Wednesday, June 5, 2019

HUMAN RIGHTS WATCH : NGUYỄN NGỌC ÁNH ĐỐI DIỆN VỚI PHIÊN TÒA 'DÀN DỰNG' (Hoài Hương - VOA)




05/06/2019

Lại có thêm một nhà hoạt động bảo vệ môi trường Việt Nam sắp bị mang ra xét xử vì những chia sẻ trên Facebook, trong điều mà Tổ chức Human Rights Watch mô tả là “một chiến dịch kéo dài tấn công vào quyền tự do biểu đạt”. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, thường được nhắc đến như một ‘kỹ sư nuôi tôm’ ở Bến Tre, tham gia các cuộc biểu tình phản đối công ty Formosa của Đài Loan thải chất độc xuống biển, gây thảm họa cá chết hàng loạt dọc theo vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, bị buộc tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ vào đêm Thứ Tư 5/6 ở Bangkok, Phó Giám đốc Ban Á châu của Human Rights Watch Phil Robertson nói chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, đặt nặng các lợi ích thương mại và “nước Mỹ trên hết” đã tác động tệ hại tới tình trạng nhân quyền Việt Nam. Human Rights Watch gọi vụ xét xử ông Nguyễn Ngọc Ánh là một vụ án được dàn dựng, và kêu gọi Việt Nam hãy trả tự do lập tức cho ông.

Nông dân nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh

Facebooker Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, một nông dân nuôi tôm ở Bình Đại, tỉnh Bến Tre, bị cáo buộc tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của Bộ Luật Hình sự. Phiên tòa xét xử ông dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/6 ở Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre.

Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Human Rights Watch Phil Robertson nói các chính sách phát triển của Việt Nam, không được nghiên cứu thấu đáo và thi hành không đúng đắn dẫn tới hủy hoại môi trường, đã biến ông Nguyễn Ngọc Ánh từ một nông dân chỉ mong được yên ổn làm ăn thành một nhà hoạt động vì nhân quyền và môi trường.

“Những hành động của chính quyền Việt Nam đã biến một nông dân chỉ mong được yên ổn làm ăn trở thành một nhà hoạt động vì nhân quyền và môi trường bởi vì nhà nước quản lý yếu kém và tham nhũng, dẫn tới hủy hoại môi trường do các chính sách phát triển không được nghiên cứu thấu đáo, thi hành một cách không đúng đắn, người làm sai không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, tàn phá môi trường tác hại đền người dân địa phương, mà không ai nhận trách nhiệm.”

Ông Robertson nói truy tố ông Ánh, Việt Nam không những không tôn trọng quyền tự do ngôn luận, mà còn vi phạm quyền tự do hội họp.

“Người dân có quyền tụ tập với nhau và thành lập những nhóm cùng làm việc với nhau để đòi các quyền của mình. Trong trường hợp này, ông ấy bị truy tố vì những hoạt động ôn hòa của mình để đòi công lý và thay đổi chính sách.”

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều hãng xưởng đã dời từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong khi đầu tư trực tiếp đổ vào Việt Nam giúp cho nền kinh tế tăng trưởng một cách ngoạn mục. Trong các điều kiện đó, phải chăng áp lực để buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền đã được nới lỏng?

Ông Phil Robertson nói Liên hiệp châu Âu phải tăng cường sức ép trong lúc này khi mà Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam đang được xúc tiến, mặc dù có tin cho rằng Hội đồng Châu Âu sẽ phê chuẩn hiệp định này trong nay mai.

“Quan điểm của chúng tôi là hiện nay Việt Nam chưa đạt đủ tiến bộ để có thể biện minh cho mối quan hệ mà Việt Nam và EU đang nói tới. Rõ ràng EU phải đòi hỏi nhiều hơn để buộc chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền trước khi thông qua hiệp định thương mại tự do như vậy.”

Ông Robertson nói chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, đặt nặng các lợi ích thương mại và “nước Mỹ trên hết” đã tác động tệ hại tới tình trạng nhân quyền Việt Nam.

“Chính sách về nhân quyền của chính phủ TT Trump là một thảm họa lớn ở Việt Nam. Trong năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Obama, Hoa Kỳ là một trong những nước chỉ trích Việt Nam mạnh mẽ nhất về vấn đề nhân quyền. Chính phủ Obama đã thương thuyết để ghi thêm một số điều khoản vào Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, mà nếu áp dụng, sẽ cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, như quyền tự do hội họp của các công đoàn chẳng hạn... Ê-kíp của ông Trump đã vất hết những đòi hỏi đó ra khỏi cửa sổ. Từ đó, ông Trump đã mời các lãnh đạo chóp bu của Việt Nam tới Toà Bạch Ốc và không một lần nào, nhắc tới bất cứ khía cạnh nào về nhân quyền.”

Ông nói cách hành xử đó đã được Đảng Cộng sản Việt Nam diễn giải như họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn về nhân quyền, mà không sợ bị trừng phạt vì TT Trump sẽ không lên tiếng chỉ trích.

Ông nói theo cách nào đó, Tổng thống Trump đã góp phần tạo điều kiện để Việt Nam mạnh tay trấn áp giới hoạt động vì nhân quyền hay môi trường, và cả những người có tiếng nói bất đồng ở trong nước.

https://gdb.voanews.com/73555434-A373-4880-957B-46C375705D54_w250_r0_s.jpg
Nông dân nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh (Nguyễn Ngọc Ánh Facebook)

Ông Nguyễn Ngọc Ánh bị bắt giữ ở Bến Tre vào ngày 30/12/2018 vì “đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để công khai viết bài, chia sẻ bài viết, video clip, nhận live stream phát trực tiếp của nhiều đối tượng phản động trong và ngoài nước, có nội dung tuyên truyền nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam, kêu gọi, kích động, xúi giục người dân biểu tình, phá hoại”.

Ngoài đấu tranh cho môi trường, Nguyễn Ngọc Ánh còn lên tiếng bênh vực các tù chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị nga, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ văn Hải và nhiều người khác.

Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Human Rights Watch nói “tội trạng duy nhất của Nguyễn Ngọc Ánh là nói lên những điều mình nghĩ, chống lại bất công và đàn áp.”

Thông cáo của Tổ chức Human Rights Watch công bố vào đêm 4/6, viết “Trong cuộc đàn áp các tiếng nói phê phán của chính quyền Việt Nam, Nguyễn Ngọc Ánh đã trở thành mục tiêu bị nhắm tới, ông đang đối mặt với một phiên tòa dàn dựng và bản án tù dài ngày, nhằm đe dọa những người khác dám lên tiếng chất vấn chính quyền”.

Tổ chức Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam trả tự do lập tức cho Nguyễn Ngọc Ánh.






No comments: