Hùng
Lê / TBKTSG
Thứ Sáu, 15/5/2020, 16:50
(TBKTSG Online) - Kiến nghị có thể tạm dừng các hoạt
động mua bán - sáp nhập (M&A) trong tình hình dịch bệnh Covid-19 của Chủ tịch
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) liệu có thể thực hiện được?
Lo nước ngoài thâu
tóm doanh nghiệp Việt với giá rẻ
Tại cuộc hội nghị trực
tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp vào cuối tuần qua (9-5), Bộ trưởng Bộ Kế
hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng tình trạng gãy chuỗi cung ứng, chuỗi
giá trị vẫn chưa được khắc phục ngay, sẽ còn tiếp tục làm ảnh hưởng lớn đến nhiều
doanh nghiệp. Hiện tượng mua bán và sáp nhập (M&A) trong thời gian tới sẽ
diễn ra mạnh mẽ hơn và có nhiều nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam
có thể bị thâu tóm với giá rẻ.
Từ tháng 4, Công ty
cáp điện Thịnh Phát (ThiPha Cable) sáp nhập vào Tập đoàn Stark Corporation
Public Company Limited và Phelps Dodge International (Thái Lan). Ảnh minh họa:
Từ trang web ThiPha Cable
Trước thềm hội nghị,
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã gửi các kiến nghị, đề
xuất giải pháp tới Chính phủ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,
trong đó đề xuất Chính phủ chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh
nghiệp.
Cụ thể theo VCCI, trong bối
cảnh doanh nghiệp Việt gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản, xuất hiện tình trạng một
số doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét việc mua lại các doanh nghiệp
trong ngành bất động sản, bán lẻ...
"VCCI đề nghị Chính
phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn
dịch bệnh để hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt
Nam”, báo Tiền Phong trích kiến nghị của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.
Trên thực tế, số liệu của
Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy trong bốn tháng đầu
năm nay có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng
32,9% số lượt góp vốn, mua cổ phần so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một con số
tăng khá cao giữa tình hình dịch bệnh.
Đáng chú ý, chỉ tính
riêng Trung Quốc, các nhà đầu tư từ nước này thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư
qua hình thức M&A doanh nghiệp Việt Nam lên đến 557 lượt, tăng 38% so với
cùng kỳ năm ngoái.
Liệu có ngăn được?
Do đó, những sự lo lắng
và cảnh báo như nói trên của các vị lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như
của VCCI là có cơ sở. Vậy đề xuất tạm dừng các hoạt động mua bán - sáp nhập
(M&A) trên của người đứng đầu VCCI liệu có thực hiện được?
Lượt góp vốn, mua cổ
phần của nhà đầu tư nước ngoài và số dự án FDI được cấp phép trong bốn tháng của
ba năm từ 2018. Đồ họa: Hùng Lê
Liên quan đến vấn đề này,
chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho rằng hiện nay, thế giới đang rất cẩn trọng
với nguồn vốn đầu tư nước ngoài và trên thực tế một loạt các nước đang giám sát
kỹ về nguồn đầu tư từ nước ngoài.
Ngay cả Hoa Kỳ cũng đã
đưa ra luật định chính phủ có quyền xem xét đầu tư nước ngoài chứ không phải tự
do như trước đây. Do đó, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, Việt Nam cần tham khảo về
vấn đề này.
Ở thời điểm hiện tại,
theo bà Lan, Việt Nam cần tăng cường việc giám sát hoặc thậm chí là tiến hành
thẩm tra các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các trường hợp nghi ngờ
có tình trạng đầu tư núp bóng, ẩn danh, dùng vài ba nhà đầu tư khác nhau để thâu
tóm ngành hàng trong nước... làm mất thị trường.
"Cần thiết kế bộ lọc
để lựa chọn được các doanh nghiệp nước ngoài chất lượng", theo bà Lan.
Chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong nước mua lại các
dự án chủ chốt của doanh nghiệp trong nước để bảo vệ một số ngành "nhạy cảm",
cũng như bảo vệ thị trường...
Trong khi đó ông Phan Hữu
Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng dù số lượt góp vốn và
mua cổ phần doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài trong bốn tháng vừa
qua tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tổng vốn góp chỉ bằng bằng 34,7% về
giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, trong bốn tháng đầu
năm nay, bình quân chỉ có 0,77 triệu đô la/ lượt góp vốn, theo ông Thắng là nhỏ
hơn nhiều so với quy mô bình quân trong cùng kỳ năm ngoái.
Mặt khác, qua quan sát của
ông Thắng thì chưa thấy có hiện tượng ồ ạt thâu tóm doanh nghiệp trong nước của
nhà đầu tư nước ngoài. "Trong giai đoạn dịch bệnh này, ngay các nhà đầu tư
nước ngoài cũng đang gặp khó khăn phải tạm ngừng triển khai các dự án đầu tư của
họ. Tôi chưa nhìn thấy có hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài đổ xô mua doanh nghiệp
trong nước", ông Thắng nêu ý kiến.
Do đó, kiến nghị có thể tạm
dừng các hoạt động M&A trong tình hình dịch bệnh này theo ông Thắng là chưa
cần thiết. Mặc dù vậy, cũng như ý kiến bà Phạm Chi Lan, ông Thắng cho rằng cần
phải lựa chọn nhà đầu tư và đối tác cho hình thức đầu tư này.
Theo ông Thắng, cần có định
hướng chính sách những ngành nghề, lĩnh vực nào cần và không cần khuyến khích đầu
tư theo kênh M&A… Những lĩnh vực "nhạy cảm" hoặc doanh nghiệp
trong nước sản xuất được thì không nên khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài để
không làm yếu đi kinh tế tự cường và an ninh quốc gia.
Bất động sản là một
trong những lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài thường vào Việt Nam qua con
đường giao dịch M&A. Ảnh minh họa: Hùng Lê
Lấy ví dụ về dự án góp vốn
mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage
thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, trị giá 3,85 tỉ đô la, nhằm sản xuất
bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội vào năm ngoái, ông Thắng cho rằng giao dịch
này phản ánh mặt trái bức tranh đầu tư nước ngoài năm 2019.
Bởi bia không phải là ngành,
lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư, chưa kể dự án sẽ tạo ra sự cạnh tranh trực
tiếp với doanh nghiệp sản xuất bia trong nước. Ngoài ra, Việt Nam còn là thị
trường tiêu thụ bia lớn trên thế giới. Việc chấp thuận dự án đầu tư này theo một cách nào đó là đã “bán” thị
trường cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ở vai trò là luật sư, ông
Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho rằng sẽ thiếu cơ sở pháp lý để có thể
tạm dừng các hoạt động M&A hiện nay.
Mặt khác theo ông Đức,
trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình
trạng khó khăn thì sẽ cần gọi vốn đầu tư hoặc sự hỗ trợ bên ngoài để "cứu
nguy". Do đó, không thể tước đi quyền giao dịch của họ trong tình hình khó
khăn này.
Ông Đức cho rằng M&A
là hành động của doanh nghiệp, hơn nữa còn cứu công ty bị thâu tóm khỏi cảnh
"dầu sôi lửa bỏng". "Nếu dừng giao dịch M&A chưa biết được lợi
gì, trong khi doanh nghiệp đang khó khăn sẽ không biết huy động vốn ở đâu, dẫn
đến bị tê liệt và thậm chí có thể rơi vào tình trạng phá sản", luật sư Đức
nói.
Không riêng Việt Nam, một
số nước trên thế giới cũng lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ cơ hội cổ
phiếu lao dốc, thị trường bất ổn do Covid-19 để thâu tóm các doanh nghiệp với
giá rẻ.
Tuy nhiên trên thực tế, ở
các nước như Đức, Nhật Bản... việc các chính phủ đưa ra biện pháp ngăn chặn
nguy cơ thâu tóm doanh nghiệp trong thời gian khủng hoảng kinh tế nhằm để bảo vệ
các ngành kinh tế quan trọng, doanh nghiệp trọng điểm hoặc có liên quan đến an
ninh quốc gia... chứ không phải áp dụng với tất cả các doanh nghiệp và lĩnh vực
kinh doanh.
No comments:
Post a Comment