Đăng ngày 06-06-2019
Năm
1989, bất chấp vụ trấn áp đẫm máu phong trào sinh viên đòi dân chủ tại quảng
trường Thiên An Môn, Hoa Kỳ và trong một chừng mực nào đó là các nước Tây Âu, vẫn
chìa tay giữ quan hệ với Trung Quốc. Thế nhưng, ba mươi năm sau, Mỹ và Trung Quốc
đối đầu nhau dữ dội trên mọi phương diện. Cây bút xã luận Alain Frachon, trên
báo Le Monde ngày 01/06/2019 mỉa mai nhận định : Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đến giờ
« tính sổ lẫn nhau ».
Báo Le Monde: Cuộc đọ sức Mỹ - Trung giờ chỉ mới bắt
đầu! REUTERS/Aly Song
Lợi ích của Mỹ là trên hết
Đầu tiên hết tác giả đặt câu hỏi: Chuyện gì đã xảy
ra? Để trả lời cho câu hỏi này, tác giả nêu ra một chi tiết ít ai biết đến :
Vài tuần sau vụ đàn áp đẫm máu phong trào Thiên An Môn tháng 06/1989, tổng thống
Mỹ lúc bấy giờ là George H.W. Bush đã bí mật cử lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc
gia của Nhà Trắng, tướng Brent Scowcroft đến Bắc Kinh, cầm theo một bức thư gởi
ban lãnh đạo Trung Quốc.
Về mặt chính thức, Hoa Kỳ đã có phản ứng khi thông
báo ngừng trao đổi chính trị với Trung Quốc. Nhưng Scowcroft đến cải chính là
không nên có sự hiểu lầm. Thông điệp của ông Bush gởi đến Đặng Tiểu Bình gói gọn
trong một câu: Tất cả những điều này quả thật là đáng tiếc nhưng không làm thay
đổi gì cả mối quan hệ của chúng ta.
Từ cuối những năm 1970, mối quan hệ này đã trở nên
chặt chẽ đến mức hình thành mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau cả trong kinh tế lẫn
tài chính. Mối quan hệ này đã tạo thuận lợi cho sự cất cánh thần kỳ của Trung
Quốc. Cũng nhờ mối quan hệ đặc biệt này mà Hoa Kỳ trở thành một trong những nước
đầu tiên được đầu tư vào nền kinh tế mới mẻ của Trung Quốc.
Và trên bình diện chiến lược, mối bang giao này còn
giúp Hoa Kỳ có thể cô lập được Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Vào thời
điểm đó, có thể nói, chính sách của Mỹ với Trung Quốc chịu ảnh hưởng của ngoại
trưởng Kissinger – người thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Cuộc chiến công nghệ
Sự cố Thiên An Môn xảy ra cũng không làm « sứt mẻ »
mối bang giao của hai nước. Trung Quốc quá quan trọng để mà Mỹ cũng như là châu
Âu lên tiếng phản đối vấn đề nhân quyền. Lợi ích của nước Mỹ là trên hết. Thị
trường rộng bao la và một tầng lớp trung lưu giầu có mới trỗi dậy đã làm cho Mỹ
và phương Tây lóa mắt. Do vậy, khó có thể mà chọc giận Trung Quốc vì chuyện
nhân quyền.
Ba mươi năm sau, tháng 6/2019, Mỹ và Trung Quốc xoay
lại đối đầu nhau từ thương mại cho đến công nghệ, với nguy cơ tiềm tàng dẫn đến
một cuộc đối đầu quân sự tại vùng biển Tây Thái Bình Dương. Một cách tổng quát,
cuộc đối đầu này sẽ kiến tạo diện mạo thế kỷ XXI.
Mỹ và Trung Quốc là hai siêu cường kinh tế thế giới
và trong tương lai sẽ là những siêu cường hải quân ngang hàng nhau. Tác giả cho
rằng, dù có đạt được một thỏa thuận thương mại, thì cuộc xung đột giữa hai nước
cũng sẽ không suy giảm. Cách nhìn của Mỹ về Trung Quốc vì thế đã thay đổi.
Hoa Kỳ giờ đây mới vỡ lẽ ra rằng sự « thành
công mô hình xã hội chủ nghĩa theo đặc tính Trung Hoa đã không sản sinh ra một
sự tự do chính trị nào cả ». Dưới thời Tập Cận Bình, chế độ còn cứng rắn
hơn. Trong lĩnh vực kinh tế, Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc chơi không « sòng phẳng »
: khép cửa thị trường nội địa, đánh cắp công nghệ để nâng cao chất lượng và giá
trị các sản phẩm Trung Quốc, thao túng tiền tệ… Tóm lại là cạnh tranh bất chính
gây thiệt hại cho Hoa Kỳ, kèm theo đó là chính sách bành trướng kinh tế - chính
trị hung hăng của Bắc Kinh ra toàn địa cầu.
Chậm trễ phát hiện, nên giờ đây Washington phải trực
diện với một cường quốc, mà lần đầu tiên kể từ năm 1945, được xem như là một đối
thủ trong mọi lĩnh vực – kinh tế, công nghệ, quân sự, chính trị. Tình trạng này
còn khó khăn hơn do những mối liên hệ kinh tế giữa hai nước vẫn còn quá quan trọng.
Nước Mỹ có cảm giác như bị đánh lừa. « Đồng thuận Kissinger» giờ bị
cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ cùng phản bác.
Cuộc song đấu mới chỉ bắt đầu
Giờ đây, cử tri Mỹ ủng hộ Donald Trump và một bộ phận
đảng Dân Chủ cho rằng 40 năm toàn cầu hóa theo xu hướng tân tự do được Ronald
Reagan khởi xướng năm 1980, đã giúp cho Trung Quốc trỗi dậy nhưng lại nhấn chìm
nước Mỹ xuống hố sâu. Do vậy cần phải « kềm hãm » Trung Quốc.
Chiến lược này đã được bắt đầu dưới thời tổng thống Barack Obama.
Tổng thống thuộc Dân Chủ muốn ngăn chận các tham vọng
của Trung Quốc trong vùng châu Á – Thái Bình Dương bằng dự án Đối Tác Xuyên
Thái Bình Dương TPP : Một liên minh khu vực về kinh tế và chiến lược mà Trung
Quốc không được mời dự. Ấy vậy mà ông Trump đã từ bỏ để rồi sau đó thú nhận lấy
làm tiếc và khởi động lại cuộc đối đầu.
Một cách tự nhiên, cuộc đối đầu dần chuyển sang lĩnh
vực công nghệ cao. Trung Quốc đang đe dọa – không biết đúng hay là sai – một
trong những trụ cột của sức mạnh Hoa Kỳ : Khả năng sáng tạo tương lai. Vụ Hoa
Vi thể hiện rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa công nghệ và an ninh quốc gia, giữa những
bộ vi xử lý và các loại vũ khí hiện nay cũng như là trong tương lai. Do vậy,
xung đột không còn là chuyện cán cân thương mại nữa mà là cân bằng chiến lược
thế giới.
Theo chiều hướng này, thế giới sẽ lại chứng kiến một
cuộc đối đầu Đông – Tây mới, như lời kết luận trong một hồ sơ đặc biệt trên tuần
báo The Economist (18-24/05/2019). Đối với Bắc Kinh, thách thức rất đơn giản :
chẳng qua là vì Hoa Kỳ không chấp nhận ý tưởng Trung Quốc đã thành công và vươn
lên thành cường quốc. Với Washington, Bắc Kinh đang tìm cách kiến tạo một trật
tự thế giới mới chỉ có lợi cho riêng mình. Tác giả kết luận : Cuộc đọ sức thế kỷ
chỉ mới bắt đầu mà thôi !
No comments:
Post a Comment