Saturday, May 16, 2020

MỸ TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT TẬP ĐOÀN HOA VI CỦA TRUNG QUỐC (Thùy Dương - RFI)




Thùy Dương  -  RFI
Đăng ngày: 16/05/2020 - 14:19

Hôm qua, 15/05/2020, Washington thông báo một loạt biện pháp mới để giám sát chặt chẽ hơn nữa tập đoàn Hoa Vi. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump coi là hoạt động vì lợi ích của chế độ Bắc Kinh và một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Sáng sớm hôm qua, bộ Thương Mại Mỹ thông báo  biện pháp nhằm ngăn cản khả năng Hoa Vi phát triển các thiết bị bán dẫn ở nước ngoài nhờ vào công nghệ của Mỹ. Bộ Thương Mại Mỹ tố cáo Hoa Vi đã lách các lệnh cấm mà Mỹ ban hành hồi năm 2019, theo đó các doanh nghiệp phải có giấy phép của Washington thì mới được xuất sản phẩm của Mỹ cho Hoa Vi và 114 công ty con của tập đoàn này. Theo Washington, bất chấp lệnh cấm của Mỹ, Hoa Vi vẫn tiếp tục sử dụng các chương trình tin học và công nghệ của Mỹ để phát triển thiết bị bán dẫn.

Chính phủ Mỹ đặt ra thời hạn 120 ngày, kể từ thứ Sáu 15/05, để áp dụng các biện pháp mới. Như vậy là các doanh nghiệp nước ngoài dùng công nghệ của Mỹ để sản xuất thiết bị bán dẫn cho Hoa Vi và các công ty con của tập đoàn Trung Quốc còn thời hạn 120 ngày để giao cho Hoa Vi những thiết bị bán dẫn mà họ đã sản xuất.

Để đáp trả, chính quyền Bắc Kinh kêu gọi Mỹ chấm dứt « cuộc đàn áp phi lý nhắm vào tập đoàn Hoa Vi và các doanh nghiệp Trung Quốc ». Trong một thông cáo phát ngày hôm qua, bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố: « Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc » và nhấn mạnh là chính sách của chính quyền Trump đã phá hủy các dây chuyền sản xuất và cung ứng của toàn thế giới.

Bắc Kinh đòi Mỹ trả nợ Liên Hiệp Quốc

Cũng trong ngày hôm qua 15/05, Trung Quốc đề nghị các thành viên Liên Hiệp Quốc hoàn thành các nghĩa vụ đóng góp tài chính cho định chế quốc tế này. Thông cáo của phái bộ Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc nêu đích danh Hoa Kỳ, theo đó Mỹ là nước nợ Liên Hiệp Quốc nhiều tiền nhất : sau nhiều năm, số tiền Mỹ nợ Liên Hiệp Quốc đã lên đến 1.116 tỉ đô la cho ngân sách hoạt động của định chế và 1.332 tỉ đô la cho các chiến dịch hòa bình.

Số tiền nợ mà Bắc Kinh nêu trên đã bị Mỹ bác bỏ. Chẳng hạn, về ngân sách đóng góp cho các chiến dịch hòa bình, phát ngôn viên phái bộ Mỹ nói Washington chỉ còn nợ 888 triệu đô la. Đại diện phái bộ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho rằng Bắc Kinh một lần nữa tìm cách đánh lạc hướng dư luận thế giới về việc che giấu và quản lý yếu kém cuộc khủng hoảng Covid-19.

*
*
VOA Tiếng Việt
17/05/2020

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày thứ Bảy nói Mỹ cần ngưng “áp chế phi lí” các công ty Trung Quốc như Huawei, và một tờ báo của nhà nước Trung Quốc cho biết chính phủ đã sẵn sàng trả đũa Washington.

Chính quyền Trump ngày thứ Sáu đã có bước đi nhằm chặn nguồn cung ứng chip toàn cầu cho công ty thiết bị viễn thông Huawei Technologies vốn bị liệt vào danh sách đen, khơi lên lo ngại là Trung Quốc sẽ trả đũa và khiến giá cổ phiếu của các hãng sản xuất thiết bị sản xuất chip của Mỹ sụt giảm.

Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ quyền hợp pháp của các công ty của mình, bộ ngoại giao nước này nói trong một phát biểu trả lời câu hỏi của Reuters về việc liệu Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đũa nào nhắm vào Mỹ hay không.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc ngày thứ Bảy dẫn một nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng thực hiện một loạt các biện pháp phản kích nhắm vào Mỹ, chẳng hạn như đưa các công ty Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy” và áp đặt các hạn chế đối với các công ty Mỹ như Apple, Cisco Systems và Qualcomm.

Tờ báo, được xuất bản bởi tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết nguồn tin cũng đề cập đến việc tạm dừng mua máy bay Boeing.

“Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp phản kích mạnh mẽ để bảo vệ quyền chính đáng mình nếu Hoa Kỳ xúc tiến kế hoạch thay đổi các quy định và cấm các nhà cung cấp chip thiết yếu, bao gồm TSMC ở Đài Loan, bán chip cho Huawei,” Hoàn cầu Thời báo dẫn nguồn tin nói.

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng vọt trong những tuần gần đây, với các quan chức của cả hai bên nói rằng thỏa thuận thương mại khó khăn lắm mới đạt được nhằm hóa giải chiến tranh thương mại kéo dài 18 tháng nay có thể bị từ bỏ sau khi nó được kí kết vào tháng 1.

Ngoài hành động đối với Huawei, Ban Đầu tư Tiết kiệm Hưu trí Liên bang Hoa Kỳ, cơ quan giám sát hàng tỉ đôla tiền hưu trí liên bang, tuần này cũng cho biết họ sẽ trì hoãn vô thời hạn các kế hoạch đầu tư vào một số công ty Trung Quốc đang bị săm soi tại Washington.

--------------------------------
.
BBC Tiếng Việt
15 tháng 5 năm 2020

Thượng viện Mỹ vừa phê chuẩn một dự luật nhằm trừng phạt các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các trại lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương, nơi có tới hai triệu người Hồi giáo Uighur bị giam giữ, trong động thái mới nhất của Quốc hội Mỹ nhằm củng cố lập trường của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, theo CNN.

Đạo luật này, có tiêu đề Đạo luật Chính sách Nhân quyền Người Uighur năm 2020, lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc về các trại này và đề nghị một phản ứng cứng rắn hơn đối với các hành vi vi phạm nhân quyền mà người Uighur, người dân tộc thiểu số Kazakhstan và các dân tộc thiểu số Hồi giáo trong khu vực phải gánh chịu.


Nếu được ban hành, Tổng thống Donald Trump sẽ có 180 ngày để đệ trình báo cáo lên Quốc hội xác định các quan chức Trung Quốc và bất kỳ cá nhân nào khác chịu trách nhiệm thực hiện tra tấn; giam giữ kéo dài mà không kết tội và xét xử; bắt cóc; đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá các nhóm thiểu số Hồi giáo; và những chối bỏ trắng trợn khác về "quyền sống, quyền tự do hoặc an toàn của con người" ở Tân Cương.

Các cá nhân được xác định trong báo cáo sau đó sẽ bị trừng phạt, nhưng luật pháp cho phép Nhà Trắng lựa chọn không làm vậy nếu Tổng thống xác định và xác nhận trước Quốc hội rằng giữ lại các biện pháp trừng phạt là vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ .

Dự luật cũng sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lập một báo cáo về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, bao gồm ước tính có bao nhiêu người bị giam cầm trong các trại và thông tin về các điều kiện mà họ phải đối mặt. Bộ Ngoại giao hiện đang nêu chi tiết về sự lạm dụng trong các báo cáo hàng năm về Nhân quyền và Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Các thành viên của Hạ viện đã thông qua một phiên bản sửa đổi của dự luật này vào tháng 12 năm ngoái, với số phiếu là 407-1.

Việc Thượng viện thông qua dự luật này chắc chắn gây ra giận giữ từ Bắc Kinh - chính phủ Trung Quốc từng phản ứng dữ dội với việc Hạ viện thông qua dự luật.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh khi đó nói rằng việc này đã "bôi nhọ bừa bãi" những gì Trung Quốc tuyên bố là những nỗ lực chống khủng bố.

Các thượng nghị sĩ từng hy vọng phê chuẩn dự luật vào cuối năm 2019, nhưng đảng Cộng hòa đã phản đối một số điều khoản mà Hạ viện bổ sung vào dự luật.

Vấn đề này cũng bị trì hoãn trong quá trình tố tụng luận tội. Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu một lần nữa cho dự luật này khi Thượng viện thông qua phiên bản sửa đổi.

Trong bài phát biểu cuối tuần trước, Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell đã liên hệ động thái của Thượng viện khi thông qua dự luật này với đại dịch virus corona, nói rằng Hoa Kỳ "sẽ đặt câu hỏi khó về mối quan hệ của chúng ta với Đảng Cộng sản Trung Quốc."

Ông nói thêm rằng ông hy vọng việc Thượng viện thông qua dự luật nhân quyền của người Uighur sẽ mang lại "sự chú ý nhiều hơn đến hoàn cảnh của nhóm thiểu số bị ngược đãi này."

Việc Thượng viện thông qua dự luật này được xúc tiến trong bối cảnh Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chuẩn bị sớm đưa ra một dự luật khác được coi là một sự khiển trách đối với chính phủ Trung Quốc.

Đạo luật Hỗ trợ và Chính sách Tây Tạng, được giới thiệu bởi Rubio và Thượng nghị sĩ Ben Cardin, thành viên đảng Dân chủ ở Maryland, sẽ đưa ra chính sách của Hoa Kỳ rằng sự kế vị của các nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, bao gồm Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 trong tương lai, là quyền của cộng đồng Phật giáo Tây Tạng, mà không sự can thiệp từ chính phủ Trung Quốc.

Một khi ủy ban này phê duyệt dự luật, nó có thể được toàn bộ Thượng viện xem xét.
Theo dự luật này, nếu giới chức Trung Quốc can thiệp vào quá trình lựa chọn các nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, họ sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu - bao gồm cả việc từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Biện pháp này cũng kêu gọi thành lập một lãnh sự quán mới của Hoa Kỳ tại Lhasa, thủ đô của Khu tự trị Tây Tạng.

Các nhà lập pháp Hạ viện đã phê duyệt một dự luật tương tự vào tháng Giêng.

Có một số khác biệt nhỏ giữa dự luật của Hạ viện và Thượng viện, vì vậy Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu cho dự luật của Thượng viện một khi nó đã được thông qua trước khi có thể trở thành luật.









No comments: