Monday, June 10, 2019

OBAMA : 'HÃY ĐI ĐỂ BIẾT MÌNH ĐỨNG Ở ĐÂU TRÊN THẾ GIỚI' (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
10 tháng 6 2019

Trong tháng Tư, tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Hội đồng Du lịch và Lữ hành Toàn cầu, BBC Travel đã may mắn tham dự một buổi hỏi đáp với cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Trong những nhận xét về nhiều vấn đề của ông, người được trao Giải Nobel Hoà bình đã nói với CEO của tập đoàn khách sạn Hilton, Chris Nassetta về việc đi lại nhiều giúp ích cho mỗi chúng ta khám phá xung quanh và thế giới như thế nào, và về tầm quan trọng của việc trân trọng những khác biệt giữa các nền văn hoá phong phú.

Những nhận xét của ông Obama là lời nhắc nhở hùng hồn rằng những chuyến đi trong cuộc đời tạo nên những mối liên hệ, tạo cảm hứng cho sự thay đổi, và xây dựng lòng cảm thông.

Trải nghiệm đáng nhớ nhất của ông về những chuyến đi ông từng có?

- Tôi đi khá nhiều, nên thật khó để chọn một. Tôi nghĩ sẽ hợp lý khi nói, với tôi, việc đi cùng các con là điều đáng nhớ nhất. Rất đặc biệt khi ngắm nhìn một nơi, trải nghiệm một nền văn hoá khác, được tiếp xúc với những ý tưởng mới. Những chuyến đi khiến ta trưởng thành thêm. Nhưng, là một người cha, khi nhìn thấy những cảm xúc đó trong mắt con mình thì còn đặc biệt hơn bất kỳ điều gì khác.

Cho nên tôi sẽ chọn những chuyến đi đáng nhớ nhất mà tôi từng có là những lần tôi đi với các con gái. Một số chuyến vô cùng ấn tượng, như khi chúng tôi đi dọc bên trong Điện Kremlin hồi tôi là tổng thống còn Sasha lúc ấy mới bảy tuổi. Nó mặc cái áo choàng dài, trông giống như điệp viên quốc tế vậy.

Đó là một chuyến đi tuyệt vời, chúng tôi đến Nga rồi đi tiếp tới Ý. Tôi tới đó dự họp G20, bọn trẻ tới Rome, tới được Vatican, gặp Đức Giáo hoàng. Sau đó chúng tôi đi Ghana, nơi đã có màn nhảy múa trên nền đất trải nhựa đường.

Được chứng kiến một đứa trẻ 10 tuổi và một đứa 7 tuổi trải nghiệm khám phá thế giới ở mức độ có thể coi là lần đầu tiên, quả là điều mà tôi sẽ luôn nhớ.

Bây giờ, khi chúng đã 20 tuổi và 17 tuổi, việc cùng chúng có các chuyến đi vẫn luôn là điều thú vị.
Cũng có thể nói là việc đi với các con vào lúc này thậm chí còn quý giá hơn, bởi một cháu nhà tôi đã ra ở riêng, cho nên nếu có thể thì quý vị nên khuyến khích chúng có với cha mẹ một chuyến đi dễ thương, để chúng có thể dành thời gian ở cùng cha mẹ, điều mà chúng rất khó có thời gian để làm.

Cũng có điều độc đáo khi bạn phiêu lãng thời ngày trẻ. Đệ nhất phu nhân của Kenya đang có mặt tại đây. Thật tuyệt vời khi được gặp bà ấy. Có lẽ một số người trong quý vị đã biết, cha tôi là người Kenya, nhưng tôi không biết nhiều lắm về cha mình.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và các con gái trong chuyến tham quan có hướng dẫn viên đi kèm tại Cape Coast Castle ở Ghana. GETTY IMAGES

Những chuyến đi thời trai trẻ

Tôi đã gặp ông ấy một lần, nhưng về cơ bản thì tôi được nuôi dưỡng ở Mỹ. Chuyến đi đầu tiên của tôi tới Kenya là hồi tôi khoảng 25 tuổi. Tôi tốt nghiệp đại học, đã đi làm và khi ấy cha tôi qua đời. Tôi muốn hiểu ông ấy hơn, muốn hiểu rõ hơn về vùng đất của ông ấy. Cho nên tôi đã tới đó một tháng.

Nhưng đầu tiên, tôi đi châu Âu, trước đó tôi chưa từng tới châu Âu bao giờ. Đó là một chuyến đi đáng nhớ bởi nó là một phần quá trình tự khám phá của tôi. Tôi đi một mình. Tại châu Âu, tôi đã ở trong các nhà trọ, mua bánh mỳ gậy và pho-ma ăn hàng ngày. Thỉnh thoảng có uống chút rượu vang nữa.

Tôi vẫn nhớ lần bắt xe buýt đi từ Madrid tới Barcelona qua đêm. Tôi nói tiếng Tây Ban Nha không tốt lắm, chỉ có thể giao tiếp chút ít. Tôi kết bạn với một người cùng đi trên chuyến xe đó, mà người này lại không nói được tiếng Anh. Tôi chia cho anh ấy một ít bánh mỳ, còn anh ấy mời tôi rượu vang. Khi tới Barcelona vừa lúc trời sáng, tôi nhớ là tôi đã đi bộ tới Ramblas, tới thị trấn, rồi mặt trời mọc.

Đó là những chuyến đi đáng nhớ, bởi nó là một phần của tôi, một chàng trai trẻ khi đó đang tìm cách khám phá xem chỗ của mình là ở đâu trên thế giới này.

Tôi đi Kenya, ở đó một tháng. Tôi tới một safari, gặp gỡ các thành viên gia đình mà tôi trước đó chưa từng gặp, thật là một điều đặc biệt.

Kỷ nguyên của công nghệ và thông tin

Với quá nhiều thông tin và một vòng tin tức suốt 24 giờ mỗi ngày, ông có lời khuyên khôn ngoan nào trong việc làm sao để lọc bỏ bớt những ồn ào và xác định được những gì là điều quan trọng?

- Chúng ta đang trải qua những thay đổi chỉ trong một thập niên vừa rồi với tốc độ mà trước đây có lẽ phải mất đến hàng thế hệ mới thấy. Kỷ nguyên thông tin, toàn cầu hoá và những tiến bộ công nghệ đã kết gắn thế giới lại với nhau theo những cách thức mà thời tôi mới lớn chưa hề có.

Thực tế là tôi có thể bay từ Washington tới đây chỉ trong vài giờ đồng hồ, và ngay khi hạ cánh tôi đột nhiên đã có thể tiếp cận đầy đủ với mọi người, mọi thứ trên toàn thế giới thông qua cái thiết bị nhỏ bé này [điện thoại di động]. Đó là một cơ hội vô cùng đặc biệt, nhưng nó cũng đang tạo ra những thách thức mới.

Tôi nghĩ rằng ngay lúc này, điều mà chúng ta đang chứng kiến nhiều nhất là mức độ gián đoạn gây ra từ công nghệ, toàn cầu hoá, từ việc liên tục truyền tải thông tin. Chúng khiến cho mọi người cảm thấy không yên tâm, không chắc chắn về thế giới xung quanh.

Có một số thứ rất rõ ràng: những thay đổi về kinh tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển, đồng nghĩa với việc thậm chí ở các nước có thu nhập trung bình, những người trước đây cảm thấy khá thoải mái, lúc nào cũng có công ăn việc làm, có hưu bổng, có chế độ trợ cấp xã hội, nay đột nhiên nhận ra rằng họ phải làm mọi thứ thật nhanh, thật vội vã mới đủ để tồn tại. Và họ thấy lo lắng cho tương lai con cái mình.

Có một số điểm liên quan tới vấn đề bản sắc và văn hoá.

Cho dù đó là Brexit ở Anh hay những biến động chính trị ở Mỹ, hay sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý ở châu Âu lục địa, toàn bộ những thứ đó không chỉ là phản ứng trước các thay đổi kinh tế, mà còn là phản ứng trước cảm xúc của con người khi mà vị thế của họ bị bào mòn, cảm giác của họ đối với việc mà họ cho là đất nước họ bị xem thường. Và họ muốn hoặc là có pháp luật tôn nghiêm thực sự, hoặc là có luật pháp ngầm nào đó để bảo tồn những gì mà họ nghĩ là họ đã từng có.

Việc đi lại nhiều cũng nhắc nhở chúng ta về những gì chúng ta chia sẻ và về việc chúng ta đã trở thành kiểu người như thế nào - khả năng để chúng ta nhận ra chính mình trong người khác.

Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa tự nhiên, tinh thần bài ngoại, tâm lý bài người nhập cư - đó là những quan điểm nguy hiểm.

Xét tới cội gốc bản thân và tới việc tôi được nuôi dạy ra sao, thì tôi là người đặt niềm tin vào việc đưa con người xích lại gần nhau thay vì chia rẽ, phân biệt thành 'chúng tôi' và 'bọn họ'.

Nhưng tôi nghĩ một cách khách quan là nếu xét về bản chất của thông tin, du hành, công nghệ, chuỗi cung ứng toàn cầu, tôi cũng có thể nói rằng nếu chúng ta cố tìm cách tái xác lập những đường biên giới 'cứng', vốn rất khó vạch ra một cách cứng nhắc vào thời điểm mà công nghệ và thông tin đã trở nên phi biên giới, thì chúng ta không chỉ sẽ thất bại, mà tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ còn phải chứng kiến những cuộc xung đột lớn hơn, các cuộc đụng độ dữ dội hơn giữa con người với con người.

Đó là khuynh hướng lớn nhất mà tôi cảm thấy quan ngại, bởi nó không chỉ nằm trong một quốc gia cụ thể nào, mà đang là hiện tượng toàn cầu.

Hiển nhiên là một trong những lợi ích của ngành du lịch lữ hành là nó nhắc nhở mọi người về cả sự vô giá của sự đa dạng mà chúng ta có trên hành tinh nay, lẫn những khác biệt mà chúng ta có, bởi đó là điều đã khiến cho đồ ăn ở Seville khác với đồ ăn ở Bangkok - mà ở cả hai đều rất ngon.

Việc đi lại cũng nhắc nhở chúng ta về những gì chúng ta chia sẻ với nhau và về kiểu người mà chúng ta đã trở thành - là khả năng khiến chúng ta có thể nhận ra chính mình trong những người khác.

Nếu như bạn lang thang qua vài ngôi làng nhỏ ở Kenya và thấy người mẹ cùng đứa con nhỏ chơi đùa, cười vang, thì cảnh đó sẽ không khác gì so với hai mẹ con ai đó vui đùa ở Virginia hay Hawaii.

Vua Tây Ban Nha Felipe VI và cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm Bảo tàng Reina Sofia. GETTY IMAGES

'Vấn đề môi trường ảnh hưởng tới tình trạng di dân và kinh tế toàn cầu'

Bên cạnh sự bất ổn chính trị, tôi cũng lo lắng về sự bất ổn đối với môi trường.

Tình trạng thay đổi khí hậu là việc không phải sẽ biến mất trong tương lai. Nó được chứng minh là đang xảy ra vào ngay lúc này, và chúng ta đang nhìn thấy những tác động của nó. Một số nơi thuộc loại đẹp nhất thế giới, những nơi mà chúng ta muốn đến thăm nhất, dành thời gian nhiều nhất để tới đó cùng con cái, cháu chắt chúng ta, đang có nguy cơ bị tàn phá bởi những thay đổi đó.

Một số phần huy hoàng, rực rỡ nhất của nền văn minh chúng ta, những công trình được xây dựng dọc theo các đường bờ biển, sẽ không tồn tại được nếu như biển ăn vào đất liền chỉ thêm bốn bộ (1,2m) nữa. Thời tiết khắc nghiệt có thể sẽ khiến một số nơi trên Trái Đất này nên không thể sống được, hoặc không thể tới thăm được nếu chúng ta cứ để cho tình trạng thay đổi khí hậu xảy ra với tốc độ hiện nay.

Và đây chính là điểm tập trung của hai vấn đề mà tôi vừa nhắc tới, thay đổi khí hậu sẽ góp phần tạo ra những hình thức di dân, những nhóm người tỵ nạn, những trận hạn hán, nạn đói - tất cả những điều đó sẽ có tác động tới con người, khiến cho có những nhóm người phải tìm cách sinh tồn.

Quý vị không thể xây tường ngăn cản họ được. Không thể làm điều đó trong thời gian dài hạn.

Cho nên chúng ta cần phải quan tâm lo ngại tới vấn đề thay đổi khí hậu, thậm chí ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình đang sống ở một nước phát triển, có khả năng thích nghi và kiểm soát tình hình. Bởi đang có những khu vực rộng lớn trên thế giới, nơi có hàng trăm triệu người, hay tới hàng tỷ người đang không thể kiểm soát được tình hình. Điều đó sẽ làm thay đổi căn bản nền kinh tế toàn cầu.

Tin tốt lành là có những thứ chúng ta có thể làm được để tạo nên sự thay đổi. Tin xấu là ngay vào lúc này, nền chính trị của chúng ta không được thiết kế để xử lý những chuyện đó ở mức nhanh chóng cần thiết.

Chúng ta sẽ đi về hướng nào? Toàn cầu hoá là điều gần như không thể chặn nổi, vậy làm thế nào để vấn đề tự giải quyết?

Tin tốt là những thế hệ kế tiếp chúng ta sẽ tinh tế hơn, sẽ cởi mở với thế giới hơn, thích ứng với đời sống đô thị nhiều hơn, sẽ biết ơn các nền văn hoá khác nhiều hơn so với lớp người cao tuổi.

Khi tôi nhìn vào Malia và Sasha, tôi thấy một phần là bởi chúng có thể tiêu hoá hết cả thế giới ngày nay trên thiết bị nhỏ này [điện thoại di động], cho nên chúng không sợ sự khác biệt, chúng không sợ sự thay đổi, chúng không sợ những thứ bất thường, không quen thuộc với chúng. Đó là thế giới mà chúng đã lớn lên trong đó.

Và hậu quả của nền chính trị quay về quá khứ và xây dựng rào chắn, theo tôi, là một nền chính trị sẽ không hấp dẫn được giới trẻ ở trong nước Mỹ - Đó là một nền chính trị mà họ căn bản là sẽ khước từ.
Có sự tương quan khá mạnh mẽ tại Mỹ giữa những thái độ tiến bộ (về các nền văn hoá, sắc tộc, các khuynh hướng tình dục khác) và độ tuổi.

Tin tốt lành là dân số lớn lên sau thế hệ chúng ta - mà chúng ta tự gọi mình là sự kết thúc của thời Bùng nổ Trẻ em... nhóm đã giúp củng cố cho niềm tin tại Mỹ về dân quyền, quyền của phụ nữ, và rất nhiều các giá trị khác - những người trẻ lớn lên sau chúng ta cảm nhận được những điều đó thậm chí còn mạnh mẽ hơn chúng ta. Họ đã lớn lên cùng với các giá trị đó. Họ coi đó là chuyện đương nhiên.

Tôi cho rằng tin xấu là những người lớn tuổi không thích [chuyển giao quyền lực]. Các cơ quan quyền lực mà chúng ta đã xây dựng thì không được trang bị khả năng phản hồi trước những đòi hỏi mà giới trẻ đưa ra trong việc xử lý những vấn đề như thay đổi khí hậu hay việc có thái độ cởi mở hơn đối với những người trông khác với mình, hay có niềm tin tôn giáo khác với mình.

Những người lớn tuổi có khuynh hướng đi bỏ phiếu cao hơn so với người trẻ. Do vậy, một vấn đề then chốt là cần phải làm thế nào để khuyến khích người trẻ tích cực kết nối, tham gia mạnh mẽ hơn vào việc tái xây dựng các cơ quan nắm giữ trách nhiệm phản hồi nhu cầu của giới trẻ [và] đảm bảo rằng những quan ngại của giới trẻ phải được trình bày.

Truyền thông trong thời hiện đại

Tuy nhiên, điều cuối cùng mà tôi quan ngại là cách thức truyền thông của chúng ta đang hoạt động, nó gây khó cho chúng ta trong việc tạo ra những nền dân chủ hoạt động tốt.

Như tôi từng nói, hồi tôi mới lớn thì chỉ có ba đài truyền hình. Các kênh truyền thông này ít nhiều gì đều nói những điều giống nhau. Và có những tờ báo lớn, nhưng họ đều có chung một tiêu chuẩn biên tập và làm báo.

Hậu quả là cho dù bạn là người bảo thủ hay người tự do, bất kể khuynh hướng chính trị của bạn là gì, thì bạn về căn bản đều nhận được một bộ những tin tức, thông tin như nhau.

Bạn có một quan điểm toàn cầu căn bản chung, cho nên khi bạn có sự bất đồng đối với các vấn đề hay chính sách nào đó, thì đó là lúc bạn tranh luận về việc cần phải làm gì đối với tình huống đó, chứ bạn không tranh luận về những thông tin thực tế.

Ngày nay, truyền thông thật sự đang bị tan vỡ thành từng mảnh, và internet, theo định nghĩa của từ này, cung cấp những thông tin phù hợp với những định kiến có sẵn trong con người chúng ta. Và điều đó khiến cho việc đạt được cái nhìn chung và khả năng xây dựng kết cấu vững chắc trở nên khó khăn hơn.

Điều đó đúng ở mức độ nào đó tại bất kỳ quốc gia nào, và đương nhiên đúng trên internet.

Do vậy, khi quý vị gộp truyền thông xã hội vào để theo dõi thì thực tế là về căn bản, quý vị có thể phải dành toàn bộ thời gian chỉ để thu thập thông tin từ những người đã đồng ý với mình, và các thông tin đó càng củng cố thêm những thiên kiến của quý vị, cách nhìn rất hạn hẹp về thế giới, đó là điều rất nguy hiểm.

Có lẽ có những người trong các quý vị đây đã biết rằng có những quốc gia như Myanmar, nơi mà thông qua Facebook, đã tiến hành thanh trừng sắc tộc đối với người Rohingya; họ đang nuôi dưỡng lòng thù hận với một nhóm người cụ thể, và không nhận được bất kỳ thông tin nào từ thế giới bên ngoài nói cho họ biết rằng: "Bạn đang không hiểu được rằng những người đó không hề tạo ra mối đe doạ gì đối với bạn."

Cho nên, tôi nghĩ rằng một trong những thứ mà chúng tôi phải đấu tranh là: làm sao để chúng ta cổ vũ cho việc du hành và có đầu óc cởi mở trong giới tinh hoa, mà còn khuyến khích những con người bình thường là hãy nắm lấy cơ hội để trải nghiệm những nền văn hoá khác, lắng nghe và giao lưu với những người không phải lúc nào cũng đồng ý hết với mình về mọi vấn đề.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

----------------------

Tin liên quan
·        

·        

·        

·        

·        

·        

·        

·        








No comments: