Saturday, May 23, 2020

VÀI ĐIỀU VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN TƯỜNG THỤY BỊ BẮT (Người Buôn Gió)




Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, một cựu chiến binh trong kháng chiến chống quân bành trướng xâm lược Bắc Kinh đã bị công an Việt Nam đến khám xét và bắt giữ chỉ ít ngày sau khi nhà văn Phạm Thành bị CA Hà Nội bắt.

Ông Nguyễn Tường Thuỵ là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo. Ông là phó chủ tịch hội nhà báo Việt Nam Độc Lập. Một hội nhà báo được thành lập trên ý nguyện của những người yêu chuộng thông tin đa chiều, phong phú.

Như vậy tính ra liên tiếp gần đây công an Việt Nam đã bắt những người cầm bút tự do như nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà văn Phạm Thành, nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ. Đây là những người cầm bút thực sự, họ có những bài viết, bài thơ, bài báo, tác phẩm hoàn chỉnh như sách đã in. Họ là những cây viết có tính chuyện nghiệp, không phải như nhiều người đấu tranh dân chủ chỉ viết những stt ngắn, kết cấu chỉ như vài lời thể hiện tâm tư.

Nói chính xác thì đây là cuộc đàn áp, khủng bố quyền tự do báo chí, tự do sáng tác..nấp dưới chiêu bài xâm phạm an ninh quốc gia.

Sở dĩ cần nhấn mạnh vậy, để tiện cho công cuộc đòi hỏi tự do sau này của họ.

Nói qua vì sao cần như vậy, bởi ở những nước văn minh, nơi ấy quốc hội là nơi có quyền lực nhất, thể nguyện cho ý chí người dân. Người dân ở những nước này họ có nhiều quan điểm về chính trị khác nhau. Nhưng họ đều có một cái chung là khi ở một nước độc tài nào đó mà chính quyền nước họ có quan hệ ngoại giao, viện trợ. Trường hợp các nước này có hành vi đàn áp, bắt bớ  những nghệ sĩ, văn sĩ, hoạ sĩ,  tu hành là họ rất bất bình. Với họ hành động bắt bớ những người như vậy là man rợ, phi nhân tính. Yêu cầu của họ đến với quốc hội được chú ý hơn, từ đó quốc hội có ý kiến sang bên chính phủ phải có động thái như vậy với đất nước có quan hệ ngoại giao.

Chính thể cộng sản VN cầm quyền hiểu rất rõ điều này, bởi vậy khi bắt những người như trên, họ thường đưa vào tội tổ chức khủng bố, bạo loạn, lật đổ  nhằm đối phó với dư luận nhân dân các nước tiến bộ. Đồng thời cũng nhằm lừa bịp nhân dân trong nước rằng những người này không phải cao quý gì, chỉ là những kẻ bất mãn, phản động.

Về điểm này là ý kiến cá nhân của tôi,  ý kiến này không nhẳm cản trở các tổ chức hải ngoại  đi theo hướng họ là những nhà đấu tranh, bất đồng chính kiến với thể chế cộng sản để đấu tranh đòi tự do cho những người trên.

Theo như lệnh khám xét nhà ông Nguyễn Tường Thuỵ thì đã có từ ngày 18 tháng 5 năm 2020 do công an TPHCM ra lệnh. Do đó có thể kết luận vụ bắt giữ này do CATPHCM thực hiện và việc khám xét là phối hợp với CATPHN, ngay sau đó ông Thuỵ bị áp giải đi vào SG.

Một lần nữa cũng như vụ bắt nhà văn Phạm Thành, bộ công an đã để cho các địa phương tự do bắt người và tự do thụ lý vụ án. Phải chăng đây là một chính sách mới hay là do trong thượng tầng bộ công an đang có những xáo trộn dẫn đến các địa phương tuỳ tiện hành xử.

Nguyên tắc vi phạm ở đâu, đơn vị ở đó phụ trách xử lý. Trường hợp di lý nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ vào TPHCM để phục vụ điều tra với vụ án mà  an ninh nơi đây thụ lý là hoàn toàn trái pháp luật. Ông Thuỵ sinh sống ở Hà Nội, những hành động của ông như viết báo, phát ngôn diễn ra tại Hà Nội. Trường hợp thế công an Hà Nội phải phụ trách, nếu địa bàn vụ việc rộng hơn, thì Bộ Công An phải đứng ra làm việc. Không thể di lý một người mà hành vi của họ diễn ra ở nơi này nhưng giam giữ họ ở nơi khác cách xa hàng ngàn cây số trong quá trình còn đang điều tra. Đó không những là vi phạm luật mà còn là hành vi ngược đãi, khủng bố tinh thần người bị bắt giữ.

Cũng theo gia đình nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ thông báo với dư luận, ông Thuỵ bị công an TPHCM quy chụp theo điều 113 của Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi bổ sung năm 2017 ( nhiệm kỳ đảng CSVN khoá 12 ) với tội danh Khủng Bố Nhằm Chống Chính Quyền Nhân Dân.

Điều luật này ngay cái tên gọi đã phi lí vì trái với hiến pháp hiện hành, chính quyền trong điều luật này không phải là chính quyền nhân dân, hiến pháp quy định đảng lãnh đạo toàn diện, vậy chính quyền ở trong tội danh này phải gọi là chính quyền của đảng CSVN mới chính xác.

Đi sâu tìm hiểu về nội dung điều luật 113 này, thì thấy việc khủng bố phải đi với hành động bạo lực như đe doạ vũ lực cán bộ, công chức, phá huỷ tài sản của cơ quan tổ chức cá nhân, cưỡng ép bắt buộc người khác tham gia hoạt động này. Tấn công xâm hại máy tính, mạng của tổ chức cá nhân...

Chiếu theo những gì điều luật này liệt kê, thì việc viết ra những bài báo thể hiện quan điểm hoàn toàn khác biệt với hành vi mà điều luật này đã nêu ra.

Nhưng trong khoản 4 của điều 113 mới được bổ sung dưới thời chánh án Nguyễn Hoà Bình lại thêm một đoạn như này.

- 4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.

Khoản 4 của điều này mới là mấu chốt giải thích cho các vụ bắt bớ gần đây. Khoản 4 này cũng là một điều khoản của đất nước bị mất quyền độc lập, phải làm tay sai cho ngoại bang. Theo những điều này thì việc biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng là hành động khủng bố, phản đối những tâp đoàn Trung Cộng đầu tư gian mạnh vào Việt Nam cũng là hành động khủng bố, phản đối đặc khu Vân Đồn, nhà máy Formosa đều là khủng bố.

Bình luận về điều 113 này, luật sư Nguyễn Duy Hội trưởng chi nhánh Hà Nội của công ty luật TNHH Everet đã bày tỏ lo ngại về tính chủ quan, ví dụ ông Hội lo ngại sự nhập nhèm khi một công dân tố cáo một quan chức, bị khép vào tội khủng bố quan chức.

Xin đăng nguyên văn ý kiến của luật sư Nguyễn Duy Hội dưới đây để làm cái kết cho bài viết này.

 Vì sao các tổ chức, cá nhân nên sử dụng dịch vụ pháp lý trong trường hợp có liên quan tới tội phạm khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân:

Oan, sai, tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay không còn hiếm. Tình trạng này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm... mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người;

Ngược lại, Việt Nam không hiếm trường hợp lại diễn ra tình trạng "hành chính hóa" hoặc "dân sự hóa" hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm). Tố giác, tố cáo, tin báo tội phạm của tổ chức, doanh nghiệp, công dân không được giải quyết đúng pháp luật, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, không truy tố hoặc truy tố không đúng hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, các đương sự;

Sự tham gia của luật sư trong lĩnh vực hình sự đặc biệt là với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo), người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trên. Hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại không chỉ là hoạt động nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của người luật sư trong việc duy trì công lý.

Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng Chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest




No comments: