Saturday, June 15, 2019

HỒNG KÔNG : CHÍNH SÁCH KHỦNG BỐ TINH THẦN CỦA BẮC KINH BỊ PHÁ SẢN (Tú Anh - RFI)




Tú Anh – RFI
Đăng ngày 14-06-2019

Vì sao một dự luật dẫn độ hình sự có thể tạo ra bầu không khí « tổng nổi dậy » ở Hồng Kông, một nhượng địa sắp trở về Hoa Lục vào năm 2047 ? Gọng kềm của Bắc Kinh, từ kiểm soát không gian chính trị, trừng phạt tù đày, hay bắt cóc hù dọa tinh thần đều không bịt miệng được người dân Hồng Kông. Sức mạnh của tinh thần yêu chuộng tự do bắt đầu thắng thế.

Một khẩu hiệu của người biểu tình Hồng Kông ngày 13/06/2019: "Không chấp nhận việc dẫn độ qua Trung Quốc". REUTERS/Jorge Silva

Theo AFP, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông thân Bắc Kinh, Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đang bị công kích từ bên trong nội bộ. Sau những cuộc biểu tình khổng lồ phản kháng trong tuần qua, đến lượt các đại biểu thân Trung Quốc như Michael Tien và cả cố vấn « tối cao » Bernard Chan của chủ tịch hành pháp kêu gọi từ bỏ dự luật dẫn độ.

Dự luật này bị đối lập xem là bẫy lừa của Bắc Kinh, can thiệp vào thẩm quyền của  tư pháp Hồng Kông, để truy bắt những người bất đồng chính kiến, đối lập chính trị hoặc đảng viên ly khai. Nói cách khác là tước đoạt quyền tự do và quy chế tự trị của Hồng Kông, chà đạp lời hứa « một quốc gia, hai chế độ » mà Đặng Tiểu Bình cam kết với Anh Quốc và người dân địa phương trong khi đàm phán thỏa thuận 1997.

Từ 2014 đến nay, chính quyền Tập Cận Bình dứt khoát không cho tổ chức bầu trưởng đặc khu theo thể thức phổ thông đầu phiếu, mà phải do 1200 đại cử tri được chỉ định và phải được Bắc Kinh cho phép. Phong trào Dù Vàng bùng lên vào thời điểm đó, nhưng sau hai tháng làm tê liệt thành phố, đối lập không đòi được đáp ứng nguyện vọng « bầu cử tự do ».

Phong trào dân chủ tưởng đâu chìm xuống. Những cuộc kỷ niệm ngày ký hiệp định 01/07/1997, hàng năm, hay tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn 04/06 chỉ huy động từ vài ngàn đến hai chục ngàn là nhiều. Một loạt các lãnh tụ sinh viên và đối lập bị bắt, bị kết án tù.

Thế nhưng, tình hình có vẻ đổi khác. Đêm tưởng niệm Thiên An Môn đông người tham dự hơn. Tiếp theo là phong trào chống luật dẫn độ đã huy động mọi tầng lớp xã hội, từ luật gia cho đến thương gia, sinh viên học sinh, thu hút hơn một triệu người.

Sự kiện này cho thấy một thế hệ đấu tranh này chưa gục xuống, một thế hệ khác đã vùng lên cũng vì tự do.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gửi về bài phóng sự :

"Tuổi trẻ Hồng Kông đã áp dụng bài học chính trị đặc biệt là bài « bất phục tùng dân sự », bằng cách tham gia vào phong trào Dù Vàng năm 2014. Nhưng lần đấu tranh này, với cuộc xuống đường ngày thứ Tư vừa qua, có một động cơ nghiêm trọng hơn thúc đẩy họ.

Một nhóm sinh viên giải thích : « Phong trào Dù Vàng lúc trước chỉ đòi quyền tự do bầu chọn người lãnh đạo hành pháp Hồng Kông. Bây giờ, chúng tôi chỉ đòi không bị rủi ro dẫn độ sang Trung Quốc ». Một sinh viên khác nói : « Chế độ Nhà nước thượng tôn pháp luật phải được duy trì tại Hồng Kông. Chúng tôi có pháp luật riêng, chúng tôi không muốn người ta đụng đến ». « Chúng tôi đều là sinh viên học sinh, là thanh thiếu niên, họ có gì cho tương lai chúng tôi ». « Tương lai chúng tôi là quyền lợi của chúng tôi, vì nó mà chúng tôi tranh đấu ».

Giới trẻ Hồng Kông ý thức giá trị của tự do, nhất là giá trị đó tương phản với Hoa Lục láng giềng mà trên nguyên tắc Hồng Kông phải hội nhập vào năm 2047. Một sinh viên khẳng định sự khác biệt này : « Chúng tôi muốn tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, biểu tình. Các quyền này đâu được công nhận tại Trung Quốc ».

Nhiều người cho là cuộc tranh đấu sẽ thất bại, nhưng giới trẻ Hồng Kông, vì bổn phận của người công dân, cương quyết lên tiếng vất bỏ thứ tương lai áp đặt."

Chưa biết là lãnh đạo hành pháp sẽ phản ứng ra sao trước những ý kiến trong nội bộ thiên về giải pháp nhượng bộ dân chúng. Nhưng rõ ràng là phong trào đường phố chống dự luật đã tác động đến "cung đình".

Nhà nghiên cứu Eric Sautedé, quan sát viên tại chổ, thẩm định : một triệu người xuống đường cho dù các lãnh tụ phong trào 2014, kể cả các giáo sư đại học đáng kính, đang ngồi tù, chứng tỏ chính sách khủng bố tinh thần của Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo thân Bắc Kinh bị phá sản.

------------------------

LIÊN QUAN





-------------------------

XEM THÊM

Mai Vân – RFI
Đăng ngày 14-06-2019

Trả lời đài truyền hình ABC tối thứ Tư 12/06/2019, tổng thống Donald Trump cho biết là ông sẽ chấp nhận những thông tin gây phương hại các đối thủ của ông do chính phủ nước ngoài cung cấp, hoặc sẽ chuyển những thông tin này đến cảnh sát Liên Bang. Câu nói này vào hôm qua, 13/06 đã làm dấy lên làn sóng phản đối, đặc biệt trong cánh Dân Chủ đối lập.

Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet tường thuật :

"Điều mà tổng thống đã nói tối thứ Tư một lần nữa cho thấy là ông không phân biệt điều tốt điều xấu. Ông không có một ý niệm nào về đạo đức". Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đã lấy làm tiếc như trên sau lời lẽ của tổng thống Mỹ.

Trong cánh Dân Chủ nhiều người đã lợi dụng cơ hội này để đòi khởi động thủ tục truất phế, nhưng bà Pelosi không đồng ý. Bà hy vọng tăng cường luật pháp đối với can thiệp của nước ngoài. Văn bản đã chuẩn bị xong.
Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Chuck Schumer đánh giá :

"Chúng tôi có nhiều văn bản của cả hai đảng về an ninh bầu cử vẫn nằm chờ ở Thượng Viện. Có cả một văn bản do một thành viên quan trọng của Ủy Ban Tình Báo, buộc các ê kíp vận động tranh cử thông báo cho FBI khi cường quốc ngoại bang đề nghị giúp đỡ. Nhưng liệu các đồng nghiệp đảng Cộng Hòa có ủng hộ văn bản này hay không ? Chúng ta sẽ sớm biết thôi.”

Trước mắt thì thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo nhóm đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện, từ chối đưa các dự thảo luật này ra biểu quyết, cho dù sau tuyên bố của ông Trump, nhiều nghị sĩ đảng Cộng Hòa cho biết họ đồng ý những văn bản nói trên."

Phát ngôn viên Nhà Trắng rời nhiệm vụ

Tổng thống Mỹ vào hôm qua, 13/06/2019, thông báo phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders, rời khỏi nhiệm vụ mà bà đã đảm trách từ tháng 7/2017. Như thông lệ, ông Trump thông báo tin qua Twitter, nhưng không cho biết ai sẽ thay thế cộng sự viên đắc lực này.

Theo nhận định chung, bà Sanders đã kiên quyết bảo vệ tổng thống trong những lúc khó khăn nhất. Bà cũng rất kín đáo không cho biết lý do ra đi.

Riêng tổng thống Trump, ông đã ca ngợi người cộng sự này, hy vọng bà sẽ tiếp tục sự nghiệp chính trị. Trong tin nhắn ông nói : "Bà sẽ trở về Arkansas, và nếu bà có thể trở thành thống đốc tiểu bang, tôi nghĩ là sẽ rất tốt, tôi cố thuyết phục bà làm chuyện này."

Không chỉ bà Sanders, một cộng sự viên khác của ông Trump cũng có nguy cơ ra đi : Cố vấn Kellyane Conway, nhưng đây là bị cách chức vì lý do "đạo đức".

Cơ quan đặc trách vấn đề đạo đức trong phạm vi chính quyền OSC đã đề nghị cách chức bà Conway vì đã vi phạm quy tắc không xen vào phạm vi bầu cử trong khuôn khổ nhiệm vụ chính thức của bà.

Theo cơ quan OSC, bà Conway đã vi phạm quy tắc này khi đã kích các ứng viên đảng Dân Chủ cho cuộc bầu cử tổng thống 2020, trong các phỏng vấn trên các mạng xã hội.

Nhà Trắng đã yêu cầu OSC rút lại lời đề nghị "quá đáng" này.

-----------

.






No comments: