Monday, June 17, 2019

BAO GIỜ CHO ĐẾN HONG KONG (Nguyễn Lân Thắng)




Chủ Nhật, 06/16/2019 - 07:52 — nguyenlanthang

Trong những giờ phút này, tin tức về sự thắng lợi của người Hong Kong trong cuộc biểu tình làm chính phủ đặc khu phải buộc dừng vô thời hạn việc xem xét thông qua luật dẫn độ đã làm nức lòng nhiều người Việt Nam. Chưa biết sự việc ở Hong Kong sẽ tiếp diễn theo chiều hướng nào vì những người biểu tình đang tiếp tục chiếm giữ đường phố, đòi đặc khu trưởng Carrie Lam phải từ chức, đòi cảnh sát phải xin lỗi... nhưng đây là bước ngoặt lịch sử khi một nhà nước độc tài toàn trị 1,4 tỷ người, đã từng tàn nhẫn cho xe tăng cán nát cả chục ngàn người trên quảng trường Thiên An Môn khi xưa lại phải tạm thời lùi bước trước một hòn đảo có hơn 7 triệu dân.

Trong không khí mừng vui đó, tôi bất giác nghĩ về Việt Nam. Tất nhiên là nếu so sánh nền dân chủ Hong Kong với Việt Nam thì quá bằng bì phấn với vôi, nhưng theo tôi cũng không nên quá lo lắng, bởi dân chủ là một quá trình. Và thêm nữa, phấn trước khi thành phấn thì nó cũng chỉ là vôi mà thôi. Người Hong Kong đâu có phải bao giờ cũng mạnh mẽ trong các hoạt động đòi dân chủ. Nhưng tại sao bây giờ họ lại có thể tổ chức những cuộc biểu tình khổng lồ, đông đến hàng trăm ngàn, thậm chí đến cả triệu người mà không hề cần lãnh đạo nào ra mặt...? Nguyên nhân mấu chốt ở đây theo tôi là do người Hong Kong đã được thừa hưởng một nền dân chủ, pháp trị cả trăm năm khi còn là thuộc địa Anh, trước khi bị trao trả về tay Trung Quốc. Chính vì thế dù có thể là cậu sinh viên hay người bán dạo trên đường phố, nhưng dân trí người Hong Kong rất cao, và đấy nội lực để họ có thể đấu tranh mạnh mẽ và thành công đến như vậy.

Ở Việt Nam từ trước đến nay, trong các hoạt động đấu tranh dân chủ, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, chống bất công xã hội... dù khác nhau về địa dư hoạt động hay đối tượng tác động, nhưng những người hoạt động xã hội đều luôn nhất trí với nhau về tầm quan trọng của việc khai mở dân trí. Mặc dù vậy, khai dân trí luôn là công việc rất cực nhọc, và không phải lúc nào cũng có thể thu được kết quả như mong muốn. Có nhiều lần, tôi thấy nhiều người hoạt động bày tỏ sự thất vọng, chán chường, thậm chí bỏ cuộc trong công việc rất quan trọng này. Tệ hại hơn, một số người còn có phản ứng tiêu cực, trách móc, đổ lỗi cho quần chúng, và theo tôi đó là hành vi tiêu cực nhất, làm hố sâu nhận thức giữa những người hoạt động xã hội và công chúng ngày càng rộng thêm. Chính vì thế trong bài viết ngắn này tôi có mong muốn trình bày một số suy nghĩ của mình để góp phần làm thúc đẩy công việc của những người tự nhận sứ mạng khai dân trí, nhằm chuẩn bị những tiền đề cho xã hội, để rồi có những thay đổi tích cực hơn trên đất nước chúng ta trong tương lai, và sẽ sớm được như ở Hong Kong bây giờ.

Có thể có nhiều quan niệm khác nhau về việc khai dân trí, nhưng theo tôi đó là những hoạt động nhằm tác động vào nhận thức của công chúng về quyền và trách nhiệm của công dân, để dẫn đến thay đổi hành vi, thay đổi thái độ của họ, làm cho họ dám đứng lên đòi những quyền của mình. Làm cho người khác biết, nhưng chưa thúc đẩy họ hành động thì chưa thể được gọi là thành công trong việc khai dân trí. Vậy làm thể nào để người khác hành động? Tại sao chúng ta quyết định hành động? Những câu hỏi đó luôn làm tôi trăn trở, và trước đây trong bài viết "Khi nỗi đau đủ lớn" tôi đã một lần đề cập sơ qua về chuyện này. Đại ý trong bài viết đó tôi có nói rằng: chúng ta sẽ còn trì hoãn việc hành động khi nỗi đau chưa đủ lớn. Tuy vậy, nếu tôi biết, bạn biết, thì những kẻ cai trị cũng biết rõ điều đó. Chính vì thế chúng ta, những ai hay để ý thời cuộc có thể dễ dàng quan sát thấy những trò tháu cáy, khôn lỏi trong việc cai trị dân chúng như việc: rút củi đáy nồi, xì hơi giảm áp lực dư luận, thu thuế khéo như vặt lông vịt mà vịt không kêu... và nhất là trò đun chín ếch từ từ. Ở nhiệt độ 100 độ C thì chắc chắn con ếch đã đủ đau, nhưng không thể hành động phản kháng nữa. Chính vì lẽ đó, hoạt động khai dân trí phải làm được sứ mệnh khai phóng sức phản kháng của người dân càng nhanh càng tốt, trước khi họ mất hết tất cả sức lực, bởi khi nỗi đau đã quá lớn thì e rằng tổn thương cũng quá lớn, người dân không còn đâu năng lượng để phản kháng.

Trong chế độ toàn trị, giáo dục nhồi sọ là một trong những biện pháp cơ bản để khống chế và thao túng người dân. Chính vì thế công cuộc khai dân trí đòi hỏi những người tham gia phải thấu hiểu sâu sắc về bản chất tâm lý, về cơ chế tiếp nhận thông tin, về quá trình ra quyết định trong con người. Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng bất lực khi nói mãi một điều gì đó đúng đắn mà người khác không nghe chưa? Chưa cần nói đến chuyện khai dân trí, chỉ đơn giản là thuyết phục con cái, gia đình hay bạn bè chẳng hạn... rất nhiều khi đối tượng tiếp nhận thông tin đã nghe rõ việc ta nói, nhưng rồi lại bỏ ngoài tai, và rồi không làm gì. Xin đừng bực tức vì chuyện đó vội, mà hãy bình tâm và từ từ tìm hiểu tại sao.

Con người ta ra quyết định theo cơ chế nào? Từ tâm trí (não) đã phát ra những mệnh lệnh điều khiển hành vi (cơ thể) đúng không các bạn. Tuy nhiên mệnh lệnh từ trong trí não của chúng ta xuất phát từ hai phần, là Ý THỨC và VÔ THỨC. Đây là hai khái niệm hết sức trừu tượng mà ngành phân tâm học nghiên cứu rất sâu, các bạn nếu muốn có thể tìm hiểu thêm. Nhưng trong khuôn khổ bài viết ngắn này tôi chỉ xin nêu ra một ví dụ đơn giản để bạn có thể hình dung và phân biệt hai khái niệm đó. Khi còn bé, chúng ta tập đi xe đạp. Lần đầu tiên bạn giữ được thăng bằng và đi những đoạn đầu tiên, bạn phải tập trung mọi giác quan và trí não để quan sát và điều khiển cơ thể mình. Trong quá trình này, ý thức chính là phần trong tâm trí phải huy động hết công suất để giữ cho cơ thể ta thăng bằng và điều khiển được cái xe. Tuy nhiên theo thời gian, do sự tập luyện thì cơ thể bạn đã quen dần, và rồi bạn có thể đi được rất xa mà không phải quá căng thẳng. Và rồi đến một ngày, bạn không cần phải tập trung vào việc giữ thăng bằng để đạp xe nữa. Trong đầu bạn chỉ còn mục tiêu cần đến, và bạn cứ thế đạp là đến đích thôi, thậm chí không cần suy nghĩ vẫn có thể tránh được những cái ổ gà. Chính trong quá trình này, cơ thể bạn bắt đầu được điều khiển bằng vô thức. Vô thức đã học hỏi từ ý thức, và rồi nó đã thay mặt ý thức để điều khiển cơ thể chúng ta. Trong cơ thể, có nhiều những hoạt động như thở chẳng hạn, có ai đang đọc những dòng này đang nghĩ đến việc phải thở như thế nào không? Do vô thức của bạn điều khiển cả đấy. Tuy nhiên nếu cần, bạn có thể dễ dàng dùng ý thức điều chỉnh nhịp thở để phù hợp với các hoạt động như bơi lội, leo núi, hay ngủ chẳng hạn. Nếu không có vô thức làm thay, ý thức chúng ta sẽ bị quá tải, vì làm bất cứ điều gì cũng phải suy nghĩ thì chắc là chúng ta sẽ chết mất.

Con người chúng ta có 5 giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác. Tất cả thế giới bên ngoài được phản ảnh vào tâm trí chúng ta qua 5 giác quan này, trong đó thị giác và thính giác là quan trọng nhất. Tuy nhiên không phải cái gì xảy ra bên ngoài cũng được phản ánh vào bên trong. Đấy là một cơ chế rất tinh vi để tự bảo vệ cơ thể chúng ta, giúp chúng ta an toàn. Bạn thử tưởng tượng, nếu tiếng ồn nào bên cạnh bạn bây giờ cũng có thể tác động đến tâm trí bạn thì bạn có thể tập trung đọc những dòng chữ tôi đang viết này không? Đây chính là sự kỳ diệu của tiến hoá, làm chúng ta có thể tự bảo vệ mình, đảm bảo nhu cầu sinh tồn cho mỗi người. Nếu không có cơ chế lọc thông tin, chúng ta có thể bị stress, bị trầm cảm, bị điên vì quá tải thông tin.
Một điều quan trọng nữa là, con người chúng ta khác nhau về độ nhạy của 5 giác quan. Có những người mắt rất tinh, có những người tai rất thính... chính vì thế mà sự vật hiện tượng khách quan bên ngoài được chuyển vào trong tâm trí chúng ta là khác nhau, và dẫn đến suy nghĩ và hành động của chúng ta luôn khác nhau. Đến cả anh em sinh đôi tuy rất giống nhau về hình thể, về điều kiện nuôi dưỡng, nhưng vẫn có tính cách và hành vi khác nhau.

Bây giờ tôi bàn tiếp về vô thức. Trong quá trình giáo dục nhồi sọ, những giá trị, những khái niệm có lợi cho giai cấp thống trị liên tục được nhồi vào trí não trẻ thơ. Trẻ bắt đầu tiếp nhận những vấn đề này bằng ý thức, rồi những điều đó hằn sâu vào vô thức, và sau đó trẻ sẽ phản ứng mạnh mẽ với những thông tin trái chiều mà không hề suy nghĩ, bởi chính những hành vi đó do vô thức điều khiển. Chính vì lẽ đó, công việc khai dân trí vô cùng nặng nề, bởi những ai trót mang sứ mạng này sẽ phải đối mặt với tính mạnh mẽ và bảo thủ vô cùng của vô thức nằm trong tâm trí của những người chưa thoát khỏi sự u mê.

Nền giáo dục nhồi sọ luôn chú trọng việc dạy cho người ta cách làm, cách phản ứng, cách giải quyết bài toán... chứ không dạy người ta cách nghĩ, cách đặt câu hỏi, cách lật lại vấn đề. Vì vậy, trong bài viết này tôi đã mạnh dạn gợi mở một số vấn đề rất sâu sắc trong cơ chế nhận thức của con người, để rồi chính bạn, người đã kiên nhẫn đọc đến đây hãy tiếp tục tìm hiểu, và hãy lựa chọn những phương pháp tiếp cận phù hợp trong việc khai dân trí. Tự hiểu mình, hiểu người khác, bạn mới có khả năng thuyết phục những người xung quanh. Những ai từng đi biểu tình đều biết một điều rất giản dị: ĐÔNG LÀ THẮNG. Chúng ta chưa thể có số đông như Hong Kong bây giờ là bởi vì chúng ta chưa đủ số đông nhận thức cao như họ. Hy vọng rằng tôi sẽ nhận thêm những trao đổi và bàn luận, để làm sâu sắc thêm chủ đề này trong những bài viết về sau. Đất nước này có sớm thoát được những khổ đau hay không, không phải do xuất hiện được một lãnh tụ nào, mà do sự nỗ lực của mỗi người bình thường chúng ta.

Yêu thương tất cả .








No comments: