Monday, June 17, 2019

ĐÊM HỒNG KÔNG (Luân Lê) & MẮC KẸT Ở HỒNG KÔNG (Quang Hữu Minh)




Luân Lê
17/06/2019

Khoảng hơn 2 triệu nhân dân Hồng Kông đã xuống đường biểu tình vào đêm nay, gần một nửa số dân vùng lãnh thổ này đã đồng lòng cùng nhau bày tỏ sự phẫn nộ khi họ đã bị làm cho tổn thương bởi đạo luật dẫn độ tới Trung Quốc. Cả thành phố rực sáng và tất cả đều đã chật kín những dòng người.

Chỉ vì một đạo luật gây tổn thương cho nền dân chủ và đe doạ tới các quyền tự do của nhân dân Hồng Kông, chính quyền đã phải đối mặt với một cơn giận dữ chưa từng có của dân chúng.

Phải chăng nhân dân Hồng Kông nghèo đói và ít học, đến mức họ phải bỏ thời gian và sức khoẻ lẫn sinh mệnh của mình để biểu tình phản đối chính quyền?

Phải chăng nhân dân Hồng Kông là đám vô công rỗi nghề và không yêu nước, và đang muốn làm loạn xã hội?
Không! Họ đang thực hiện quyền làm chủ quyền lực và làm chủ chính quyền - chính quyền phải sợ họ và bị quyết định bởi họ - nhân dân mới là người quyết định đến việc thiết lập, sự tồn tại hay bị phế truất đối với một chính quyền, một nhà nước, trong đó có các chức vị chính trị trong hệ thống.

Nếu thực hiện quyền làm chủ quyền lực và làm chủ đất nước mà bị coi là những kẻ ngu dốt và rảnh việc, thì những nước văn minh và phát triển hàng đầu thế giới hẳn đã suy vong từ lâu trong lịch sử chứ không phải đứng đầu nhân loại như hiện tại.

Nhân dân Hồng Kông và Đài Loan đều có nguồn gốc là người gốc Hoa (Trung Quốc), nhưng chính họ lại từ chối sự sáp nhập hoặc là một sự liên quan, bị chi phối hay chỉ là gây ảnh hưởng từ nhà nước cộng sản Trung Quốc. Họ đấu tranh đến cùng để được độc lập và sống chung với thế giới văn minh chứ không muốn dính dáng tới một chính quyền tội phạm man rợ bậc nhất trong lịch sử loài người.

Gần 100 triệu dân Việt Nam có nên chửi rủa nhân dân Hồng Kông là đám ngu dốt và nghèo đói hay không, khi đã ngày này qua tháng khác tới năm nọ đã không lo tập trung làm ăn mà chỉ đi biểu tình, nhất lại là khi chỉ vì một đạo luật “chẳng có gì nghiêm trọng lắm” bởi nó chẳng gây hại cho ai cả (nếu tư duy theo kiểu phổ biến của người Việt)?

Đêm Hồng Kông, như đêm giao thừa trước thềm năm mới. Với họ, mỗi ngày là một bước ngoặt: hoặc là một tương lai mới mở ra, hoặc là đêm tăm tối bao trùm lên cuộc đời họ và con cháu họ sau này. Và họ lựa chọn - bây giờ và ngay tại những đêm nay.

-----------------------

Quang Hữu Minh
17/06/2019

Người Hồng Kông xuống đường phản đối dự luật dẫn độ.

Một người thầy về chính trị của tôi đã từng dạy cho tôi rằng Đài Loan, Hong Kong, Tây Tạng, Tân Cương sẽ là các sinh tử phù trong cơ thể Trung Quốc từ 8 năm về trước.

Thủ lĩnh dân chủ trẻ Hoàng Chí Phong ở Hong Kong đã được ra khỏi nhà tù sau khi phe biểu tình đòi chính quyền đặc khu thân Trung Quốc phải trả tự do cho anh dù án giam giữ còn gần 2 tháng nữa.

Hoàng Chí Phong bị bắt giam để tiếp tục thi hành án tù ngay sau ngày ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp đại diện của phe dân chủ Hong Kong tại Anh khi ông đến thăm Anh giữa tháng 5 vừa qua.

Việc Phong bị bắt nhưng biểu tình vẫn nổ ra và nổ ra còn lớn hơn khi Phong còn tự do cho thấy dân chủ không phụ thuộc vào lãnh đạo hay lãnh tụ mà nằm ở dân trí chính trị là chính. Một khi dân trí chính trị đủ, tự nó sẽ sinh ra lãnh đạo lâm thời để giải quyết một chặng đường (miles spot) của tiến trình dân chủ.

Sự kiện những người biểu tình đông đúc tự nhường đường cho xe cứu thương nhanh chóng và không đập phá bạo loạn cho thấy tiến trình dân chủ cần đi kèm tiến trình văn minh. Do đó tinh thần văn minh trong xã hội cũng cần được cổ động như tinh thần dân chủ.

Cái này là hệ quả sinh ra từ cái kia và ngược lại. Do đó tôi khuyến khích các bạn tham gia sinh hoạt trong Fb này tiến tới thảo luận chính trị trong tinh thần dân chủ, văn minh, tiến bộ và xây dựng.

Việc chính quyền Hong Kong phải nhượng bộ huỷ bỏ luật dẫn độ là một thắng lợi theo tôi chưa quan trọng bằng việc phe biểu tình ép được chính quyền phải thả Hoàng Chí Phong. Trong cái nhìn của quốc tế, luật pháp của Trung Quốc ban hành ra đã bị phá vỡ trong chính nội bộ Trung Quốc.

Luật mình ban hành ra mà không thực thi được hay không được thực thi là mầm mống nguy hiểm cho bất kỳ chính quyền nào.

Đó cũng là lý do vì sao vừa qua thủ lĩnh tinh thần của Tây Tạng, Đức Đại Lai Lạt Ma vừa tuyên bố ông tin là ông sẽ được trở lại quê hương sắp đến. Đức Đại Lai Lạt Ma là người sâu sắc, ông sẽ không tuyên bố điều gì nếu ông chưa thấy có cơ sở để thực thi.

Vừa qua Mỹ cũng trao giải thưởng Dân chủ cho tổ chức Đại hội Uyghur thế giới (World Uyghur Congress) và tổ chức Tibet Action Institute and ChinaAid và mời chủ tịch của tổ chức này phát biểu tại Diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Dĩ nhiên Trung Quốc bày tỏ thái độ tức giận và phản đối quyết liệt.

Sau Đài Loan, Hong Kong sẽ đến Tây Tạng và Tân Cương. Diễn biến tiếp theo là họ sẽ chưa đòi tự trị, nhưng sẽ tiếp tục phá vỡ các luật lệ và quy định mà Trung Quốc xây dựng và áp đặt cho họ. Dù đã suy nghĩ nhiều, nhưng tôi chưa thấy có giải pháp nào cho Trung Quốc trước các bước đi này.

Với việc phe biểu tình đòi chính quyền Hong Kong trả tự do cho Hoàng Chí Phong và tuyên bố của Đức Lạt Ma... cho thấy cuộc đối đầu Trung-Mỹ trên khía cạnh dân chủ cũng đã qua điểm U-Turn.

H.M







No comments: