạo có các biện pháp cụ thể vì khí hậu. Tại Đức, theo nhiều dự báo, đảng Xanh vì môi trường được coi là đảng chính trị chiếm thứ ba, và sẽ có tiếng nói đáng kể trong liên minh cầm quyền mới, bất kể đảng nào thắng cử.

 

Phóng sự của thông tín viên Anastasia Becchio gửi về từ thành phố Koln, nơi ứng cử viên thủ tướng đảng Xanh có mặt tại chỗ :

 

« Ứng cử viên đảng Xanh Annalena Baerbock dành thời gian để vui đùa với các em nhỏ có mắt đông đảo tại điểm khởi hành của một trong các đoàn tuần hành. Trên thảm cỏ của đại học Koln, bà Annalena Baerbock được những người ủng hộ đảng Xanh đón tiếp với hàng tràng vỗ tay. Ứng cử viên đảng Xanh tuyên bố : ‘‘Mỗi sự ủng hộ dành cho các dân biểu đảng Xanh là một sự ủng hộ cho một chính phủ cam kết mạnh mẽ vì khí hậu’’.

 

Nếu như theo các thăm dò, đảng Xanh đứng ở vị trí thứ ba, bất kể đảng nào về đầu trong cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật, thì sẽ khó có đảng nào qua mặt được đảng Vì Sinh Thái. Iouri, một sinh viên luật, 24 tuổi, hoan hỉ về điều này : ‘‘Có thể có những thay đổi, nếu có thêm một đảng mới trong chính quyền. Các đảng Die Grünen (tức đảng Xanh) và cả đảng SPD có một cương lĩnh tốt hơn về Khí hậu. Hy vọng của tôi là họ có thể làm nên chuyện’’. 

 

Về phần mình, ban tổ chức tuần hành, các thành viên tranh đấu của phong trào ‘‘những ngày Thứ Sáu vì Tương lai’’ (tức các cuộc bãi khóa của học sinh, theo sáng kiến của thiếu nữ Thụy Điển Greta Thunberg) nhấn mạnh là không đảng tranh cử nào có cương lĩnh đủ tham vọng để đáp ứng được các đòi hỏi của Thỏa thuận Paris vì Khí hậu… ngay cả đảng Xanh.

 

Anh Moritz Böll, thuộc hiệp hội de Students for Future, nói : ‘‘Chúng tôi vui mừng với việc đảng Xanh chứng tỏ là họ coi đây là chủ đề nghiêm túc, nhưng chúng tôi cảm thấy thật là không thành thực, khi chương trình hành động của họ không tương ứng với Thỏa thuận Khí hậu Paris. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa chủ đề này ra với công luận, đến với đường phố. Sau cuộc bầu cử này, bóng sẽ ở bên sân đảng Xanh’’.

 

Các nhà tranh đấu vì khí hậu chủ trương tiếp tục duy trì áp lực sau cuộc bầu cử Chủ Nhật này ».

 

 

Anh không công nhận vac-xin Ấn sản xuất

 

Trong lĩnh vực y tế, quan hệ Anh - Ấn căng thẳng sau khi Luân Đôn không thừa nhận vac-xin Covishield sản xuất và sử dụng phổ biến tại Ấn Độ. New Delhi lên án chính sách kỳ thị nghiêm trọng và đe dọa trả đũa.

 

Thông tín viên Sebastian Farcis tường trình từ New Delhi :

 

« Kể từ ngày 04/10, Vương Quốc Anh sẽ cho phép một số du khách đến đảo quốc không phải trải qua giai đoạn cách ly 10 ngày buồn chán, nếu họ đã được tiêm ngừa Covid-19. Tuy nhiên, người Ấn Độ không được hưởng quyền lợi này, cho dù họ có được tiêm chủng với vac-xin do công ty Anh AstraZeneca phát triển, với tên gọi Covishield tại Ấn Độ, được sử dụng cho 87% tổng số người đã được tiêm chủng tại quốc gia này.

 

Phản ứng tại Ấn Độ rất dữ dội, nhiều chính trị gia Ấn Độ nói đến chính sách phân biệt chủng tộc. New Delhi lên án nghiêm khắc quyết định nói trên. Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla phát biểu : ‘‘Covishield là một vac-xin sản xuất tại Ấn Độ, theo bản quyền của một doanh nghiệp Anh. Chúng tôi thậm chí còn sản xuất 5 triệu liều vac-xin này cho chính phủ Anh, số vac-xin đó đã được y tế Anh sử dụng. Như vậy việc không công nhận Covishield của Ấn Độ mang tính kỳ thị’’.

 

Ấn Độ đe dọa sẽ áp dụng biện pháp tương tự, buộc các du khách Anh phải cách ly khi đến Ấn Độ (cho dù có giấy chứng nhận tiêm chủng). Trước các lên án nói trên, Luân Đôn đã có phản ứng điều chỉnh phần nào : vac-xin Covishield giờ đây được công nhận, nhưng Anh vẫn không công nhận người tiêm chủng với loại vac-xin này, nếu việc chích ngừa được tiến hành tại một cơ sở y tế Ấn Độ. Như vậy, trên thực tế, không có gì thay đổi cả, người Ấn Độ khi đến Anh vẫn bị cách ly ».

 

 

Khủng hoảng tị nạn biên giới Mỹ - Mêhicô

 

Trong những ngày gần đây, chính quyền Joe Biden tiếp tục chiến dịch trục xuất người di cư tập hợp tại cầu Del Rio, ở Texas, nối liền Mỹ và Mêhicô. Liên Hiệp Quốc lo ngại về tình hình tại biên giới Mỹ - Mêhicô, nêu khả năng vi phạm luật quốc tế.

 

Đa số người di cư tập hợp tại đây là người Haiti, quốc gia đang chìm trong khủng hoảng, sau vụ tổng thống bị sát hại. Ngày 21/09, ít nhất 4 phi cơ đưa người di cư trở về Haiti. Tổng cộng tính đến hôm nay, 25/09, khoảng 2.000 người đã bị trục xuất về nước. Hình ảnh người Haiti bị cảnh sát biên phòng săn đuổi bằng ngựa được lưu truyền trên mạng, trong đó có hình một người Haiti vượt sông Rio Grande, khi vừa đặt chân lên bờ, bị cảnh sát đánh đập. Bản thân Nhà Trắng cũng phải thừa nhận bạo lực này là không chấp nhận được. 

 

Thông tín viên Thomas Harms tường trình từ Houston :

 

« Sau khi được phát đi, đoạn video đã nhận được hàng loạt lời lẽ lên án vào ngày thứ Hai này. Nữ dân biểu đảng Dân Chủ Ilhan Omar, đến Hoa Kỳ với tư cách người tị nạn Somalia, đã lên án việc xâm phạm nhân quyền trắng trợn.

 

Khi bị chất vấn về chủ đề này, người phát ngôn của Nhà Trắng, Jen Psaki phản ứng như sau :

 

‘‘Chúng tôi vừa xem đoạn video này. Thật là kinh khủng khi coi. Tôi cần có thêm thông tin về chuyện này. Tuy nhiên, một con người bị đối xử phi nhân tính như vậy bất kể trong bối cảnh nào, ở biên giới của đất nước chúng ta hay nơi khác, thì đây hoàn toàn không phù hợp với chính sách của chính quyền Biden. Tôi nghĩ là không ai có thể cho rằng điều này là chấp nhận được, khi xem đoạn video này’’. 

 

Về phần mình, bộ trưởng bộ An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas và Raul Ortiz, chỉ huy lực lượng Biên Phòng, làm việc lâu năm tại Del Rio, ngay lập tức bảo đảm là một cuộc điều tra nội bộ sẽ được tiến hành.

 

Các đại diện của cộng đồng người Haiti ở hải ngoại, như chủ tịch của Hiệp hội Haiti Bridge Alliance, Guerline Jozef, ngay lập tức đã phản ứng và yêu cầu chính quyền Mỹ chấm dứt việc trục xuất. Họ khẳng định giờ đây thế giới đang nhìn vào các hành động của Hoa Kỳ ».

 

Theo ông Olivier Richomme, giảng viên môn Văn minh Hoa Kỳ, Đại học Lyon 2, Pháp, chính quyền Biden đã « duy trì các chính sách đáng bị lên án nhất thời Donald Trump ». Thái độ của chính quyền Biden đối với chủ đề nhập cư mang lại một thông điệp rất xấu đối với cử tri đảng Dân Chủ, có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử Hạ Viện giữa kỳ, diễn ra vào cuối năm 2022. Theo ông Olivier Richomme, vì lý do này, nhiều chính trị gia Dân Chủ lên án dữ dội tổng thống Biden.




No comments: