I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI
ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH TƯ PHÁP
Một quốc gia muốn văn
minh thì phải có một nền tư pháp văn minh tương thích. Trong một nền tư pháp bệnh
tật thì không bao giờ một quốc gia có thể phát triển thành một “đế chế văn
minh”.
Nền tư pháp là “cái lồng
nhốt quốc gia”. Quốc gia muốn lớn mạnh thì “chiếc lồng tư pháp” phải lớn nhanh
hơn sự bành trướng của quốc gia. Hoàn thiện tư pháp là tiến trình song hành
không tách rời đảm bảo cho sự tiến bộ mỗi quốc gia. Việt Nam muốn bay lên thì nền
tư pháp Việt Nam phải bay lên cùng lúc.
Bởi thế, Nhà nước CHXHCN
Việt Nam luôn quan tâm đến nền tư pháp. Trong các Văn kiện Đại hội Đảng (IX-
XII) đều đề cập đến Cải cách Tư pháp (CCTP). Đặc biệt, ngày 02/6/2005, Bộ Chính
trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP đến năm 2020.
Tuy vậy, CCTP tiến hành rất
chậm và chưa hiệu quả. Cụ thể, trong Văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ: “Việc triển
khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu,
tiêu cực, oan, sai, bỏ lọt tội phạm” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 110).
Trên thực tế, án oan sai
mỗi ngày chẳng những không những bớt đi, mà còn dài thêm dằng dặc với mức độ
sai phạm lớn hơn. Vụ án Hồ Duy Hải đang gây chấn động xã hội, và đang đặt ra
nhiều vấn đề cấp thiết cho CCTP.
Không ai bảo vệ cho Hồ
Duy Hải nếu Hồ Duy Hải thực sự phạm tội. Vấn đề cốt lõi là phải chứng minh vững
chắc Hồ Duy Hải phạm tội. Những chứng lý mà tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đưa ra
chưa đủ cơ sở pháp lý để buộc tội Hồ Duy Hải. Bởi thế, để đảm bảo không oan sai
cần thiết phải điều tra lại vụ án Hồ Duy Hải. Công luận kiên trì đòi hủy án tử
hình Hồ Duy Hải để điều tra lại, cũng một phần là vì các vụ án oan kinh rợn gần
đây đều do bị ép cung mà nhận tội. Xin nêu tóm tắt 3 vụ án oan điển hình gần
đây – đều về tội giết người.
Một là vụ án Nguyễn Thanh
Chấn. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội giết người, bị kết án tù chung thân, và
bị công an Bắc Giang bắt giam ngày 29/3/2003. Ông Nguyễn Than Chấn kêu oan
nhưng TAND tối cao bác đơn kêu oan của ông Chấn mà y án sơ thẩm. Mặc dù ông Chấn
liên tục kêu oan ở cả 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm, nhưng tòa dựa vào biên bản
nhận tội của ông Chấn tại cơ quan điều tra để tuyên án. Hơn 10 năm sau, kẻ phạm
tội là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú vào ngày 25/10/2013. Ngày 06/11/2013 ông Nguyễn
Thanh Chấn được trả tự do. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị ngồi tù oan 3699 ngày.
Hai là vụ án Huỳnh Văn
Nén. Ông Huỳnh Văn Nén bị công an Bình Thuận bắt giam tháng 5/1995 vì bị kết tội
giết người trong 2 vụ án. Ông Huỳnh Văn Nén bị tuyên án chung thân trong phiên
sơ thẩm ngày 21/8/2000. Ông Huỳnh Văn Nén liên tục kêu oan. Tháng 10/2014
TANDTC hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Ngày 28-11-2015, Công an tỉnh Bình Thuận
đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén. Ông Huỳnh Văn Nén bị ngồi
tù oan 17 năm 5 tháng.
Ba là vụ án Hàn Đức Long.
Ông Hàn Đức Long bị công an Bắc Giang bắt 19/10/2005 vì bị quy tội giết người.
Ông Hàn Đức Long 4 lần bị tòa án cấp sơ thẩm (2 lần) và cấp phúc thẩm (2 lần)
tuyên án tử hình, mặc dù ông Long liên tục kêu oan. Tiếp xúc với luật sư, ông
Long khai đã bị dùng cực hình ép cung. Năm 2014, TANDTC tuyên hủy cả bản án
hình sự sơ thẩm lẫn phúc thẩm lần hai để điều tra lại. Ngày 20/12/2016 VKSND Bắc
Giang đã đình chỉ vụ án và trả tự do cho ông Hàn Đức Long. Ông Hàn Đức Long bị
ngồi tù oan 11 năm 2 tháng.
II. NGUỒN GỐC CỦA
ÁN OAN
Điều đáng sợ là án oan
không đơn lẻ, mà liên tục diễn ra khắp mọi nơi. Không chỉ về số lượng, mà về mức
độ phạm tội, đều ở khung hình phạt khủng khiếp là chung thân và tử hình. Điều
này đòi hỏi sự cần thiết phải chỉ ra nguyên nhân gây án oan để chữa trị. Có nhiều
nguyên nhân dẫn đến án oan. Dưới đây xin đề cập đến 7 nhóm nguyên nhân chính.
1. ÉP CUNG – NHÓM NGUYÊN NHÂN SỐ 1 CỦA ÁN OAN
Nguồn gốc số 1 của án oan
là ép cung. Bị ép cung trong tình trạng bị đánh đập tàn nhẫn làm cho bất cứ ai
cũng phải nhận tội. Không chỉ nhận tội, mà còn phải diễn tập hiện trường giả
làm hiện trường thật để lấy bằng chứng buộc tội. Buộc tội tù chung thân. Buộc tội
tử hình. Cần thiết phải trích dẫn trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn làm thí dụ để
thấy mức độ tàn bạo của ép cung.
“Ngày 20/9 tôi lên huyện,
công an lấy dấu chân dấu tay của tôi rất nhiều lần, rồi hỏi đi hỏi lại rất nhiều
lần. Tối họ cho về, ngày hôm sau lại lên, gặp cán bộ Nguyễn Hữu Tân, lại dấu
chân dấu tay, rồi đánh tôi rất đau. Tôi kêu: Tôi có giết người đâu mà các anh bắt
tôi nhận? Cán bộ Tân bảo: Cho mày uống thuốc lú cho mày cãi khỏe, mày không biết
rồi mày khắc phải nhận. Từ đó các cán bộ Nguyễn Văn Dũng, Ngô Đình Dung, Đào
Văn Biên, Nguyễn Trung Thành, Tuyến, Trần Nhật Luật thay nhau túc trực suốt 4 –
5 ngày đêm liền bức cung tôi”.
“Trong phòng đi cung có một chiếc giường nhỏ nhưng
tôi không hề được nằm một phút nào. Họ đá, họ đấm, họ dùng dép đánh vào hai bên
tai tôi. Đầu óc tôi như nổ tung ra. Họ không cho tôi về, không cho tôi ngủ, dọa
nạt bắt buộc ép tôi thế này ép tôi thế nọ. Như cán bộ Ngô Đình Dung bắt tôi phải
chỉ giấu dao ở đâu? Dưới giếng à? Hay dưới ao? Tôi bảo tôi có giết người đâu mà
giấu dao. Ông Luật bắt tôi vẽ dao, tôi bảo tôi biết dao nào mà vẽ? Ông Luật bảo
tao cho mày một búa vào đầu mày chết bây giờ! Cán bộ Nguyễn Hữu Tân trên tay
lúc nào cũng lăm lăm con dao trên tay hăm dọa tôi, ép buộc tôi phải nhận…”.
Cuối cùng, đến ngày 29/9. Suốt đời tôi không quên được
giây phút đó. Nước mắt đầm đìa, tôi nghĩ đến những ngày tháng làm ăn lương thiện,
đến mẹ, đến vợ, đến những đứa con thơ ở nhà. Tôi biết mình làm thế này là ký án
tử hình cho chính mình, là có thể không bao giờ còn được gặp vợ con nữa. Nhưng
tôi không còn cách nào khác! Tôi mệt quá, đau quá, sợ quá! Cứ hành hạ mãi thế
này thì chết mất… chỉ mong sao kết thúc càng sớm càng tốt những giây phút kinh
hoàng này. Thế là tôi nhận đã giết người, để dao trong tủ.
Người ta liền bắt tôi viết đơn tự thú. Lá đơn đó,
chính cán bộ Ngô Đình Dung đọc cho tôi từng câu, từng chữ một. Rồi người ta bắt
tôi đọc to cái đơn đó lên, ghi âm lại. Ngay chiều hôm đó, người ta cho tôi lên
trại Kế. Có ngày chuyển 4 – 5 phòng giam.
Có lần người ta quẳng tôi vào cùng buồng giam với
4-5 “đầu gấu”, thằng nào cũng to béo, xăm trổ đầy mình. Có thằng tên là Hồng Hiển
bắt tôi “phục vụ” nó. Và suốt cả tháng sau, họ bắt tôi diễn. Họ làm mẫu cho tôi
diễn. Diễn đi diễn lại. Đâm như thế nào. Bế cô Hoan đập xuống đất thế nào. Đến
ngày 30/10, tại trại Kế, họ dựng lại hiện trường, bắt tôi diễn lại từ đầu tới
cuối, chụp ảnh, ghi hình…”
2. THAM
NHŨNG – NHÓM NGUYÊN NHÂN SỐ 2 CỦA ÁN OAN
Nếu ép cung, buộc nhận tội
khi không có tội – là nguồn gốc số 1 gây nên án oan, thì tham nhũng là nhóm
nguyên nhân số 2 gây ra án oan. Vì tham tiền bạc, tham quyền lực mà làm sai lệch
hồ sơ, lập chứng cứ giả, chấp nhận sự dối trá, và tuyên án ngược với sự thật.
Có vụ án nào mà không phải
“chạy”? Bên nào cũng phải cũng phải “chạy”. Có rất nhiều vụ án mà kết quả xử án
phụ thuộc vào bên nào “chạy mạnh hơn”. “Chạy” quyền, “chạy” tiền, “chạy” tất cả
những nhân tố có thể “chạy”. Những ai đã từng tham gia các vụ kiện thì mới thấy
mức đọ khủng khiếp của tham nhũng trong xử án.
3. TRÌNH ĐỘ
ĐIỀU TRA VIÊN YẾU KÉM – NHÓM NGUYÊN NHÂN SỐ 3
Điều tra viên là người lập
hồ sơ vụ án. Điều tra viên yếu kém gây sai sót trong lập hồ sơ vụ án thì sẽ dẫn
đến oan sai trong xét xử án. Vụ án Hồ Duy Hải là một minh chứng sống động gần
đây nhất. Không bảo vệ hiện trường; đốt bỏ các tang chứng gây án như dao và thớt,
rồi mua ở chợ đem về thay thế; bỏ qua chứng cớ về dấu vân tay; không xét nghiệm
máu để xác định thời gian gây án… Tất cả là do sự yếu kém của điều tra viên mà
làm cho vụ án trở nên phức tạp hơn nhiều.
Ở vụ án Hồ Duy Hải, với
xác suất rất lớn là điều tra viên đã sai lầm trong xác định thời gian gây án.
Điều tra viên đã không xét nghiệm máu để làm cơ sơ xác định thời gian gây án. Nếu
xác định sai thời gian gây án là bỏ lọt tội phạm mà bắt nhầm người. Chính điều
tra viên phải thừa nhận trình độ yếu kém dẫn đến sai sót tại phiên Giám đốc thẩm
của TANDTC hôm 06-08/5/2020. Trình độ yếu kém của điều tra viên là nhóm nguyên
nhân thứ 3 gây nên án oan sai.
4. TRÌNH ĐỘ
YẾU KÉM CỦA THẨM PHÁN – NHÓM NGUYÊN NHÂN SỐ 4
Một nhóm nguyên nhân gây
nên oan sai trong xử án xuất phát từ trình độ yếu kém của thẩm phán. Đây là
nhóm nguyên nhân số 4 của án oan sai.
Bỏ qua sự cố tình, thì thẩm
phán giỏi sẽ phát hiện ra hồ sơ sai do yếu kém của điều tra viên, sẽ nhìn thấy
sự ép cung, sẽ nhìn thấy sự cố ý làm sai lệch án. Quan trọng hơn, thẩm phán giỏi
sẽ nhìn ra những sự thật sau tầng tầng lớp lớp ngụy trang của hung thủ mà thẩm
phán thường không thể nhìn ra. Thẩm phán giỏi còn xử lý được những tình huống
chưa bao giờ xảy ra trong thực tiễn, làm giàu có thêm lý luận và kinh nghiệm xử
án. Trong thực tiễn, luôn xuất hiện những vụ án mới ly kỳ phức tạp chưa từng có
trước đó, mà nhiều khi chỉ tài năng của thẩm phán mới trở thành chiếc chìa khóa
mở được cánh cửa công lý.
Tiếc thay, thực tiễn
trong nhiều năm vừa qua đã chỉ ra thảm trạng yếu kém của thẩm phán. Thảm trạng
này đã dẫn đến trùng điệp những án oan sai.
Cựu Chánh án TANDTC (khóa
2002-2007) Nguyễn Văn Hiện đã tiết lộ một sự thật kinh hoàng khi đăng đàn giải
trình trước Quốc Hội, rằng phải “vơ vét” bổ nhiệm các thẩm phán chưa đạt yêu cầu.
Trả lời của ông Nguyễn Văn Hiện đã làm rất nhiều ĐB QH bức xúc. “ĐB Lê Văn
Cuông (Thanh Hóa) chỉ trích việc “vơ
vét” những người không đủ tiêu chuẩn vào đội ngũ thẩm phán như vậy sẽ dẫn
đến xét xử lọt tội phạm và oan sai”. “ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh, có nhiều
thẩm phán “cố tình đạp lên pháp luật mà đi”. Bà Xinh hỏi: do năng lực thẩm phán
kém hay do “chạy án”?
Sự yếu kém của thẩm phán
được chính đương kim chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình lo lắng: “ngành tòa
án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn. Lớp học này sẽ mời các
giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy…”
Đến thời điểm hiện tại, sự
yếu kém của thẩm phán không chỉ nằm trong các thẩm phán được “vơ vét” mà ngay
chính tại các thẩm phán đầy mình học vị ở TANDTC. Minh chứng cụ thể là quyết định
của 17 thẩm phán Hội đồng thẩm phán TANDTC trong phiên Giám đốc thẩm hôm
06-08/5/2020 về vụ án Hồ Duy Hải – đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ của các chuyên
gia trong ngành tư pháp. Không ai có thể hiểu được, một hội đồng cả những 17 thẩm
phán ở chính tại TANDTC lại có những sai phạm sơ đẳng về pháp luật – thể hiện một
trình độ chuyên môn non yếu đến sợ hãi. Đến mức GS.TS Luật học Thái Vĩnh Thắng
(nguyên Chủ nhiệm khoa Pháp Luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội) phải
thốt lên “Nếu không hủy bản án giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, uy tín của nền
tư pháp Việt Nam sẽ sụp đổ”.
GS Thái Vĩnh Thắng đã nêu
ra 5 sai phạm:
1/. Vi phạm nguyên tắc hồi
tỵ, theo đó chánh án Nguyễn Hòa Bình không thể tham gia xét xử phiên tòa này vì
ông đã từng tham gia vụ án này với tư cách Viện trưởng VKSND tối cao ký quyết định
không kháng nghị bản án phúc thẩm.
2/. Vi phạm nguyên tắc
suy đoán vô tội, khi không có nhân chứng hoặc vật chứng chứng minh Hồ Duy Hải
phạm tội thì phải coi như Hồ Duy Hải vô tội.
3/. Kết luận sai về sự vi
phạm luật tố tụng của cơ quan điều tra mà lại không ảnh hưởng đến bản chất của
vụ án.
4/. Vi phạm nguyên tắc đảm
bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo và không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại
phiên tòa.
5/. Không tạo điều kiện tốt
nhất để đảm bảo nguyên tắc độc lập của thẩm phán.
Trình độ yếu kém của HĐTP
TANDTC đã đưa họ đến một sai lầm mang tính nguyên tắc trong xử Giám đốc thẩm vụ
án Hồ Duy Hải. Đó là không hiểu trọn vẹn chức năng của xử Giám đốc thẩm. Chính
điều này đã đưa đến kết luận hồ đồ trong biểu quyết số 2 “Bản án phúc thẩm và bản
án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không”? –
với kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.
Giám đốc thẩm, điều cốt
lõi không phải “ngồi để xử lại” y hệt như sơ thẩm và phúc thẩm, rồi kết luận
“Đúng người, đúng tội, đúng mức án”. Chức năng quan trọng số 1 của Giám đốc thẩm
là lấy hai bộ luật là Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và Bộ luật hình sự
(BLHS) làm “hai kính soi yêu” để phát hiện ra án sơ thẩm và án phúc thẩm có
hoàn toàn tuân thủ 2 bộ luật này hay không? Có vi phạm gì không? Có bỏ sót gì
không? Có mâu thuẫn gì không?… Khi án sơ thẩm và phúc thẩm tuân thủ tuyệt đối
BLTTHS và áp dụng đúng BLHS trong xét xử, thì tự động kết quả xử án sẽ phù hợp.
Kết quả xử án là sản phẩm của 2 bộ luật này. Giống như trong sản xuất, nếu là sản
phẩm đi qua các công đoạn, không vi phạm điều gì, thì sẽ không phải là phế phẩm.
Chức năng chính của Giám đốc thẩm là lấy 2 bộ luật để soi xét rồi tuyên bố
không hủy, hay hủy để điều tra lại, xử lại – chứ không phải tuyên “Đúng người,
đúng tội, đúng mức án”.
Nay HĐTP TANDTC ngồi
trong phòng lạnh ở Hà Nội, không có bị cáo, không có nhân chứng, không khảo sát
thực địa…, chỉ dựa trên hồ sơ có nhiều sai sót của các điều tra viên yếu kém lập
nên mà tuyên bố “xanh rờn” “Đúng người, đúng tội, đúng mức án” thì thật là liều
lĩnh. Bây giờ mới phát hiện ra không có nghi can Nguyễn Văn Nghị mà lại có nghi
can Nguyễn Hữu Nghị thì HĐTP TANDTC lấy gì để biện minh? Tiếp đến sẽ bộc lộ nhiều
mâu thuẫn khác nữa thì HĐTP TANDTC có khăng khăng khẳng định “Đúng người, đúng
tội, đúng mức án” nữa không?
Xử Giám đốc thẩm là lấy tổng
thể để soi xét cụ thể. Nhưng HĐTP TANDTC lại lặp lại chức năng của tòa sơ thẩm
và phúc thẩm là “từ xét cụ thể đi đến kết luận tổng thể”. Đó là sai phạm mang
tính nguyên tắc của HĐTP TANDTC. Vì là sai phạm mang tính nguyên tắc, nên HĐTP
TANDTC không bao giờ đối phó được những tình huống mới xuất hiện như công an
Long An trả lời ‘ không có nghi can Nguyễn Văn Nghị’.
Về biểu quyết số 3 của
HĐTP TANDTC khẳng định “Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSNDTC
không đúng pháp luật” đã bị phản đối dữ dội với các phản bác thuyết phục. Không
nhắc lại ở đây, mà chỉ muốn lưu ý đến sai lầm sơ đẳng mà người không học luật
cũng không thể mắc phải. Đó là nếu quyết định kháng nghị của VKSNDTC không đúng
pháp luật thì HĐTP TANDTC phải bác ngay từ đầu mà không xem xét, hoặc chỉ xem
xét tính hợp pháp của kháng nghị. Chỉ cần tư duy logic thông thường cũng thấy
được thế “việt vị” của HĐTP TANDTC ở biểu quyết số 3.
Hội đồng thẩm phán TANDTC
qua phiên Giám đốc thẩm Hồ Duy Hải còn bộc lộ ra nhiều điểm yếu về chuyên môn nữa
mà không thể liệt kê hết ra ở đây. Điều sợ hãi đến cực độ cần phải nói – là ở Hội
đồng thẩm phán Tòa án cao nhất nước mà có chuyên môn yếu như vậy, thì làm sao
tìm đến được công lý trong các vụ án phức tạp? Và án oan vì thế mà cứ mãi nối
tiếp nhau xuất hiện không dứt nếu không có biện pháp ngăn ngừa.
5. THỂ THỨC
BỔ NHIỆM CHÁNH ÁN TÒA ÁN VÀ VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT CHƯA HỢP LÝ – LÀ NHÓM NGUYÊN NHÂN SỐ 5
Ở nước ta, các vị trí chánh
án tòa án và viện trưởng viện kiểm sát phải nằm trong cấp ủy tương ứng – từ quận
huyện cho tới tỉnh thành và trung ương. Điều này dẫn đến sự coi nhẹ chuyên môn.
Cụ thể, chánh án TANDTC
và viện trưởng VKSNDTC phải là ủy viên trung ương. Cho nên chỉ chọn chánh án
TANDTC và viện trưởng VKSNDTC trong số các ủy viên trung ương. Hệ quả là các thẩm
phán giỏi nhất đã không được bổ nhiệm làm chánh án TANDTC và viện trưởng
VKSNDTC. Điều này cũng đã xảy ra ở cấp tỉnh thành và quận huyện.
Tư pháp là ngành khoa học
phức tạp và hệ trọng, vì liên quan đến số phận con người và là nhân tố tham gia
quyết định sự phát triển của toàn quốc gia. Vì thế cần những người giỏi dẫn đường.
Trong ngành tư pháp, yếu tố chuyên môn là quyết định áp đảo. Bởi vậy, trong
CCTP cần phải cải cách cả phương thức bổ nhiệm các chánh án và các viện trưởng
viện kiểm sát ở mọi cấp độ. Cần phải tìm ra lời giải hợp lý cho vấn đề này.
6. NÂNG CAO
TÍNH ĐỘC LẬP CỦA TÒA ÁN
Tòa án, viện kiểm sát, luật
sư – là bộ 3 thành tố bảo vệ công lý trong ngành tư pháp. Tuy nhiên, tòa án và
viện kiểm sát lại có chung một gốc rễ lãnh đạo là cấp ủy – nên cuối cùng hai
thành tố này không phải lúc nào cũng độc lập hoàn toàn. Làm thế nào để cả 3
thành tố – tòa án, viện kiểm sát, luật sư – đều độc lập hoàn toàn thì khách quan
trong xử án mới được đảm bảo. Đây là câu hỏi không dễ có được lời giải tốt cho
CCTP. Trong khuôn khổ bài viết này, chưa đề xuất giải pháp cho vấn đề này ở
đây.
7. NHỮNG KHIẾM
KHUYẾT KHÁC
Dẫn đến án oan còn do những
khiếm khuyết khác nữa của ngành tư pháp. Trong số những điều cần hoàn thiện –
có việc hoàn thiện pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp. Trong số các vấn
đề cần cải cách – có việc cải cách tổ chức các cơ quan tư pháp và các thiết chế
bổ trợ tư pháp… Còn những vấn khác nữa mà chỉ các chuyên gia trong ngành tư
pháp mới đưa ra được lời giải – chẳng hạn là sự cần thiết phải có Tòa án Hiến
pháp.
.
III. CẤP BÁCH SỐ 1
CỦA CẢI CÁCH TƯ PHÁP LÀ VẤN ĐỀ THẨM PHÁN
Cải cách tư pháp là một
tiến trình gian truân. Nhưng dù gian truân bao nhiêu thì cũng phải cải cách tư
pháp để không trói buộc bước phát triển của đất nước. Phải cải cách tư pháp để
người dân được rộng không gian phát huy năng lực mà đóng góp cho sự phát triển
của đất nước. Còn nữa, phải cải cách tư pháp để giảm thiểu sự oan trái làm tiêu
tán sức mạnh và lòng tin của nhân dân.
Trong nhiều mặt của cải
cách tư pháp, có vấn đề cốt lõi nổi cộm đã nêu ở trên phải cấp thiết xử lý. Rằng
các thẩm phán chịu trách nhiệm áp đảo trong các án oan sai. Đó là vì chuyên môn
của thẩm phán yếu kém. Đó là do thẩm phán không chống cự được sự cám dỗ của tiền
bạc. Đó là bởi thẩm phán lùi bước trước quyền lực. Không phải vơ đũa cả nắm,
nhưng rất nhiều thẩm phán mắc các lỗi vừa nêu ra. Đó cũng là một phần hậu quả của
chiến dịch “vơ vét” thẩm phán.
Nếu các thẩm phán giỏi về
chuyên môn, tiền bạc không mua chuộc được, lại không sợ hãi quyền lực – thì đã
không có nhiều án oan sai như trong thời gian vừa qua. Cho nên, thẩm phán là
“pháo đài” đầu tiên phải “công phá” trong cải cách tư pháp ở Việt Nam.
Biết rằng, phải cải cách
cơ chế là chìa khóa. Biết rằng, nạn tham nhũng đã thành ung thư trong xã hội và
đang tạo ra lớp lớp những đợt “sóng thần” dội vào ngành tư pháp. Nhưng trí tuệ
và tâm sáng của các quan tòa phải như hải đăng giữa muôn trùng bão tố. Thì ngõ
hầu mới giảm bớt được án oan sai.
Thẩm phán phải là bậc trí
nhân. Thẩm phán phải là kẻ sĩ. Thời nào có được thẩm phán như vậy thì quốc gia
tất cường thịnh.
No comments:
Post a Comment