Tuesday, April 7, 2020

TẠI SAO CÓ NGƯỜI CHẾT VÌ COVID-19 và CÓ NGƯỜI LẠI CHẲNG HỀ HẤN GÌ …   (Phạm Thanh Giao)





Tất cả các cuộc nghiên cứu cho thấy, người càng lớn tuổi thì càng dễ trở thành nạn nhân trong tay sát thủ COVID-19. Bên cạnh vấn đề cao tuổi thì những người mắc bịnh phổi mãn tính, tiểu đường, cao huyết áp, hệ thống miễn dịch yếu cũng đều dễ dàng trở thành nạn nhân của COVID-19.

Tuy thế, không thiếu những kết quả thử nghiệm của các Hiệp Hội Y Tế trên thế giới và ngay cả của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC ở Hoa Kỳ, cũng đã đưa ra những báo cáo về một số những người trẻ tuổi và khỏe mạnh, cũng nhanh chóng bị đánh gục và mất mạng, như trường hợp của cô Jéssica Beatriz Cortez, 32 tuổi và một cô gái trẻ khác làm việc cho một công ty bào chế dược phẩm chỉ mới 25 tuổi từ La Quinta.

Những cái chết thương tâm này dường như càng gây bối rối hơn khi bạn xem xét một loạt các nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy, có đến 20% và có thể cao hơn nữa, số người bị nhiễm COVID-19 mà không bao giờ phát triển bất kỳ một triệu chứng nào.

Nhóm người nằm trong số 20% may mắn này không hề bị ho khan, bị sốt hay bị đau nhức mình mẩy hoặc bất kỳ triệu chứng nào có liên quan đến COVID-19 như các nạn nhân khác, ngay cả khi Siêu Vi Khuẩn này sinh sôi nảy nở trong cơ thể của họ và điều kinh hoàng là, họ lại vô tình lây lan sang người khác mà không hề hay biết để phòng ngừa.

Khám phá mới này về vai trò của "người nhiễm COVID-19 lây lan trong âm thầm" này chính là nguyên do tại sao Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC và các cơ quan y tế khác, hiện đang đề nghị mọi người đeo khẩu trang khi họ rời khỏi nhà. Đeo khẩu trang trong trường hợp này, không phải là để cho người chưa bị nhiễm bịnh tránh bị lây nhiễm, nhưng là ngăn chặn sự lây nhiễm cho người khác từ những người đã bị nhiễm, mỗi khi họ vô tình ho, khạc, hoặc nói chuyện văng nước miếng ra chạm phải người khác ở quanh họ. Khuyến cáo này được tạo ra chủ yếu để giữ cho “Những Người Nhiễm Bịnh Nhưng Không Có Triệu Chứng Gì”, không vì vô tình mà truyền bịnh sang cho những người chung quanh.

Thế thì tại sao, cũng cùng một loại Siêu Vi Khuẩn COVID-19 mà lại có thể ảnh hưởng đến mỗi người rất khác nhau đến thế?

Tại sao COVID-19 giết một số người nhưng lại không có bất kỳ ảnh hưởng gì đến một số người khác, khiến họ không cảm thấy hoặc không hề biết rằng họ đã bị nhiễm bệnh?

Theo Tiến Sĩ Edward Jones-Lopez của trường Đại Học USC phân tích:

Cũng giống như tất cả các loại virus khác, virus của COVID-19 về cơ bản, khởi đầu sẽ xâm nhập vào một số tế bào của nạn nhân, chiếm quyền điều khiển và Vô Hiệu Hóa Khả Năng Làm Việc của các tế bào đó, rồi cứ thế, chúng mau chóng tiếp tục việc bành trướng và chiếm quyền điều khiển và vô hiệu hóa các tế bào còn lại của nạn nhân, chứ chính nó, không có khả năng giết hại nạn nhân. Nên nhớ rằng không phải tất cả các thứ phơi nhiễm đều dẫn đến nhiễm dịch “Dương Tính”. Nếu nhiễm dịch xảy ra, điều đó có nghĩa là virus đã xác định loại tế bào cần thiết để thiết lập sự lây nhiễm trong cơ thể của nạn nhân. Sau khi việc nhiễm dịch đã được thiết lập, virus sẽ nẩy nở nhân lên rất nhanh và di chuyển qua máu.

COVID-19 tấn công cơ thể của người bị nhiễm dịch như sau. Ban đầu, người đó bị nóng sốt, ho khan, và một số triệu chứng khác. Trong giai đoạn này, virus bắt đầu tấn công gây ra thiệt hại trực tiếp và nhiễm trùng cho các tế bào trong phổi của nạn nhân. Một số bịnh nhân với hệ miễn nhiễm tốt sẽ khỏe hơn sau thời điểm này và có thể bình phục trở lại trong khoảng thời gian 2 tới 3 tuần lễ. Tuy nhiên, một số bịnh nhân khác chuyển sang những triệu chứng bị viêm nặng ở phổi và lan dần sang các bộ phận khác trên cơ thể, và điều đó có thể đe dọa đến tính mạng của họ. Đây dường như là lúc mà hệ thống miễn dịch của từng cá nhân phản ứng mãnh liệt để đề kháng lại virus.

Có nhiều mức độ khác nhau về cách nạn nhân mắc bịnh. Dữ liệu cho chúng tôi biết rằng khoảng 50% những người bị nhiễm bịnh không hề có triệu chứng nào hoặc các triệu chứng xem ra rất nhẹ, đến mức họ không biết rằng họ đã nhiễm COVID-19. Trong số 50% còn lại, ước tính có khoảng 30% phát triển các triệu chứng có thể từ nhẹ đến trung bình, họ có thể khỏe lại sau một thời gian điều dưỡng. Số nạn nhân 20% cuối cùng, chính là những người phát triển các triệu chứng tai hại nghiêm trọng và những người này phải nhập viện để điều trị. Đây chính là những con số mà người ta liệt kê vào dạng “Nghiêm Trọng và Nguy Kịch – Serious and Critical” ở các bản báo cáo. Tỷ lệ tử vong ở số 20% này khá cao.

Tại sao virus ảnh hưởng đến mọi người rất khác nhau?

Câu trả lời đơn giản là chúng tôi không biết và không thể quả quyết chắc chắn. Các yếu tố dẫn đến tử vong phần lớn là do bịnh tiểu đường, bịnh tim mạch, bịnh phổi mãn tính và cao tuổi.

Thế nhưng, nạn nhân của COVID-19 có thể không hoàn toàn chỉ dựa trên vấn đề tuổi tác, vì có những người 20, 30 và 40 tuổi, mặc dù tuổi còn khá trẻ, lại trở thành bịnh nặng nằm trong số những nạn nhân “Nghiêm Trọng và Nguy Kịch – Serious and Critical” này. Nhiều dữ kiện cho thấy, nó có thể liên quan đến hệ thống miễn dịch đặc biệt phản ứng với virus của từng cá nhân mỗi người. Đó là lý do như ta thấy, có những người không hề bị ảnh hưởng gì hoặc một số khác chỉ có ảnh hưởng nhẹ không hơn một trận cúm nặng và với những người khác, lại dẫn đến mức độ nghiêm trọng khiến họ phải nhập viện.

Cũng theo lời của Tiến Sĩ Edward Jones-Lopez thì “mặc dù virus này chỉ mới xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc cách đây 4 tháng nhưng các khoa học gia trên thế giới đã biết khá nhiều về nó và họ hi vọng rằng có nhiều khả năng trong sáu tháng tới, nền tảng kiến thức sẽ nhân lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên thực sự khó có thể thực hiện được những dự đoán về ảnh hưởng cũng như cách điều trị COVID-19 này như thế nào trong tương lai. Chúng ta vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ có câu trả lời trong vài tháng tới, và chắc chắn trong vòng một hoặc hai năm tới.”

CÓ NGHĨA là HIỆN NAY Y KHOA THẾ GIỚI CŨNG CHẲNG BIẾT GÌ NHIỀU về COVID-19 ngoài những thống kê của nạn nhân mà họ có được.

Bởi thế việc Cách Ly và Ở Nhà là cách tránh né COVID-19 có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, như tôi đã nói trong nhiều bài viết về Đại Dịch này trước đây. Cho dù ông bà, cha mẹ già chỉ quanh quẩn ở nhà, nhưng con cháu lại thích đi ra ngoài đến những đám đông, thì họ chính là những cây cầu … mang bịnh về nhà lây lan cho ông bà cha mẹ. Con cháu họ có nhiều cơ may thoát nạn nhưng họ lại trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ là thế. Thực sự con cháu họ không nhất thiết phải ở chung một nhà mới có thể truyền bịnh cho họ. Chỉ cần một bữa ghé ngang nhà, thăm viếng và hỏi han là đủ tiêu tùng.

CHỈ RA ĐƯỜNG KHI THỰC SỰ CẦN THIẾT THÌ MAY RA.
.






No comments: