Friday, April 24, 2020

CUỐI CÙNG VẪN LÀ PHẢN ĐỘNG   (Bùi Thanh Hiếu)





” Phản động ” hiểu theo cách đơn giản của nhà nước Việt Nam bây giờ là nói xấu chế độ, quan chức, thể chế nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Như các bạn đều biết, tôi sinh sống và định cư tại nước Đức. Như bao nhiêu người Việt khác, tôi luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với quê hương tôi. Chẳng hạn như người lao động có việc làm, doanh nghiệp Việt Nam có hàng xuất đi các nước giàu có trên thế giới. Tôi nghĩ nhà nước Việt Nam cũng luôn mong muốn điều đó, các quan chức Việt Nam cũng mong muốn điều đó.

Ai cũng hiểu, mong muốn để nó thành hiện thực là phải bắt tay làm. Người kinh doanh hay người môi giới phải xúc tiến tìm đầu ra. Quanh chức phải sâu sát tình hình, chỉ đạo kịp thời, giải quyết những vướng mắc để hàng hoá lưu thông để doanh nghiệp có doanh thu, người lao động có việc làm.

Trong quá tìm hiểu để đưa nguồn xuất khẩu trang của các nhà sản xuất ở Việt Nam vào châu Âu, tôi thấy, những nhà sản xuất Trung Quốc đã đi trước rất bài bản, có đến hàng trăm cơ sở sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc đã đăng ký kiểm định hàng hoá của họ tại các nước Châu Âu. Mặc dù uất ức vì Trung Quốc che đậy bệnh dịch, nhưng nhiều nước châu Âu phải cắn răng bỏ hàng trăm triệu USD để mua khẩu trang, đồ bảo hộ y tế từ Trung Quốc.

Ở Việt Nam có từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2020 đã có rất nhiều nhà đầu tư bỏ tiền của để sắm máy móc, nguyên vật liệu sản xuất khẩu trang. Đến tháng 3 thì số lượng khẩu trang đã đến hàng trăm triệu, có cơ sở sản xuất đạt sản lượng 100 thùng 1 ngày, mỗi thùng là 2500 chiếc khẩu trang. 4 nhà sản xuất như thế mỗi ngày đã có 1 triệu khẩu trang kháng khuẩn hay y tế, chưa kể khẩu trang vải hay N95.

Nhưng oái ăm thay, việc xuất khẩu khẩu trang để có lợi về kinh tế và việc giữ khẩu trang có lợi cho phòng chống dịch là hai việc mà quan chức Việt Nam không dung hoa được với nhau.

Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Vũ Đức Đam, quyền bộ trưởng y tế là người năng nổ trong việc phòng chống dịch. Theo những số liệu báo cáo từ bộ y tế, thì Việt Nam là nước hạn chế được thành công nhất dịch virus 19, đến nay chưa có ai chết vì bệnh này cả. Tuy nhiên tôi nghĩ, số người chết ít cũng phải 2 đến 3 con số. Nhưng thế cũng là ít và đáng gọi là thành công tương đối lớn so với nhiều quốc gia khác.

Phải nói rằng việc phòng và chống dịch của Việt Nam là quyết liệt, cứ nhìn cách công an vào cuộc truy tìm các F1 và liên đới, cách cho hết ai ở nước ngoài nhập cảnh đều vào khu cách lý riêng biệt, cả quân đội và công an đều được huy động vào cuộc phòng dịch. Thái độ cảnh giác cao và quyết liệt ấy được thể hiện rõ nhất qua Nguyễn Đức Chung, chủ tịch uỷ ban Hà Nội.

Sự quyết liệt ấy đôi khi đến mức thái quá, chẳng hạn như việc đề xuất chính phủ ngừng xuất khẩu khẩu trang, để Bộ Y Tế khi nào mua đủ khẩu trang dự trữ phòng dịch mới cho xuất khẩu. Tất nhiên thì bộ Y Tế mua theo giá phòng dịch của nhà nước. Giá đó bao giờ cũng thấp hơn thị trường thực sự, mức giá ấy đã khiến cho các nhà sản xuất e ngại. Nếu bán theo giá đó thì lỗ.

Thủ tướng chính phủ khi thấy lượng khẩu trang trong nước quá nhiều, nhu cầu về ngoại giao và kinh tế cần xuất đi đến các nước có quan hệ ngoại giao, đã ra lệnh ” ra soát để xuất khẩu khầu trang , không để lỡ thời cơ ”

Bộ Y Tế nói, chưa mua đủ, vì cần mua 60 triệu khẩu trang y tế, giờ mới mua được có 15 triệu cái.

Thật vô cùng éo le khi đọc con số này, lượng sản xuất khẩu trang ở Việt Nam là 7 triệu cái đến 25 triệu cái một ngày ( đó chỉ là những đơn vị đã đăng ký ). Mà đến cả chục ngày tiếp theo bộ Y Tế không mua nổi thêm 15 triệu cái. Mà chừng nào bộ Y Tế chưa mua đủ thì họ chưa đồng ý cho xuất khẩu.

Nếu họ vì lẽ gì đó cố tình không mua đủ thì sao? Họ chẳng có gì phải vội, dịch bệnh đã kiểm soát, số khẩu trang đã mua 45 triệu kia dư sức đối phó khi có sự việc lan rộng. Đâu có gì họ phải vội.

Mỗi ngày qua đi là thị phần khầu trang Việt Nam ở châu Âu thôi, mất đi hàng triệu khẩu trang.

Chẳng ai phải vội cả, bộ Y Tế chờ mua, chờ các nhà sản xuất đến xin chứng nhận thu tiền.

Còn Bộ Tài Chính, Tổng Cục Hải Quan thì cứ tà tà đợi làm luật, mỗi thùng xuất đi làm vài triệu. Lệnh cấm càng lâu càng mừng, y hệt như bọn maphia Mỹ thời cấm rượu, càng cấm càng ra tiền.

Đến hôm nay thì Bộ Y Tế đề xuất đơn vị nào xuất khẩu khẩu trang đi thì phải bán hay tặng cho cơ sở y tế 1/5 số lượng xuất khẩu. Đây mới là đề xuất, còn xem chính phủ có đồng ý hay không. Rồi còn đi làm việc với cơ sở y tế để có biên bản hỗ trợ, rồi mới được xuất khẩu. Đến lúc ấy các ông cơ sở y tế lại có quyền sinh sát, đơn vị nào muốn nhanh có biên bản thì quà cáp, không các ông bận việc này, họp việc kia thì sao, đến nơi các ông hoạnh hoẹ , yêu cầu này nọ kéo dài thời gian thì sao.

Tới đây phải nói rằng, nhà nước Việt Nam theo học mô hình quản lý kinh tế của Trung Cộng. Nhưng không bao giờ họ bằng được Trung Cộng tính chất dân tộc trong máu các quan chức. Các quan chức cộng sản Trung Cộng cũng tham ô, cũng ăn hối lộ, có lợi ích nhóm sân sau….nhưng họ có một điều mà quan chức CSVN không bao giờ bằng được, đó là khi thấy lợi ích của doanh nghiệp trong nước trong việc làm ăn với đối tác nước ngoài, những quan chức CSTQ đều tận tâm hết sức để giúp đỡ doanh nghiệp, ngành nghề của Trung Quốc sao cho có lợi thế. Họ đấu đá nhau, bách hai nhau, nhưng không bao giờ họ đem ý đồ đó áp dụng vào lợi ích của doanh nghiệp trong nước họ. Chinh phủ họ hỗ trợ hết sức cho các doanh nghiệp trong nước khi các doanh nghiệp này làm ăn với nước ngoài.’

Còn quan chức của Việt Nam không được như vậy.

Cái này là sao?

Là dã tâm của Trung Quốc. Chúng cho Việt Nam học theo mô hình của chúng, nhưng chúng không dạy quan chức Việt Nam đề cao làm việc vì lợi ích dân tộc. Qua cái gọi là hợp tác toàn diện, trao đổi này nọ, chúng lôi kéo, kích động nội bộ quan chức Việt Nam chia rẽ, bè cánh để lo cho bản thân mình, cho cái ghế của mình.

Ví dụ chúng có thể ra điều kiện cho một quan chức cấp tỉnh, nếu thực hiện hợp đồng này, nếu phá được hợp đồng kia, kỳ tới tao đưa mày lên trung ương, lên thứ trưởng bộ trưởng.

Chúng đưa lên bằng cách nào, chúng có thể đóng cửa đường nông sản xuất khẩu tiểu ngạch. Chúng gửi công văn nói thẳng vì thái độ của ông B không phù hợp với tinh thần quan hệ tốt đẹp hai nước, có những phát ngôn ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi thực hiện việc này để các đồng chí kiểm điểm làm sao tình hữu nghị hai nước không bị sứt mẻ…..đấy là một ví dụ trong nhiều ví dụ.

Các bạn sản xuất khẩu trang, các bạn chỉ là những người làm ăn bình thường, mong muốn bỏ tiền của, công sức đầu tư sản xuất để có lợi nhuận, mong muốn ấy là tốt đẹp, chính đáng.

Nay các bạn ôm một đống sản phẩm ngồi chờ đầu ra, lý do là Bộ Y Tế chưa gom đủ 15 triệu cái khẩu trang, số lượng mà chỉ một ngày Việt Nam đã làm đủ. Nhưng Bộ Y Tế chưa biết bao giờ mới gom đủ số ấy, các bạn cứ chờ đi.

Tôi lại quay về làm phản động, hai tháng nay mải mê với mong ước hàng hoá Việt Nam được xuất khẩu nhanh chóng ra nước ngoài, tôi quên mất mình là ai, giờ tôi phải về với vị trí cũ của mình.







No comments: