Friday, May 22, 2020

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU LÀM GIA TĂNG KHẢ NĂNG XẢY RA CÁC CƠN BÃO LỚN (Nguyễn Trang Nhung)




Thứ Năm, 05/21/2020 - 08:56 — NguyenTrangNhung

Các cơn bão lớn, với độ mạnh từ cấp 3 trở lên, có nhiều khả năng xảy ra hơn khi nền nhiệt toàn cầu tăng. Đó là phát hiện của một nghiên cứu mới được công bố trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Proceedings of the National Academy of Sciences), Mỹ, vào ngày 18/5.[1]

Hình: Bão Florence ở Đại Tây Dương, nhìn từ Trạm Không gian Quốc tế, tháng 9/2018 (Nguồn: NASA, via Reuters)

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (National Oceanic and Atmospheric Administration, NOAA) và Đại học Wisconsin, Mỹ, với dữ liệu về 4000 cơn bão nhiệt đới trong 39 năm từ 1979 đến 2017.

Nghiên cứu phân tích các hình ảnh vệ tinh cho thấy sự nóng lên toàn cầu đã làm tăng khả năng xảy ra một cơn bão đang phát triển thành cấp 3 trở lên. Mức tăng này là 8% sau mỗi 10 năm.

James Kossin, nhà nghiên cứu thuộc NOAA, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, nói đó là xu hướng có thật,[2] và nhóm nghiên cứu của ông rất tự tin rằng có tác động của con người trong xu hướng đó.[3]

Kerry Emanuel, một chuyên gia về bão tại Viện Công nghệ Massachusetts, người không tham gia nghiên cứu mới, cho biết phát hiện này rất phù hợp với một nghiên cứu của ông, chỉ ra rằng sự nóng lên toàn cầu có thể gia tăng "cường độ tiềm năng cực đại" ("maximum potential intensity") của một cơn bão, dựa vào môi trường xung quanh.[4]

Kiến thức vật lý cho chúng ta biết rằng khi nhiệt độ toàn cầu nóng lên, các cơn bão sẽ mạnh hơn, vì nước ấm hơn cung cấp nhiều năng lượng hơn cho chúng.[5] 

Kết quả này phù hợp với lý thuyết và các mô hình máy tính, rằng biến đổi khí hậu làm các cơn bão mạnh hơn và tàn phá hơn.[6]

Nghiên cứu về các cơn bão và dự đoán xu hướng về chúng là một việc khó. Các công cụ mà các nhà khoa học sử dụng để nghiên cứu chúng thay đổi theo thời gian, và do đó dữ liệu thu thập được là không nhất quán.[7] 

Các tác giả đã khắc phục điều này bằng cách chuẩn hóa dữ liệu, trong đó có dữ liệu của 28 năm đầu của một nghiên cứu cũ của nhóm và dữ liệu của 11 năm sau.[8]

Kết quả của nghiên cứu mới cho thấy xu hướng mạnh mẽ hơn đồng thời có ý nghĩa thống kê (so với nghiên cứu cũ không có ý nghĩa thống kê, và tuy chỉ ra cùng xu hướng nhưng không mạnh mẽ bằng).

Theo nghiên cứu, các thay đổi lớn nhất được phát hiện ở Bắc Đại Tây Dương, nơi xác suất bão lớn tăng 49% sau mỗi thập kỷ. Ít thay đổi hơn, song đáng kể, là phía nam Ấn Độ Dương. 

Sự gia tăng khiêm tốn hơn được tìm thấy ở phía đông Bắc Thái Bình Dương và Nam Thái Bình Dương, và về cơ bản không có thay đổi nào được tìm thấy ở phía tây Bắc Thái Bình Dương.

Bắc Ấn Độ Dương thể hiện xu hướng giảm, song không đáng kể và dựa trên một mẫu dữ liệu nhỏ. Ngoại trừ phía bắc Ấn Độ Dương, tất cả các lưu vực đang góp phần vào xu hướng toàn cầu ngày càng tăng, nghiên cứu viết.

Nghiên cứu không hoàn toàn giải thích được các xu hướng địa phương, nhưng nó chỉ ra, với độ tin cậy 95%, rằng các cơn bão nhiệt đới đã trở nên mạnh hơn đáng kể trong thời kỳ mà khí hậu biến đổi mạnh nhất.[9]  

Theo Kossin, nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu sẽ đóng vai trò lâu dài trong việc tăng cường độ bão ở Bắc Đại Tây Dương và các nơi khác, và điều này phải được tính đến trong kế hoạch giảm thiểu tác động của các cơn bão lớn.[10] 

-------------------

Chú thích

[1] Global increase in major tropical cyclone exceedance probability over the past four decades
https://www.pnas.org/content/early/2020/05/12/1920849117

[2] Climate change is making hurricanes stronger, researchers find
https://www.nytimes.com/2020/05/18/climate/climate-changes-hurricane-int...

[3][4] The strongest, most dangerous hurricanes are now far more likely because of climate change, study shows
https://www.washingtonpost.com/weather/2020/05/18/hurricanes-stronger-cl...

[5][6] Như [2]

[7] Hurricanes really are getting stronger, just like climate models predicted
https://www.livescience.com/climate-change-hurricanes-stronger.html

[8] Như [3]

[9] Như [7]

[10] Như [2]










No comments: