The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy dịch
18/05/2020
Ấn Độ tuyên bố sẽ khởi động một chương trình tư nhân hóa và sẽ đình chỉ
các vụ phá sản mới trong vòng một năm tới nhằm ngăn tình trạng các doanh nghiệp
vỡ nợ hàng loạt vì Covid-19. Phong tỏa nghiêm ngặt của nước này đã giáng đòn
đau vào nền kinh tế. Xuất khẩu hàng hóa từ Ấn Độ đã giảm 60% trong tháng 4.
Chính phủ Trung
Quốc đã sa thải sáu quan chức cấp cao ở tỉnh Cát Lâm miền đông bắc,
tâm dịch của đợt bùng phát covid-19 mới ở Trung Quốc. Người dân ở quận Phong
Mãn của thành phố Cát Lâm được lệnh ở nhà để ngăn bệnh lây lan. Một số dịch vụ
không thiết yếu, như rạp chiếu phim và quán karaoke, cũng đã bị đóng cửa.
Trong một cuộc phỏng vấn
với CBS News, Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo rằng giai đoạn
phục hồi kinh tế Mỹ có thể kéo dài đến cuối năm sau. Và nó có thể không phục hồi
hoàn toàn cho đến khi có vắc-xin phòng Covid-19. Tuần trước, Powell cho biết có
thể cần nhiều kích thích tài khóa hơn nữa để ngăn thiệt hại lớn và kéo dài đối
với kinh tế Mỹ.
Chính quyền Trump cho
biết tổng thống Mỹ đã sa thải Steve Linick khỏi vị trí tổng
thanh tra của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ theo đề nghị của Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Linick bị sa thải hôm thứ Sáu sau khi ông mở một cuộc điều tra nhắm vào ông
Pompeo, theo thông tin từ Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.
Cuối tuần qua, Brazil đã
vượt Ý và Tây Ban Nha để trở thành nước có số ca nhiễm Covid-19 cao
thứ tư thế giới. Tin này đến ngay sau khi hệ thống chống dịch của nước này rơi
vào hỗn loạn vì Bộ trưởng Y tế Nelson Teich từ chức chỉ bốn tuần sau khi người
tiền nhiệm của ông bị Tổng thống Jair Bolsonaro sa thải. Cả hai đều phản đối
thái độ cố gắng coi thường căn bệnh và giảm nhẹ giãn cách xã hội của Bolsonaro.
Số người chết trong ngày
vì Covid-19 ở Tây Ban Nha lần đầu tiên xuống dưới mức 100 kể từ
tháng 3, giữa lúc các nước châu Âu bắt đầu nới lỏng phong tỏa. Hạn chế tập thể
dục đã được giảm nhẹ ở nhiều nơi trên cả nước. Trong khi đó, số ca nhiễm tiếp tục
tăng ở Nga, nơi đã trở thành tâm dịch mới ở Châu Âu.
Giao tranh nổ ra giữa cảnh
sát và người biểu tình hô vang “nhục nhã” và “độc tài” ở thủ đô Tirana của Albania,
xoay quanh việc phá hủy nhà hát quốc gia. Xây mới nhà hát quốc gia là một “dự
án thú cưng” của Thủ tướng theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa Edi Rama. Các nhà hoạt
động phản đối quyết liệt kế hoạch của ông, nói rằng tòa nhà hiện tại là một phần
di sản của đất nước và buộc tội ông tham nhũng.
TIÊU ĐIỂM
40 năm phong trào dân chủ
Gwangju
Kể từ khi Hàn Quốc dân chủ
hóa ba thập niên trước, đã có rất nhiều nỗ lực để dựng lại chính xác những gì
đã xảy ra đối với cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ 40 năm trước tại thành phố
Gwangju. Nhiều câu hỏi quan trọng vẫn chưa được trả lời về cuộc đàn áp tàn bạo,
bao gồm có bao nhiêu người chết và ai đã ra lệnh nổ súng vào người biểu tình. Một
ủy ban điều tra mới được lập hồi tuần trước sẽ tìm cách làm sáng tỏ những gì đã
xảy ra.
Bốn thập niên sau, ý
nghĩa của cuộc nổi dậy vẫn còn được tranh cãi về mặt chính trị giữa người dân
Hàn Quốc. Những người cánh tả, bao gồm cả chính phủ hiện tại, coi đây là một cột
mốc quan trọng trong tiến trình dân chủ hoá đất nước. Những người cánh hữu
nhiều khả năng coi đó là một cuộc bạo loạn. Một số người cho rằng những người
biểu tình đã bị các đặc vụ Bắc Triều Tiên kích động. Song không có bằng chứng
nào cho thấy điều này. Nhưng với sự phân cực sâu sắc của chính trị Hàn Quốc, cuộc
điều tra mới nhất sẽ không thể giúp các bên hàn gắn.
SoftBank công bố kết quả kinh
doanh năm
Nhà đầu tư công nghệ Nhật
Bản Son Masayoshi hôm nay sẽ công bố khoản lỗ lịch sử của công ty mình,
SoftBank Group, khi công bố kết quả của năm tài chính kết thúc vào 31 tháng 3 vừa
rồi. SoftBank đã cảnh báo hồi tháng 4 rằng họ dự kiến sẽ mất 900 tỷ yên (tương
đương 8,3 tỷ đô la), so với lợi nhuận 1,5 nghìn tỷ yên của năm trước. Các thủ
phạm chính bao gồm quỹ đầu tư công nghệ trị giá 100 tỷ đô la của SoftBank được
hỗ trợ bởi Ả Rập Saudi, Quỹ Tầm nhìn, cũng như khoản đầu tư riêng của họ vào
WeWork, một công ty chia sẻ văn phòng đang khó khăn.
SoftBank, đặt cược lớn
vào WeWork và các công ty kinh doanh chia sẻ khác, như Uber và Didi, đang dính
đòn đau vì đại dịch. Bản thân SoftBank là một trong những công ty mắc nợ nặng
nhất ở Nhật Bản và nhà đầu tư lo ngại rằng nó có thể bị các khoản vay đè bẹp.
Hôm nay, ông Son chắc chắn sẽ nói về việc đại dịch đang đẩy nhanh việc áp dụng
các công nghệ mới. Nhưng ông sẽ gặp khó khi thuyết phục các nhà đầu tư rằng Quỹ
Tầm nhìn không phải là một sự lãng phí.
Argentina sắp vỡ nợ
Các cuộc đàm phán qua
video giữa chính phủ Argentina và các ngân hàng Mỹ được nối tiếp một cách
nghiêm túc trong tuần này, khi đã rất gần thời hạn để tránh vụ vỡ nợ thứ chín của
Argentina. Cả hai bên đều khẳng định họ không muốn kết cục đó. Theo lời của
Martin Guzmán, bộ trưởng kinh tế Argentina, “Chúng tôi muốn lắng nghe, chúng
tôi muốn xem xét có những ý tưởng thay thế nào chúng tôi có thể thực hiện để đạt
thỏa thuận vừa lòng tất cả mọi người”.
Các trái chủ gần đây đã bỏ
phiếu từ chối đề xuất của Argentina, theo đó chỉ trả 38% số tiền lãi còn nợ
trong một khoản nợ trị giá 65 tỷ đô la, đẩy các cuộc đàm phán vào tình thế căng
thẳng. Các chủ nợ đã yêu cầu Argentina đưa ra đề nghị tốt hơn. Chính phủ đã trả
lời rằng bất kỳ thỏa thuận nợ mới nào cũng phải “bền vững”, trong bối cảnh đại
dịch covid-19 phá hủy kể hoạch khôi phục tăng trưởng của Argentina. Nếu không đạt
được thỏa thuận, nước này sẽ vỡ nợ vào thứ Sáu khi khoản thanh toán lãi trị giá
500 triệu USD đáo hạn.
Ryanair vẫn lạc quan giữa khó
khăn
Kết quả kinh doanh năm
công bố hôm nay của hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu sẽ tiết lộ bước đầu
thiệt hại tài chính do phong tỏa covid-19: các con số chỉ bao gồm khoảng thời
gian trước ngày 31 tháng 3. Do đó kết quả năm tới mới là cú sốc thực sự. Nhưng
CEO Michael O’Leary nói ông không quá lo lắng. Ông cho rằng hãng hàng không, hiện
chỉ khai thác 1% lịch trình bay bình thường, sẽ khôi phục 40% các chuyến bay
vào tháng 7 và 60% hoặc 70% vào tháng 9.
“Người dân đang thèm khát
được ra ngoài”, ông nói. Nhưng họ sẽ đến sân bay chứ? Hầu hết các chuyến bay là
không thiết yếu. Người ta có thể nghỉ ở nhà hay đi chơi gần nhà. Còn doanh nghiệp
có thể gọi video. Ông O’Leary nói giá vé cực rẻ của ông sẽ cám dỗ mọi người bay
trở lại. Nhưng thành công phụ thuộc vào việc Ryanair khôi phục được hơn 90%
công suất. Bán rẻ số lượng lớn không phải là mô hình khả thi nếu các hãng hàng
không buộc phải để trống chỗ nhằm thực hiện giãn cách xã hội.
Triển lãm hoa hàng năm ở Anh
chuyển sang online
Đây là ngày quan trọng
trong lịch các sự kiện ngành làm vườn của người Anh hơn một thế kỷ qua. Hàng
năm, đám đông 150.000 người thường tham dự Triển lãm Hoa Chelsea. Nhưng khi
coronavirus lan rộng khắp thế giới, không nhiều người tin rằng sự kiện sẽ diễn
ra. Dù vậy, cũng không nên quá thất vọng. Hôm nay chương trình sẽ phát trực tuyến,
với những người tham gia sử dụng máy ảnh cố định để phát trực tiếp hoa trưng
bày của họ trong cả tuần.
Sự kiện này không lạ gì
những thời điểm khó khăn. Những năm qua đã chứng kiến những trận mưa kinh hoàng
phá hủy cuộc triển lãm và một màn triển lãm gây tranh cãi liên quan đến một chiếc
quạt được giấu thổi tung váy của phụ nữ. Thời thế đã thay đổi. Đối với nhiều
người, chương trình online năm nay đến rất đúng lúc. Gần một nửa số người Anh bị
phong tỏa đã chuyển sang làm vườn để giải trí. Và tuần trước, trong niềm vui sướng
của hàng triệu người, các vườn ươm đã mở cửa trở lại. Sẽ thật thoải mái khi biết
rằng, dù mưa hay nắng, sự kiện vẫn diễn ra.
------------------------------------------------------
Có Thể Bạn Quan Tâm:
No comments:
Post a Comment