31/05/2019
Cho đến nay, báo chí lề phải lẫn lề trái tại Việt
Nam đã có một buổi dạ tiệc no nê “được ăn, được nói, được gói mang về” trong
cuộc bình phẩm, phê phán những nhà dân túy (populist) khắp thế giới.
Chúng ta dành khá nhiều thời gian để phân tích (và
tranh cãi quyết liệt?!) xem liệu người đàn ông quyền lực nhất Hoa Kỳ – Donald
Trump – có phải là một con buôn mánh lới và là một tay dân túy hay không.
Chúng ta mất một lượng thời gian không kém để bình
luận về Marine Le Pen, và vì sao nước Pháp không nên bầu chọn người đàn bà diều
hâu dân túy này trong thời kỳ đỉnh cao bầu cử Pháp.
Chúng ta cũng thường xuyên nói về sự gia tăng của
quá trình phản quốc tế hóa cũng như các phong trào phản cấp tiến tại Đông Âu với
sự trợ giúp của những đảng phái dân túy.
Song lại có rất ít sự chú tâm dành cho Việt Nam.
Liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có xu hướng dân túy hay
không? Đặc biệt khi đảng này luôn thúc đẩy kêu gọi đầu tư kinh doanh quốc tế và
tăng cường mở cửa, một đặc trưng đi ngược lại với xu thế thường thấy của các
nhân vật dân túy là tập trung vào chủ nghĩa dân tộc, hạn chế nhập cư và xây dựng
các hàng rào thuế quan?
***
Tác giả tin rằng xã hội và niềm tin chính trị tại Việt
Nam đương đại là một sản phẩm phụ của việc sử dụng liều thuốc dân túy trong dài
hạn. Ảnh minh họa: ghi nhận trong ảnh
“Dân túy không ở đâu xa…”
Một trong những hiểu lầm (hay lỗi diễn đạt) mà người
viết cho rằng các nhà bình luận hiện đại thường mắc phải là họ thường chỉ gắn
chủ nghĩa dân túy vào các nhà chính trị cánh hữu. Điều này không hoàn toàn
chính xác.
Ví dụ, trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016,
cả Donald Trump và Bernie Sanders đều có thể được xem xét là những nhà
dân túy chính hiệu, dù luận cương tranh cử của họ không có gì giống
nhau. Ông Trump thì tập trung công kích nhóm người nhập cư bất hợp pháp, các
chính sách kinh tế và tự do mậu dịch đương thời cũng như sự thống trị của hệ thống
chính trị đã định (“The establishment”) tại Hoa Kỳ; trong khi Bernie Sanders, mặt
khác, rõ ràng có một thái độ đại đồng và hòa hảo về sắc tộc hơn, ông chỉ kịch
liệt tấn công những đối tượng mà ông cho là thuộc về “giai cấp tỉ phú”.
Cả hai vị không giống gì nhau, song vẫn có sự đồng
thuận cao giữa nhiều nhà nghiên cứu khoa học chính trị rằng họ là đều
là người dân túy. Vì sao lại như vậy?
Quả thật là rất khó để đưa ra một định nghĩa chuẩn
xác về khái niệm “dân túy” khi mà báo chí các phe liên tục tấn công và chụp cái
mũ “dân túy” cho nhau. Ngay từ thập niên 1960-70, thuật ngữ này đã được sử dụng
nhiều. Một hội thảo quốc tế khổng lồ tổ chức tại Trường kinh tế London (London
School of Economics) lừng danh với tên gọi “Định
nghĩa Dân túy” (“To define Populism”), họp lại hàng chục học
giả khoa học chính trị nổi tiếng thế giới thời điểm bấy giờ, cũng không thể thống
nhất câu trả lời cho đề tài dường như đơn giản này.
Vậy nên, để không múa rìu qua mắt thợ, người viết sẽ
tránh lạm bàn về định nghĩa của dân túy.
Tuy nhiên, để xác định liệu Nhà nước Việt Nam có dân
túy hay không, chúng ta vẫn cần những chỉ dấu cụ thể. Và sẽ đơn giản hơn rất
nhiều khi tập trung vào những đặc trưng chính sách chung của các nhà dân túy.
Tiêu chí thứ nhất:
Vấn đề khó? Giải pháp đơn giản
Vấn đề khó? Giải pháp đơn giản
Một trong những điểm chung của các nhà dân túy, rất
dễ nhận diện so với các chính trị gia thông thường khác, là cách tiếp cận của họ
đối với các trở ngại trong chính sách công; tuy nhiên tiêu chí này lại ít khi
được báo giới nhắc đến.
Như Ralf Dahrendorf, một trong những học giả xã hội
và chính trị lỗi lạc nhất thế kỷ 20, nhận
xét: Dân túy thì đơn
giản, mà dân chủ thì phức tạp.
Thật đúng như vậy. Dân túy có một lịch sử khá bền vững
gắn với những lời hứa hời hợt, đơn giản hóa các vấn đề xã hội cực kỳ phức tạp,
và thậm chí có thể gọi là mang tính “nhăng cuội” rất cao. Không cần phải là một
nhà lập pháp thượng hạng hay một nhà kinh tế học hàng đầu cũng có thể nhận ra sự
vu vơ của các giải pháp mà những nhà dân túy đưa ra.
Hãy nghĩ tới vị Tổng thống đen đủi Nicolás Maduro –
người kế nhiệm của ông trùm dân túy Hugo Chávez – nghĩ rằng mình có thể chống
lạm phát bằng cách cho quân đội xông vào các cửa hàng điện tử, cửa
hàng thực phẩm để sửa giá những mặt hàng mà họ cho là giá cả “không hợp
lý”. Lý thuyết về lạm phát, theo Maduro, là loài ký sinh trùng của
giai cấp tư sản, là nguồn cơn chính cho những tai họa mà quốc gia Venezuela
đang phải gánh chịu.
Maduro vẫn cương
quyết giữ ghế sau thất bại nặng nề của các chính sách dân túy mà ông này đề xuất.
Ảnh: Juan Barreto / AFP.
Hay cũng có thể kể đến Mặt trận Dân tộc Pháp (French
Front National), vào thập niên 1970, từng lấy một câu khẳng định đơn giản để
quảng bá cương
lĩnh chính trị cho mình:
“Hai
triệu người thất nghiệp là quá nhiều hai triệu những người nhập cư!”
(“Two Million Unemployed Is Two Million Immigrants Too Many!”)
(“Two Million Unemployed Is Two Million Immigrants Too Many!”)
Các nhà dân túy luôn tạo ra những phương trình chính
sách đơn giản đến mức ai cũng tưởng là các vị ấy giải được, các vị ấy nhận ra
giải pháp là gì.
Thất nghiệp là do dân nhập cư? Thì cứ việc cấm hoặc
hạn chế nhập cư là xong.
Lạm phát là sản phẩm tự tạo của giai cấp tư sản? Nhà
nước chỉ cần can thiệp sửa giá, tự điều chỉnh giá trị tiền và kiểm soát thị trường,
kiểm soát tư liệu sản xuất.
Áp dụng lại cách tiếp cận này, rất dễ để nhận thấy cả
Trump và Sanders đều dựa vào các thủ thuật dân túy hết sức nền tảng. Họ vin vào
nỗi lo sợ và bức xúc vô cùng chính đáng của công chúng, nhưng gợi ý và biến hóa
ra những lý do hết sức đơn giản, từ đó đề xuất những giải pháp thậm chí còn đơn
giản đến ngờ nghệch hơn.
Với Trump, ông lý giải các biện pháp hạn chế, cấm, tạm
giam tạm giữ những người nhập cư bất hợp pháp với định kiến cho rằng người
Mexico là nguyên do của tỉ lệ tội phạm cao tại Hoa Kỳ. Với Sanders, phải tăng
thuế thu nhập, phải nâng lương cơ bản là bởi vì giới tinh hoa, tài phiệt Hoa Kỳ
đang bóc lột người lao động. Họ đơn thuần loại bỏ những yếu tố kinh tế – chính
trị – xã hội – khoa học phức tạp ra khỏi các luận cứ chính sách của mình, và từ
đó tạo ra một thông điệp quá hấp dẫn đối với số đông.
Điều này có thể tìm thấy ở Đảng Cộng sản Việt Nam
hay không?
Cải cách ruộng đất khét tiếng tại Việt Nam, thực tế
cũng là một sản phẩm dân túy được xây dựng khá thành công. Đứng trước câu hỏi
làm thế nào để giảm bất bình đẳng đất đai tại miền Bắc Việt Nam, làm thế nào để
phân phối lại tư liệu sản xuất quý giá này mà không gây ra xáo trộn xã hội, nhà
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chọn con đường tự mình tạo nên những xáo trộn
đó. Và rõ ràng là một phần rất lớn người dân trong thời điểm này đã nhiệt liệt
hưởng ứng.
Một địa chủ bị giết
trong Cải Cách Ruộng Đất năm 1955, hệ quả nhãn tiền của những lời kêu gọi dân
túy thiếu suy nghĩ. Ảnh: The Dmitri Baltermants Collection/CORBIS)
Không kiểu tư duy giải quyết bất bình đẳng xã hội
nào đơn giản hơn kiểu tư duy “cướp của người giàu, chia cho người
nghèo”.
Không chỉ vậy, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra
rất nhiều chính sách công đương đại của Đảng Cộng sản Việt Nam đều đi theo mô
típ quen thuộc nói trên.
Xử lý lạm phát?
Trong một thời gian dài, Chính phủ Việt Nam hoạt động
theo tôn chỉ không khác lắm với Maduro khi mà Lê Duẩn từng bị cáo
buộc nói rằng:
“Tôi hỏi thì nói không có tiền. Kìa, không có thì in
ra! In ra! Không sợ lạm phát! Tư bản đế quốc in tiền mới lạm phát chứ ta,
chuyên chính vô sản thì sao lại lạm phát mà sợ?”.
Đấu tranh chống tham nhũng?
Họ loại bỏ sự phức tạp về xây dựng thể chế, về độc lập
tư pháp, về kiểm soát quyền lực nhà nước… vốn là mấu chốt để giải quyết vấn đề
tham nhũng. Nhưng hàng ngàn tỉ đồng lại được đổ vào chương trình học tập gương
đạo đức của Hồ Chí Minh với một niềm tin kỳ lạ rằng chúng sẽ thay đổi được thực
trạng tham nhũng và lạm quyền tại Việt Nam.
Tìm nguồn gốc xung đột xã hội?
Họ phủ nhận hoàn toàn bức xúc thật sự trong lòng dân
chúng, mà ví dụ cụ thể là thảm hoạ môi trường Formosa, dù sự kiện này đã thu
hút hàng chục ngàn người dân đi biểu tình trên khắp cả nước. Các xung đột xã hội,
theo họ, được hun đúc, xuất phát từ “thế lực thù địch” và bị “thế lực thù địch”
lợi dụng, thao túng. Do đó, giải quyết xung đột xã hội, bất mãn xã hội chỉ
có thể đi qua con đường chống “thế lực thù địch”!
Nếu chúng ta dùng tiêu chí này để xem xét xu hướng
dân túy của Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là
một đảng dân túy “trong từng hơi thở”. Và sự thật này có thể được
minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của “Đảng ta”.
Tiêu chí thứ hai: Chúng ta – bọn họ
Sự phân biệt giữa “chúng ta” và “bọn họ” là một đặc
trưng được rất nhiều nhà phân tích và quan sát xem là dấu hiệu căn bản nhận biết
chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên, sự phân định này cũng thường có nhiều biểu hiện
khác nhau. Một trong những biểu hiện được nhắc đến chủ yếu là: “chúng ta” – người
bản địa và “bọn họ” – dân nhập cư. Nhưng đây không phải là duy nhất. Còn rất
nhiều biểu hiện của mối quan hệ “chúng ta – bọn họ” được vận dụng, tùy chủ đích
chính trị của các nhà dân túy.
“Nhân dân – kẻ thống trị” có thể được sử dụng để mô tả mối quan hệ bóc lột và thống trị của
chính phủ một quốc gia dành cho nhân dân, từ đó phục vụ cho yêu sách giảm thuế
hoặc giành chính quyền.
“Giai cấp vô sản, nhân dân lao động – Giai cấp tư sản,
những tay tài phiệt” có thể được sử dụng để thu hút tầng lớp lao động,
yêu cầu tăng lương cơ bản, yêu cầu tăng thuế lũy tiến theo thu nhập hay thậm
chí là kêu gọi “đấu tranh giai cấp” như đường lối mà chủ nghĩa cộng sản đặt ra.
“Người nhà quê – Tinh hoa đô thị” cũng đôi khi được sử
dụng để châm ngòi xung đột xã hội dựa trên phân bổ địa lý dân cư.
Nhìn chung, các đảng phái và các nhà dân túy thường
có xu hướng phân chia nhóm, thành phần dân cư dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau
và từ đó xây dựng nên một cuộc chiến rạch ròi giữa thiện và ác, mà trong đó, họ
là những lãnh tụ của phe thiện, và chỉ phe thiện này có quyền có tiếng nói
trong việc xây dựng quốc gia mà thôi.
Hiển nhiên, những phân tích trên không nhằm phủ nhận
tính xác đáng và cấp thiết trong nguyện vọng của một số nhóm dân cư nhất định.
Những công nhân bị mất việc do tác động của toàn cầu
hóa, những người dân mong muốn một chính sách nhập cư xác đáng và công bằng
hơn, những người lao động muốn có một chế độ làm việc tốt hơn và được bảo vệ khỏi
sự lạm dụng của các nhà tuyển dụng.v.v. Đây đều là những nguyện vọng cần phải
được những nhà hoạch định chính sách và những nhà làm luật xem xét giải quyết
thỏa đáng.
Song những nguyện vọng này không thể bị lợi dụng để
biến thành chiến tranh một mất một còn giữa hai bên được phân định thành người
tốt hay kẻ xấu.
Và nhà nước Việt Nam không lạ lẫm gì với chiêu bài
này.
Nếu trước kia, học thuyết Marx trao cho những người
học trò của mình tại Việt Nam một nền tảng đấu tranh giai cấp sẵn có với những
kẻ địa chủ, tư sản, tiểu tư sản xấu xa cần phải bị “cách mạng triệt để”, hoặc
chí ít là được giáo dục – đào tạo lại trong các trại tập trung. Thì ngày nay,
cuộc đấu tranh giai cấp có vẻ được diễn tả thành xung đột giữa nhân dân – do Đảng
lãnh đạo – và “bọn phản động”, chống Đảng.
Trong đó, bọn phản động sẽ được mô tả gồm các những
tên bất hảo, các thành phần bất mãn, nhận tiền từ nước ngoài để phá hoại an
ninh quốc gia… dù trên thực tế, phần lớn trong số đó chỉ là những nhà hoạt động
môi trường, luật sư hay nhà báo.
Nhà báo Nguyễn Hữu
Vinh (Anh Ba Sàm – trái) và vợ, bà Lê Thị Minh Hà, trước Trại giam số 5, Thanh
Hoá khi ông Vinh được trả tự do, ngày 5/5/2019. Người đàn ông gầy gò này bằng
cách nào đó được cho là có khả năng xâm phạm cho an ninh quốc gia theo lời cơ
quan chức năng Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nỗ lực của chính quyền nhằm tạo ra một thế lực thù địch
có chỗ dựa khổng lồ và nguồn lực dồi dào với khả năng lật đổ chính quyền, phá
hoại sự yên bình xã hội và thành quả kinh tế tại Việt Nam, rõ ràng có những hiệu
quả nhất định. Hiện nay, tư duy này được cấy sâu vào đầu rất nhiều người Việt
Nam, khiến cho những thông điệp chính đáng nhất, trung lập nhất (như bảo vệ môi
trường, xây dựng tư pháp độc lập…) cũng đều bị dè chừng.
Tiêu chí thứ ba: Người đại diện duy nhất
Ngoài hai điểm trên, chủ nghĩa dân túy còn dùng đến
lập luận “pars pro toto”, từ Latin cho cách diễn đạt cho “a
part (taken) for the whole”, tức dùng một bộ phận, đặc tính của sự vật
hiện tượng để gọi tên hoặc xem nó là đại diện cho sự vật hiện tượng đó. Những
nhà dân túy cho rằng duy nhất mình có đủ thẩm quyền đạo đức để đại diện độc quyền
cho cả cộng đồng quốc gia.
Để đơn giản, hãy nghĩ đến lời khẳng định trong bài
phát biểu khét tiếng của George Wallace khi ông tuyên
thệ nhậm chức Thống đốc bang Alabama vào năm 1963:
“Nhân danh những con người vĩ đại nhất từng có mặt
trên tinh cầu này,… tôi tuyên bố… tách biệt (sắc tộc – ND) hôm nay, tách biệt
ngày mai, và tách biệt mãi mãi”.
Sự tách biệt sắc tộc (segregation) không kéo dài mãi
mãi ở Hoa Kỳ, nhưng những lời Wallace nói vẫn còn đó để chứng minh tính dân túy
của ông này – ông cho rằng mình có đủ thẩm quyền để đại diện cho toàn dân hay đại
diện cho những “con người vĩ đại nhất”.
Tại Việt Nam, thực ra không chỉ có Đảng Cộng sản Việt
Nam tự nhận mình là nhóm người duy nhất có thể đại diện cho quyền lợi và ý chí
của nhân dân, tuy nhiên họ có điều kiện để “tụng” bài này thường xuyên nhất.
Thường xuyên và ổn định đến mức chúng ta có thể thấy kiểu “nhận vơ” này trong
Hiến pháp: “… là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt
Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và
của cả dân tộc…”. Các bản án liên quan đến những tội danh như tuyên truyền
chống nhà nước… đều có viện đến yếu tố nhân dân để tuyên án.
***
Với những phân tích nói trên, có nhiều cơ sở để khẳng
định tính dân túy của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hiện nay. Vậy nên,
theo người viết, muốn tìm hiểu hay viết về dân túy, tại sao cứ phải ngóng ra biển
xa? Khi mà ao nhà đã có sẵn vài con?
No comments:
Post a Comment