Thursday, June 20, 2019

BẢN TIN NGÀY 20-6-2019 (Báo Tiếng Dân)




20/06/2019

Tin Biển Đông

RFA có bài: Đâm, cướp tàu cá – Chiến lược của Trung Quốc để độc chiếm Biển Đông. Bài viết lưu ý, trước vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines, vào ngày 2/6/2019, “một tàu Trung Quốc khác đã cướp một tàu cá Việt Nam ở vùng ngư trường truyền thống gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Vào tháng 3/2019, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị một tàu của Trung Quốc đâm chìm trong khu vực Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Các vụ nói trên chỉ là phần nhỏ trong chuỗi các hoạt động gây hấn của “dân quân biển” Trung Quốc ở Biển Đông. GS Renato Cruz de Castro bình luận: “Họ đang chuyển dịch hoạt động của họ từ Hoàng Sa ra toàn Biển Đông. Đây là một chiến tranh về tâm lý, gây sức ép lên các nước, cho các nước thấy rằng họ đang áp dụng chính sách đó”.

Báo Thanh Niên dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia: Trung Quốc nên đối xử tốt với các nước láng giềng. Phát biểu tại một diễn đàn quốc tế nhân dịp 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Malaysia-Trung Quốc, Thứ trưởng Quốc phòng Liew Chin Tong nói, nếu muốn chứng minh sự trỗi dậy của mình chỉ mang tính hòa bình, Trung Quốc phải đối xử “cực kỳ tốt” với các nước láng giềng Đông Nam Á.

Trang An Ninh Thủ Đô bàn về hội thảo Đối thoại Biển lần thứ 5: Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Buổi hội thảo diễn ra ngày 18/6, tại Hà Nội, do Học viện Ngoại giao, Quỹ Konrad Adenauer Stiftung, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông đồng tổ chức. Hội thảo bàn về vấn đề “vai trò của ASEAN còn tương đối hạn chế khi có những vụ việc xảy ra trên Biển Đông”.

Tranh giành ảnh hưởng Mỹ-Trung trên Biển Đông đặt ASEAN vào thế khó, theo VOV. Chuyên gia Hoàng Thị Hà nhận định: “Tất cả những gì diễn ra trên bàn đàm phán không ăn nhập với những gì diễn ra trên thực địa khi mà Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông mà nước này chiếm giữ bất hợp pháp, đặc biệt là sự hiện diện ngày càng gia tăng của các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc”. Mâu thuẫn Mỹ – Trung ở Biển Đông, khiến các nước ASEAN khó giữ lập trường trung lập.


Cập nhật tin giang hồ vs Công an ở Biên Hòa

Sau vụ công an bị hàng trăm giang hồ bao vây hôm 12/6, công an Đồng Nai sau đó đã bắt Giang 36, tức Ngô Văn Giang, là người cầm đầu nhóm giang hồ. Sau đó công an cũng đã bắt thêm hai nhân vật khác là Nguyễn Văn Căn và Nguyễn Duy Kỷ. Hôm qua, công an bắt khẩn cấp chủ doanh nghiệp kêu giang hồ vây xe công an, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Đó là ông Nguyễn Tấn Lương, chủ doanh nghiệp có trụ sở đóng tại phường Thống Nhất, để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng hôm 12/6. Phía công an cho rằng, ông Lương chính là người trực tiếp gọi điện cho Ngô Văn Giang, tức Giang “36”, để kéo nhóm đàn em đến chặn xe công an.

Ông Nguyễn Tấn Lương. Ảnh: Thái Hà/ VNE

Trước đó, nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: Dị bản Giang “36”. Bài viết dẫn tin từ một số nguồn uy tín khẳng định rằng, một chủ doanh nghiệp vận tải đi nhậu cùng các cán bộ công an đã nôn vào quần của ông Lương, dẫn đến xô xát sau đó. Rồi Giang “36” dẫn đàn em đến vây xe công an suốt hơn hai tiếng đồng hồ.

Bài viết lưu ý, trái với thông tin do phía công an cung cấp, sau khi chủ doanh nghiệp nói trên nôn vào người ông Lương, nhóm cán bộ công an đã “xin lỗi” ông Lương theo cách… “khiến ông Lương bị thương ở đầu (suýt… lòi mắt) và phòng này như bãi chiến trường. Tay ông Lương đầy máu”. Cho nên, chưa chắc Giang “36” có tội, vì nếu nhóm ông này tới chậm, hậu quả có thể không chỉ dừng lại ở vài ba người bị thương.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đặt câu hỏi: Võ công cái thế hay “chó lửa” thị uy? Theo bài viết,”điều cần làm rõ là, ai đã điều một nhóm mực tàu khác tới ‘thanh lý’ nhóm nạn nhân Nguyễn Tấn Lương?” Ông Lương kể, tại quán Lâm Viên, ngay sau khi nhóm ông bị nhóm công an đánh, có thêm một nhóm giang hồ khác cũng được gọi đến. Dù phe ông Lương đông hơn nhưng ông này vẫn bị đánh bầm mắt, “phe mấy anh cấp tá võ công quá cao. Hay có chó lửa trong tay phe đông hơn thúc thủ?”

Ông Lê Võ Trường Hải là người bị nhóm đi cùng trung tá công an đập ghế vào đầu, phải khâu 13 mũi trên trán. Ảnh: TN

Một số người bình luận, trong vụ này người bị thiệt nhiều nhất là ông Nguyễn Tấn Lương: Đầu tiên là đi nhậu thì bị người khác nôn vào người, sau đó được “xin lỗi” theo cách bầm mắt, chấn thương đầu, rồi bây giờ bị công an bắt.


Cố ý làm trái

Chuyện ở huyện Kim Động: Bí thư xã Phạm Ngũ Lão bị dân tố thu tiền trái pháp luật, theo trang Kinh Tế Nông Thôn. Bài báo cho biết, nhiều người dân đây “ngỡ ngàng bởi Biên bản bàn giao đất năm 1997 của xã không có giá trị, vì diện tích đất đã được cấp theo hạn điền, không những thế họ còn phải nộp hàng trăm triệu đồng”, do thủ đoạn làm giấy tờ để hợp thức hóa hành động “tận thu” của các lãnh đạo xã.

Một người dân kể: “Chính gia đình tôi mang đến nhà ông Vũ Cao Sơn, hiện nay đang là Bí thư Đảng ủy xã Phạm Ngũ Lão nộp cho ông số tiền là 70 triệu đồng và ông Sơn chính là người nhận số tiền đó, nhưng không hề có phiếu thu cho tôi”. Còn nhiều hộ gia đình nhận được biên bản giao đất nhưng chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chuyện ở Thái Nguyên: Một kiểm sát viên bị tố nhận tiền “chạy án”, báo Pháp Luật VN đưa tin. Chuyện này liên quan đến vụ ông N.T.D cùng 6 đối tượng khác bị Công an TP Sông Công bị khởi tố về hành vi đánh bạc. Trong lúc chờ ra tòa để xét xử, ông P.Q.H là kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án đã gọi điện cho ông D đến VKSND TP Sông Công để làm việc, rồi nhận tiền của ông D và hứa sẽ giảm án từ tù giam sang án treo cho ông D.

Ông D đã làm đơn tố cáo và kể lại toàn bộ sự việc, rằng ông đã 3 lần đưa tiền cho ông H, tổng số tiền 45 triệu đồng. Trong các lần đưa tiền này “có 2 lần được đưa tại phòng làm việc của ông H và 1 lần đưa tại nhà vệ sinh TAND TP Sông Công (lúc vụ án đang xét xử)… các lần đưa nhận tiền này đều được ông D âm thầm ghi hình bằng bút quay phim”.

Báo Người Lao Động có bài: Bí thư huyện Cần Đước “dính” sai phạm trong quản lý đất đai. UBKT Tỉnh ủy Long An quyết định kỷ luật khiển trách ông Huỳnh Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước vì “đã ký 30 hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất ở do Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện đề xuất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp quy hoạch”.


Sai phạm ở hải quân VN

Trong cuộc họp ngày 19/6/2019, tại Hà Nội, Ban Bí thư đã kỷ luật cảnh cáo Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, VOV đưa tin. Ông Nguyễn Văn Tình, cựu Chính uỷ Quân chủng Hải quân, bị kỷ luật vì liên quan đến “những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005 – 2010”.
Cụ thể, cơ quan này đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; vi phạm thẩm quyền và quy định pháp luật về quản lý đất đai; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát”.

Phó Giám đốc sở quịt nợ

Phó giám đốc sở bị tố nợ hàng chục tỷ tiếp tục “mất tích”, báo Giao Thông đưa tin. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Mỹ Quang xác nhận, ông Trương Hải Ân, PGĐ sở này là người bị tố nợ nần đến hàng tỉ đồng, trong thời gian xin nghỉ ốm trước đó “vẫn chưa nộp bản kiểm điểm theo yêu cầu của UBND tỉnh… đến thời điểm này, cơ quan vẫn chưa liên lạc được với ông Trương Hải Ân để giải quyết những công việc liên quan”.
Một người vay nợ hàng chục tỉ đồng nhưng không trả, vắng mặt ở cơ quan, đến cả chủ nợ cũng không tìm ra được, lại là Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH, cho thấy dưới thời CSVN, cán bộ lãnh đạo là những hạng người như thế nào.


Vụ gian lận thi cử

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, VnExpress đưa tin. Tại cuộc họp ngày 19/6, Ban bí thư đảng CSVN nhận định, trong kỳ thi THPT 2018 ở Sơn La, ông Hoàng Tiến Đức, với cương vị GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, Chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban Chấm thi “đã trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh Sơn La thành lập Ban chỉ đạo thi có hai thành viên có con ruột dự thi, vi phạm quy chế thi”.

Không chỉ thế, ông Đức “cũng chịu trách nhiệm trực tiếp trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Ban chỉ đạo, Hội đồng thi, Ban chấm thi và các khâu trong quá trình thi; thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều cán bộ vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, một số cán bộ bị khởi tố”.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang vừa kỷ luật Phó Chủ tịch UBND và nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, theo VietNamNet. Ông Lương Văn Đoàn, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Hà Giang xác nhận thông tin này. Theo đó, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và ông Vũ Văn Sử, cựu GĐ Sở GD&ĐT tỉnh, đều bị kỷ luật cảnh cáo vì liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT 2018 ở tỉnh này.

Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 18/6, tại phường Ngọc Hà và Trần Phú của TP Hà Giang, cử tri lo ngại vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang sẽ “chìm xuồng”, theo báo Dân Việt. Một cử tri lưu ý, “Hà Giang là tỉnh phát hiện tiêu cực đầu tiên trước cả Hòa Bình, Sơn La… nhưng đến giờ việc điều tra, xử lý vi phạm chưa có nhiều kết quả, khiến bà con rất lăn tăn về nguyên nhân đằng sau sự chậm trễ trên”. Một số người lo vụ này sẽ “chìm xuồng”.

Trang Bảo Vệ Pháp Luật bàn về “hậu trường” vụ gian lận điểm thi Sơn La: Bí mật bên trong 16 đĩa CD bị tiêu hủy ở nghĩa trang. Sau vụ gian lận điểm thi THPT 2018 ở Sơn La bị phanh phui, các cán bộ tham gia nâng sửa điểm sợ bị bại lộ “nên đã dùng thủ đoạn sao lưu ra 16 đĩa CD. Khi biết sự việc có nguy cơ bại lộ, đối tượng đã mang ra nghĩa trang Sơn La tiêu hủy nhằm xóa sạch dấu vết phạm tội”.


Thêm tin giáo dục

Chuyện ở Đà Lạt: Hiệu trưởng bị kỷ luật vì làm khống hồ sơ rút tiền ngân sách được điều động làm hiệu trưởng trường khác, theo trang Doanh Nghiệp VN. UBND TP Đà Lạt vừa công bố quyết định điều động bà Lê Thị Tuyết Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, đến nhận công tác tại Trường Tiểu học Nam Thiên và bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Trước đó, bà Oanh “đã làm khống hồ sơ thanh toán tiền ngân sách trong các hoạt động phun thuốc diệt côn trùng năm học 2017-2018, chuyển cho Công ty Y tế Đà Lạt xanh 14 triệu đồng; bảo trì máy tính năm học 2017-2018 với số tiền 8 triệu đồng; tổng số tiền đã được thanh toán không đúng quy định là: 22 triệu đồng”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: 668 bài thi toán điểm 0, thầy cô phải nhận trách nhiệm của mình. Vụ gần 700 bài thi toán vào lớp 10 công lập ở Khánh Hòa 2019 bị điểm 0, bài viết bình luận: “Nguyên nhân trước hết là do thầy cô. Thầy giỏi trò mới giỏi, thầy cô phải tự nhận trách nhiệm cho những ‘sản phẩm bị lỗi’ này, đừng nên đổ cho ai khác. Còn nếu cho rằng do học sinh không chịu học, vậy thì cần hỏi thầy cô dạy như thế nào mà học sinh không chịu học?”


***






No comments: