Thursday, April 16, 2020

COVID-19 SẼ LÀM BIẾN ĐỔI NỀN KINH TẾ THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO? (Neil Irwin - The New York Times)





Neil Irwin  -  The New York Times   
Phan Nguyên dịch

Khi các sự kiện kinh tế gây biến động lớn xảy ra, các hệ lụy có xu hướng phải mất nhiều năm mới thể hiện hết, và diễn tiến theo những hướng không thể đoán trước được.

Ai có thể nghĩ rằng một cuộc khủng hoảng bắt đầu bằng các vụ vỡ nợ thế chấp ở vùng ngoại ô Mỹ năm 2007 sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp năm 2010? Hay sự sụp đổ thị trường chứng khoán New York năm 1929 sẽ góp phần dẫn tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu trong những năm 1930?

Nền kinh tế thế giới là một mạng lưới kết nối vô cùng phức tạp. Mỗi chúng ta đều có một loạt các mối quan hệ kinh tế trực tiếp mà chúng ta có thể thấy: các cửa hàng nơi chúng ta mua đồ, chủ lao động trả lương cho chúng ta, hay ngân hàng cho chúng ta vay tiền mua nhà. Nhưng một khi bạn nghĩ ra xa hơn hai hoặc ba cấp độ, thực sự chúng ta không thể biết được một cách tự tin về cách thức các kết nối đó hoạt động.

Và điều đó chính là điều đáng lo ngại khi nghĩ về hậu quả kinh tế đi kèm với sự lây lan của coronavirus chủng mới.

Trong những năm tới, chúng ta sẽ biết được điều gì sẽ xảy ra khi mạng lưới đó bị xé toạc, khi hàng triệu liên kết đó bị phá hủy cùng lúc. Và nó mở ra khả năng về một nền kinh tế toàn cầu hoàn toàn khác với nền kinh tế đã tồn tại trong những thập niên gần đây.

Adam Tooze, nhà sử học tại Đại học Columbia và là tác giả của cuốn “Crashed”, một nghiên cứu về các tác động lan tỏa toàn cầu rộng lớn của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nói rằng “Dù tôi hi vọng chúng ta sẽ sớm có thể quay lại hoạt động kinh tế bình thường như trước kia, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu của vấn đề mà chúng ta phải đối mặt. Đây là thời kỳ của sự bất định cực lớn, một sự bất định lớn hơn bất cứ thứ gì chúng ta từng được biết tới”.

Sẽ thật ngớ ngẩn khi đưa ra những dự đoán quá tự tin về trật tự kinh tế thế giới trong năm năm, hoặc thậm chí trong năm tháng tới, trong bối cảnh bất định như vậy.

Nhưng một bài học từ những giai đoạn hỗn loạn kinh tế này là những tác động gợn sóng đáng ngạc nhiên này có xu hướng xuất phát từ những nhược điểm từ lâu không được giải quyết. Khủng hoảng làm nổi bật những vấn đề mà chúng ta thường dễ bỏ qua trong những giai đoạn yên ổn.

Một vấn đề rõ ràng là toàn cầu hóa, theo đó các công ty có thể di chuyển sản xuất tới bất cứ nơi nào hiệu quả nhất, mọi người có thể nhảy lên máy bay và đi gần như bất cứ nơi nào họ muốn, và dòng tiền có thể chảy đến bất cứ nơi nào mang lại lợi nhuận cao nhất. Ý tưởng về một nền kinh tế thế giới với Hoa Kỳ là trung tâm đã sụp đổ, giữa một bên là sự trỗi dậy của Trung Quốc và một bên là xu hướng nước Mỹ hướng về chủ nghĩa dân tộc.

Có những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng Covid-19 đang khuếch đại và có thể khiến cho những thay đổi đó tồn tại lâu dài.

“Người ta sẽ phải suy nghĩ lại về việc các quốc gia muốn phụ thuộc vào các quốc gia khác tới mức nào”, theo lời Elizabeth Economy, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. “Tôi không nghĩ rằng về cơ bản đây là sự chấm dứt toàn cầu hóa. Nhưng nó làm tăng tốc kiểu suy nghĩ đang diễn ra trong chính quyền Trump, rằng có những công nghệ quan trọng, nguồn lực quan trọng, năng lực sản xuất dự phòng mà chúng ta muốn đặt ở Mỹ trong trường hợp khủng hoảng”.

Hãy xem xét một vài bằng chứng cho thấy những nền tảng đang suy yếu của toàn cầu hóa.

Bộ trưởng tài chính Pháp đã chỉ đạo các công ty Pháp đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tịch thu một số vật tư y tế xuất khẩu. Và hôm thứ Sáu tuần trước, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đề xuất Hoa Kỳ nên trừng phạt Trung Quốc vì đã không ngăn chặn được virus bằng cách hủy các khoản trái phiếu kho bạc Mỹ mà chính phủ Trung Quốc đang sở hữu – một bước đi có thể gây nguy hiểm cho trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ trong vai trò là nền tảng của hệ thống tài chính thế giới.

Ngay cả trước khi coronavirus tấn công, các giới hạn của toàn cầu hóa đã trở nên rõ ràng hơn.

Tỉ trọng của thương mại trong GDP toàn cầu đạt đỉnh vào năm 2008 và có xu hướng giảm xuống kể từ đó. Việc Tổng thống Trump đắc cử và sự khởi đầu chiến tranh thương mại với Trung Quốc đã khiến các công ty đa quốc gia phải bắt đầu suy nghĩ lại về hoạt động của họ.

“Tôi nghĩ rằng các công ty đang tích cực nói về khả năng hoạt động bền bỉ”, Susan Lund, giám đốc cấp cao tại McKinsey chuyên nghiên cứu về kết nối toàn cầu, nói. “Các công ty sẽ sẵn sàng hy sinh lợi nhuận hàng quý để đầu tư cho khả năng hoạt động bền bỉ trong dài hạn tới mức nào, cho dù đó là vì thảm họa tự nhiên, khủng hoảng khí hậu, đại dịch hay các cú sốc khác?”

Theo hình dung của bà, đó sẽ không phải là một sự rút lui toàn diện khỏi thương mại toàn cầu mà sẽ là một sự chuyển hướng sang các khối thương mại khu vực và các công ty sẽ chú trọng hơn vào việc xây dựng nguồn cung cứng dự phòng trong mạng lưới cung ứng của họ. Các chính phủ có thể sẽ yêu cầu một số hàng hóa nhất định, như dược phẩm và thiết bị y tế, phải phụ thuộc nhiều hơn vào sản xuất trong nước do sự tranh giành toàn cầu hiện nay đối với các mặt hàng đó.

Trung Quốc đã định hướng lại chiến lược kinh tế của mình, đặt mục tiêu không phải là một trung tâm sản xuất hàng giá rẻ cho thế giới mà là một nhà sản xuất các sản phẩm công nghệ tiên tiến như máy bay và thiết bị viễn thông. Điều đó đã khiến Mỹ, châu Âu và Nhật Bản càng không muốn có các hoạt động lớn ở Trung Quốc, vì sợ bị trộm cắp sở hữu trí tuệ.

Dưới thời chính quyền Trump, Hoa Kỳ đã trải qua căng thẳng với ngay cả các đồng minh truyền thống Tây Âu. Đặt tất cả lại với nhau, chúng ta sẽ thấy một tâm lý vị kỷ gia tăng đã trở nên ăn sâu trước Covid-19, và đại dịch dường như càng làm tăng cường tâm lý đó.

Ruchir Sharma, chiến lược gia toàn cầu của Morgan Stanley Investment Management nói rằng “điều thường xảy ra sau khi bạn gặp một cuộc khủng hoảng như thế này là mọi người nói về một thời đại mới và cách thế giới hậu đại dịch sẽ khác như thế nào. Lần này tôi nghĩ rằng các xu hướng đã có sẵn trước khi đại dịch xảy ra sẽ tăng tốc”.

Trong một giai đoạn suy giảm toàn cầu hóa trước đây – như sự sụt giảm thương mại toàn cầu diễn ra trong Thế chiến I và đại dịch cúm năm 1918 – hệ thống tài chính toàn cầu đã được tái cấu trúc lại, với việc đồng bảng Anh đánh mất vai  trò chủ chốt.

Điều đó cũng có thể xảy ra vào thời điểm này, nhưng những dấu hiệu ban đầu lại chỉ ra một xu hướng trái ngược: hướng tới việc đồng đô la Mỹ ngày càng củng cố vị thế vững chãi của mình tại trung tâm của hệ thống tài chính toàn cầu.

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã có các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với 14 ngân hàng trung ương ở nước ngoài – cho phép họ bơm đô la vào hệ thống ngân hàng nội địa các nước này – và bắt đầu một chương trình mới cho phép các quốc gia khác vay được đô la bằng cách thế chấp trái phiếu kho bạc Mỹ. Những động thái này đang giúp đảm bảo rằng sự thiếu hụt đồng đô la toàn cầu sẽ không làm tê liệt nền kinh tế thế giới.

Các quan chức châu Âu đã miễn cưỡng thực hiện các bước đi nhằm làm cho đồng euro đóng vai trò trung tâm hơn trong hệ thống tiền tệ thế giới, chẳng hạn như phát hành trái phiếu được bảo đảm chung bởi tất cả các quốc gia thuộc khu vực đồng euro. Và Trung Quốc cũng ngần ngại không muốn cải cách hệ thống tài chính của mình theo hướng có thể cho phép đồng Nhân dân tệ đóng vai trò quan trọng hơn trong thương mại thế giới, chẳng hạn như cho phép đồng Nhân dân tệ được tự do lưu chuyển.

Mark Carney, cựu thống đốc Ngân hàng Anh, đã có một bài phát biểu nhiều ảnh hưởng trước các thống đốc ngân hàng trung ương khác hồi tháng 8 năm ngoái khi cho rằng hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế hiện nay là không bền vững do phụ thuộc sâu vào đồng đô la Mỹ. Nhưng đại dịch có thể càng củng cố hệ thống khiếm khuyết đó.

“Hệ thống đô la Mỹ vốn không ổn định, tương tự như chiếc xe đạp”, theo lời Tooze, nhà sử học nêu trên. “Nó có thể không ổn định, nhưng nếu bạn là một cua rơ lão luyện, bạn sẽ rất tuyệt. Và Fed đã chứng minh họ là một tay đua lão luyện trên chiếc xe đạp bá quyền đô la Mỹ”.

Có những thời điểm trong 12 năm qua, chúng ta có cảm giác như cả thế giới đang sống lại giai đoạn từ năm 1918 đến năm 1939, nhưng được kể lại bởi một sinh viên quên bài và sắp xếp sai thứ tự các sự kiện. Giai đoạn đó cũng có sự sụp đổ tài chính toàn cầu; sự trỗi dậy của các chính phủ độc tài; sự xuất hiện của một siêu cường kinh tế mới (lúc đó là Hoa Kỳ, bây giờ là Trung Quốc); và một đại dịch, mặc dù không theo đúng trình tự như xưa.

Chúng ta có thể không biết chính xác cuộc khủng hoảng này sẽ gây ra những hệ lụy gì cho nền kinh tế thế giới hay bất cứ điều gì khác. Nhưng có một điều có vẻ rõ ràng: Lịch sử chắc chắn có thể đáng sợ nếu bạn không biết nó sẽ kết thúc như thế nào.

--------------------
Neil Irwin là phóng viên kinh tế cấp cao của chuyên trang The Upshot. Ông là tác giả của cuốn sách “How to Win in a Winner-Take-All-World,” một cẩm nang hướng dẫn phát triển sự nghiệp trong nền kinh tế hiện đại.

Nguồn: 
Neil Irwin, “It’s the End of the World Economy as We Know It”, The New York Times, 16/04/2020.






No comments: