Tuesday, May 19, 2020

TỪ HỒ ĐẾN TRUMP (Trịnh Hữu Long)




NỘI DUNG :

.
.
Lý Minh  -  Luật Khoa

========================================
.

Từ bảy năm nay, tôi có một phép thử nho nhỏ để đo các thay đổi xã hội.

Tôi viết bài “8 sự thật về Hồ Chí Minh” (*) vào dịp 19/5 năm 2013. Lần đầu tiên tôi đăng lên Facebook, có kha khá bạn bè hưởng ứng, nhưng chừng đó không thấm vào đâu so với cơn thịnh nộ tôi nhận được từ người quen thân lẫn người không quen. Thầy giáo cũ mà tôi có giao lưu cũng vào chửi tôi, chửi luôn cả chị Đoan Trang, làm tôi bực mình phải unfriend luôn.

Những năm sau đó, cứ vào dịp 19/5 tôi lại đăng lại bài này, dù cảm giác mỗi lần đăng là không dễ dàng gì, giống như mình đang thách thức biết bao người quen, người thân. Một hai năm đầu tiên, phản ứng của bà con không thay đổi nhiều lắm, nhưng có vẻ từ năm thứ ba thì thay đổi rõ rệt. Đến giờ thì thay đổi quá nhiều. Đây chỉ là quan sát trong một tập hợp nhỏ, tôi không biết nó có phản ánh đúng thay đổi xã hội hay không.

Tuy vậy, bạn bè tôi có nhiều người giờ đã “đổi màu”, nhiều người đã trở nên trung dung hơn, nhiều người không còn sùng bái Hồ Chí Minh nữa. Với tôi, đó là những thay đổi ngấm ngầm, hầu như không ồn ào gì, nhưng là một trong những thay đổi quan trọng nhất tôi muốn thấy, bởi vì chừng nào còn cái văn hóa sùng bái lãnh tụ thì chừng đó độc tài còn đất diễn, bất kể là độc tài cộng sản hay độc tài kiểu khác.

Có người nói Hồ Chí Minh là trụ cột chống đỡ cho chế độ ngay cả khi đã chết. Tôi đồng ý. Nhưng Hồ Chí Minh chỉ là công cụ cụ thể, là vẻ bề ngoài của cái gọi là trụ cột của chế độ ấy, đó là văn hóa sùng bái lãnh tụ. Cái trụ cột không phải là một con người cụ thể, không phải là thứ vật chất hiển hiện ra trước mắt, mà là một thứ tâm lý vô hình thấm vào từng tế bào, len lỏi vào tận từng nơ-rôn thần kinh trong não bộ con người.

Ngày nay, văn hóa đó vẫn còn tồn tại dai dẳng, mạnh mẽ qua hiện tượng sùng bái Nguyễn Bá Thanh, tung hô Đoàn Ngọc Hải, và nhẹ nhàng qua hình ảnh Vũ Đức Đam trong đợt dịch COVID-19.

Biểu hiện của văn hóa đó sinh động đến mức ngay cả những người chống Cộng cực đoan nhất, chống Hồ Chí Minh cực đoan nhất cũng có, qua hiện tượng sùng bái Donald Trump.

Ngày nay, phê phán hay chỉ trích Hồ Chí Minh với tôi không còn là việc gì nguy hiểm nữa. Thứ nguy hiểm lại là phê phán, chỉ trích Donald Trump. Tôi bị vô số người chửi rủa không tiếc lời, thậm chí có vài người còn đe dọa. Một không khí thù địch đáng sợ bủa vây, nhưng lần này (nhiều khả năng) không phải do công an hay dư luận viên tạo ra. Bạn bè tôi nhiều người vì sợ hãi cái không khí thù địch đó, hay sợ mất lòng mà cũng không nói gì về Trump.

Nhưng nếu tôi từng vượt qua được biết bao người thân quen chửi rủa mình vì phê phán Hồ Chí Minh thì Donald Trump không phải là vấn đề lớn.

Nói vậy không phải là tôi không tôn trọng những ai yêu mến ông Trump, và tôi thậm chí còn ủng hộ một số việc ông ấy làm, một số lời ông ấy nói, trong một số việc khác tôi cũng biết rõ nó chỉ là các trường phái khác nhau trong chính trị chứ không hẳn là đúng hay sai.

Cũng như trước đây với fan của Hồ Chí Minh, tôi không bao giờ mạt sát fan của Trump (mặc dù fans Trump mạt sát tôi rất thường). Hiện tượng sùng bái Donald Trump chỉ là sự nối tiếp của một thứ văn hóa sùng bái cá nhân đã tồn tại ở nước Nam từ ngàn đời nay chứ không có gì mới. Mọi việc xảy ra có nguyên nhân và quy luật của nó, hay có thể nói là ý Chúa.

Những ai mưu cầu thay đổi xã hội thì chỉ có thể điềm tĩnh và kiên trì với những nguyên tắc của mình, dù lẻ loi đến đâu, và chớ mong đợi những thay đổi lớn lao trong ngắn hạn, thậm chí trong cuộc đời mình. Nếu mọi việc có xấu hơn đi chăng nữa, nó cũng là ý Chúa.
___


------------
Ghi chú của độc giả :  Donald Trump có bí danh tiếng Việt là Đỗ Nam Trung



.

Hôm nay nhân vụ Phương Uyên, nhà cháu nghĩ lại thấy Hồ Chí Minh thật tội nghiệp! Kẻ thì dùng mỹ từ tôn ông lên làm thánh, kẻ thì xúc phạm nặng nề và vẽ ông thành quỷ. Việc làm của bọn họ tuy có vẻ trái ngược nhau, nhưng đều đưa đến một hậu quả to tổ bố, đó là bóp méo Hồ Chí Minh. Sau đây là một vài chi tiết trong cuộc đời Hồ Chí Minh được sắp xếp theo trình tự thời gian mà nhà cháu sưu tầm được, cũng như tìm cách diễn đạt theo ngôn ngữ bình thường (không lăng xê cũng không lăng mạ), hầu các cụ:

1. Hồ Chí Minh thuộc thế hệ 9x. Ông sinh năm 1890.

2. Hồ Chí Minh từng bị đuổi học vì đi biểu tình. Khi phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ nổ ra vào năm 1908, Hồ Chí Minh (khi đó có tên là Nguyễn Tất Thành) đang học trường Quốc học Huế, cùng bạn bè tham gia biểu tình và bị chính quyền đàn áp, về sau bị đuổi học. Cha ông bị triều đình khiển trách nặng nề vì hành vi của con trai, anh trai ông cũng bị giám sát chặt chẽ.

3. Hồ Chí Minh là người Việt Nam đi xuất khẩu lao động nổi tiếng nhất thế giới. Mới 21 tuổi, ông đã theo tàu Pháp bôn ba khắp năm châu làm phụ bếp, sau đó là xúc tuyết, quét than và làm nhiều công việc cực nhọc khác để kiếm sống.

4. Hồ Chí Minh đã nhận tiền của nước ngoài để chống chính quyền trong các thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhiều tài liệu giải mật cho thấy ông đã nhận lương, phụ cấp và nhiều khoản tài trợ khác từ Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản để hoạt động từ những năm 1920. Nhờ vậy, ông có thể di chuyển, sinh sống và mở các lớp huấn luyện ở Trung Quốc và Thái Lan.

5. Hồ Chí Minh đã khôn khéo lợi dụng các quyền tự do dân chủ của phương Tây để chống chính quyền trong các thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ông tham gia ký “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Versailles năm 1919, mở báo “Người cùng khổ” (Le Paria) năm 1922 nhằm tố cáo các tội ác của chính quyền thuộc địa,  cũng như viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản năm 1925 tại Paris.

6. Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập một số đảng phái, tổ chức chính trị ở hải ngoại. Năm 1920, ông là đồng sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp, đến năm 1925 lập ra “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” ở Quảng Châu - Trung Quốc nhằm huấn luyện chính trị và cách thức đấu tranh giành chính quyền (không nhất thiết là “bất bạo động”) cho các nhà hoạt động trong nước. Đặc biệt, khi còn ở hải ngoại (Hong Kong), ông đã là người sáng lập ra một đảng phái chính trị có tên là Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930, nhằm mục đích lật đổ chính quyền ở trong nước.

7. Hồ Chí Minh đã viết nhiều tài liệu chống chính quyền mà nổi tiếng nhất là tác phẩm “Đường kách mệnh”, xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu - Trung Quốc.

8. Hồ Chí Minh đã tham gia nhiều khóa học về bạo động lật đổ chính quyền ở nước ngoài, đặc biệt là ở Đại học Phương Đông (Liên Xô) trong những năm 1930.

9. Sặc cà lày tục tiệp sau ^^...

----------------------------------------


Lý Minh  -  Luật Khoa
19/05/2020

Hồ Chí Minh từng có thời thuần túy là một người tranh đấu cho các quyền tự do, dân chủ.

Năm 2019, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 100 năm bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”. Bản yêu sách đó là nguyện vọng chính đáng của Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân An Nam gởi đến Hội nghị Versailles của các cường quốc sau Thế Chiến thứ Nhất để yêu cầu chính quyền Pháp và các nước thắng trận thực thi cho đất nước Việt Nam.

Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc (có tài liệu cho rằng đó là tên chung của một nhóm nhà hoạt động Việt Nam, trong đó có Nguyễn Tất Thành) thay mặt nhân dân An Nam đề xuất tám nguyện vọng:

“1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị.

2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phạn trung thực nhất trong nhân dân An Nam.

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận.

4. Tự do lập hội và hội họp.

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương.

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ.

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật.

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.”

Những yêu cầu của bản yêu sách tám điểm trên thể hiện tinh thần muốn xây dựng một đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc của Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn giữa mong muốn của Nguyễn Ái Quốc ngày xưa với hiện thực của Việt Nam hiện nay khiến cho bản yêu sách tám điểm vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Sự nghiệp của Hồ Chí Minh sẽ trở nên vĩ đại nếu như nguyện vọng trong bản yêu sách đó được chính quyền Việt Nam hiện nay, chính quyền tồn tại được nhờ công lao to lớn của Hồ Chí Minh, áp dụng trong thực tế.

Điều đáng tiếc là cho đến năm 2020, những nguyện vọng vô cùng chính đáng của Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục là nguyện vọng của người dân Việt Nam gởi đến chính quyền Việt Nam chứ chưa phải là điều chính quyền đã thực hiện như mong muốn của Hồ Chí Minh. Đất nước Việt Nam đã được độc lập nhưng những quyền tự do chính trị, tự do ngôn luận, tự do lập hội vẫn đang bị chính quyền đàn áp.

Hồ Chí Minh của năm 1919, nếu có mặt ở Việt Nam ngày hôm nay, có lẽ vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh để kêu gọi ân xá cho các tù nhân chính trị, thả các nhà hoạt động xã hội; kêu gọi cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, để báo chí không bị kiểm duyệt bởi Ban Tuyên giáo; kêu gọi cho quyền tự do lập hội; kêu gọi cải cách nền tư pháp để không còn những vụ án oan; kêu gọi quản lý nhà nước bằng các đạo luật thay vì bằng nghị quyết, và kêu gọi bầu cử tự do – công bằng.

Những nguyện vọng của Hồ Chí Minh trong bản “Yêu sách tám điểm” là nguyện vọng chính đáng mà bất kỳ chính quyền nào cũng cần phải thực hiện cho dù đó là chính quyền thực dân Pháp, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hay chính quyền Việt Nam hiện nay.

Quyền con người tuy đã được long trọng ghi nhận trong bản Hiến pháp Việt Nam 2013 nhưng để trở thành hiện thực luôn cần một quá trình đấu tranh trường kỳ của nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam.

Những người yêu mến Hồ Chí Minh, những người muốn sống, làm việc và học tập theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là những người tham gia đấu tranh cho những quyền tự do chính đáng của người dân Việt Nam như khi xưa Hồ Chí Minh đã thực hiện. Đó có lẽ là điều đáng học nhất ở “tấm gương Hồ Chí Minh”.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.





No comments: