Sunday, April 5, 2020

SAU KHI BỊ SA THẢI, HẠM TRƯỞNG BRETT CROZIER BỊ DÍNH COVID-19 (Ngọc Thu)





Ngọc Thu
06/04/2020

Hạm trưởng Crozier được nhiều người ca ngợi là một chỉ huy đã đặt sinh mạng của hàng ngàn người lính lên trên sự nghiệp chính trị của ông. Sau khi bị sa thải hôm 2/4/2020, Captain Crozier của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đã bị dính virus corona.

Hạm trưởng Brett Crozier. Photo Courtesy

Cũng xin nhắc lại, ngày 5/3/2002, hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt có chuyến viếng thăm Việt Nam trong năm ngày. Con tàu sân bay này đã cập cảng Đà Nẵng, giao lưu với Hải quân Việt Nam, đến ngày 9/3 thì rời khỏi cảng Việt Nam.

Đến ngày 24/3/2020, tức 15 ngày sau khi rời Đà Nẵng, có ba thủy thủ trên tàu có kết quả xét nghiệp dương tính với virus corona. Chỉ vài ngày sau đó, số người bị nhiễm virus trên tàu lên đến hàng chục người. Ngày 27/3, USS Theodore Roosevelt đã cập cảng ở đảo Guam.

Có tin cho biết, hạm trưởng Crozier đã cầu cứu với cấp chỉ huy trực tiếp để sơ tán các thủy thủ, nhưng không nhận được sự giúp đỡ. Ông rất lo ngại khi nhìn thấy số thủy thủ bị nhiễm Covid-19 ngày càng gia tăng, khi có hơn 100 thủy thủ trên tàu bị nhiễm virus vào những ngày cuối tháng 3.

Lo sợ cho tính mạng của những người lính, ngày 31/3/2020, ông Crozier đã viết thư gửi cho quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas B. Modly. Trong thư, ông Crozier viết: “Điều này đòi hỏi một giải pháp chính trị nhưng đó là điều đúng, phải làm. Chúng ta không có chiến tranh. Thủy thủ không cần phải chết. Nhưng nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ thất bại trong việc chăm sóc đúng các tài sản quý nhất của chúng ta – Đó là các Thủy thủ của chúng ta“.

Bức thư đã bị lộ, báo chí đưa tin nội dung thư. Kết quả là, ngày 2/4/2020, Captain Crozier đã bị Bộ trưởng Hải quân sa thải. Có lẽ ông Crozier cũng biết sự nghiệp của mình sẽ kết thúc ngay khi ông gửi thư đi, nhưng vì lo lắng cho sự an toàn của hơn 4.000 thủy thủ đoàn, nên ông sẵn sàng chấp nhận.

Hạm trưởng Crozier không có sự lựa chọn nào khác: Nếu ông không gióng chuông cảnh báo, sự việc kéo dài, nhiều thủy thủ bị nhiễm, trường hợp có người lính nào chết, ông cũng sẽ bị sa thải. Còn hành động như đã làm thì ông cũng bị sa thải. Ông đã chọn sự ra đi bằng cách bảo vệ những người lính, ông đã để lại trong lòng họ sự thán phục. Hàng trăm thủy thủ cổ vũ Crozier, tạm biệt ông lúc ông rời tàu USS Theodore Roosevelt sau khi bị sa thải.

Hàng trăm thủy thủ chào tạm biệt Hạm trưởng Brett Crozier. Ảnh cắt từ clip

                                                          ***

Việc sa thải Captain Crozier đã gây ra sự phẫn nộ từ các nhà lập pháp và các cựu sĩ quan từng phục vụ trong quân ngũ, những người xem việc sa thải này như một sự trả thù. Trong lực lượng Hải quân, việc sa thải này khiến Hải quân, Thủy quân lục chiến và các cựu lãnh đạo cấp cao khó hiểu hơn.

Bị rời khỏi chức vụ một cách đột ngột của ông Brett Crozier đã đặt ra nhiều câu hỏi hơn là các câu trả lời về lý do tại sao Hạm trưởng Crozier buộc phải thoát ra khỏi chuỗi chỉ huy, cầu cứu vượt cấp, để gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình trên tàu Roosevelt.

Những người thắc mắc nói rằng, tại sao chưa đầy một ngày, sau khi những người có thẩm quyền tuyên bố rằng, họ sẽ “không bắn vào người đưa tin”, thì Hải quân lại sa thải Captain Crozier.

Một cựu quan chức cao cấp trong lực lượng Hải quân đặt câu hỏi: “Tại sao không thực hiện một cuộc điều tra trước khi sa thải ông Crozier? Bởi vì rõ ràng là, bất kỳ người nào ở trong vị trí của ông – một người chỉ huy hàng không mẫu hạm đang bị một viên đạn nhắm tới – tại sao ông ta phải làm điều này, nếu không bị vướng mắc ở đâu đó trong chuỗi lệnh chỉ huy?

Cựu quan chức Hải quân này, cũng như các quan chức và cựu quan chức cao cấp khác, nói rằng, những người như ông Crozier luôn nhận thức rất rõ, rằng hành động đó sẽ khiến ông phải trả giá cho sự nghiệp của mình.

                                                             ***
Trên các trang mạng, người ta so sánh Hạm trưởng Crozier với bác sĩ Lý Văn Lượng bên Trung Quốc. Có thể thấy, có sự khác nhau ở chỗ: BS Lý Văn Lượng dường như không nghĩ rằng những dòng chat của ông với các đồng nghiệp có thể gây rắc rối cho ông, để ông phải bị cảnh sát câu lưu, mời lên làm việc, viết cam kết…

Nhưng là một chỉ huy hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt như Hạm trưởng Crozier, chắc chắn ông biết trước rằng, việc làm của ông phải trả giá bằng sự nghiệp chính trị của mình. Với trách nhiệm của một người chỉ huy, đặt tín mạng của những người lính lên trên sự nghiệp chính trị, ông phải lên tiếng như ông đã viết trong bức thư.

Sự giống nhau giữa BS Lý Văn Lượng và Captain Crozier ở chỗ, cả hai đều lên tiếng, đều phải trả giá và cả hai đều bị nhiễm virus corona. BS Lý Văn Lượng đã bị virus giết chết, cầu mong Hạm trưởng Crozier giữ được mạng sống của mình.

                                                         ***

Hạm trưởng Crozier năm nay 50 tuổi. Ông trở thành phi công hải quân năm 24 tuổi. Ông đã từng tham gia trên các chiến hạm USS Crommelin và USS Fletcher, hỗ trợ các hoạt động ở Thái Bình Dương và Chiến dịch Southern Watch ở Vịnh Ba Tư.

Trong sự nghiệp hải quân của mình, ông Crozier đã nhận được hàng chục huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Bắc đẩu Bội tinh về Chỉ huy (Legion of Merit) với một ngôi sao bằng vàng, và quân chương Defense Meritorious Service Medal bằng bạc.

Hiện đã có khoảng 160 thủy thủ trên hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt bị nhiễm virus và 1.500 người rời khỏi con tàu.
____

Tham khảo:







-------------------------------------------

XEM THÊM
BBC Tiếng Việt
03/04/2020

Thuyền trưởng USS Theodore Roosevelt Brett Crozier bị sa thải sau khi ông nói Mỹ đã không làm đủ để ngăn chặn bùng phát dịch corona trên tàu sân bay.

Thuyền trưởng USS Theodore Roosevelt Brett Crozier đã viết một bức thư gay gắt, kêu gọi hành động.  AFP/GETTY IMAGES

Trong một bức thư, thuyền trưởng Brett Crozier đã thúc giục cấp trên hành động nhằm ngăn chặn việc lính Mỹ chết ngoài thời chiến.
Nhưng quyền Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Thomas Modly nói rằng chỉ huy tàu USS Theodore Roosevelt đã "đưa ra sự đánh giá vô cùng tệ".

Ít nhất 100 người trên tàu đã bị nhiễm bệnh, các báo cáo cho biết.

Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ nói gì?

Hôm thứ Năm, ông Modly nói với các phóng viên rằng thuyền trưởng Crozier đã bị sa thải do cáo buộc rò rỉ lá thư cho truyền thông.
Ông này nói bức thư "tạo ra cảm giác rằng Hải quân Mỹ đã không phản hồi các câu hỏi của ông ta".
"Nó tạo ra định kiến rằng Hải quân Mỹ không làm nhiệm vụ của mình, chính phủ không làm nhiệm vụ của mình. Điều này hoàn toàn không đúng."

Những thành viên chưa bị nhiễm bệnh của tàu sân bay có hơn 4.000 quân này nay đang bị cách ly tại Guam sau khi giới chức của đảo này nói họ có thể ở đó bao lâu tùy ý miễn là họ không tương tác với dân địa phương.

Cho tới nay, các thủy thủ tàu USS Theodore Roosevelt bị giới hạn không được cập cảng căn cứ hải quân.

USS Theodore Roosevelt.

Bức thư của Thuyền trưởng Brett Crozier nói gì?

Thuyền trưởng Crozier đã cảnh báo Lầu Năm Góc rằng sự bùng phát bệnh trên tàu 'đang tăng tốc' vì các thủy thủ sống trong không gian hạn chế.
"Chúng tôi không phải trong chiến tranh. Các thủy thủ không cần phải chết", bức thư dài bốn trang, ngày 30/3, viết

Capt Crozier đã kêu gọi "hành động mang tính quyết định", nói rằng các thủy thủ không bị nhiễm bệnh phải được đưa ra khỏi tàu và được cách ly.

Bức thư sau đó đã được San Francisco Chronicle đăng.

Các phản ứng

Trong một tuyên bố, các nhà lãnh đạo Dân chủ của Ủy ban Quân sự Hạ viện cho biết:

"Trong khi Thuyền trưởng Crozier rõ ràng đã vượt ra ngoài quyền hạn, thì việc ông ta bị sa thải vào thời điểm quan trọng này ... là một động thái gây bất ổn có thể khiến các thành viên trong ủy ban của chúng ta gặp rủi ro cao hơn và gây nguy hiểm cho sự sẵn sàng của hạm đội."

"Sa thải chỉ huy tàu mà không điều tra kỹ lưỡng sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng đang gia tăng trên tàu USS Theodore Roosevelt."










No comments: