Tuesday, June 18, 2019

VIỆT NAM : NHIỀU GIÁO VIÊN BỎ BỤC GIẢNG ĐI LÀM THỢ HÀN, XE ÔM, GIÚP VIỆC . . . (Ngọc Minh Tâm - Phụ Nữ Online)




Ngọc Minh Tâm
07:36 17/06/2019

Chưa đến ngày thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 của TP.Hà Nội nhưng không ít thầy cô thực sự buông xuôi sau nhiều năm chờ đợi. Có thầy chạy xe ôm, làm thợ hàn... Có cô “tranh việc với nông dân” hoặc làm giúp việc nhà…

Từ hôm kết thúc năm học, ngày nào thầy Phùng Đức T. (H.Ba Vì) cũng ra khỏi nhà từ sáng sớm đến 19g mới trở về. Công việc những ngày này của thầy là thợ hàn, thợ điện. Tuổi ngoài bốn mươi, thâm niên 18 năm trong ngành nhưng nghề giáo chỉ mang đến cho thầy khoản thu nhập… rất phụ. Ngồi giữa xưởng hàn tâm sự về nghề giáo, thầy T. cười hóm hỉnh mà đầy xót xa. Bởi, chừng đó năm, nỗi ám ảnh của thầy là cái thẻ ATM và ngày nhận lương.

Hẩm hiu phận giáo viên hợp đồng

Khi chưa trả lương qua thẻ, nhìn đồng nghiệp ký nhận vài triệu đồng, trong khi mình chỉ hơn 1,2 triệu đồng, thầy T. thấy gáy nóng ran. Thầy ngượng. Những kỳ họp lớp với bạn học phổ thông, người này hỏi người kia lương tháng được bao nhiêu, đến mình, thầy trả lời: “Chỉ gọi đó là tiền công thôi chứ không gọi là tiền lương được”. Rồi thầy… đánh trống lảng: “Mà các ông hỏi lương tôi làm gì!”.

Đến khi nhận lương qua thẻ, thầy T. và không ít thầy cô hợp đồng khác thú nhận, họ không dám đăng ký internet banking hoặc thông báo giao dịch tài khoản qua tin nhắn. Vì lương đã quá ít rồi, trừ thêm các dịch vụ đó nữa thì còn được bao nhiêu. Nỗi xót xa khi cầm hơn 1,2 triệu đồng từ cây ATM mỗi tháng, có lẽ chỉ những giáo viên (GV) hợp đồng như thầy T. mới hiểu.

Bị đơn phương chấm dứt hợp đồng sau 18 năm đi dạy, thầy T. đã chuyển sang làm thợ hàn

Thầy giáo trẻ Lê Minh L. (H.Thạch Thất) vừa bị cắt hợp đồng sau ba năm “gõ đầu trẻ”. Thầy L. trở thành xe ôm công nghệ. “Từ nhỏ đến lớn chỉ mơ ước làm thầy giáo nên yêu nghề lắm chứ. Khi đi làm, lương tháng một triệu đồng, không đủ ăn, tôi phải làm gia sư, bán hàng qua mạng để có thêm thu nhập. Nhưng năm nay tôi đã 27 tuổi, còn phải tính chuyện lập gia đình, nên đành phải kiếm việc khác để làm”, thầy L. tâm sự. Bi hài hơn, thầy L. kể mình từng có vài cô gái để ý, nhưng khi biết thầy chỉ là GV hợp đồng, cô nào cũng lảng dần.

Cùng phải rời bục giảng sau trên dưới 20 năm gắn bó, nhưng các thầy giáo còn dễ dàng tìm được công việc khác; còn các cô giáo, bị cắt hợp đồng khi đã gần 50 tuổi thì không biết làm gì. “Ruộng không có mà canh tác, xin làm công nhân thì không nơi nào nhận. Cuộc sống thực sự khó khăn, họ còn con cái ăn học. Mà đến bản thân, họ còn chưa lo được thì nói gì đến việc nuôi con” - thầy T. xót xa nói. 

Như cô giáo C. (H.Ba Vì) bao năm vừa đứng lớp vừa cùng chồng chăn nuôi lợn. Dựng được ngôi nhà khang trang, “một năm làm nhà, ba năm trả nợ” chưa xong thì liên tiếp lợn rớt giá, rồi lợn tai xanh, lở mồm long móng. Cô giấu chồng đi vay để duy trì đàn lợn, chẳng ngờ sập bẫy tín dụng đen, vừa nợ tiền tỷ, vừa bị “xã hội đen” đến “chiếm” nhà. Chồng cô sốc, ngã bệnh rồi qua đời. Một mình cô C. cõng nợ oằn lưng. Khi chúng tôi trở lại nhà mẹ đẻ cô C., con trai cô nói cô đã đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Các thầy cô cùng huyện thở dài: “Cô C. đi làm giúp việc, nhưng phải nói dối gia đình, làng xóm”.

Sau bao năm trăn trở và hy vọng, cô Lê Thị X. (H.Mỹ Đức) đã rời quê lên thành phố tìm việc. Cô xin vào nhiều vị trí ở nhiều công ty nhưng không nơi nào nhận, vì tuổi cô đã ngoài bốn mươi. Cô đành trở về “tranh việc với nông dân”, thuê sáu sào ruộng để cấy, sáng bán cua ngoài chợ, chiều hái lá sen thuê. 

Hợp đồng gia hạn từng năm tới 20 năm

Từ những đợt kêu cứu, nhiều vấn đề như tiền lương, bảo hiểm, hợp đồng lao động của GV mới được phơi bày. Thầy Phùng Đức T. được UBND H.Ba Vì ký hợp đồng một năm lần đầu tiên vào năm 2001. Mức lương khi đó của thầy T. là 160.000 đồng/tháng. Cũng như tất cả GV hợp đồng khác trong huyện, hợp đồng của thầy T. được gia hạn từng năm và mức lương thầy T. được trả trong những năm gần đây là 1.244.000 đồng/tháng. 

Thầy giáo trẻ Lê Minh L. trở thành tài xế xe ôm công nghệ

Ở H.Mỹ Đức, cô Nguyễn Thị Q. được nhà trường đề nghị làm hồ sơ xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, bởi cô đã có tròn 20 năm đứng trên bục giảng. Bây giờ sang năm thứ 21 gắn bó với nghề, nhưng cô Q. vẫn là GV hợp đồng. Thâm niên nhất là cô Đặng Thị N., GV tiếng Anh đã 23 năm của H.Mỹ Đức. Nhưng cô Q., cô N. cùng rất nhiều GV hợp đồng khác của huyện này chưa một ngày được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Đáng nói, hàng chục năm qua, H.Mỹ Đức chỉ ký hợp đồng… ba tháng với hàng trăm GV.

Bộ luật Lao động năm 2012 quy định có ba loại hợp đồng: hợp đồng thời vụ có thời hạn dưới 12 tháng, hợp đồng có thời hạn từ 12-36 tháng, hợp đồng không xác định thời hạn. Về nguyên tắc ký hợp đồng, nếu lần một người lao động được ký hợp đồng thời vụ có thời hạn dưới 12 tháng, đến lần hai, vẫn có thể ký hợp đồng có thời hạn, nhưng đến lần thứ ba thì buộc phải ký hợp đồng không xác định thời hạn. 

Không dừng lại ở đó, H.Mỹ Đức còn vi phạm điều 2 Luật BHXH năm 2014. Theo quy định, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi… Như vậy, GV H.Mỹ Đức thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH.

Đầu tháng Sáu, hàng trăm GV từ bốn huyện đã cùng đến trụ sở tiếp công dân của UBND TP.Hà Nội đưa đơn cầu cứu, mong có hướng giải quyết về các vấn đề: GV hợp đồng bị đơn phương chấm dứt hợp đồng từ 31/5/2019; các điều kiện xét tuyển viên chức theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP và nhiều vấn đề liên quan chế độ lương, BHXH. Bởi như với các GV ở H.Sóc Sơn, việc trả lời GV hợp đồng phải có trước ngày 15/5/2019, nhưng đến đầu tháng Sáu, thầy cô chưa nhận được câu trả lời nào.

“Bên nọ đánh công văn cho bên kia, còn chúng tôi cứ chờ không biết đến bao giờ mới giải quyết. Đồng nghiệp của chúng tôi, không ít người bị trầm cảm do suy nghĩ nhiều” - cô Nguyễn Thị Th. nói.

Đầu tháng Sáu, nhiều giáo viên hợp đồng đã đến trụ sở tiếp công dân của UBND TP.Hà Nội cầu cứu

Mức lương dưới cả lương cơ bản, “phận hợp đồng” nên mọi việc chung của trường đều phải xông vào làm hết khả năng, nỗ lực gấp mấy lần GV biên chế. Bao năm qua, các GV dạy hợp đồng vẫn lặng im cam chịu.  
Hàng ngàn GV hợp đồng ở thủ đô trước nguy cơ mất việc, hàng trăm GV hợp đồng lâu năm đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng sau nhiều năm gắn bó; họ chỉ có một nguyện vọng và hy vọng, là thành phố sớm đưa ra các quyết sách nhân văn, thấu tình đạt lý. 

------------

H.Mỹ Đức và H.Ba Vì trả lương sai quy định pháp luật
Về mức lương chỉ hơn 1,2 triệu đồng/tháng mà rất nhiều GV hợp đồng của Hà Nội đã và đang nhận, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích: “Căn cứ theo điều 90 của Bộ luật Lao động năm 2012: tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. 

Việc một số huyện đang trả mức lương khoảng 1,2 triệu đồng/tháng cho các GV hợp đồng đang thấp hơn mức lương tối thiểu của Chính phủ. H.Mỹ Đức, Ba Vì thuộc vùng II cho nên mức lương tối thiểu đang được hưởng (tính từ ngày 1/1/2019) là 3.710.000 đồng. Căn cứ theo Bộ luật Lao động, việc H.Mỹ Đức và H.Ba Vì trả lương như hiện nay là sai quy định của pháp luật”.

Ngọc Minh Tâm





No comments: