Friday, April 24, 2020

NGÀY 30 THÁNG 4 TRONG MẮT 'MỘT THANH NIÊN MIỀN NAM' (Quang Minh)




Quang Minh
24/04/2020

Với em, 30 tháng 4 là ngày của ba vì vào ngày đó ba em phải cởi bỏ áo quần lính mà chạy, rồi bắt đầu chuỗi ngày dài trong sự bất mãn, tù tội và không tốt đẹp đến mức ba nói với em “nếu được sinh lại lần nữa, ba vẫn chọn đi lính cho Miền Nam”.

Đó cũng là ngày tuy em chưa được trải qua nhưng có thể hiểu được những người biết rõ thế nào là cộng sản đã hoảng sợ đến mức nào và những người chưa biết rõ cộng sản là gì cũng bắt đầu kinh qua những điều họ từng được nghe về những người và chế độ cộng sản.

Ngày đó có lẽ cũng là ngày ân hận cho những người đã có tự do một chút (tuy chưa đầy đủ), thay vì nên tìm cách xây dựng vào việc củng cố đất nước, chặn đứng dòng tư duy cộng sản đang tinh vi len lỏi trong dân lúc đó để bảo vệ và phát triển miền Nam về mọi mặt thì lại chỉ dồn toàn lực và thời gian vào biểu tình. Điều đó vô hình chung đã tạo điều kiện cho cộng sản Bắc Việt cũng như Mặt trận Giải phóng Niền Nam Việt Nam định hướng, lợi dụng gây chia rẽ sâu sắc và góp phần vào chiến thắng của họ trên mặt trận ngoại giao. Những người lúc đó xuống đường biểu tình hay tham gia bất cứ tổ chức nào để đòi dân chủ hơn, tự do hơn cho miền Nam không làm gì sai. Cái đáng tiếc là họ đã quên nhiệm vụ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam ở miền Nam vào thời ấy. Giờ dưới lá cờ cộng sản, các quyền công dân cơ bản đó không còn, nên chắc họ ngậm ngùi lắm!

Việt Nam Cộng Hòa chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng di sản của thể chế đó vẫn còn rất rõ trong lịch sử dân tộc mình. Qua sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam, cái ác đã chiến thắng cái thiện, sự dã man và láo toét đã thắng tính nhân bản và lòng chân thành để rồi bây giờ xã hội Việt Nam ngày một thêm loạn vì cái gốc và tương quan giữa người với người đã bị chà đạp dưới gót của tiền, vô thần và vô nhân. Ngày 30 tháng 4 là ngày bắt đầu quá trình bào mòn lòng người trong nhau!

Chính nghĩa thua rồi nên danh dự cũng chẳng còn! Dân Việt mất chính mình từ ngày đó rồi nên giờ nhà nước cộng sản có cố gắng bao nhiêu về văn hóa thì cũng chỉ là tô vẽ bên ngoài, chứ thực chất truyền thống bên trong đã mai một và bị băng hoại. Còn những cố gắng về kinh tế thì chẳng qua chỉ để “cầm hơi” để có thể duy trì sự tồn tại của đảng cộng sản, chứ so với các nước như lào hay campuchia hiện tại, nhiều chỉ số kinh tế của họ đã hơn hẳn Việt Nam. Về chính trị thì rõ quá đến nối khỏi cần bàn cãi. Chỉ buồn một điều là Việt Nam Cộng Hòa đã thoát tư duy lệ thuộc tàu còn cộng sản thì lại tìm tới điều đó!


Về những điều người việt hải ngoại đã làm trong hơn 40 năm qua cho khát vọng dân chủ hóa Việt Nam

Điểm mạnh thứ nhất mà em thấy được là việc thông tin lại các sự kiện lịch sử, chính trị kinh tế xã hội của miền Nam Việt Nam – điều mà những thế hệ sau 1975 không được biết. Nó quan trọng vì chính tất cả thông tin đó cho thấy sự thật về một thể chế có nền tảng khá tốt đã từng tồn tại trong lịch sử. Tự nó, sự thật làm dấy lên trong con người ta thao thức và hướng dẫn tới hành động.

Điểm mạnh thứ hai, một số việc làm của một số tổ chức xã hội dân sự và đảng phái của người Việt hải ngoại gây được nhận thức chính trị đối với người trong nước và nhen nhóm trong họ ý thức phản biện và đối lập với nhà nước.

Bên cạnh đó, em nhận thấy có một vài điểm chưa được tích cực cho lắm trong cộng đồng yêu nước hải ngoại. Thứ nhất, thiếu sự thống nhất và sự hợp tác chung do ai cũng có cái tôi lớn luôn cho rằng chỉ có mình và nhóm của mình mới đúng. Thứ hai, chưa có cái nhìn đầy đủ về tình hình trong nước nhưng luôn chủ quan và thay vì hỗ trợ tích cực những người đấu tranh trong nước, một số thành viên của cộng đồng hải ngoại nhiều khi chỉ biết chê bai, coi thường và không hợp tác với người trong nước đủ và đúng cách. Thứ ba, hình như tất cả mọi người trong cũng như ngoài nước đang tập trung phần nhiều vào cái ngọn là muốn thay đổi thể chế liền mà quên mất cái gốc xây dựng con người. Nhiều tổ chức có tôn chỉ làm việc để xây dựng cái gốc đó nhưng khi vào việc lại cũng chưa tuột trên ngọn xuống được.


Giới trẻ trong nước có thái độ gì về tình hình đất nước hiện nay?

Theo ý chủ quan của em, hiện giới trẻ trong nước có thể được chia thành 2 khối chính: khối muốn an phận và khối không muốn an phận.

Khối muốn an phận nhằm chỉ tất cả những người trẻ mà với họ các vấn đề về xã hội dân sự và chính trị là những vấn đề nhạy cảm, không an toàn và không nên có bất cứ sự liên quan nào! Khối này khá thờ ơ với hiện tình xã hội. Với họ, áp bức, bất công hay tham nhũng, giết người mà không bị trừng trị theo luật cũng chỉ là “chuyện người ta” và “đã có nhà nước lo”. Nhà nước không lo được thì “ai đó sẽ lo” chứ tuyệt nhiên họ không thấy có bất kỳ sự liên đới nào với bản thân để có, ít nhất, cái gọi là nhận thức chính trị cơ bản.
Người trẻ nhóm này chỉ lo nên học gì hay làm gì để kiếm tiền, và phải cực lật như thế nào để có “một vợ hai con ba tầng và bốn bánh”. Chỉ vậy! Rõ ràng mưu cầu hạnh phúc là điều chính đáng nhưng chỉ lo việc đó mà làm ngơ trước mọi bất công xung quanh mình thì đã góp phần nào duy trì thể chế cộng sản Việt Nam vậy.

Khối thứ 2 là khối không muốn yên phận. Em thiết nghĩ có thể chia thành 3 nhóm nhỏ:

Nhóm thứ nhất: nhóm những người cờ đỏ - con em các gia đình “đỏ”, từ nhỏ đã thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê và hiện vẫn đang sống bên trong bộ máy nên dù muốn dù không, họ phải luôn đặt mình dưới ý nghĩ “đảng còn mình còn”. Vì vậy, họ nhìn mà không thấy, nghe mà không nghe vì tất cả sự thật phơi bày ra ngoài kia chỉ là “những âm mưu của các thế lực thù địch” hoặc là “sự tha hóa đạo đức cách mạng của một số đảng viên”. Chứ với họ, đường lối của đảng không bao giờ sai!

Vì hướng suy nghĩ như trên, các bạn trẻ nhóm này đứng về phía nhà cầm quyền cộng sản nhiều nhất và dễ dàng nhất. Họ dùng sức khỏe, thời gian và năng lực bản thân cho các hoạt động chống đối, bôi nhọ, hạ uy tín các cá nhân và tổ chức hoạt động. Nguy hại hơn, họ lại làm công cụ tuyên truyền và định hướng trên các mạng xã hội cho nhà cầm quyền khi được yêu cầu. Có thể nói, lý tưởng của các người trẻ nhóm này bị đặt sai chỗ (tin cộng sản) một cách vô thức (cha truyền con nối) cũng như cố tình (có mục đích kinh tế chính trị). Nỗi sợ mất địa vị, mất cuộc sống được xem là có chút đảm bảo hiện tại - dưới mái che cộng sản, làm cho họ không chịu mở mắt, mở tai để nhìn đất nước như nó đang là hiện nay!

Điều này gây trở ngại không nhỏ cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Nhóm thứ hai là các bạn cờ vàng: các bạn này là những bạn trẻ có lòng với đất nước, thấy được, thấy rõ hiện trạng đất nước và phần nào chịu ảnh hưởng của đời sống văn hóa chính trị kinh tế xã hội hấp dẫn của miền nam Việt Nam trong quá khứ cũng như hấp thụ các yếu tố văn minh phương tây nên các bạn yêu mến là cờ ba sọc đỏ hơn. Các bạn này thường thấy khá đủ và toàn diện về tình hình đất nước trước nạn “thuộc địa kiểu mới” của cộng sản Trung Quốc, vị trí ngày càng tụt dốc của người việt (cách riêng người việt từ Việt Nam) trên trường quốc tế, nạn tham nhũng và gian dối như dịch bệnh hoành hành trong tất cả các lĩnh vực đời sống làm xuất hiện không biết bao tệ nạn xã hội, đạo đức suy đồi, giáo dục xuống cấp, bất công tràn lan, oan khiên đâu cũng có, nợ công tăng vọt và vv… Các bạn trẻ nhóm này phần nhiều đã hành động, theo cách riêng của họ để góp phần lan tỏa các tinh thần dân chủ, gây ý thức trong dân chúng theo hướng khai dân trí chấn dân khí của cụ Phan Chu Trinh khi xưa.

Tuy nhiên, có một điều khá đáng tiếc là nhiều trong số các bạn trẻ nhóm này vì quá ngưỡng mộ cờ vàng và các di sản dưới lá cờ ấy mà quên mất rằng giờ không còn vĩ tuyến 17 chia cắt 2 miền nữa, giờ không còn những chiếc vespa các cô gái Sài thành duyên dáng chạy êm êm bên những chiếc bàn đạp nghe đều đều của những bác xích lô, xe thồ nữa! Tình hình đất nước, vị thế dân tộc, tâm lý và lối nghĩ của các bộ phần nhân dân đã thay đổi ít nhiều, nếu không muốn nói là thay đổi rõ rệt, dưới sự tiến lên liên tục của thời gian. Liệu cờ vàng có còn cần phải là lá cờ mà các bạn trẻ nhóm này nên tiếp tục phấn đấu cho? Hay là tinh thần tự do dân chủ - đã từng một lần được sinh động hóa dưới lá cờ ấy cách chính thức trong 21 năm - mới chính là cái mà các bạn nên theo đuổi và quyết đạt cho được? Không phải vì để đạt được nguyện vọng của bất cứ người hay nhóm nào cho bằng để cho cả dân tộc được tự do và đi lên!

Một khi bất cứ bạn trẻ nào tự tin nói rằng họ vượt thoát ra được nghi vấn trên, trả lời được câu hỏi đó thì có lẽ họ nên được xếp vào nhóm cuối cùng – nhóm khát vọng dân chủ thật sự.

Nhóm thứ ba là nhóm khát vọng dân chủ thật sự.

Em mạo muội cho rằng ai cũng hiểu nhóm này là nhóm như thế nào rồi. Dạ phải, các bạn trẻ thuộc nhóm này là những bạn có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị hiện tại cũng như trong quá khứ của đất nước mình. Các bạn này có thể có cái túi rỗng nhưng cái đầu và trái tim thao thức về Việt Nam thì luôn tràn đầy. Các bạn nhóm này nhìn Việt Nam như nó là – với tất cả vẻ đẹp, vết thương và viễn cảnh tương lai một cách khách quan và kiên định. Điều đáng thán phục nơi nhóm này là họ thấy nhưng người bên kia chiến tuyến cũng là con người và cũng là người Việt Nam, cũng muốn dấn thân theo lý tưởng dầu đường hướng có khác nhau. Đặc biệt hơn các nhóm trên, họ thấy được hồn dân tộc trong những chén nước mắm vẫn tồn tại trong mâm cơm Việt, dù cho có kẻ xấu đã rắp tâm đưa xì dầu vào bằng cách phao tin nước mắm chứa asen hoặc nhiễm chỉ để trục lợi kinh tế. Bằng chứng khác là họ có thể thấy tiếng lòng hừng hực yêu nước theo cách riêng qua những bình luận trái chiều nhau trên mạng xã hội mà nhiều khi căng thẳng đến độ thiếu tôn trọng nhau! Những người trẻ này nhận ra con đường đưa tới tự do thật sự, dân chủ thật sự phải bắt đầu từ những con người. Muốn xã hội tốt hơn, con người phải tốt hơn. Nói cách khác, người việt trong nước và ngoài nước ai mà còn nói được rằng mình là người Việt Nam, thì phải thay đổi! Thay đổi từ trong, trước hết, là trái tim, rồi đến thay đổi trí óc và hành động!

Các xã hội dân chủ phương tây hiện vẫn khủng hoảng, cách này hay cách khác, dù rằng kinh tế và sự phát triển của họ là đáng ngưỡng vọng! Lý do tại sao? Có phải tại thể chế dân chủ có vấn đề? Thủ tướng lừng lẫy một thời của Anh, ông Churchill từng nói “"đây là thể chế chính trị tồi, nhưng trong lịch sử loài người thì chưa có thể chế nào hơn được nó". Vậy thì tại vì sao mà con người bên Mỹ bên Âu thỉnh thoảng vẫn còn xả súng hay điên cuồng tham gia vào các nhóm khủng bố? Nếu chỉ là một người hay một vụ xả súng thì có gì đáng nói? Tại sao người bên ấy đã có tự do trong bầu khí dân chủ như Mỹ rồi mà vẫn không thấy đủ? Phải chăng cần đặt lại vấn đề khủng hoảng đạo đức hay nói cách khác là khủng hoảng niềm tin ở đây? Thiết nghĩ, khủng hoảng niềm tin là cụm từ đúng trong trường hợp này. Vì khi con người không còn tin vào cái thiện trong mình, và trong người khác nữa thì các mối quan hệ chỉ còn là sự “ở trong hàng rào bảo vệ của luật lệ”. “Tôi không làm gì hại anh và anh cũng nên như vậy”. Thế thôi! Chính điểm chỉ biết bản thân và sống tương quan với nhau theo cách khép kín này đã khiến cho đường tới mặt trăng gần hơn tới nhà người hàng xóm, lợi ích, sở thích và ý muốn của tôi là phải đạt được dù nó điên dại và cướp đi mạng sống của ai đi chăng nữa!?

Một số bạn trẻ Việt Nam đã nhìn được điều này, theo quan sát hạn chế của em. Nhiều người khác thì mới nghe đến quan điểm của họ như trên thì cười và cho rằng nó “tôn giáo” quá! Giờ là thời đại gì rồi!? Họ quên mất rằng chính nỗi sợ hãi tự nhiên – cùng với cơn đói là hai trạng thái đầu tiên của xã hội loài người, chớ không phải tổ chức bộ lạc! Chính tôn giáo, nói cách khác, là sự nhìn nhận “ông trời” – một tín ngưỡng có trong lòng mọi người Việt và đã sống trong rất nhiều các tác phẩm văn học nghệ thuật từ xưa tới giờ của dân tộc – là chìa khóa để thay đổi con người Việt Nam tận gốc, là cách thế đúng và sẽ đưa tới sự giải phóng thật sự về tự do.

Các bạn trẻ trong nhóm này, nếu vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm trên thì sẽ là những dấu hiệu chắc chắn có khả năng tác động các cá nhân tinh hoa của dân tộc. Một số ít nhưng rất ảnh hưởng. Rồi những người này sẽ đánh thức số đông thầm lặng, và số đông thầm lặng này lại kéo theo nhiều thành phần dân chúng, làm ngưỡng đấu tranh được phá vỡ, giúp trước là nhiều nhóm dân chúng, sau là đại đa số các thành phần dân chúng cùng có ý thức và đứng lên đấu tranh, tạo chuỗi dây chuyền cho toàn dân. Chẳng cần phải nói, một khi toàn dân đã có ý thức rồi thì chính họ sẽ quyết định thay đổi thể chế Việt Nam cũng như xây dựng một hệ thống nhà nước pháp quyền phù hợp với điều kiện và truyền thống, bản chất của dân tộc. Sự thay đổi trên sẽ không dừng lại ở việc đưa tới tình trạng dân chủ tự do tạm tốt như ở các nước phát triển (đã đề cập bên trên) mà thôi mà còn có thể làm bệ phóng cho dân mình đạt được mức tự do hơn thế nữa – một sự tự do thật sự - trong tinh thần vì nhau chứ không phải do luật.

Nếu các bạn trẻ này có điều kiện thời gian và sức khỏe cũng như phương tiện hơn nữa để cống hiến, chắc hẳn sẽ rất có lợi.

Em rất hy vọng vào điều đó!

(Việt Nam 07/03/2020)








No comments: