Sunday, June 16, 2019

NHIỀU CHỤC NĂM HIỂU LẦM VỀ TRUNG HOA HẲN ĐÃ DẠY CHO CHÚNG TA MỘT BÀI HỌC (Amy Zegart - The ATlantic)




Amy Zegart  -  The Atlantic
Trà Mi dịch
Posted on June 16, 2019 by editor

Giới phân tích người Mỹ vẫn cố nhét Trung Hoa vào những nếp quen thuộc – nhắm mắt làm ngơ rất nhiều điều cho thấy nó là một ngoại lệ.

Như một hành động phản kháng cuối cùng, sinh viên đã dựng lên bức tượng Nữ thần Dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989. Ảnh: Jacques Langevin / Sygma Via Getty

Ba mươi năm trước tuần này, tôi đã theo dõi tin tức từ Bắc Kinh và bắt đầu xé khăn trải giường. Đó là đêm trước khi tốt nghiệp đại học, tôi đang học chính trị Trung Hoa, và tin tức cho hay sinh viên đại học như chúng tôi đã bị bắn chết ở Quảng trường Thiên An Môn sau nhiều tuần hăng say biểu tình ôn hòa đòi dân chủ – được loan tải trên truyền hình quốc tế. Tại quảng trường nơi mà Mao Trạch Đông đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân nhiều chục năm trước đó, nghững người sinh viên đeo kính của những trường đại học tốt nhất của Trung Hoa đã cắm trại, treo áp phích với các khẩu hiệu đòi tự do bằng tiếng Hoa và tiếng Anh. Tượng “nữ thần dân chủ” mô phỏng theo Tượng Nữ thần Tự do thể hiện hy vọng của họ, và của chúng tôi – để giải phóng chính trị ở Trung Hoa.

Trong viện đại học của tôi hồi đó chỉ có một số ít sinh viên chuyên ngành nghiên cứu Đông Á. Tìm hiểu về cuộc đàn áp tàn bạo ở Bắc Kinh, bằng cách nào đó chúng tôi đã tìm thấy nhau, tập hợp bạn bè và thức đêm làm hàng trăm chiếc băng trắng đeo ở cánh tay cho các bạn cùng lớp để bắt đầu biểu tình vào ngày hôm sau. Vật lộn với thực tế lạnh lùng của thế giới thực mà chúng tôi sắp bước vào, chúng tôi không biết phải làm gì khác. Vì vậy, chúng tôi xé khăn trải giường và khóc cho những gì có thể đã là.

Ngày 4 tháng 6 năm 1989, vụ thảm sát là một cảnh tượng kinh hoàng mà chính phủ Trung Hoa đã tìm cách xóa khỏi ký ức quốc gia kể từ đó. Nhưng, 30 năm sau, suy ngẫm về những gì có thể đã là quan trọng hơn bao giờ hết. Nhìn lại, Quảng trường Thiên An Môn đóng vai trò như một lời nhắc nhở tiếp tục về việc Trung Hoa đã thách thức cỡ nào, và tiếp tục bất chấp, tỷ lệ cược và dự đoán của giới chuyên gia. Thực tế là nhiều thế hệ của những giới hoạch định chính sách, giới khoa học chính trị và giới kinh tế Mỹ đã hiểu sai về Trung Hoa thường hơn so với việc họ hiểu đúng về quốc gia này. Trong việc nội chính, phát triển kinh tế và chính sách đối ngoại, Trung Hoa đã vạch ra một con đường coi thường nhưng tiên đoán chuyên nghiệp, lý thuyết chung về bất cứ điều gì và kinh nghiệm của các quốc gia khác.

Ngày nay, khi giới hoạch định chính sách và giới bình luận khẳng định rằng chiến tranh thương mại dễ thắng hoặc chiến tranh sôi bỏng với Trung Hoa là không thể xẩy ra hoặc không thể tránh khỏi, kinh nghiệm bị chứng minh là sai hết lần này đến lần khác sẽ nhắc nhở chúng ta rằng, nhiều khả năng tương lai sẽ không xảy ra như đã dự đoán.

Trong những năm 1950 và thập niên 60, chính sách của Mỹ đối với Trung Hoa đã hỏng vì quan điểm “cộng sản như nhau” đã ảnh hưởng mạnh đến nhóm lập chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Mặc dù bây giờ chúng ta biết rằng Trung Hoa và Liên Xô có mô hình cộng sản và lợi ích quốc gia rất khác nhau – và mối quan hệ của họ đã rất  khó khăn – những chính quyền liên tiếp ở Hoa Kỳ vẫn đặt Trung Hoa và Liên Xô vào cùng một phe địch. Mãi cho đến khi chính quyền Nixon, Hoa Kỳ mới bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Trung Hoa, và đó là một trong những chiến thắng ngoại giao vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

[Và chỉ phải trả giá rất thấp với việc cả Việt Nam trở thành nước cộng sản; không lâu sau cộng sản Việt Nam xâm lăng cộng sản Cambodia và ngay sau đó cộng sản Trung Hoa xâm lăng cộng sản Việt Nam. Tất cả là kết quả phù phép của Henry Kissinger  – TM].

Nếu giới lãnh đạo Mỹ đã nhận ra và tận dụng sự chia rẽ Trung-Xô sớm hơn 1973, người ta tự hỏi sân khấu lịch sử thế giới đã có thể diễn ra khác ra sao.

Đánh giá về kinh tế Trung Hoa cũng chẳng hay hơn. Nếu là một nhà kinh tế trong những năm đầu sau Thế chiến II, như Michael Spence, người đoạt giải Nobel đã chỉ ra, người ta sẽ dự đoán rằng các quốc gia châu Phi có khả năng phát triển nhanh hơn Trung Hoa vì họ giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Và người ta đã lầm to. Năm 1960, GDP bình quân đầu người ở Cộng hòa Dân chủ Congo là 220 đô la, gấp đôi GDP bình quân đầu người ở cả Nigeria và Trung Hoa. Vào năm 2017, GDP bình quân đầu người của Trung Hoa đã tăng vọt lên gần 9.000 đô la nhiều hơn bốn lần so với Nigeria và gấp 19 lần so với Congo. Kể từ khi chính phủ Trung Hoa bắt tay vào chương trình hiện đại hóa, năm 1978, Bắc Kinh đã đưa hơn 850 triệu người thoát khỏi đói nghèo và duy trì tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trong lịch sử loài người.

Hệ thống nội chính của Trung Hoa cũng đã bất chấp mọi dự đoán. Nhiều người tuyên bố rằng Trung Hoa cuối cùng sẽ đi theo con đường của những “con hổ khác của Châu Á” – Nhật Bản, Đài Loan và Nam Hàn, đã trở nên dân chủ hơn khi họ trở nên giàu có. Điều đó không bao giờ xảy ra. Và khi làn sóng dân chủ quét qua thế giới cộng sản từ năm 1989 đến năm 1991, kết thúc Chiến tranh Lạnh và khiến một số người tuyên bố rằng “giờ kết thúc của lịch sử” đã điểm; nhưng là sóng dân chủ đó đã bỏ sót Trung Hoa. Với tốc độ chóng mặt, Bức tường Berlin sụp đổ, Đông và Tây Đức thống nhất, Liên Xô sụp đổ, Bức màn sắt sụp đổ, và tất cả các chế độ cộng sản trước đây của Đông Âu đã được thay thế bằng các chính phủ được bầu chọn một cách dân chủ. Lực lượng bảo vệ cộng sản già nua đã bị lật đổ ở khắp mọi nơi trừ Bắc Kinh [Hà Nội, Pyongyang, Vientiane, và Havana –  TM]. Khi thời điểm quyết định của Trung Hoa đến, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản ở đây đã chọn viên đạn chứ không phải là lá phiếu. Và họ đã thực hiện một thỏa thuận mạo hiểm, lâu dài loại Faustian [đổi linh hồn lấy kiến thức] đổi sự bảo đảm có được phát triển kinh tế bằng sự kiểm soát tiếp tục của đảng vẫn kéo dài kể từ đó.

Kể từ năm 1989, các chính quyền Dân chủ và Cộng hòa kế tiếp ở Mỹ đã tin tưởng rằng việc sáp nhập Trung Hoa vào Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ biến Trung Hoa thành một quốc gia có trách nhiệm và làm cho Trung Hoa trể nên giống như các nước dân chủ tư bản phương Tây. Thực tế, Trung Hoa đã sử dụng trật tự quốc tế tự do để bảo đảm hệ thống chính trị phi tự do của mình và tạo ra lợi thế thương mại bất công thiên vị các tập đoàn nội địa trong khi công khai ăn cắp tài sản trí tuệ lớn đến nỗi, vào năm 2012, Tướng Keith Alexander, khi đó là giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia và chiến tranh không gian, gọi đó là sự “chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử.” Đây là một người nổi tiếng không khi nào nói quá lời.

Tại sao nhiều người đã quá sai lầm về Trung Hoa quá lâu như vậy? Một phần là vì giới hoạch định chính sách và các học giả đều tìm kiếm những  mô hình chứ không nhìn thấy ngoại lệ. Chúng ta được đào tạo để khái quát hóa qua các trường hợp và sử dụng lịch sử như một bảng chỉ đường cho tương lai. Nhưng Trung Hoa luôn luôn là một nước đặc biệt – một nước phát minh trong thế giới cổ đại đã trở thành một quốc gia nghèo đói trong thế giới hiện đại; một quốc gia có lịch sử đế quốc sâu sắc và đáng tự hào do một ban lãnh đạo Cộng sản cai trị sau năm 1949 luôn nhớ về quá khứ đó; một quốc gia quê mùa với khả năng kỹ thuật giám sát tinh vi nhất thế giới.

Ngoài ra còn có một sự trật nhịp rất căn bản trong cách giới lãnh đạo Mỹ và Trung Hoa nhìn thời gian. Đối với người Mỹ, ký ức là ngắn ngủi, sự chú ý là thoáng qua và chính sách đi từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác. Ở Washington, phê chuẩn một ngân sách và giữ đèn sáng dường như là những hành động anh hùng. Ngược lại, ở Trung Hoa, ký ức thì dài, sự chú ý cũng lâu dài và chính phủ luôn lập kế hoạch cho một đoạn đường dài. Sự trỗi dậy của Trung Hoa về trí tuệ nhân tạo và những kỹ thuật cao khác đã được chuẩn bị từ nhiều năm. Hiện đại hóa quân sự của Trung Hoa bắt đầu vào những năm 1990. Khi đó, một đô đốc Trung Hoa đã được hỏi bao lâu trước khi Trung Hoa chế tạo được tàu sân bay riêng. Ông ấy trả lời, trong một “tương lai gần” – ông nấy nói thế nghĩa là một lúc nào đó trước năm 2050. [“Tương lai gần” của Trung Hoa nghĩa là cỡ 50-60 năm. – TM]
Những quan điểm khác nhau về thời gian còn lợn cợn trên địa chính trị hiện đại. Đối với giới lãnh đạo Mỹ, vị trí lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ là lý lẽ của mọi thứ. Đối với giới lãnh đạo Trung Hoa, đó là một sự lầm lạc: Trung Hoa là một cường quốc đến khi cuộc chiến tranh nha phiến vào những năm 1840 mở ra “một thế kỷ nhục nhằn” vì phương Tây. Tại Bắc Kinh, Trung Hoa trỗi dậy không phải là điều mới lạ. Nó là một sự đảo ngược mọi thứ thường như vậy.

Chính quyền Donald Trump, đã lật trang, thừa nhận rằng Hoa Kỳ và Trung Hoa đang ở trong một cuộc chiến đấu cạnh tranh, có một số lợi ích chung và có nhiều xung đột. Sự thay đổi cơ bản của chính quyền Trump đối với Trung Hoa không có sự chú ý hay khen ngợi xứng đáng. Dù vậy, việc lập một chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa cho đúng không phải là chuyện dễ dàng. Nền kinh tế của chúng ta (Mỹ-Trung) liên kết chặt chẽ với nhau, chính trị trong nước của chúng ta đang căng thẳng và lợi ích an ninh của chúng ta ngày càng mâu thuẫn nhiều hơn. Một chính sách tốt đôi với Trung Hoa bắt đầu bằng cách nhận ra rằng Trung Hoa trỗi dậy bằng nhiều cách độc đáo, và vì thế những mô hình và dự đoán chung chung có thể che khuất nhiều hơn là có thể làm cho sự việc sáng tỏ.

© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

--------------------------

Nguồn: Decades of Being Wrong About China Should Teach Us Something  |   Amy Zegart   |   The Atlantic  |   June 8, 2019.

Amy Zegart là biên tập viên cho The Atlantic. Bà là một viện sĩ tại Viện Hoover và Viện Freeman Spogli tại Đại học Stanford. Cuốn sách gần đây nhất của bà là “Political Risk: How Businesses and Organizations Can Anticipate Global Insecurity” viết chung với Condoleezza Rice.







No comments: