Sunday, May 17, 2020

CÓ NÊN GIẢI TÁN LIÊN HỢP QUỐC? (Việt Hoàng - Thông Luận)




Việt Hoàng  -  Thông Luận
10/05/2020

Sau khi Donald Trump tuyên bố cắt mọi đóng góp cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một cơ quan của Liên Hợp Quốc thì đã có không ít người Việt ủng hộ quyết định này. Không những thế còn có những ý kiến đi xa hơn khi đòi "giải tán" luôn cả Liên Hợp Quốc. Lý do mà họ đưa ra là những cơ quan này vô tích sự, không làm được gì và còn bị Trung Quốc thao túng.

Chúng ta biết gì về Liên Hợp Quốc ? Đây là định chế quốc tế được thành lập sau chiến tranh thế giới lần 2 và hiện có 193 thành viên. Mục tiêu của nó là "duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, bảo vệ quyền con người, cung cấp viện trợ nhân đạo, thúc đẩy phát triển bền vững và duy trì luật pháp quốc tế".

Liên Hợp Quốc có 6 bộ phận và các cơ quan trực thuộc như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) và Quĩ Nhi đồng (UNICEF). Hội đồng Bảo an là cơ quan quan trọng nhất, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trong khi các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc chỉ có thể đưa ra "khuyến nghị" cho các nước thành viên thì Hội đồng Bảo an có quyền đưa ra các quyết định ràng buộc mà các nước thành viên buộc phải tuân theo. Hội đồng Bảo an gồm 15 quốc gia thành viên, bao gồm 5 thành viên thường trực là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ cùng với 10 thành viên không thường trực, được Đại Hội đồng bầu lên với nhiệm kỳ 2 năm.

Hội đồng Bảo an là cơ quan quan trọng nhất, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Liên Hợp Quốc là một diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới. Mọi vấn đề lớn và quan trọng của quốc tế đều được đem ra thảo luận tại đây. Tuy nhiên quyền lực thực sự của Liên Hợp Quốc là do 5 nước thành viên thường trực nắm giữ. Nếu một nghị quyết mà bị một trong 5 thành viên đó phủ quyết thì xem như không có giá trị. Thực tế là các nghị quyết của các nước dân chủ được Anh, Pháp và Mỹ ủng hộ thường bị Nga và Trung Quốc phủ quyết và ngược lại.

Vai trò lớn nhất và quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc là bảo vệ hòa bình cho thế giới. Sứ mệnh này được cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, chính trị gia Thụy Điển Dag Hammarskjöld tóm tắt : "Mục tiêu xây dựng Liên Hiệp Quốc không phải là để đưa nhân loại đến thiên đường, mà là để giúp chúng ta không rơi xuống địa ngục". Sự thực đúng như vậy. Thế giới đã không xảy ra các cuộc chiến tranh lớn nào từ sau khi Liên Hợp Quốc ra đời năm 1945. Nên nhớ, hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu I và II chỉ cách nhau hơn 20 năm. Một phát kiến vĩ đại và là nền tảng của Liên Hợp Quốc, giúp cho thế giới có được hòa bình suốt 75 năm qua đó là sự khám phá ra "quyền con người". Đó chính là Tuyên Ngôn Nhân quyền Phổ Cập được phê chuẩn năm 1948.

Một văn kiện quan trọng, nền tảng của Liên Hợp Quốc đó là Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 suýt dẫn đến chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô. Cả thế giới đã nín thở khi Mỹ và Liên Xô sẵn sàng khai hỏa thế chiến thứ III. Cuối cùng tổng thống Mỹ John Kennedy và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khruschev đã đạt được thỏa thuận hòa bình với sự trung gian của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khi đó là U Thant. Cũng chính lãnh đạo Liên Xô Khruschev đã có lần rút giày đập xuống bàn trong một kỳ họp tại Liên Hợp Quốc. Nhưng nhờ đó mà lãnh đạo Liên Xô đã trút được sự giận dữ và có cơ hội bày tỏ thái độ của mình để rồi đi đến một thỏa hiệp chung sống hòa bình với Mỹ và phương Tây thay vì đối đầu bằng một cuộc chiến.

Hiện tại diễn đàn của Liên Hợp Quốc vẫn thường xuyên chất vấn các nước độc tài. Bắt họ phải kiểm điểm nhân quyền hai năm một lần. Dù các chế độ độc tài vẫn biện bạch bằng ngôn ngữ lưỡi gỗ nhưng sự biện bạch của họ rất bối rối và lúng túng. Cũng nhờ sự chất vấn thường xuyên của thế giới mà sự đàn áp của các nước độc tài cũng giảm đi ít nhiều.

Chúng ta nhớ lại chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc khi thăm cộng hòa Séc và giao lưu với cộng đồng người Việt, đa số ủng hộ chính quyền, thì đã rất thoải mái và mạnh miệng khi nói "bọn phản động rụng rời tay chân khi thấy tổng thống Trump vẫy cờ Việt Nam". Thế nhưng khi ở Áo thì lại khác, ông Phúc nói trong một cuộc họp báo rằng : "Việt Nam là một nước dân chủ và chúng tôi phản đối độc tài". Khi dùng ngôn ngữ lưỡi gỗ đó, ông Phúc chắc chắn rất khổ sở và lúng túng. Cũng như ông Phúc, các phái đoàn ngoại giao của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc hoặc khi ra nước ngoài đều rất khổ sở và lúng túng khi phải nói dối và chống chế một cách yếu ớt như vậy.

Tóm lại Liên Hợp Quốc là một diễn đàn để các quốc gia trên thế giới đối thoại với nhau trong hòa bình. Tuy nhiên chúng ta cần phải hiểu là thế giới dù đã văn minh nhưng chưa đến mức mà Liên Hiệp Quốc có thể "tuyên chiến" với một quốc gia thành viên nhân danh "quyền con người", càng không thể khi quốc gia đó có vũ khí hạt nhân như Bắc Triều Tiên. Dù vậy, sự lên án của Liên Hợp Quốc cũng có giá trị khi thế giới ngày càng nhỏ lại và liên thuộc với nhau.

Sự có mặt của Nga và Trung Quốc trong Liên Hợp Quốc đã làm cho định chế này yếu đi nhưng không thể không có mặt họ. Việc bắt họ đến đó để ngồi nghe chỉ trích về nhân quyền cũng là một thắng lợi của các nước dân chủ.

Việc bắt các nước độc tài đến Liên Hợp Quốc để ngồi nghe chỉ trích về nhân quyền cũng là một thắng lợi của các nước dân chủ.

Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một lời kêu gọi "Kiến nghị bãi nhiệm tư cách thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Trung Quốc" của blogger Trung Tinh Le sống tại Paris, Pháp quốc. Theo chúng tôi thì "kiến nghị" này vừa không có lợi cho Việt Nam, vừa không khả thi. Chúng ta vẫn biết là Trung Quốc luôn muốn "đối thoại song phương" với các nước có tranh chấp, thay vì đa phương. Rõ ràng là khi đối thoại song phương thì Trung Quốc sẽ có ưu thế hơn nên dễ dàng đạt được mục đích. Nếu không có Liên Hợp Quốc thì tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ giải quyết như thế nào ? Nếu dùng vũ lực hay kinh tế thì ai sẽ thắng ? Việc đề nghị trên cũng không khả thi vì cho dù toàn bộ 100 triệu dân Việt Nam có ký vào đó thì cũng không có chuyện Liên Hợp Quốc loại Trung Quốc ra khỏi Hội đồng Bảo an vì trọng lượng của Trung Quốc quá lớn và Việt Nam thì quá nhỏ. Trên trường quốc tế Việt Nam chẳng có tiếng nói gì cả. Không nên ảo tưởng như Đảng cộng sản về vị thế của Việt Nam trên bàn cờ thế giới.

Việc loại Trung Quốc ra khỏi Liên Hợp Quốc cũng không cần thiết vì thế giới đã có những định chế quan trọng mà không có mặt Trung Quốc và Nga, ví dụ nhóm G7. Nên biết rằng, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà trên thế giới, luôn tồn tại sự đa nguyên, mãi mãi sẽ như vậy. Không thể có sự đồng nhất trên thế giới, kể cả mai này Trung Quốc và Nga tan rã thì sự đa nguyên trong Liên Hợp Quốc vẫn luôn tồn tại.

Liên Hợp Quốc có thể phải cải tổ nhưng không thể xóa bỏ. Nhiều vấn đề cấp bách và quan trọng của nhân loại chỉ có thể giải quyết trong khuôn khổ hợp tác toàn cầu ví dụ như biến đổi khí hậu và môi trường, khủng bố, di dân, thương mại và kinh tế, chế tạo vũ khí hạt nhân, sinh học hay hóa học. Đại dịch Covid-19 là một ví dụ. Những trường hợp như vậy không thể giải quyết trong khuôn khổ quốc gia. Thế giới đã nhỏ lại và ràng buộc chặt chẽ với nhau.  

Một ví dụ về sự liên đới là sự có mặt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là một định chế giống như một tổ chức từ thiện, nó lập ra không phải để giúp Mỹ hay EU mà là để giúp các nước nghèo khổ, đặc biệt là Châu Phi, nơi có hệ thống y tế kém và cuộc sống của người dân còn dưới mức nghèo khổ. Đây là vấn đề thuộc về nhân đạo và liên đới xã hội trên phạm vi toàn cầu. Nếu lãnh đạo WHO sai thì có thể kiến nghị để thay thế ông ta chứ không phải vì thế mà quay lưng với tổ chức đó. Cũng như với một cô nhi viện, nếu người lãnh đạo sai thì thay thế người đó chứ không thể cắt đứt đường sống của cả cô nhi viện. Việc Donald Trump cắt mọi đóng góp cho WHO chứng tỏ ông ta vừa thiếu sự hiểu biết vừa thiếu một trái tim. Nhiều người Việt tại Mỹ đã cuồng nhiệt ủng hộ Trump, trong đó có cả việc chống di dân hợp pháp. Vậy hơn hai triệu người Việt đến Mỹ bằng cách nào ? Nếu không nhờ vào tấm lòng, trái tim nhân hậu và tình liên đới của các chính quyền Mỹ trước đây ?

Người Việt giàu cảm xúc, duy tình hơn là duy lý và dễ bị kích động bởi người khác, nhất là một người nổi tiếng và có quyền lực như Donald Trump. Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, thời gian chiến tranh luôn nhiều hơn thời gian hòa bình. Chúng ta vừa không có thời gian, vừa bị di sản văn hóa Khổng giáo trói chặt nên đã không dành thời gian và sự quan tâm đúng mực cho tư tưởng nhất là tư tưởng chính trị vì thế đã dễ dàng lao vào hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác.

Đã đến lúc người Việt cần đoạn tuyệt với sự cảm tính, dễ dãi và hời hợt trong lĩnh vực chính trị. Chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ về một giấc mơ khác, một truyện thuyết khác, một tương lai khác cho chính mình và con cháu. Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là một truyện thuyết như vậy.

Việt Hoàng
(10/05/2020)






No comments: