Sunday, September 26, 2021

BANG GIAO VIỆT - TRUNG 'TỎA SÁNG' CẢ HÀ NỘI, NEW YORK LẪN WASHINGTON DC (Hoàng Trường)

 


Bang giao Việt – Trung ‘toả sáng’ cả Hà Nội, New York lẫn Washington DC 

Hoàng Trường

26/09/2021

https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-xuan-phuc-nguyen-phu-trong/6246086.html

 

https://gdb.voanews.com/848B0051-0898-407F-AA6D-68D3B7BA75A1_w650_r1_s.png

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 76 tại New York, Hoa Kỳ, ngày 22-9-2021, theo giờ Hoa Kỳ. Photo chụp từ UN Web TV.

 

Trước khi “toả sáng” ở New York (tại Liên Hợp Quốc) và ở Washington DC, mối bang giao Trung – Việt 3200 năm có lẻ ấy vừa “phát quang” ngay từ Thủ đô Hà Nội. Sáng 24/9/2021, tại Trụ sở Trung ương ĐCSVN, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Về cùng một sự kiện ấy, nhưng truyền thông hai nước đưa nội dung, thông qua tường thuật của Thông tấn xã mỗi bên, lại khá vênh nhau. Bản tin của TTXVN, như thường lệ, toàn dùng ngôn ngữ gỗ, sử dụng các cụm từ mơ hồ, sáo rỗng và trừu tượng, tạo nên hiệu ứng đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi các vấn đề đàm đạo. Tân Hoa xã của Trung Quốc, ngược lại đã chủ động và đơn phương đăng tải khá cụ thể những nội dung chủ yếu của cuộc điện đàm. Chi tiết tới mức độ, có những khái niệm lần đầu tiên chúng ta mới được nghe thấy.

 

 

“Bảo vệ an ninh cầm quyền”

 

Theo phía Trung Quốc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh “bảo vệ an ninh cầm quyền của Đảng Cộng sản và an ninh chế độ xã hội chủ nghĩa là lợi ích chiến lược căn bản nhất của hai nước Trung – Việt… Trung Quốc kiên định ủng hộ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt Đảng và nhân dân Việt Nam đi con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình nước mình, thực hiện mục tiêu phát triển được xác định trong Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13”. Ở đây tuy vẫn có sự lấn lướt của ngôn ngữ gỗ nhưng đã hàm ý một số nội dung khá cụ thể. Vế thứ nhất, lợi ích hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, là giữ ghế và duy trì vị thế độc tôn lãnh đạo. “An ninh cầm quyền” chỉ có thể hiểu như thể! Vị thế này, từ phía Việt Nam, Trung Quốc hứa sẽ bảo lãnh mọi mặt để “ngai vàng” của Nguyễn Phú Trọng vẫn tồn tại.

 

Vế thứ hai, công khai hoá và tái khẳng định, ở cấp độ cao hơn, nội dung về thứ nhất, đó là phía “Trung Quốc kiên định ủng hộ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt Đảng và nhân dân Việt Nam…”. Đây là về cốt yếu mà phía Trung Quốc thấy cần phải nhấn mạnh. Điều bí ẩn nhưng không hoàn toàn bí mật là tại sao trong thông cáo từ phía Việt Nam, thiếu hẳn nội dung quan trọng này? Chỉ có thể lý giải là Trung Quốc có thông tin về tranh giành quyền lực trong nội bộ của ĐCSVN nhưng họ không thể cho dân biết. Cũng “theo sự chỉ đạo” từ Bắc triều cả nhưng giữa các phái “thân” – “sơ” khác nhau. Và ông Tập quyết định ra tay trước, rằng chúng tôi vẫn tiếp tục ủng hộ đồng chí Nguyễn Phú Trọng ngồi lại ghế Tổng bí thư, các anh chưa được tính chuyện “thay ngựa giữa dòng”.

 

Có một nội dung mà cả hai thông cáo đều truyền tải giống hệt nhau: Trung Quốc và Việt Nam quyết tâm “tăng thêm sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, sâu sắc giao lưu kinh nghiệm quản lý đảng, quản lý đất nước…” Thống nhất đưa tin về một nội hàm không tồn tại! Làm gì có “sự tin cậy lẫn nhau” giữa Việt Nam và Trung Quốc, kể cả giữa hai thực thể của cái gọi là hai “Đảng Cộng sản”! Nhưng để giữ ghế, nói chữ trong điện đàm là “bảo vệ an ninh cầm quyền”, là có thể hiểu ngay. Bởi vì khái niệm “giao lưu kinh nghiệm quản lý đất nước”, hiểu thế nào cũng được. Nó khiến người đọc hình dung, “khi cần, anh nhờ tôi vào đàn áp dân a

 

 

Lên án cấm vận, ủng hộ Taliban

 

Chiều 23/9/2021, ánh sáng từ “sân khấu” Ba Đình được chuyển sang New York, tiêu điểm vào phiên thảo luận chung cấp cao Khoá họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA). Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu, trong đó, ông Phúc đã “bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Cuba, kêu gọi chấm dứt bao vây, cấm vận đơn phương đối với Cuba… mong tình hình Afghanistan sớm ổn định... ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine và giải pháp hai nhà nước để thành lập một Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình với Nhà nước Israel…”.

 

“Thành đổ đã có Chúa xây/ Cớ chi gái goá khóc ngày khóc đêm?”

 

Chỉ trong một đoạn tuyên bố thượng dẫn, ông Nguyễn Xuân Phúc đã mắc ít nhất 3 sơ suất về đối ngoại. Thứ nhất, việc ông thăm La Habana trước khi sang dự phiên thảo luận UNGA tại New York và thăm Washington, rồi từ ngay trên đất Mỹ, ông lại kêu gọi chấm dứt bao vây cấm vận Cuba là một động thái “tréo cẳng ngỗng” về ngoại giao. Thứ hai, việc ông chọc vào tổ ong vò vẽ Palestine – Israel càng là một động thái thiếu khôn ngoan, khi Việt Nam đang có những thoả thuận cả công khai lẫn bí mật với Israel. Nhưng sơ suất thứ ba mới là nghiêm trọng. Ông Phúc kêu gọi ổn định cho Afganistan, cũng có nghĩa là ông kêu gọi đẩy nhanh việc chuyển giao quyền lực sang tay các lực lượng khủng bố Taliban. Một đòi hỏi mà chính Trung Quốc cũng đang rất “mót”, để sớm thay thế vị trí của Mỹ, chuẩn bị bày đặt lại ván cờ lớn với Taliban. Liệu ông Phúc có biết được, cái bắt tay giữa Trung Quốc với Taliban sẽ là hoạ hay phúc mà đã nhanh nhẩu thế?

 

Trong khi những vấn đề có lợi ích sát sườn với quốc gia – dân tộc Việt Nam thì ông Chủ tịch nước lại chỉ lướt qua. Từ 20 – 26/9 , Trung Quốc đã tiến hành bốn cuộc tập trận liên tiếp ở Biển Đông, trong đó có các cuộc tập trận tại khu vực Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa. Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 19/9, đã dẫn nguồn từ website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) đăng tải thông tin vừa nêu một ngày trước đó. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố khẳng định, Trung Quốc đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi thực hiện tập trận ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Được biết, Trung Quốc lên kế hoạch hoặc tiến hành tập trận ít nhất 39 lần ở Biển Đông, trong chín tháng đầu năm 2021. Trong đó có 15 cuộc tập trận diễn ra ở Vịnh Bắc Bộ và có ít nhất một cuộc tập trận đã được thực hiện tại quần đảo Hoàng Sa, trong năm ngày từ 6 – 10/8/2021. Ngày 23/9 vừa qua, Việt Nam cũng đã phản đối Trung Quốc đưa vận tải cơ ra các đảo đá thuộc Trường Sa của Việt Nam..

 

Tình hình Biển Đông nóng lên từng ngày như thế mà Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc chỉ nhẹ nhàng: “Việt Nam cùng quan điểm của ASEAN và chia sẻ tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”. Tuyên bố như thế thì còn thấp hơn cả mức độ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Trong khi đó, Nhật Bản và Ấn Độ lại bày tỏ thái độ rõ ràng, kiên quyết phản đối Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng trên biển. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trước thềm thượng đỉnh Bộ Tứ QUAD tại Washington hôm 23/9/2021, đã đồng lên tiếng phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

 

 

Bài học nào từ Hiệp định AUKUS?

 

Cho đến tối 25/9 khi chuyên cơ chở ông Phúc lăn bánh trở lại sân bay Nội Bài, có thể rút ra nhận xét: Khác với những lần trước đây, về đẳng cấp, chuyến thăm làm việc tại Thủ đô nước Mỹ vừa qua của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc không thể so sánh với các chuyến thăm chính thức (có lời mời từ chính quyền Mỹ) cách đây không lâu cũng tại Washington DC của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Mặc dầu mỗi ngày tại Thủ đô, ông Phúc trung bình có tới hai chục cuộc tiếp xúc với các doanh nhân, các tập đoàn Hoa Kỳ, nhưng chỉ có một nhân vật duy nhất gần gũi với chính quyền Biden hội kiến ông. Đó là đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry. Tuy nhiên, nguyên nhân của các kết quả khiêm tốn trong chuyến thăm Mỹ lần này lại không nằm ở cá nhân ông Nguyễn Xuân Phúc. Vấn đề nằm ở sự mất đà của mối bang giao Hoa Kỳ – Việt Nam kể từ sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris tại Hà Nội.

 

Các nhà quan sát hiện đang tập trung đánh giá tính thời cơ trong quan hệ Mỹ – Việt. Việc xác định bang giao Việt – Mỹ “hậu Harris” sẽ nằm trong xu hướng nào, tiến độ thực hiện các “thoả thuận Fact Sheet” để thúc đẩy quan hệ sẽ được tăng tốc hay bị chậm lại? Các xu hướng mới là gì, đã bắt đầu, đang tiếp diễn hay sắp kết thúc để các nhà hoạch định chính sách từ cả hai phía tìm không gian xử lý. Trong khi Việt Nam chưa sẵn sàng để nâng quan hệ với Mỹ lên tầm đối tác chiến lược, “làm sao để Việt Nam có thể trở thành một đồng minh kinh tế hùng cường của Hoa Kỳ?” Đây là một câu hỏi hết sức thiết yếu và thời sự được nhà phân tích Noah Smith nêu ra trên tờ “Washington Post” ngày 29/8/2021. Đây cũng không phải lần đầu tiên các chuyên gia quốc tế đặt vấn đề để Việt Nam trở thành đồng minh của Mỹ, cho dù chỉ hạn chế là “đồng minh về kinh tế”.

 

Sau cùng nhưng là điều quan trọng nhất, chuyến thăm làm việc ở New York và Washington của ông Phúc kỳ này diễn ra vào đúng dịp Tổng thống Biden và các nhà hoạch định chiến lược của Hoa Kỳ “trình làng” Hiệp ước AUKUS. Thông báo đột ngột và bất ngờ về “Thoả thuận an ninh tay ba Úc – Anh – Mỹ” (AUKUS) đã/đang làm rung chuyển các kịch bản chính trị và địa-chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Câu chuyện Hoa Kỳ cùng với đồng minh “ruột” sẵn sàng bỏ qua sự phản đối của Pháp, quyết định cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc là một quyết định có ý nghĩa lịch sử. Lần đầu tiên kể từ năm 1958, khi Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Anh, việc này giờ đây mới tái diễn, vì sự hung hăng và vô lối của Trung Quốc trên Biển Đông.

 

Việt Nam và ASEAN, ARF (Diễn đàn An ninh Khu vực) và EAS (Diễn đàn Cấp cao Đông Á) cần dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu tác động từ “sự chuyển dịch kiến tạo” (tectonic shift) của AUKUS. Tấm gương tày đình của nước Pháp cho thấy, không chỉ các nước vừa và nhỏ, mà ngay cả các quốc gia tầm trung, cũng không nên làm vật cản trong quá trình các nước lớn triển khai các đại chiến lược của họ. Bất luận “toàn diện” hay “chiến lược”, Việt Nam cần nỗ lực đáp ứng các chất lượng nội tại để đáp ứng yêu cầu tập hợp lực lượng cho kỷ nguyên AUKUS. Đúng như lời kêu gọi của ông Nguyễn Trung, nguyên Trợ lý Thủ tướng nhiều năm trước đây: Đã đến lúc Việt Nam “phải xác định rõ chỗ đứng của mình trong bàn cờ mới này của thế giới và phải xốc lại chính mình để sống kịp và để giành lấy vị thế mới phải có – sống hay là chết!”




No comments: