Tuesday, April 14, 2020

CHUYỆN Ở ÚC : CỨU TRỢ & TRỪNG PHẠT TRONG CƠN LÂM NẠN COVID-19 (Nguyễn Đình Nguyên)





Chuyện ở Úc: Cứu trợ và trừng phạt trong cơn lâm nạn Covid-19*

Trước tình trạng dịch Covid-19 lây lan mạnh mẽ ở Úc, chính phủ nước này dưới sự cố vấn của hội đồng chuyên gia đã liên tục ban bố và nâng cấp các mức độ kiểm soát dịch thông qua con đường bao vây và cách ly từ hạn chế người đến, rồi đóng cửa sân bay, tới gia tăng khoảng cách an toàn, tiến tới phong tỏa từng cấp độ cho tới 26/3/2020 lệnh phong tỏa cấp độ 3 được áp dụng trên toàn quốc.

Các biện pháp mạnh để nhằm khống chế bệnh dịch toàn cầu luôn tác động mạnh mẽ lên mọi mặt hoạt động trong xã hội không chỉ ở phạm vi một quốc gia riêng lẻ nào mà là một sự ức chế rộng khắp. Suy thoái kinh tế hay nói đúng hơn là khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra nhanh và mạnh cũng như dịch bệnh vậy.

Trong cơn nước sôi lửa bỏng, mỗi quốc gia có một chính sách và biện pháp khác nhau nhằm cứu vớt cho dân chúng của nước mình cùng nhau vượt qua hoạn nạn. Phải cầm cự để sống sót, chờ dịch bệnh lui.

Chính vì thế, ngày 12/3/2020 Chính phủ Úc tung ra gói kích cầu kinh tế thứ nhất trị giá 17.6 tỷ đô la, bao gồm hỗ trợ các doanh nghiệp tiền đầu tư, cắt giảm thuế khóa.

Đối với cá nhân bao gồm các nhân viên làm công tác an ninh xã hội, cựu chiến binh, người có thẻ hưởng trợ cấp (concession card), và người hưu trí được cấp trợ giá 750 đô, trả một lần.

Ngày 22/3/2020, Chính phủ Úc ban bố gói kích cầu thứ hai trị giá 66.1 tỷ đô la để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người kinh doanh cá thể và hợp tác. Các doanh nghiệp này được nhận hỗ trợ từ 25 nghìn tới 100 nghìn đô la để có thể có tiền mặt vận hành.

Đối với cá nhân những người chưa có việc làm đang trong diện đăng ký xin việc (jobseeker), người trẻ tuổi đang đi xin việc, cha mẹ ở nhà nuôi con nhỏ, người làm nông và những người dạng trợ cấp đặc biệt được cấp 550 đô la mỗi 2 tuần trong vòng 6 tháng. Những người tới thời điểm này đã và đang hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước vẫn được trả thêm số tiền 550 đô cho mỗi 2 tuần ngày ngoài số tiền họ đã có. Ngoài ra, những người thuộc diện được trợ cấp 750 đô lần trước (12/3/2020) thì lần này được nhận thêm 750 đô nữa, và sẽ trả vào thời điểm từ 13/7/2020. Có khoảng 5 triệu người thuộc nhóm này.

Ngoài ra những người bị mất việc, thất nghiệp, thương vụ bị nhà nước cấm vận hành hay số giờ làm hoặc thu nhập bị giảm sút trên 20% sẽ được quyền rút tiền hưu trí sớm, tối đa cho tới 20 nghìn đô la.

Sau khi lệnh phong tỏa tăng dần tới tuyệt đối toàn quốc ban ra (từ 22/3/20-26/3/20), gần nửa triệu thương vụ bị rơi vào tình trạng bế tắt, đóng cửa. Các thương vụ không thiết yếu chắc chắn đóng cửa. Số người bỗng dưng thất nghiệp tăng tới gần 2 triệu và còn có thể gia tăng do hệ lụy kéo theo.

Ngày 31/3/2020 Chính phủ Úc tung ra tiếp một gói "cứu trợ" 130 tỷ đô la, khủng chưa từng có trong lịch sử lập quốc nhằm để giữ các doanh nghiệp, công ty trong tình trạng "ngủ đông", chờ ngày vãn hồi sinh hoạt để có thể sẵn sàng hoạt động trở lại. Gọi là gói cứu trợ bảo lưu việc làm (jobkeeper).

Tuy nhiên chỉ có các doanh nghiệp nào mà số thu nhập bị giảm sút 30% (với doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đô) hoặc có số doanh thu sụt giảm 50% (so với doanh thu thường niên trên 1 tỷ đô). Cùng với điều kiện, cả chủ lẫn nhân viên phải giữ nguyên cấu trúc nhân sự sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Có nghĩa là, nhà nước thay mặt chủ trả lương tạm thời cho nhân viên. Dự kiến sẽ trả trong 6 tháng.

Số tiền khổng lồ này là để trả cho người bị mất việc, bất kể dạng lao động nào, toàn thời, bán thời hay không thường xuyên (casual) đã làm việc liên tục trong vòng 12 tháng trước khi bị cho nghỉ việc vì lệnh phong tỏa, kể cả người hành nghề độc lập, nghề tự do (có đóng thuế) mỗi người được trả 750 đô mỗi tuần (không tính thuế), bất kể họ đã làm bao nhiêu giờ một tuần trước đó. Đây là một số tiền đáng kể cho những người lao động phổ thông. Trong lúc quốc gia đang lâm nguy, người thu nhập cao, kẻ thu nhập thấp giờ ngang bằng như nhau.

Lý do là nếu không cứu trợ, sau khi lệnh phong tỏa dỡ bỏ sẽ có một sự xáo trộn xã hội việc làm một cách đáng kể. Chủ có cớ đuổi nhân viên mình không thích, tớ có cớ bỏ chạy đi tìm việc mới mà có thể an toàn hơn, chỗ thơm thảo hơn, và như thế trật tự cũ bị đảo lộn và chắc chắn sẽ không còn có thể vận hành trơn tru. Đúng là chỉ có một think tank cố vấn cho chính phủ mới có thể nghĩ ra điều này.

Đối với các thương vụ, chính phủ điều đình với sở thuế, các dịch vụ điện, nước, các chủ cho thuê mặt bằng cho trì hoãn việc trả tiền đúng hạn, ít nhất 6 tháng.

Ngoài ra chính phủ rót 1.1 tỷ đô la vào hệ thống y tế, phần lớn rót vào lĩnh vực tâm thần, giúp cho mọi người dân có thể được chăm sóc sức khỏe tinh thần do phải đối mặt với tình trạng bất đắc dĩ. Nếu cảm thấy không ổn, họ được đi gặp chuyên viên tâm lý, bs tâm thần theo gói cứu trợ này. 649 triệu đô la trợ giúp cho các phòng mạch bác sĩ duy trì mở cửa để khám bệnh cho dân chúng qua hình thức tư vấn qua điện thoại hay video.

Những người sống ngoài đường phố, vô gia cư, chính phủ đang hướng dẫn thu gom họ về ở trong các khu ký túc xá của các trường đại học hiện đang trống. Các trường ĐH hiện đang có chính sách hỗ trợ cho các sinh viên quốc tế hiện đang ở úc gặp khó khăn.

Một nước Úc tuy không hoàn hảo, vẫn có những sự cố, và luôn tồn tại mở mỗi quốc gia- "mỗi nhà mỗi cảnh". Nhưng nước Úc thực sự là một xã hội XHCN từ trước đến nay và luôn như vậy. Khi quốc gia trong cơn hoạn nạn mới thấy nước Úc cưu mang con dân mình ra sao. Dẫu không biết thế nào là đúng, thế nào là đủ là vừa. Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố, từ thời điểm này, không có một tổ chức hội đoàn nào có thể làm khó dễ, sách nhiễu người dân, chỉ có một nước Úc vì người Úc!

Tuy ngọt thì ngọt, nhưng roi vẫn vọt
Ở Úc, không ai có thể "ngồi xổm" lên luật pháp

Tổng trưởng (hàm bộ trưởng cấp tiểu bang) bộ Nghệ thuật (Arts Minister) của tiểu bang NSW Úc vừa phải từ chức và chịu phạt 1000 đô la vì tội đi ra ngoài với mục đích không thiết yếu- là vi phạm nghiêm trọng kỷ cương phép nước.

Đơn giản như đang giỡn. Ngày thứ năm 9/4/2020, cảnh sát địa phương vùng Central Coast nhận được một tấm hình chụp cảnh ông Don Harwin đang có mặt tại "căn nhà ngoại ô" triệu đô nghỉ dưỡng của ông ở Pearl Beach, Central Coast. Thế là cảnh sát đến nơi, quả như vậy, nên sau khi phỏng vấn, chìa luôn cho ông tờ giấy phạt 1000 đô la. Tổng trưởng Cảnh sát tiểu bang Mick Fuller cho rằng đâu có ai được phép ở trên luật pháp được, ngài bộ trưởng xứng đáng bị phạt vì vi phạm luật sức khỏe cộng đồng.
Địa chỉ cư ngụ chính của ông là ở vùng phía đông thành phố Sydney, cách nhà nghỉ mát của ông hơn một giờ lái xe.

Ngài tổng trưởng biện bạch là ông đã về đây công tác từ vài tuần trước, trước khi có lệnh phong tỏa. Sau công tác xong, ngài thấy thân thể bất an nên ở lại nghỉ luôn (qua kỳ nghỉ Lễ Phục sinh dài ngày) vì là nhà của ông.

Thế nhưng công chúng và thượng cấp của ông không nghĩ như vậy. Thủ hiến tiểu bang NSW, bà Gladys Berejiklian cho rằng ông nên từ chức là đúng. Trong khi chính phủ thì kêu gọi dân chúng phải chấp nhận hy sinh lớn lao để cứu nhau qua cơn dịch bệnh, mà ông là người của chính phủ đương nhiệm, như "quan phụ mẫu chi dân" mà lại không làm gương.

Ngài tổng trưởng chấp nhận phạt và đệ đơn từ chức, ông nói ông tuân theo lệnh cấp trên và tuân thủ luật pháp.

Bộ trưởng thì đã "danh gì"! Cách đây hơn 10 năm khi John Howard còn là Thủ tướng của liên bang úc. Ông cũng bị nhận một tờ giấy phạt hơn 600 đô la vì tội không cài seatbelt khi ngồi trên xe hơi.

Lại cũng tấm hình. Trên một tờ nhật báo có đăng bài nói về hoạt động của Thủ tướng, để cho bài sinh động thì cần có tấm hình. Một viên cảnh sát quèn, sáng hôm ấy dường như chẳng có chuyện gì làm, "rảnh rỗi sinh nông nổi", chạy đi mua tờ nhật trình về đọc để đốt thời gian. Con mắt nghề nghiệp soi luôn vô ngài Thủ tướng đang ngồi trên xe hơi mà không cài dây an toàn. Thế là anh chàng lẳng lặng cắt lấy trang báo, gửi kèm thêm một tờ giấy phạt về phủ Thủ tướng. Thủ tướng kêu trời "oan sai! oan sai!". Trẫm mới lên xe ngồi, xe chưa chạy nên chưa kịp cài dây an toàn thôi, cái thằng phóng viên nào cắt cớ chụp vậy, chớ thấy vậy mà không phải vậy. Nhưng đời thì tình ngay mà lý gian. Ông vẫn phải nộp phạt và lên xin lỗi công chúng.

"Họa vô đơn chí" , cũng lại ngài Howard, lần này thì ái nữ của ông hại ông. Ái nữ Thủ tướng đi du lịch ở Mỹ. Con Thủ tướng mà ở trong Đại sứ quán thì có chuyện gì để nói. Nàng mượn xe đại sứ quán đi chơi, hết xăng thì đổ. Nhưng tiền xăng lại trừ vào thẻ tín dụng của đại sứ quán, không biết là do tự động hay do viên Đại sứ nể lòng xếp. Rồi chẳng hiểu sao, cái kim bé xíu ấy vậy mà lại tòi ra công chúng. Thế là ầm ĩ lên. Làm ngài Thủ tướng cũng bẽ mặt, lại phải một lần chường mặt lên công chúng xin lỗi. "Thôi thì con dại cái mang", nó làm ba nó chịu, cho trẫm xin lỗi thần dân lần nữa, và trẫm sẽ rút túi trả lại cho các hạ, đủ nhé có mấy chục đô bọ mà con cái nó làm trẫm mất mặt quá!

Trừng phạt những ai bất tuân luật pháp

Khắp nước Úc, cành sát liên tục sử dụng mọi biện pháp để giám sát người dân thực thi lệnh phong tỏa, không được ra khỏi nhà nếu không phải việc tối cần thiết.

Chỉ trong vòng 24 giờ, ở tiểu bang Victoria đã thu tiền phạt tới 300 ngàn đô la. Trong thời gian đó cảnh sát tiểu bang này đã tiến hành kiểm tra 893 nơi gồm nhà ở, các dịch vụ không cần thiết, và đã phát đi 183 giấy phạt. Có những trường hợp giải thích thật khó nghe, như một anh chàng bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ tùy thân và nơi dừng xe cách nhà 40km. Anh ta giải thích với cảnh sát là đi mua chai nước suối để uống. Cảnh sát thông cảm cho anh, nhưng anh phải mua chai nước suối đó giá 1652 đô (tiền phạt áp dụng ở tiểu bang này)

Ở tiểu bang Queensland, chỉ trong một buổi sáng thứ sáu (10/4/2020) 289 người bị phạt với tổng số tiền lên tới 385 526 đô la. Cho tới hôm nay thứ 7 11/4/2020 Cảnh sát tiểu bang này đã phạt 462 trường hợp lái xe ra ngoài không cần thiết, 1334 đô mỗi người, thu về cho ngân sách 616 308 đô la.

Chúc mọi người một mùa Phục sinh tại gia bình an!

===

* Tiêu đề sửa lại theo sự góp ý của anh Mai Lĩnh


=====

11/04/2020: Kỳ nghỉ dài cuối tuần, con muốn về thăm ba. Nhà mình, ba mình, con mình mà vò đầu bứt tai, không biết hỏi ai.
Nhớ con cũng muốn con về
Sợ anh phu-lít ảnh xòe 'mười chai'!
Đành phải tìm tòi. Và viết lại đây giúp cho những ai đang cư ngụ tại Úc để tránh những vạ gió tai bay.

Những trường hợp nào được phép ra khỏi nhà:
- Đi làm việc mà công việc không thể làm tại nhà
- Đi học
- Đi chợ mua thức ăn và những đồ dùng hàng ngày thiết yếu khác
- Đi khám bệnh
- Đi ra ngoài tập thể dục, chỉ được đi một mình hoặc với một người khác nhưng phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu cách nhau 1.5m nếu không phải là người sống cùng một nhà.

Ngoài những lý do cần thiết trên, thì trong các trường hợp dưới đây được phép du di:
- Trong các trường hợp khẩn cấp hoặc trong các bối cảnh ủy lạo.
- Chăm sóc và giúp đỡ bà con hoặc người đang trong tình trạng nguy hiểm
- Đưa con đi nhà trẻ
- Đi dự đám cưới (giới hạn 5 người) hoặc đám tang (giới hạn 10 người), nhưng đảm bảo khoảng cách quy định (nếu trong không gian kín là 4m2 cho mỗi đầu người)
- Chuyển nhà hoặc chuyển chỗ ở
- Đi hiến máu
- Thi hành luật, án
- Đến các dịch vụ hỗ trợ như dịch vụ tìm việc, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần v..v...
- Đi đón con, chăm sóc con chung (cha mẹ không ở chung)
- Lãnh đạo công giáo đi nhà nguyện hoặc để làm việc mục sự

Một số tình huống có thể khác nhau mỗi tiểu bang:

1- Đi thăm người tình mà không sống chung một nhà:
NSW: Hướng dẫn thi hành thì nói KHÔNG. Nhưng mới đây Tổng trưởng Cảnh sát tiểu bang Mick Fuller ông trả lời công luận là ĐƯỢC, ngoại lệ.
Victoria: ĐƯỢC. Ban đầu thì cũng không. Nhưng mới chiều 08/4/2020 Chánh Văn phòng Y tế Tiểu bang tweet là điều luật thăm viếng xã giao không áp dụng cho những đôi bạn tình.
Queensland: ĐƯỢC. Thủ hiến tiểu bang Annastacia Palaszczuk nói rằng mỗi gia đình cho phép có 2 khách đến thăm nhà tại một thời điểm. Nhưng khoảng cách an toàn cần phải được áp dụng. Ra ngoài cho phép 2 người nếu không sống trong cùng một nhà.
Tasmania: ĐƯỢC. Định nghĩa khá rộng về việc "ủy lạo tinh thần" được coi là lý do chính đáng để ra khỏi nhà. Do vậy mà đôi tình nhân và thành viên trong gia đình được phép thăm viếng nhau, tuy nhiên khoảng cách an toàn phải tuân theo và người đến thăm không được phép ở qua đêm trừ khi đó là địa chỉ đăng ký là nơi ở chính trước 31/03/2020.
ACT: ĐƯỢC. Mỗi gia đình cho phép có 2 khách đến thăm nhà tại một thời điểm, nhưng không gian trong nhà phải đủ 4m2 cho mỗi người. Bên ngoài thành viên sống trong cùng nhà được đi cùng với nhau, hoặc chỉ được 2 người nếu không sống trong cùng nhà.
WA: ĐƯỢC. Mỗi gia đình được phép một khách viếng thăm tại một thời điểm. Tuy nhiên không được phép đi ra khỏi vùng khác (có 9 vùng) nếu không phải là trên cơ sở đi ủy lạo (hiếu hỉ, ma chay v..v...)
SA và NT: ĐƯỢC. Cho tới thời điểm Easter (Sat 11/4/2020) ra đường bất kỳ mục đích gì đều không bị phạt tuy nhiên không khuyến khích chỉ để gặp gỡ xã giao không cần thiết. Tụ tập tối đa 10 người.

2- Tạm thời chuyển đến sống chung với người bạn tình: Được phép trên toàn quốc.

3- Dắt chó đi dạo: Được phép trên toàn quốc, cho phép đi ra ngoài tập thể dục và có thể dắt chó đi cùng.

4- Khoảng cách cho phép di chuyển khi ra ngoài để tập thể dục: Không có luật cụ thể ở các tiểu bang đề cập đến khoảng cách cho phép di chuyển, tuy nhiên lời khuyên là mọi người phải biết ở mức nào là chấp nhận được. Thí dụ như ở NSW cho phép đi qua bên quận/huyện khác nhưng không thể chạy hàng giờ ngoài phố, hay ở Vic thì Thủ hiến Daniel Andrews để trên twitter của ông là tập ở trong nơi mình ở chứ "đâu thể chạy hàng kms và rông ngoài đường cả ngày được" Ở WA không cho phép ra khỏi vùng mình sống (có 9 vùng). SA và NT không hạn chế như nêu trên. Nhưng khuyên là không nên ra ngoài nếu không cần thiết.

5- Bà con họ hàng (không sống cùng nhà) trông giúp trẻ: không có áp dụng phạt trong trường hợp này. Tuy nhiên, chính phủ tiểu bang khuyến cáo những người trên 70 tuổi, những người trên 60 có bệnh mãn tính và Thổ dân trên 50 cần phải tự cách ly càng nhiều càng tốt. Vì vậy, khuyến cáo là người họ hàng (như ông bà nội ngoại) có tuổi thì không nên giúp trông trẻ trong giai đoạn này.

6- Thăm gia đình trực hệ trong trường hợp không sống cùng nhau:
- NSW: Chung quy là KHÔNG. Tuy nhiên có thể đi thăm với mục đích để chăm sóc, đưa thức ăn, mua giùm thuốc, hoặc đưa đi khám chữa bệnh mà người bệnh di chuyển khó khăn.
- Vic: Chung quy là KHÔNG. Thăm viếng xã giao là không. Tuy nhiên được phép như ở NSW.
- Queensland: ĐƯỢC. Cho phép như mục 1.
- Tasmania: ĐƯỢC, nằm trong diện 'ủy lạo', tuy nhiên chỉ cho phép tối đa hai khách đến cùng một thời điểm và phải luôn chú ý giữ khoảng cách an toàn và tránh đến nếu không cần thiết.
- ACT: ĐƯỢC. Như mục 1. Áp dụng 4m2 cho mỗi người trong phòng.
- WA: ĐƯỢC. Như mục 1.
- SA và NT: ĐƯỢC. Tối đa 10 người nhưng nếu không cần thiết thì không nên tụ tập.

6- Có được cho khách đến thăm nếu sống độc thân hay không
- NSW và Victoria: KHÔNG
- Queensland: ĐƯỢC. Vào 9/4/2020 Thủ hiến Annastacia Palaszczuk cho phép ai sống độc thân được có khách là bạn bè đến thăm, không quá 2 khách tại một thời điểm.
- Tasmania: ĐƯỢC. Như mục 1 và mục 6.
- WA: ĐƯỢC. Nhưng chỉ giới hạn 1 khách, hoặc gia đình.
- SA và NT: Như mục 1 và mục 6.
Tuy nhiên tất cả trên toàn tiểu bang, khuyến cáo nhất thiết tránh các cuộc gặp xã giao không cần thiết.

7- Chở/đi nhờ xe đồng nghiệp đi làm được không?
- NSW: ĐƯỢC. Được phép chở đồng nghiệp đi làm cùng. Tuy nhiên chở một người đến một chỗ làm khác thì không rõ ràng. Tuy nhiên có thể diễn dịch trong ngữ cảnh là 'chăm sóc' trường hợp người đi nhờ xe không thể lái được xe vì một lý do nào đó. Nhưng trên xe chỉ được chở 1 người hoặc bất kỳ ai sống trong cùng nhà.
- Victoria và Queensland: ĐƯỢC. Tương tự như ở NSW
- Tasmania: ĐƯỢC. Nhưng phải là lý do thiết yếu.
- ACT: ĐƯỢC. Như NSW. Tuy nhiên lời khuyên là ngồi cách xa nhau là tốt nhất nếu có thể.
- WA: ĐƯỢC. Như ở NSW. Tuy nhiên nếu lái xe ra khỏi vùng quy định thì cần có giấy phép.
- SA và NT: ĐƯỢC

8- Trao đổi giao dịch tại nhà: Đối tác và khách hàng được phép đến nhưng chỉ là công việc thiết yếu. Nếu việc có thể trì hoãn được thì nên trì hoãn. Cần giữ khoảng cách giữa hai người.

9- Học lái xe: NSW và Queensland ĐƯỢC.
Victoria: Một em vị thành niên vừa bị phạt hồi đầu tháng 4 tuy nhiên Cảnh Sát Tiểu bang vừa cho biết sẽ xem xét lại trường hợp này.
WA, Tasmania, SA, NT và ACT không có hướng dẫn cụ thể.








No comments: