22/05/2020
Tóm tắt: Năng lượng
là nhân tố trọng yếu đối với an ninh – kinh tế của mỗi quốc gia. Đảm bảo an
ninh năng lượng vì thế cũng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu
và ngoại giao năng lượng cũng được chú trọng hơn bao giờ hết. Đây được xem là lựa
chọn chính sách đối ngoại phù hợp và cần thiết, đóng góp tích cực cho lợi ích
quốc gia – dân tộc trên cả ba khía cạnh an ninh, phát triển và nâng cao vị
thế.Với thế và lực của từng quốc gia kết hợp với những vận động của bối cảnh quốc
tế, mức độ, hình thức
triển khai các chiến lược năng lượng và ngoại giao năng lượng có thể linh hoạt,
sáng tạo, từ đơn giản đến phức tạp, từ song phương đến đa phương, chủ yếu xoay
quanh hai dạng: ngoại giao vì năng lượng và ngoại giao bằng năng lượng. Việt Nam
đã xác định bảo đảm vững chắc, lâu dài an ninh năng lượng quốc gia mang tầm
quan trọng chiến lược hàng đầu đối với phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc
gia, và nhấn mạnh vai trò của ngoại giao và đối ngoại năng lượng trong việc
hiện thực hóa mục tiêu đó.
*
Mở đầu
Năng lượng xưa nay vẫn là
tâm điểm của các chính sách đối ngoại, là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến
tranh, xung đột. Giờ đây, khi nguy cơ cạn kiệt nguồn dầu mỏ có thể trở
thành hiện thực trong vài chục năm tới, thì nguồn cung và nhu cầu về tài nguyên
thiên nhiên, nhất là tài nguyên làm nguyên liệu công nghiệp và sản xuất năng lượng,
đang và sẽ ngày càng có sức nặng hơn trong việc hoạch định chính sách đối ngoại
của mọi quốc gia. Chưa bao giờ hoạt động ngoại giao gắn liền với các hợp đồng
khai thác tài nguyên khoáng sản lại có sự chuyển động phức tạp và mạnh mẽ như
hiện nay. Cùng với đó, những vận động mới của thị trường năng lượng thế giới
như sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, cạnh tranh chiến lược về năng
lượng, xu hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng bền vững, vai trò của
các chủ thể phi nhà nước, các diễn đàn đa phương đang là những nhân tố chi phối
ngày càng rõ nét đến việc xây dựng chính sách năng lượng và ngoại giao năng lượng
của các quốc gia. Ngoại giao năng lượng vì thế sẽ luôn là một câu chuyện mang
tính thời sự. Bài viết này sẽ trình bày vấn đề chính trị năng lượng và ngoại
giao năng lượng từ cả góc độ lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn, từ đó đưa ra
những hàm ý cho việc tiếp cận, xây dựng và triển khai ngoại giao năng lượng ở
Việt Nam.
Ngoại giao năng lượng trong lý
thuyết quan hệ quốc tế
Hai cuộc khủng hoảng dầu
mỏ quy mô toàn cầu vào những năm 1970 đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh, dẫn
đến tình trạng kinh tế “lạm phát kèm suy thoái” (stagflation) ở các nước phát
triển phương Tây và suy thoái kinh tế ở nhiều nền kinh tế trên thế giới. Có thể
nói, hậu quả của cuộc khủng hoảng đã gợi mở một vấn đề nghiên cứu về vai trò của
năng lượng cũng như tác động của chúng đối với các nền kinh tế, thương mại và
ngoại giao khi mà đại đa số các quốc gia dựa vào nguồn tài nguyên này để đảm bảo
an ninh kinh tế, xã hội và quân sự. Các nước phương Tây đã phải nâng mức ưu
tiên của việc đảm bảo nguồn cung dầu ổn định trong vấn đề an ninh quốc gia.
Khái niệm an ninh năng lượng cũng bắt đầu xuất hiện trong chính trị, kinh tế,
xã hội và giới học thuật phương Tây. Tuy nhiên, khái niệm an ninh năng lượng
không có sự thống nhất tuyệt đối mà liên tục thay đổi dựa theo quan điểm lý luận
và bối cảnh thực tiễn. Do đó, một loạt các khái niệm chính trị năng lượng và an
ninh năng lượng được hình thành theo lý thuyết đa chiều về quan hệ quốc tế. Đây
cũng là những nền tảng cơ bản trong phân tích chính sách ngoại giao năng lượng.
An ninh năng lượng: từ truyền thống đến phi truyền thống
Cùng với những thay đổi của
bối cảnh quốc tế, khái niệm an ninh năng lượng cũng trải qua một sự phát triển
từ khái niệm an ninh truyền thống sang khái niệm an ninh phi truyền thống. An
ninh năng lượng truyền thống tập trung vào các mối đe dọa an ninh gây ra bởi sự
gián đoạn đột ngột, sự tan rã và sự biến động giá cả từ các thao túng của thỏa
thuận cung cấp năng lượng hiện có. Theo đó, các mối đe dọa an ninh tiềm tàng của
tình trạng bất ổn chính trị, mối đe dọa kinh tế, xung đột quân sự và các cuộc tấn
công khủng bố là mối quan tâm quan trọng nhất trong an ninh năng lượng truyền
thống.[1] Cụ thể, an ninh năng lượng của các
nước nhập khẩu năng lượng bao gồm ba cấp độ. Thứ nhất, theo
nghĩa hẹp, an ninh năng lượng có nghĩa là đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ để
duy trì sản xuất quốc gia trong chiến tranh. Thứ hai, theo nghĩa rộng,
an ninh năng lượng là đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ để đảm bảo nền kinh tế
quốc gia đang hoạt động ở mức bình thường. Thứ ba, an ninh năng lượng
cũng có nghĩa là nguồn cung cấp năng lượng đủ để giữ cho nền kinh tế của nước
này phát triển mạnh ở dạng chính trị có thể chấp nhận được. Đối với các nước xuất
khẩu năng lượng, an ninh năng lượng trước hết và quan trọng nhất là
bảo đảm chủ quyền quốc gia đối với tài nguyên thiên nhiên, không bị quân đội nước
ngoài can thiệp và áp đặt kiểm soát quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên
năng lượng. Thứ hai là đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường nước
ngoài. Thứ ba là đảm bảo an ninh tài chính của nguồn thu từ xuất
khẩu năng lượng không bị chính phủ lãng phí hoặc bị lạm phát nuốt chửng.[2]
Sự kết thúc của Chiến
tranh Lạnh và những thay đổi sâu sắc của quan hệ quốc tế sau Chiến tranh Lạnh
cho thấy những hạn chế của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do mới trong việc
giải thích và dự đoán chính trị quốc tế. Những thay đổi trong nhận thức và mở rộng
phạm vi nghiên cứu về an ninh đồng thời cũng mở ra một góc nhìn mới đối với vấn
đề an ninh năng lượng. Theo đó, khái niệm an ninh năng lượng phi truyền thống
quan tâm nhất đến ảnh hưởng của chính sách năng lượng hiện tại đối với phúc lợi
của con người và hệ sinh thái của hành tinh. An ninh năng lượng được xem xét
trong một viễn cảnh rộng hơn, bao gồm việc tiêu thụ, sự khan hiếm và phân bổ
tài nguyên năng lượng không cân bằng, cũng như việc xử lý các thảm họa và tai nạn
năng lượng. Bên cạnh đó, an ninh sinh thái do các vấn đề năng lượng như biến đổi
khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm, xói mòn cũng được phân tích. Trong
bối cảnh mới này, để duy trì an ninh năng lượng, quốc gia phải tuân thủ 4
nguyên tắc: đa dạng nguồn cung, chuẩn bị nguồn lực phục hồi hậu khủng hoảng, đảm
bảo hoạt động ổn định của thị trường, và nắm bắt thông tin cung cầu chính xác
và kịp thời.[3]
Do đó, chúng ta có thể thấy
tầm quan trọng của hợp tác giữa các nước trong việc đảm bảo an ninh năng lượng
quốc gia. Hợp tác năng lượng không chỉ bao gồm sự hợp tác giữa những người tiêu
dùng năng lượng, mà còn là sự hợp tác giữa các nhà cung cấp năng lượng và người
tiêu dùng năng lượng. Rõ ràng, trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau,
một quốc gia có thể làm tăng an ninh năng lượng, nhưng đồng thời cũng có khả
năng làm suy yếu an ninh năng lượng của quốc gia khác. Chính vì thế, quan hệ quốc
tế và an ninh năng lượng có mối liên kết hết sức chặt chẽ.
Địa chính trị năng lượng
Trong nghiên cứu về chính
trị năng lượng và an ninh năng lượng, nhiều học giả tập trung vào quan điểm địa
chính trị, xem địa chính trị là một khung lý thuyết để phân tích chính trị năng
lượng và an ninh năng lượng. Theo đó, sự khan hiếm và phân phối năng lượng
không đồng đều đã tạo ra thuộc tính địa chính trị của an ninh năng lượng. Hợp
tác, cạnh tranh, xung đột và thậm chí là chiến tranh giữa các quốc gia và khu vực
khác nhau trong các vấn đề sản xuất và tiêu thụ năng lượng sẽ xảy ra một cách tự
nhiên.
Ngay từ những nghiên cứu
ban đầu về vấn đề năng lượng từ góc độ địa chính trị, các học giả đã chỉ ra rằng
tiếp cận các nguyên liệu thô, đặc biệt là năng lượng, là ưu tiên hàng đầu của
quan hệ chính trị quốc tế. Khả năng có được các mặt hàng thiết yếu này không
còn phụ thuộc vào quan hệ thực dân truyền thống hoặc công cụ quân sự, mà phụ
thuộc vào các yếu tố địa lý và quyết định chính trị của các chính phủ trên cơ sở
các điều kiện chính trị khác nhau. Quốc gia có quyền kiểm soát tài nguyên sẽ kiểm
soát những chủ thể dựa vào tài nguyên.[4] Vai trò của địa chính trị năng lượng
trong ngoại giao năng lượng có thể thấy rõ trên hai khía cạnh sau:
Thứ
nhất, vị trí địa lý tạo lợi thế nguồn cung năng
lượng chiến lược. Điều này được thể
hiện rõ với hầu hết các nguồn năng lượng quan trọng nhất hiện nay, bao gồm cả
năng lượng không tái tạo như khí đốt, than đá, dầu mỏ lẫn năng lượng tái tạo
như thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Trong đó, dầu mỏ, khí đốt là những dạng
năng lượng mang yếu tố chính trị đặc biệt và có tác động trực tiếp tới môi trường
quan hệ quốc tế vì đây là những nguồn nguyên liệu thô truyền thống, đáp ứng tới
40% tổng cầu năng lượng thô của thế giới và dự báo đến 2030, nguồn năng lượng
này vẫn chiếm khoảng 35% tổng cầu năng lượng. Đây có thể coi là những nguồn
nguyên liệu thô có tính chiến lược. Thực tế cũng cho thấy các quốc gia và khu vực
có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn như Nga, khu vực Trung Đông – Tây Phi,
Venezuela, Biển Đông, Bắc Mỹ… đều là các khu vực có những tương tác, va chạm
chính trị mạnh mẽ. Các quốc gia này cũng tận dụng khả năng cung cấp năng lượng
của mình để tạo lợi thế trong việc thực hiện các mục tiêu chính trị – an ninh –
đối ngoại của mình.
Ngoài năng lượng truyền
thống, các dạng năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh cũng tạo ra một làn
sóng địa chính trị năng lượng mới, đa dạng hơn. Các nguồn năng lượng gió, mặt
trời, thủy điện, thủy triều dù xuất hiện và phát triển mạnh nhờ sự phát triển của
khoa học công nghệ nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố địa lý tự nhiên. Ví dụ,
các nước có năng lực sản xuất thủy điện là các nước ở thượng nguồn sông, các nước
ở các vùng xích đạo có lợi thế lớn hơn trong việc sản xuất năng lượng mặt trời,
các vùng có lưu chuyển không khí lớn có thể tận dụng để sản xuất năng lượng
gió,… Do đó có thể khẳng định địa chính trị năng lượng với các nước sản xuất
ngày nay mở rộng hơn về phạm vi địa lý, bên cạnh những chủ thể truyền thống còn
nhiều quốc gia có tiềm năng nổi lên như một người chơi chiến lược mới, kéo theo
đó là những vấn đề cạnh tranh chính trị và ngoại giao năng lượng đa dạng phức tạp
hơn.
Thứ
hai, vị trí địa chiến lược trong vấn đề trung
chuyển năng lượng. Tầm quan trọng của việc kết nối cung và
cầu năng lượng đã tạo ra vị thế địa chính trị năng lượng cho cả các quốc gia
không có thế mạnh tự nhiên về năng lượng. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua việc
xây dựng, duy trì vận hành các đường ống dẫn dầu và dẫn khí xuyên quốc gia. Có
nhiều tính toán chiến lược trong quá trình này, từ cả nước xuất khẩu lẫn nước
trung chuyển, cụ thể như chi phí xây dựng và vận hành, vận động hành lang và
quan hệ chính trị giữa nước xuất khẩu và nước trung chuyển, tình hình chính trị
– xã hội ở các nước và vùng trung chuyển năng lượng, khả năng gây ảnh hưởng
chính trị bằng tiếp cận năng lượng… Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nước xuất
khẩu năng lượng, nhưng đã ráo riết vận động để phần lớn các tuyến đường ống dẫn
dầu khí đi qua nước mình và hiện đóng vai trò kiểm soát tuyến vận tải năng lượng
quan trọng ở khu vực.[5] Một ví dụ khác là Nga đầu tư rất lớn
cho các dự án đường ống dẫn dầu khí nhằm kết nối và chi phối nguồn cung thông
suốt cho châu Âu bằng các đường ống do mình kiểm soát. Các nhà phân tích quốc tế
cho rằng, các tuyến đường ống này có vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh
chiến lược dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ địa – chính trị tại
khu vực Á – Âu, quan hệ xuyên Đại Tây Dương và quan hệ Nga – EU.
Với năng lượng tái tạo,
do còn đang trong giai đoạn đầu phát triển nên khả năng cung ứng quốc tế vẫn
chưa được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi năng lượng không
tái tạo ngày càng khan hiếm, vai trò của năng lượng tái tạo ngày càng lớn thì
bài toán xây dựng các cung đường vận chuyển năng lượng tái tạo cũng sẽ sớm trở
thành bài toán địa chiến lược trong quan hệ quốc tế.
Nhìn chung, có thể nói yếu
tố địa chiến lược năng lượng đặc biệt quan trọng khi phân tích chính trị năng
lượng và ngoại giao năng lượng. Nó không chỉ quan trọng về mặt kinh tế, mà còn
đóng vai trò đòn bẩy chính trị thiết yếu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các yếu tố địa
lý đối với an ninh năng lượng là không tĩnh mà thay đổi theo thời gian, sự tiến
bộ của công nghệ, nhu cầu sử dụng, mục tiêu chính trị trong nước và quốc tế.
Lý thuyết phụ thuộc lẫn nhau và cơ chế hợp tác năng lượng
quốc tế
Năm 1976, Nazli Choucri
đã xuất bản một cuốn sách “Chính trị quốc tế về sự phụ thuộc lẫn nhau về năng
lượng” và đã phân tích sâu sắc về sự phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực năng lượng
quốc tế. Giao dịch năng lượng bất đối xứng cung cấp một nền tảng để thúc đẩy sự
phụ thuộc lẫn nhau, tạo thành đòn bẩy của sự tương tác và ràng buộc lẫn nhau giữa
các nước nhập khẩu và xuất khẩu. Sự phụ thuộc lẫn nhau làm cho hai bên nhận ra
rằng có những lợi ích chung trong việc duy trì sự ổn định kinh tế và quân sự của
xã hội quốc tế, do đó hình thành cơ sở thể chế hóa cho hành động tập thể.[6] Lý thuyết phụ thuộc lẫn nhau đã trở
thành công cụ lý thuyết chính để hiểu được bản chất của an ninh năng lượng cũng
như có tác động sâu sắc đến hợp tác năng lượng quốc tế hiện nay.
Các nhà lý thuyết tân tự
do như Robert Keohane và Joseph Nye nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức quốc
tế đối với việc xây dựng hệ thống năng lượng quốc tế từ sự phát triển toàn cầu
hóa và lý thuyết phụ thuộc lẫn nhau của cộng đồng quốc tế. Họ tin rằng các tổ
chức quốc tế không những có thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trong quan hệ
năng lượng quốc tế, mà còn có thể đạt hiệu quả trong việc thúc đẩy hợp tác quốc
tế trong lĩnh vực năng lượng.
Trên thực tế, trước những
diễn biến ngày càng phức tạp của vấn đề an ninh năng lượng và tác động của việc
khai thác sử dụng năng lượng đến môi trường và biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng
tới không chỉ một quốc gia riêng lẻ nào và đòi hỏi sự chung tay giải quyết của
nhiều bên, hầu hết các diễn đàn khu vực và quốc tế đã đưa vào và nâng mức độ ưu
tiên của vấn đề này trong chương trình nghị sự của mình.
Liên Hợp Quốc đã tuyên bố
“đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện
đại cho tất cả mọi người” là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế
giới cho giai đoạn 2015-2030. Trong đó nhấn mạnh 3 mục tiêu là: (i) Đảm bảo cho
mọi người đều có thể tiếp cận với các dịch vụ năng lượng hiện đại; (ii) Tăng gấp
đôi hiệu quả sử dụng năng lượng toàn cầu; và (iii) Tăng gấp đôi tỷ trọng năng
lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng của thế giới.
Các tổ chức lớn về năng
lượng như Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ
thế giới (OPEC) đang đóng vai trò lớn trong việc bình ổn thị trường năng lượng
thế giới, tư vấn chính sách cho các quốc gia nhằm hài hòa hóa an ninh năng lượng,
phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Các diễn đàn đa phương
như G20, APEC, ASEAN xác định vấn đề an ninh năng lượng chung là yếu tố then chốt
đối với tăng trưởng của cả khối và cũng triển khai nhiều cuộc đối thoại, dự án
hợp tác với trọng tâm là phát triển năng lượng bền vững. Ví dụ, một nghiên cứu
chung giữa Trung tâm Năng lượng ASEAN, Tổ chức Hợp tác và Phát triển năng lượng
toàn cầu đa kết nối (GEIDCO) và Uỷ ban Kinh tế và Xã hội châu Á – Thái Bình
Dương của Liên hợp quốc với chủ đề “Đa kết nối năng lượng ở ASEAN vì xã hội bền
vững và tự cường” đã chỉ ra rằng xây dựng nền tảng đa kết nối năng lượng ở
ASEAN và kết nối với bên ngoài là chìa khoá để thúc đẩy sự phát triển của năng
lượng sạch.
Có thể nói, những nỗ lực
xử lý các vấn đề năng lượng tại các diễn đàn đa phương như trao đổi chia sẻ
chính sách an ninh năng lượng bền vững, duy trì sự an toàn của các tuyến đường
vận chuyển năng lượng và các vấn đề khác đã thể hiện rõ yếu tố phụ thuộc lẫn
nhau và xu thế, vai trò của hợp tác năng lượng trên thế giới hiện nay.
Ngoại giao năng lượng
Như đã phân tích ở trên,
năng lượng là nguồn sức mạnh, là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của nhân
loại, động lực tăng trưởng kinh tế trong xã hội công nghiệp hiện đại và là nguồn
lực chiến lược không thể thay thế của chính trị quốc tế, an ninh quốc gia và
ngoại giao. Do đó, ngoại giao năng lượng nhanh chóng trở thành chủ đề cơ bản của
ngoại giao đương đại. Mặc dù không có định nghĩa chính xác cho ngoại giao năng
lượng nhưng có thể hiểu ngoại giao năng lượng liên quan đến các hoạt động
đối ngoại nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của một quốc gia đồng thời thúc đẩy
các cơ hội kinh doanh liên quan đến ngành năng lượng cũng như thúc đẩy các cơ hội
hợp tác song phương và đa phương nói chung.
Mục tiêu chiến lược của
ngoại giao năng lượng nói chung là theo đuổi lợi ích kinh tế và chính trị-an
ninh trong phân bổ, tiếp cận nguồn năng lượng toàn cầu và bảo đảm sự phát triển
kinh tế bền vững và vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Để tránh các cuộc cạnh
tranh gia tăng sự hủy diệt và hỗn loạn trên thị trường năng lượng thế giới, để
bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, khu vực và toàn cầu, để tận dụng các lợi
thế địa chiến lược về mặt năng lượng như đã phân tích ở trên, các quốc gia đã
tăng cường xây dựng chiến lược phát triển năng lượng và triển khai các hoạt động
ngoại giao năng lượng ngày càng mạnh mẽ. Trong đó, các vấn đề an ninh – kinh tế
chiến lược là trọng tâm và ưu tiên hàng đầu.
Trong thế giới đương đại,
có thể nhận thấy 2 loại ngoại giao năng lượng chính là ngoại giao vì năng lượng
và ngoại giao bằng năng lượng. Theo đó, ngoại giao năng lượng có hai khía cạnh
cụ thể: (i) mục đích của các hoạt động chính trị bên ngoài là đảm bảo an ninh
năng lượng, phục vụ chiến lược an ninh – kinh tế quốc gia; và (ii) có những động
cơ chính trị trong ngoại giao năng lượng, tức là đạt được các mục đích chính trị
cụ thể thông qua việc tận dụng lợi thế về năng lượng.
Từ việc nghiên cứu một
cách có hệ thống cả thực tiễn và lý thuyết trong ngoại giao năng lượng của các
quốc gia, có thể khái quát một số nhân tố tác động đến chiến lược phát triển
năng lượng và ngoại giao năng lượng của một quốc gia bao gồm:
Thứ
nhất, lợi thế tự nhiên và nhu cầu về năng lượng của mỗi quốc gia trong chiến lược
an ninh – kinh tế – chính trị tổng thể. Theo đó: (i) nhiệm vụ cơ bản của ngoại giao năng lượng của các nước
phụ thuộc nguồn cung năng lượng bên ngoài là thúc đẩy đa dạng hóa, đảm bảo nguồn
năng lượng dài hạn và bền vững từ nhập khẩu và phát triển khả năng tự cung ứng
bằng các dạng thức năng lượng mới, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu năng lượng nội địa;
(ii) Mục tiêu của các nước có lợi thế xuất khẩu năng lượng là duy trì mức giá
cao của các sản phẩm năng lượng trong phạm vi hợp lý và tránh biến động giá, đảm
bảo duy trì khả năng cung ứng thông suốt cho các đối tác có nhu cầu để thu lợi
kinh tế, tạo thế đan xen lợi ích để tạo dựng ảnh hưởng; và (iii) Đối với các nước
có lợi thế trung chuyển, mục tiêu chính là trở thành mắt xích trong hệ thống
năng lượng quốc tế, đảm bảo an toàn và tính thông suốt cho các tuyến vận chuyển,
tạo đòn bẩy thực hiện các mục tiêu chính trị – an ninh – kinh tế.
Thứ
hai, sự thay đổi trong cơ cấu thị trường năng lượng. Nếu như trước đây,
năng lượng tự nhiên sẵn có như dầu mỏ, khí đốt, than đá gần như là dạng năng lượng
duy nhất và có vai trò chi phối hoàn toàn thị trường năng lượng thế giới thì
cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các dạng năng lượng tái tạo đang
ngày càng được ưa chuộng và gia tăng thị phần. Điều này sẽ tác động đến vị thế
chiến lược của các quốc gia trong hệ thống năng lượng quốc tế và chính sách ngoại
giao năng lượng của các nước.
Thứ
ba, tác động của các chủ thế phi nhà nước như các thể chế đa phương, các tập
đoàn đa quốc gia trong hệ thống năng lượng quốc tế… Những biến chuyển trong bối cảnh quốc tế
đã làm nổi bật vai trò của các thể chế đa phương. Các thể chế này tạo ra sân
chơi để các nước đối thoại, củng cố lòng tin chiến lược, hài hòa lợi ích vì mục
tiêu phát triển bền vững chung. Vai trò của các tập đoàn đa quốc gia cũng ngày
càng lớn trong nền kinh tế năng lượng thế giới. Mối quan hệ giữa chúng có liên
quan đến an ninh năng lượng đa quốc gia, vì vậy duy trì hợp tác giữa các công
ty năng lượng đa quốc gia lớn trên thế giới có ý nghĩa rất quan trọng. Sự hợp
tác này tồn tại ở cấp độ ngoại giao năng lượng của công ty và cũng có thể có
chi phối đến ngoại giao năng lượng Chính phủ.
Thứ
tư, các vấn đề an ninh phi truyền thống liên quan đến năng lượng như biến đổi
khí hậu, phát triển bền vững, tội phạm xuyên quốc gia. Quy mô của thương mại
năng lượng thế giới trong thế kỷ 21 sẽ mở rộng đáng kể. Cùng với đó, các vấn đề
vận chuyển quá cảnh quốc tế sẽ thường xuyên xuất hiện trong thực tiễn ngoại giao
năng lượng. Trong đó, tình hình chính trị – xã hội nội bộ và vấn đề tội phạm
xuyên quốc gia như cướp biển đang nổi lên rõ nét. Thực tiễn này sẽ đòi hỏi một
nền tảng luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo cho hoạt động xuyên suốt của các tuyến
vận tải năng lượng quốc tế. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi
trường, biến đổi hệ sinh thái ngày càng nghiệm trọng, trong đó khai thác và sử
dụng năng lượng là một nguyên nhân chính, cũng ảnh hưởng đến chính sách ngoại
giao năng lượng của các quốc gia. Các chính phủ, do nhận thức tính nghiêm trọng
của các khía cạnh phi truyền thống lẫn sức ép của các tổ chức môi trường, sẽ phải
để tâm hơn đến việc xử lý các vấn đề này.
Tóm lại, năng lượng là
tài nguyên cơ bản cho phát triển kinh tế xã hội quốc gia, gắn liền với chính trị
quốc tế, ngoại giao và an ninh quốc gia, và đã trở thành nhân tố chủ chốt trong
quan hệ quốc tế luôn thay đổi. Tăng cường hợp tác năng lượng quốc tế và xây dựng
trật tự năng lượng quốc tế mới là cách duy nhất để tránh thảm họa xung đột toàn
cầu phát sinh khi cạnh tranh năng lượng trở nên mất kiểm soát. Do đó, cộng đồng
quốc tế ngày càng nhấn mạnh rằng cần đạt được an ninh năng lượng thông qua hợp
tác và phối hợp quốc tế và việc duy trì an ninh năng lượng phải gắn liền với mục
tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững, cũng như quan hệ chính trị đối ngoại
của đất nước.
Kinh nghiệm của một số nước
trong triển khai ngoại giao năng lượng
Chính
sách ngoại giao năng lượng của Mỹ
Trong một phiên điều trần
năm 2014, David Goldwyn, người từng là đặc phái viên và điều phối viên của Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ về các vấn đề năng lượng quốc tế từ năm 2009 đến 2011, đã đưa
ra một cái nhìn tổng quan về các công cụ mà chính phủ Hoa Kỳ xử lý để giảm thiểu
sự gián đoạn cung cấp năng lượng, tăng cường an ninh năng lượng và giảm thiểu hậu
quả của biến đổi khí hậu.[7] Theo đó, các biện pháp Mỹ sử dụng
bao gồm tuyên truyền với các chính phủ nước ngoài về các tư tưởng Mỹ theo đuổi,
cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, và thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của các công ty, từ
đó gây áp lực giảm giá và buộc các đối tác phải thích nghi. Có thể thấy trong một
giai đoạn tương đối ngắn, ngoại giao Mỹ đã chuyển đổi phương thức từ ngoại giao
năng lượng thầm lặng sang công khai thúc đẩy sức mạnh năng lượng cho các mục
đích đối ngoại.
Trong 2 nhiệm kỳ, chính
quyền Obama đã đưa ra nhiều khuôn khổ rõ ràng để đạt được mục tiêu đảm bảo an
ninh năng lượng và gia tăng lợi ích quốc gia bằng năng lượng. Chính Tổng thống
Obama đã hợp thức hóa quy trình cấp phép xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang các
nước không có thỏa thuận thương mại tự do (xuất khẩu sang các nước FTA luôn ít
thủ tục hơn) và đã đạt thỏa thuận với Quốc hội Hoa Kỳ vào cuối năm 2015 để dỡ bỏ
lệnh cấm xuất khẩu dầu thô.[8] Vị thế của Mỹ trong thị trường năng
lượng toàn cầu đã có sự chuyển mình đáng kể. Năm 2011, Mỹ đã lần đầu vượt qua Nga
trở thành nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và nhà sản xuất dầu lớn nhất
thế giới năm 2018.
Dưới thời Tổng thống
Trump, năng lượng tiếp tục đóng một vai trò lớn trong chính sách đối ngoại.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, Trump đã cam kết sẽ phục hưng nước Mỹ và một
trong số các biện pháp là khôi phục ngành than trong nước. Kết quả là sau khi đắc
cử, Tổng thống Trump đã đưa than trở lại ưu tiên trong chương trình nghị sự ngoại
giao, cùng với dầu mỏ và khí hóa lỏng để “trả ơn” cử tri bỏ phiếu ủng hộ. Trong
suốt gần một nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Trump đã nhiều lần phát biểu bày tỏ
thẳng thắn chính sách tận dụng nguồn tài nguyên năng lượng hóa thạch của Mỹ để
hưởng lợi từ việc xuất khẩu năng lượng và đồng thời tạo đòn bẩy để mặc cả các
ván bài chính trị, thực hiện các mục tiêu chiến lược của Mỹ.
Nhìn chung, chính sách
năng lượng của Mỹ hiện nay nổi lên một số nét chính sau:
·
·
An ninh năng lượng cùng với
an ninh kinh tế là hai lĩnh vực quan trọng hàng đầu đối với an ninh quốc gia của
Mỹ. Theo đó, để đảm bảo an ninh năng lượng, Mỹ tập trung vào các biện pháp tự
chủ năng lượng, hạn chế sự phụ thuộc bên ngoài. Hơn thế nữa, ngoài việc đảm bảo
ổn định nguồn cung cho nhu cầu nội địa, Mỹ tham vọng đẩy mạnh chính sách năng
lượng “nước Mỹ trước tiên” nhằm xác lập một vị thế mới cho Mỹ trên thị trường
năng lượng thế giới, góp phần bảo đảm lợi ích và an ninh tổng thế của quốc gia.
Mỹ cũng phản đối các hành động cản trở các quốc gia tiếp cận hợp pháp các nguồn
tài nguyên, năng lượng.
·
Cơ cấu năng lượng dưới thời
tổng thống Trump tập trung chủ yếu vào khai thác các năng lượng sẵn có và Mỹ có
thế mạnh, đồng thời vẫn nghiên cứu phát triển các dạng năng lượng tái tạo với mục
đích dự phòng. Năm 2018, khoảng 79% sản lượng năng lượng của Mỹ đến từ
nhiên liệu hóa thạch và 80% năng lượng tiêu thụ của nước này có nguồn gốc từ
nhiên liệu hóa thạch.[9] Các sản phẩm năng lượng tái tạo
không được chính quyền Trump đề cao nhưng vẫn duy trì phát triển cầm chừng. Bên
cạnh đó, chính quyền Trump cũng đang tìm cách khôi phục ngành năng lượng hạt
nhân của Mỹ bằng cách đưa ra các chính sách giúp loại năng lượng này tăng tính
trạnh tranh với khí tự nhiên, năng lượng tái chế cũng như giải quyết tốt vấn đề
chất thải hạt nhân.
·
Tăng cường sức mạnh năng
lượng trong cuộc chơi trên chính trường quốc tế. Tham vọng của Mỹ hiện nay là đạt
được vị thế đi đầu trong ngành năng lượng thế giới và khẳng định tầm ảnh hưởng
thông qua xuất khẩu năng lượng. Việc Mỹ đầu tư gần 50 triệu USD cho chương
trình Thúc đẩy Phát triển và Tăng trưởng thông qua Năng lượng ở châu Á (Asia
EDGE) nói riêng và nhấn mạnh trụ cột năng lượng (cùng với hạ tầng, kinh tế số)
trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPS)
nói chung phần nào cho thấy Mỹ đang và sẽ sử dụng năng lượng như một đòn bẩy
quan trọng. Đây cũng là đặc điểm nổi bật của ngoại giao năng lượng Mỹ thời gian
tới.
·
Chính sách năng lượng “nước
Mỹ trước tiên” của chính quyền Trump khiến các khía cạnh an ninh phi truyền thống
của năng lượng bị coi nhẹ hơn. Tổng thống Trump đã rút khỏi Hiệp định Paris về
biến đổi khí hậu (COP 21) nhằm thực hiện cam kết thúc đẩy ngành công nghiệp dầu
khí và than của Mỹ. Chính quyền Mỹ khẳng định rằng Mỹ có cách tiếp cận thực tế
khi sử dụng hỗn hợp tất cả các loại năng lượng một cách sạch sẽ và hiệu quả nhất,
trong đó có cả nhiên liệu hóa thạch, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.
Tóm lại, chính sách ngoại
giao năng lượng được coi là một trong những đòn bẩy quan trọng của Mỹ trên
chính trường quốc tế. Việc triển khai khéo léo và quyết liệt các chính sách
năng lượng có thể giúp Mỹ bảo vệ và gây ảnh hưởng hơn với các nước đồng minh, đối
tác, kiềm chế các đối thủ trong khi đem lại nguồn lợi cho các nhà sản xuất
trong nước. Đây nhiều khả năng sẽ tiếp tục là cách tiếp cận ngoại giao năng lượng
của các chính quyền Mỹ để tăng cường lợi ích chính trị và kinh tế trong thời
gian tới.
Chính sách ngoại giao năng lượng của Nga
Năng lượng là nền tảng
trong chính sách đối ngoại của Nga và là yếu tố quan trọng quyết định sức mạnh
chính trị và vị thế quốc tế của quốc gia này. Nga có trữ lượng khí đốt tự nhiên
lớn nhất thế giới, trữ lượng than lớn thứ hai và trữ lượng dầu lớn thứ bảy. Trước
đây, Liên Xô đã dựa vào việc cung cấp năng lượng để tăng thu ngân sách, giảm
căng thẳng chính trị và tham gia giao thương với Tây Âu, đặc biệt là Tây Đức.
Hiện nay, khi sức mạnh quân sự của Nga kém hơn rất nhiều so với thời Liên Xô,
quan hệ năng lượng càng chứng tỏ là một công cụ ảnh hưởng quan trọng và linh hoạt
hơn nhiều.
Kể từ khi lên nắm quyền,
Tổng thống Putin đã cân nhắc việc tích hợp chính sách đối ngoại và chính sách
năng lượng để tận dụng lợi thế vừa là nước nắm giữ nguồn tài nguyên
hydrocacbon, vừa là một nước sản xuất, xuất khẩu năng lượng lớn để gây ảnh hưởng
với các mức độ khác nhau. Chiến lược năng lượng xuyên suốt nhiều năm của Nga đã
phản ánh rõ nhận thức và định hướng này, trong đó “nguồn tài nguyên năng lượng
quan trọng và tổ hợp năng lượng-nhiên liệu phong phú” của Nga là “một công cụ để
thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại” và “vai trò của Nga trên thị trường
năng lượng toàn cầu sẽ xác định tầm ảnh hưởng địa chính trị của quốc gia”.
Nhìn một cách khái quát,
năng lượng đang đóng 3 vai trò trong chính sách đối ngoại và phát triển của
Nga: (i) nguồn thu hút kinh tế từ các nước láng giềng và đối tác; (ii) yếu tố
quan trọng trong quan hệ song phương với các nước láng giềng nhằm đổi lấy các lợi
ích kinh tế và chính trị, thậm chí đôi khi là quân bài chiến lược để gây sức
ép; và (iii) phương tiện để đạt được ảnh hưởng kinh tế và chính trị thông qua
các cơ chế phi truyền thống.[10]
Có thể nói, những nhạy
bén về chính sách ngoại giao năng lượng cùng với những lo ngại của các nước về
cân bằng năng lượng trong tương lại đã tạo cho Nga một bàn đạp để chiếm ưu thế
trên trường quốc tế. Giai đoạn giá dầu đạt đỉnh năm 2008 cũng là thời điểm đỉnh
cao trong ảnh hưởng đối ngoại của Nga trên trường quốc tế, được thể hiện rõ nét
qua bài phát biểu của Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở
Bucharest (Rumani) và sự kiện Nga đưa quân vào Grudia vài tháng sau đó. Cuộc khủng
hoảng kinh tế 2009 dù khiến giá dầu lao dốc và gây không ít khó khăn đối với
cách tiếp cận sử dụng đòn bẩy năng lượng trong quan hệ đối ngoại của Nga nhưng
cũng là dấu mốc giúp Nga nhận diện và điều chỉnh chính sách ngoại giao năng lượng
của mình.
Đặc điểm quan trọng trong
chính sách xuất khẩu năng lượng của Nga trong giai đoạn đến 2030 là đa dạng hóa
thị trường theo các dạng nguồn năng lượng và theo khu vực. Trong tương lai, Nga
sẽ vẫn duy trì ảnh hưởng ở thị trường Tây và Trung Âu với ưu thế năng lượng dầu
mỏ và hệ thống đường ống dẫn rộng khắp. Nga cũng đã thể hiện sự quan tâm trong
việc phát triển hợp tác năng lượng (bao gồm cả hạt nhân) với một số quốc gia ở
Châu Phi, bao gồm Angola, Ai Cập, Namibia, Nigeria và Nam Phi. Thế nhưng mục
tiêu chính trong chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu lại là các thị trường mới ở
châu Á – Thái Bình Dương, thể hiện qua chiến lược năng lượng nằm trong tổng thể
Chiến lược Hướng Đông của Nga.
Một số nội dung chính
trong Chiến lược năng lượng hướng Đông của Nga gồm: (i) Hình thành các tổ hợp
năng lượng trên vùng Viễn Đông của Nga nối liền với khu vực Đông Á đến châu Á –
Thái Bình Dương và trên bờ biển, thềm lục địa biển phía Bắc nước Nga; (ii) Đến
năm 2030 cần phải đạt 26-27% xuất khẩu tài nguyên năng lượng, 22-25% xuất khẩu
dầu thô và 19-20% xuất khẩu khí thiên nhiên của Nga sang khu vực châu Á – Thái
Bình Dương;[11] (iii) Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực
công nghệ năng lượng, đặc biệt là công nghệ nguồn năng lượng tái tạo và tiết kiệm
năng lượng; (iv) Thúc đẩy thành lập một số cơ chế đối thoại và hợp tác mới với
các nước trong khu vực để đảm bảo về vấn đề an ninh năng lượng khu vực, trong
đó có cân nhắc đến lợi ích lâu dài của Nga như là nhà cung cấp năng lượng chính
trong khu vực; và (v) Đưa ra thảo luận trong khu vực các vấn đề an ninh năng lượng
trọng yếu, trong đó tập trung vào phát triển hạ tầng năng lượng và các chính
sách năng lượng và an ninh năng lượng của các nước và toàn khu vực.
Có thể nói, Nga đã triển
khai khá thành công chính sách ngoại giao năng lượng của mình, một phần do sự
tham gia tích cực của cá nhân các lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, hiện nay chiến
lược năng lượng của Nga vẫn dựa chủ yếu trên lợi thế tự nhiên sẵn có là các dạng
năng lượng không tái tạo và hệ thống đường ống dẫn dầu khí vượt trội. Thực tế
này khiến Nga phụ thuộc nhiều vào giá dầu thế giới, vốn không ổn định do sự cạnh
tranh ngày càng mạnh từ các chủ thể mới nổi khác như Mỹ, sự bất ổn của tình
hình chính trị – xã hội ở các vùng địa chiến lược năng lượng cũng như xu hướng
phát triển của năng lượng tái tạo. Diễn biến cuộc chiến dầu mỏ đang diễn ra rất
căng thẳng hiện nay giữa Nga – OPEC – Mỹ phản ánh rõ nét điều đó. Đàm phán giữa
Nga và OPEC đổ bể do cường quốc này không muốn tiếp tục giảm sản lượng. Đồng thời,
Nga liên tục phàn nàn rằng thỏa thuận OPEC+ đã hỗ trợ cho nền công nghiệp đá
phiến của Mỹ. Nga quan ngại với phía Mỹ trong việc nước này liên tục sử dụng
các lệnh trừng phạt để làm cản trở đường ống Nord Stream 2, một đường ống nối
các mỏ khí rất quan trọng trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng năng lượng của Nga
tại châu Âu. Những căng thẳng này đã đẩy giá dầu xuống mức thấp kỷ lục trong
vòng 18 năm qua . Trong ngắn hạn, Nga có khả năng đối phó sự sụt giá nhưng cán
cân ngân sách đang mất dần sự cân bằng và cho thấy tính bền vững trong đối ngoại
năng lượng Nga rất bấp bênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chính sách ngoại giao năng lượng của Indonesia
Indonesia là một quốc đảo
giàu tài nguyên với dân số trẻ và đông đảo, nền kinh tế đang phát triển nhưng
chính sách năng lượng lại chưa khai thác được lợi thế tự nhiên để mang lại lợi
ích an ninh – kinh tế – chính trị cho quốc gia này. Trữ lượng dầu của nước này
đạt khoảng 22 tỷ thùng, tương đương với khoảng 10 năm sản xuất dầu và 50 sản xuất
khí đốt. Trữ lượng than, tiềm năng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối
và nhiên liệu sinh học cũng rất dồi dào.[12] Tuy nhiên, theo dự báo, với mức
tiêu thụ năng lượng tăng khoảng 5-6%/năm như hiện nay, đến năm 2030, Indonesia
sẽ phải nhập khẩu khoảng 75% tổng cầu năng lượng. Điều này sẽ khiến nước này
ngày càng dễ tổn thương hơn trước những biến động trên thị trường năng lượng thế
giới.
Nhận thức được vấn đề
này, chính phủ Indonesia đã có những điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng
nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và định hướng phát triển bền vững trong dài hạn
theo Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs). Mục tiêu chính gồm:
(i) đảm bảo năng lượng cho nhu cầu nội địa; (ii) đảm bảo nguồn cung năng lượng
bền vững trong dài hạn; (iii) đảm bảo năng lượng cho các mục đích xuất khẩu; và
(iv) cải thiện chất lượng dịch vụ và bảo vệ mội trường.
Cụ thể, năm 2016, 2017
chính phủ Indonesia đã ban hành 3 văn bản pháp quy xác định các mục tiêu phát
triển, quản lý năng lượng để đạt được sự độc lập về năng lượng và an ninh năng
lượng quốc gia để hỗ trợ sự phát triển bền vững của quốc gia. Theo đó, các mục
tiêu an ninh năng lượng quốc gia cơ bản của Indonesia là tăng tỷ lệ điện khí
hóa lên mức gần 100% vào năm 2020, hoàn thành xây dựng một mạng lưới khí gas
cho 4,7 triệu hộ gia đình kết nối và hầm khí ga cho 1,7 triệu hộ vào năm 2025;
nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo lên mức 23% vào năm
2025 và ít nhất 31% năm 2050; về sử dụng hiệu quả năng lượng, Indonesia đặt mục
tiêu giảm hao tổn năng lượng cuối cùng là 1%/năm và đạt độ co giãn năng lượng
dưới 1 vào năm 2025, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế.[13]
Có thể nói, tuy là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng Indonesia vẫn
chưa đánh giá đúng mực tính chiến lược của tiềm năng lượng của mình, quản lý và
sử dụng các nguồn tài nguyên chưa hợp lý vì thiếu công nghệ tiên tiến, nguồn
nhân lực có khả năng và ý chí chính trị. Những động thái gần đây của Indonesia
đang cho thấy chuyển biến trong đánh giá tình hình trong đó an ninh năng lượng
trở thành một trong những vấn đề quan trọng mà chính sách đối ngoại và ngoại
giao của Indonesia ưu tiên. Indonesia đang thay đổi chiến lược phát triển năng
lượng và ngoại giao năng lượng của mình để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
trong dài hạn. Hơn thế nữa, nếu nhận thức được tiềm năng năng lượng trong chính
sách đối ngoại, Indonesia có thể nâng cao vị thế của mình ở sân chơi chính trị
khu vực và quốc tế.[14]
An ninh năng lượng và đối ngoại
năng lượng Việt Nam
Với tầm vóc của một quốc
gia tầm trung có mức thu nhập trung bình và tốc độ tăng trưởng GDP nhiều năm liền
thuộc nhóm nhanh nhất thế giới (7,02% năm 2019), việc bảo đảm vững chắc, lâu
dài an ninh năng lượng quốc gia mang tầm quan trọng chiến lược hàng đầu đối với
phát triển kinh tế – xã hội (trước mắt cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển
kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030), công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của
đất nước. Vì lý do đó, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số
55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2045[15] gồm mục tiêu tổng quát và 7 mục
tiêu cụ thể, 5 quan điểm chỉ đạo và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đáng
chú ý, mục tiêu tổng quát nhấn mạnh “bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc
gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý
cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh,
nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”.
Với cách tiếp cận liên
ngành, toàn chính phủ (whole-of-government approach), Nghị quyết 55 coi trọng
vai trò của ngoại giao và đối ngoại năng lượng. Cụ thể, nhiệm vụ số 8 nêu:
(i) Đẩy mạnh hợp tác quốc
tế, tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập
khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài.
(ii) Thực hiện chính sách
đối ngoại năng lượng linh hoạt, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi. Mở rộng và
làm sâu sắc hơn hợp tác năng lượng với các đối tác chiến lược, đối tác quan trọng.
Tăng cường quan hệ quốc tế về năng lượng trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực
phù hợp với xu thế hội nhập, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, các
quan hệ chính trị – ngoại giao thuận lợi để phát triển năng lượng.
(iii) Khẩn trương xây dựng
chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn song song với khuyến khích đầu tư, khai
thác tài nguyên năng lượng ở nước ngoài để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng
quốc gia; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư dự án năng lượng ở
nước ngoài, trước hết là với các dự án nguồn điện tại một số nước láng giềng để
chủ động nhập khẩu điện về Việt Nam. Mở rộng quan hệ đối tác với các công ty đầu
tư năng lượng, phát triển công nghệ năng lượng tiên tiến.
(iv) Tích cực tham gia hợp
tác năng lượng tại tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) và khu vực Đông – Nam Á
(ASEAN); liên kết lưới điện, hoàn thiện cơ chế mua bán điện với Trung Quốc, Lào
và Cam-pu-chia. Tiếp tục nghiên cứu kết nối hệ thống khí trong khu vực, triển
khai thực hiện khi điều kiện cho phép.
Như vậy, so với Nghị quyết
số 18 ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển
năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050, Nghị quyết 55
là văn kiện chính thức đầu tiên đề cập đến khái niệm “đối ngoại năng lượng”, thể
hiện sự thay đổi về nhận thức của Việt Nam về vai trò gia tăng của đối ngoại
nói chung, ngoại giao nói riêng trong bảo đảm an ninh năng lượng và là bước
phát triển quan trọng của tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chủ động,
tích cực. Theo đó, đối ngoại năng lượng có mối liên hệ chặt chẽ, hỗ tương với
ngoại giao trên các phương diện: (i) chiến lược, ngoại giao chính trị (góp phần
tạo dựng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, mở rộng mạng lưới đối tác),
(ii) hội nhập quốc tế (đẩy mạnh đối ngoại năng lượng tại các cơ chế, diễn đàn
đa phương, khu vực, nâng cao vị thế đất nước), (iii) an ninh quốc gia (góp phần
bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì các hoạt động kinh tế bình thường
trong vùng đặc quyền kinh tế trên biển, bảo vệ an ninh nguồn nước ở tiểu vùng
Mê Công), (iv) ngoại giao kinh tế (góp phần thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng
lượng và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài).
Để cụ thể hóa và triển
khai hiệu quả Nghị quyết 55, trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn các nước về ngoại
giao năng lượng và xu thế an ninh năng lượng trên thế giới, ngoại giao Việt Nam
trên vị thế là một quốc gia tầm trung có thể đẩy mạnh đối ngoại năng lượng theo
các trọng tâm sau:
Thứ
nhất, xác định ngành ngoại giao và hệ thống các cơ quan đại diện ở nước
ngoài là một trong những “binh chủng” quan trọng trên “mặt trận” đối ngoại năng
lượng, đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ, xúc tác, kết nối, cùng các bộ,
ngành, địa phương, doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng cơ hội nhập khẩu, thu hút đầu
tư trong nước và thúc đẩy đầu tư năng lượng ra nước ngoài.
Thứ
hai, quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết 55 bằng kế hoạch hành động, lồng
ghép đối ngoại năng lượng trong tổng thể chiến lược đối ngoại và trong triển
khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị 25 của Ban Bí
thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, coi ngoại giao
năng lượng là một trong những ưu thế và ưu tiên ngoại giao chuyên biệt mới
(niche diplomacy) của một quốc gia tầm trung.
Thứ
ba, chú trọng đưa vấn đề năng lượng, an ninh năng lượng vào các chương
trình nghị sự song phương với các đối tác phù hợp, đối tác quan trọng, coi đây
là chất keo dính gia tăng đan xen lợi ích, mang ý nghĩa chiến lược, dựa trên
các nguyên tắc chung như bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng lòng
tin, tôn trọng quy tắc, chuẩn mực chung, luật pháp quốc tế; thiết lập và mở rộng
mạng lưới đối tác về năng lượng (ví dụ Đối tác chiến lược với Đan Mạch
trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu, Môi trường, Năng lượng và Tăng trưởng xanh);
thúc đẩy hình thức đối thoại năng lượng liên chính phủ với các đối tác.
Thứ
tư, tích cực tham gia hợp tác, hội nhập quốc tế về năng lượng, phát huy
vai trò dẫn dắt ý tưởng, sáng kiến về năng lượng, an ninh năng lượng gắn với
phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (phù hợp
với Mục tiêu 7 của Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp
quốc) tại các diễn đàn, cơ chế đa phương, khu vực (Liên hợp quốc, ASEAN,
tiểu vùng Mê Công…); vận động đưa người tham gia vào vị trí lãnh đạo của các tổ
chức chuyên môn quốc tế về năng lượng; tổ chức các sự kiện, diễn đàn quốc tế về
năng lượng, an ninh năng lượng, phát triển năng lượng bền vững, ứng dụng Cách mạng
công nghiệp 4.0…
Thứ
năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào nghiên cứu,
thăm dò, khai thác, phát triển các loại hình năng lượng không tái tạo và năng
lượng tái tạo, sạch mà Việt Nam có thế mạnh (như dầu mỏ, khí hóa lỏng, thủy điện,
điện mặt trời, điện gió, năng lượng biển…); đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp,
địa phương trong nước kết nối, hợp tác với các nhà đầu tư tiên tiến, công nghệ
cao, tìm kiếm cơ hội xúc tiến đầu tư ra nước ngoài.
Thứ
sáu, đẩy mạnh công tác
nghiên cứu, dự báo về chiến lược năng lượng, thế mạnh năng lượng của các đối
tác, nhất là các đối tác lớn, về các xu thế năng lượng, thị trường năng lượng
thế giới, về chủ đề an ninh năng lượng tại các diễn đàn đa phương để kịp thời
tham mưu trong nước triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển năng lượng quốc
gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bài viết được đăng lần đầu trên tạp chí Nghiên cứu
Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam, số 1 (120).
————–
** ThS, Học viện Ngoại giao,
Bộ Ngoại giao. Bài viết thể hiện nghiên cứu và quan điểm cá nhân của các tác giả,
không phản ánh quan điểm của cơ quan công tác.
[1] Paul B. Stares (2000),“Rethinking energy
security in East Asia”, Tokyo: The Japan Center for International
Exchange, tr. 19
[4] Conant, M., & Gold, F. (1978), The
Geopolitics of Energy, Boulder Colorado: Westview Press. tr. 3
[6] Nazli Choucri (1976), International
Politics of Energy Interdependence, Lexington: Lexington Books.tr. 194
[7] D. Goldwyn (2014), “The Role of Natural
Gas Exports in U.S. Foreign Policy,” báo cáo tại phiên điều trần trước Thượng
viện Mỹ về tài nguyên năng lượng và thiên nhiên. Ngày 14/3/2014, tại
[13] Bộ Năng lượng và tài nguyên khoáng sản
Indonesia (2019), “Chính sách năng lượng quốc gia Indonesia và hướng đến Mục
tiêu phát triển bền vững số 7 (SDGs 7) và Hiệp định Paris”, tại
[14] Indonesia có 4 tỷ thùng trữ lượng dầu đã
được xác thực và tiềm năng là nhà xuất khẩu than lớn thứ hai thế giới và xuất
khẩu khí đốt hóa lỏng lớn thứ ba. Trong ASEAN, do chiếm đến 40% mức tiêu thụ
năng lượng của ASEAN, cùng với quy mô thị trường lớn nhất, Indonesia đóng vai
trò rất lớn trong hợp tác năng lượng của khối.
[15] Bộ Chính trị (2020), Nghị quyết
về định hướng Chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045, tại
-----------------------------------------------------
Có Thể Bạn Quan
Tâm:
No comments:
Post a Comment