Monday, April 13, 2020

CHỊ KHUYÊN (Mai Quốc Ấn)




12/04/2020

Chị Khuyên được biết đến như là vợ của một tử tù nổi tiếng – tử tù Đặng Văn Hiến, vụ nổ súng Đak Nông 2016.

Ngày Hiến ra đầu thú, chị ấy ở đồn công an địa phương tổng cộng 4 ngày, về nhà thì chồng đã theo các cán bộ chiến sĩ C45 về Bộ Công an khu vực phía Nam. Bữa tôi quay lại Đak Nông cùng các luật sư xem hiện trường vụ án có gặp chị, chị khóc.

Chị Khuyên và con trai. Hồi tôi đưa Hiến ra đầu thú, cháu mới 23 tháng. Giờ lớn nhanh và giống cha quá!

Có một sự tiến hoá lớn trong người đàn bà gầy guộc và quê mùa ấy. Từ việc luôn khóc, luôn sợ hãi, chị Khuyên đã có dũng cảm mang thư xin giảm án tử cho chồng, đi xe đò ra tận Hà Nội, đến Văn phòng Chủ tịch nước hai lần để nộp. Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi còn sống đã có nhận thư. Đương kim Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhận thư. Hình như chưa có ai trả lời…

Hồi đầu năm, chị Khuyên nhắn tôi muốn gửi 10 triệu để tôi làm khẩu trang bình ổn giá. Chị nhắn mới bán tiêu hay điều gì đó, còn nhắn là nhà vẫn còn tiền nên bảo tôi yên tâm nhận. Tôi cảm ơn tấm lòng ấy nhưng xin phép không nhận. Chị còn con nhỏ phải chăm, còn chồng đang trong biệt giam phải lo.

Chị Khuyên lại nhắn tiếp là Đặng Văn Hiến trong tù đã khóc. Người tử tù ấy giờ đã biết tôi mất việc vì những sức ép chính trị sau khi đưa Hiến ra đầu thú. Có gì mà khóc? Đó là sự lựa chọn của tôi. Tôi nghỉ việc vì tôi thấy cần phải nghỉ. Tôi nói với chị đúng suy nghĩ ấy.

Tối nay mới biết được chị vẫn đang ở Lạng Sơn. Về thăm ông bà ở quê thì gặp đại dịch nên không bắt xe đò về Đak Nông được. Không có việc gì làm lúc này, những ngày giãn cách xã hội của người đàn bà quen lao động ấy hẳn buồn lắm.

Tôi nói chị chịu khó chờ bớt dịch, về lại Đak Nông rồi tôi tính. Chắc là sẽ hỗ trợ chút vốn nuôi gà thả vườn. Trên đó đất rộng, gà toàn ngủ trên cây, ban ngày tự kiếm ăn. Dự định là hỗ trợ cả mấy anh em nhà Thanh “đầu móp” luôn. Anh Thanh là nạn nhân của công ty Long Sơn ở huyện Tuy Đức, Đak Nông trước khi Đặng Văn Hiến uất ức quá phải nổ súng. Vì chiếm đất, bảo vệ công ty đã chém vạt đầu, bay mất một mảnh sọ lớn của anh ấy. Bây giờ còn sống đã là kỳ tích nhưng cơn đau buốt đầu cứ hiện diện mỗi khi trở trời và cái đầu dị dạng không bao giờ phục hồi được nữa.

Mới đây, bảo vệ công ty Long Sơn lại tiếp tục lộng hành. Chúng đốt nhà ông trưởng thôn ở cái thôn tồi tàn mà chính quyền lập ra để an dân. Chuyện này không thấy báo chí nào nhắc đến…

Chỉ là những suy nghĩ vẫn vơ về phận người lúc đại dịch này. Luôn có những thân phận cùng quẫn cần sẻ chia và từng đứng trước sinh tử thì mới rõ hạn kỳ của bản thân. Ngay cả tôi giờ cũng đã hết hẳn sự nổi giận trước những tấn công cá nhân kiểu dụ dỗ Hiến ra đầu thú chịu chết. Anh ấy vẫn chưa bị xử tử và tình tiết liên quan xứng đáng cho một án giám đốc thẩm. Chị Khuyên mỗi bận được vào tù thăm chồng đều kể về những việc tôi làm với Hiến. Chỉ cần họ- những chứng nhân lẫn nạn nhân lịch sử- về một thời đại quay cuồng với đất, hiểu rõ là được.

Cầu cho mọi người bình an! Bình an từ bên trong. Đi qua đại dịch rồi sẽ thấy hoá ra những hào nhoáng nếu mất đi thì chúng ta vẫn phải sống cơ mà.

Sinh mệnh. Vốn là thứ đáng trân trọng và có lẽ nên vui mừng mỗi sáng khi chúng ta còn mở mắt thức dậy…


*
Thấy có mấy nick vào đây cà khịa. Tôi không có nhu cầu đưa những tin nhắn riêng tư giữa tôi và chị Khuyên lên để giải thích cho ai.
Đưa status mà chị Khuyên nhận định công khai có lẽ sẽ cụ thể hơn vậy.
https://www.facebook.com/100029335462105/posts/291791208475392/?d=n

*
Cảm ơn chú Quốc Ấn Mai với bao câu chữ thấm đẫm tình đồng loại.
Những phận người bé mọn, vô số nạn nhân của trò cướp đất được bảo kê từ quan tham và chính sách biết bao giờ mới hết trên đất nước ta!

*
Nạn nhân vụ thanh đầu móp, đã phải bán nhà trả nợ, vì những phiên tòa và những cơn đau của anh ấy, người sống ko bằng chết, đất mất, Nhà cũng mất, còn những người gây ra tội vẫn ung dung sở hữu đất, thu hoạch mùa màng




No comments: