Tuesday, June 11, 2019

PHÊ LÝ, NỊNH NGỤY : BỊT MẮT SỜ VOI LÊN ĐỒNG YÊU NƯỚC (Gió Bấc)




Thứ Năm, 06/06/2019 - 15:01 — Gió Bấc

Mấy ngày qua, từ thông báo của Bộ Ngoại Giao, báo chí lề phải Việt Nam đã vận dụng hết công suất, chiêu thức, thủ thuật nghề nghiệp từ tường thuật, phỏng vấn, bình luận trích dịch báo chí nước ngoài để phê phán lời phát biểu của Thủ Tướng Lý Hiển Long “Việt Nam đã từng xâm lược Campuchia.”

Kích động, đe dọa, lên án… một câu nói

Báo chí truy tìm lịch sử Singapore đã từng viện trợ cho Khmer đỏ, ông Lý Quang Diệu chụp ảnh với Đặng Tiểu Bình… Thậm chí có tờ báo giật tít đòi Lý Hiển Long phải cải chính, xin lỗi [1]…

Ngày 6 Tháng Sáu, truy tìm trên Google với từ khóa Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long nói “Việt Nam xâm lược Campuchia” có hơn 50,800 kết quả tìm kiếm, hầu hết từ các trang của Việt Nam [2]. Riêng báo Tuổi Trẻ Online trong 2 ngày đã có gần 10 bài viết liên quan về đề tài này. Trong đó nổi bật nhấn mạnh người phát ngôn Bộ Ngoại Giao cho biết đã gởi công hàm cho Singapore và nấn ná rằng Chúng tôi cũng đã có công hàm gửi tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội. Và tôi tin rằng phía Singapore hiểu rõ được thông điệp của Việt Nam” [3]. Thông điệp đe dọa rất mạnh mẽ hiếm có.

Trong khi đó, cũng trong cuộc họp báo này, trước câu hỏi cụ thể về thái độ của Việt Nam trước thông tin các nghị sĩ Mỹ đề nghị trừng phạt hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông như là quân sự hóa các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam áp đặt đường 9 đoạn, người phát ngôn này trả lời rất chung chung như là chuyện xảy ra ở mặt trăng.” Các bên cần nghiêm túc thực hiện những nghĩa vụ pháp lý được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời phải có những đóng góp thiết thực vào việc bảo đảm, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.”[4]

Cộng đồng mạng xã hội lập tức cuốn hút vào cơn kích động yêu nước, tự ái dân tộc và rộ lên làn sóng rầm rộ phản ứng với ông Lý Hiển Long không thua không khí kích động trước bàn thắng ở giây cuối cùng của Anh Đức trước đội Thái Lan. Trên mạng FB, nhiều người cực đoan tuyên bố tẩy chay đảo quốc Sing, nhiều bình luận bươi móc lập trường của Lý Quang Diệu… Không khí phản đối sôi sục tưởng chừng như sắp có cuộc chiên xâm lược của người Sing.

Trung Quốc không xâm lược, ai chiếm Hoàng Sa, Gạc Ma?

Thái độ dị ứng trước từ xâm lược của người Việt thật đáng khâm phục. Phản ứng mạnh mẽ của dư luận Việt Nam trước câu nói của Thủ Tướng Lý Hiển Long về việc trong quá khứ Việt Nam đã xâm lược Campuchia thật đáng khâm phục. Thái độ này cho thấy lòng yêu nước và cái mà cụ Phan Chu Trinh luôn đề cao, mong muốn chấn hưng là DÂN KHÍ của dân tộc vẫn còn tiềm tàng chỉ chờ có cơ hội là bùng phát.

Nhưng đáng tiếc, một phát biểu khác về từ xâm lược, ngay tại diễn đàn của Hội Nghị Shangri-La, liên quan trực tiếp đến lợi ích đất nước, chủ quyền lãnh thổ biển đảo, tài sản tính mạng của người dân lại không được đảng nhà nước quan tâm phản đối, không được báo chí phê phán. Đó là phát biểu của Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa: “Trong suốt 70 năm qua kể từ ngày thành lập nước, Trung Quốc chưa bao giờ phát động một cuộc chiến hay xung đột, hay xâm lược quốc gia khác hay lấy dù chỉ một tấc đất của nước khác.” [5]

Không kể đến những tội ác mà Trung Quốc đã gậy ra ở Tân Cương, Tây Tạng… Riêng với Việt Nam phát biểu ấy chối bỏ mọi tội ác tàn sát hàng vạn người Việt, hai lần xâm lược biển đảo Việt Nam chiếm Hoàng Sa năm 1974, một phần Trưởng Sa năm 1988, đưa 60 vạn quân tấn công trên biên giới Phía Bắc và kéo dài cuộc chiến ngót 10 năm trời.

Đặc biệt nghiêm trọng là vấn đề thời sự nóng bỏng Trung Quốc đang hung hăng cưỡng chiếm toàn bộ Biển Đông làm ao nhà qua chiến lược đường 9 đoạn, quân sự hóa các đảo chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc làm áp lực với chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư Tây Ban Nha, Nga và cả Mỹ phải dừng hoãn việc thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Chỉ riêng việc này làm Việt Nam mất đi nguồn tài nguyên, nguồn thu ngân sách rất quan trọng hàng chục tỉ đô la, mất uy tín trong bang giao quốc tế và trực tiếp nhất là phải bồi thường thiệt hại cho các đối tác hàng trăm triệu đô la.

Tàu thuyền Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam, nhiều lần tấn công làm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam làm nhiều người thiệt mạng. Đó là sự xâm lược, cưỡng chiếm bằng vũ lực và đang đe dọa tiếp tục cưởng chiếm bằng vũ lực. Phát biểu ấy cần phải được lên tiếng vạch trần, phê phán tại diễn đàn đối thoại an ninh Shangri-La và cần được tuyên truyền dể người dân trong nước nhận thức được sự gian trá của kẻ xâm lược đất nước.

“Cộng đồng chung vận mệnh” với kẻ xâm lược nghĩa là sao?

Thế nhưng phản ứng của nhà nước Việt Nam thì sao? Bộ Ngoại Giao hoàn toàn im lặng khi kẻ đã và đang xâm lược nước mình, chiếm đảo chiếm biển của mình phủ nhận hành vi xâm lược. Cũng ngay trong diễn đàn hội nghị này, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch có bài diễn văn tôn xưng, thần phục và đồng tình với Trung Quốc hết sức mùi mẫn mà không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa, mỏ dầu Rồng Đỏ, Cá Voi Xanh.

Bài diễn văn thần phục ấy có những đoạn lâm ly như sau:

“Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan, kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.”

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là: Các vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, các vấn đề liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương; bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên và lợi ích chung của khu vực. Giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn ở Biển Đông trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng.

Tinh thần đó được đề cập trong các cuộc gặp, trao đổi giữa lãnh đạo Bộ Quốc Phòng Việt Nam và Trung Quốc. Cách đây vài ngày tại Hà Nội, tôi và Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã thống nhất rằng, Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt đối với vấn đề Biển Đông, nhưng duy trì hòa bình, hợp tác là lợi ích chung của hai nước và khu vực. Đó là nền tảng để biến Biển Đông thành vùng biển ‘Hòa bình-Hợp tác-Phát triển.’ Trên cơ sở đó mà thu hẹp bất đồng, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, không để xảy ra xung đột.

Tôi tin Trung Quốc luôn ý thức về vai trò nước lớn của mình ở khu vực, đang khởi xướng ý tưởng xây dựng ‘Cộng đồng chung vận mệnh’, sẽ ủng hộ, cùng Việt Nam và các nước biến điều đó thành hiện thực. Làm được như vậy, Trung Quốc và Việt Nam sẽ đóng góp một ‘mô hình tốt’ cho việc ‘Giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình; Với tinh thần đối tác; Vì trách nhiệm cộng đồng.’” [6]

Trong tình thế một quốc gia mất đất, mất đảo và một nước lớn chiếm đất chiếm đảo đang tranh chấp nhau thì sao có thể gọi là “Cộng đồng chung vận mệnh”? Hay là ông Lịch đã thỏa thuận với Trung Quốc cùng chống âm mưu xâm lược Biển Đông của đế quốc Mỹ?

Xin thử hỏi mô hình tốt của ông Lịch là mô hình nào? Nhường hết chủ quyền khai thác dầu khí, đánh bắt thủy sản ở Biển Đông cho Trung Quốc như đang diễn ra ư?

Điều quan trọng là sự dẫn dắt dư luận của chính quyền với người dân trong nước. Phát biểu gian trá, ngang ngược phủ nhận những tội ác đã gây ra với nhân dân Việt Nam và những âm mưu đang thực hiện để chiếm cứ lâu dài hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và cả Biển Đông không hề được báo chí trong nước đề cập phê phán. Trong khi đây là vấn đề thời sự sống còn về chủ quyền đất nước chứ không phải ôn chuyện quá khứ như lời ông Lý Hiển Long. Ngược lại thông tin về hoạt động thăm viếng hữu nghị, phát biểu của Ngụy Phượng Hòa thì dày đặc trên báo chí, phương tiện truyền thông và cộng đồng mạng xã hội.

Thử dùng công cụ tìm kiếm Google với từ khóa “Ngụy Phượng Hòa: Trung Quốc chưa bao giờ xâm lược nước khác” có được 35,200 kết quả hầu hết là từ báo chí và trang mạng ở nước ngoài [7]. Nhưng nếu dùng từ khóa long trọng hơn “Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu” có đến 95,000 kết quả mà hầu hết là báo chí và các trang mạng trong nước.

Đừng dẫn dân tộc sai đường thêm lần nữa!

So sánh như thế cho thấy thái độ, sự dẫn dắt của guồng máy tuyên truyền nhà nước với công chúng trong cách nhìn, ứng xử với kẻ đã và đang xâm lược nước ta chông chênh lệch lạc đến mức độ nào.

Chúng tôi chưa bàn đến đúng sai trong phát biểu của ông Lý Hiển Long mà chỉ nêu vấn đề là thái độ ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam với một nước lần bang về cách gọi tên một chuyện cũ trong quá khứ quá mạnh mẽ, quá rõ ràng, thậm chí là còn hống hách.

Về địa chính trị, về mục tiêu phát triển, quan hệ hai nước không có gì mâu thuẫn mà ngược lại có mối quan hệ hợp tác thân thiện.

Phát biểu của ông Lý Hiển Long dù đúng hay sai cũng chỉ ành hưởng một phần rất nhỏ các quan hệ quốc tế của Việt Nam mà mối quan hệ quan trọng nhất là nước Campuchia đã cho thấy có thái độ nhất quán, đồng cảm với Việt Nam. Liệu có nên, có cần tạo ra dư luận mạnh mẽ như vậy?

Liệu có phải vì danh dự uy tín của quốc gia không?

Thái độ ấy lại kích động một số đông giới trẻ hưởng ứng như một cuộc lên đồng về tinh thần yêu nước quá mức cần thiết và vô bổ.

Ngược lại, với kẻ xâm lược truyền đời và thực tế đang xâm lược, lẽ ra cần phải tuyên truyền âm mưu thủ đoạn, thực trạng tội ác của chúng cho người dân hiểu để lên án, để cộng đồng sức mạnh toàn dân đấu tranh giữ nước thì nhà cầm quyền lại hèn yếu che giấu bằng những mỹ từ hửu hảo bốn tốt, 16 chữ vàng…

Với những nhà nghiên cứu am tường lịch sử, cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế nói theo ta hay là cuộc chiến xâm lược Campuchia theo cách nhìn của Lý Hiển Long và một số người khác, bên thắng cuộc không phải Việt Nam, Campuchia mà chính là Trung Quốc. Điều đó có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan trong đó có sai lầm ấu trĩ của giới lãnh đạo Việt Nam trong phân định ta, bạn, thù. Hiện nay, lịch sử dang lập lại, sự mơ hồ, khiếp nhược gọi kẻ thù là bạn tất yếu sẽ đưa dân tộc tới chỗ diệt vong. Chính vì vậy, cụ Phan Châu Trinh đã đề ra KHAI DÂN TRÍ trước khi CHẤN DÂN KHÍ. Bịt mắt, kích động người dân vào những lầm lạc chính trị là tội ác muôn đời của giới cầm quyền. 

-----------------
CHÚ THÍCH :













No comments: