Wednesday, June 19, 2019

BẢN TIN NGÀY 19-6-2019 (Báo Tiếng Dân)





19/06/2019

Tin Biển Đông

Zing đưa tin: Ngoại trưởng Philippines nói ‘mắc nợ’ Việt Nam đã cứu 22 ngư dân. Vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Philippines rồi bỏ mặc ngư dân gặp nạn, Phát biểu tại Liên Hợp Quốc tối 17/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr, nói: “Đoàn 22 ngư dân Philippines bị bỏ mặc trên biển cho đến khi một tàu Việt Nam cứu họ. Chúng tôi mãi mãi cảm kích, và mắc nợ đối tác chiến lược Việt Nam vì nghĩa cử nhân đạo và hợp lẽ này”.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York tối 17/6, cảm ơn Việt Nam đã cứu 22 ngư dân bị tàu Trung Quốc bỏ mặc. Ảnh: LHQ.

Trước đó, Tổng thống Philippines gọi vụ tàu cá bị đâm chìm trên Biển Đông là ‘tai nạn’, báo Một Thế Giới đưa tin. Ông Rodrigo Duterte nói: “Vụ va chạm đó chỉ là một tai nạn hàng hải. Đừng tin những chính trị gia ngu ngốc muốn chúng ta điều hải quân tới đó”.

Đáp lại, ngư dân Philippines thất vọng khi tổng thống không đòi Trung Quốc chịu trách nhiệm, theo Petro Times. Ông Junel Insigne, thuyền trưởng tàu cá Gemver bị đâm chìm, phát biểu: “Tôi buồn vì có vẻ như hành động đâm vào tàu chúng tôi đã được cho qua. Vậy nếu nhiều người trong số chúng tôi chết thì sao?”.

VTC dẫn lời ông Ping Lacson, Thượng nghị sỹ Philippines: ‘Tổng thống phá vỡ sự im lặng nhưng lại khiến chúng ta đau lòng’. Ông Lacson viết trên Twitter: “Tổng thống phá vỡ sự im lặng nhưng rồi lại khiến chúng ta đau lòng. Ông ấy không nghiên cứu tất cả các nguồn tin sẵn có trước khi thực hiện lựa chọn cuối cùng là đầu hàng. Tôi không gợi ý cho Thế chiến thứ III nhưng ít nhất cần phải cho Trung Quốc thấy được sự cân bằng quyền lực ở Biển Đông”.

Điều không may cho ngư dân Philippines lần này là họ có một Tổng thống không bình thường, không nhất quán, lúc “nóng”, lúc “lạnh” trước Trung Quốc. Bù lại, họ có một nền dân chủ để người dân có quyền lên tiếng, phản đối phát ngôn của Tổng thống, mà không bị buộc tội “phản động”.

VnExpress có bài: 22 người Philippines được tàu cá Tiền Giang cứu như thế nào. Ông Nguyễn Thành Tâm, thuyền trưởng tàu cá Tiền Giang cứu 22 người Philippines kể: Rạng sáng 10/6, “mọi người phát hiện 20 ngư dân Philippines mặc áo phao, đang cố bám vào các thùng nhựa, mảnh gỗ vụn từ con tàu đắm. Nhóm người bị nạn đang đói và lạnh. Họ nhanh chóng được 10 ngư dân Tiền Giang vớt lên, cho ăn cơm, mỳ tôm, ủ ấm”.

Báo Thanh Niên có bài: Tàu cá Trung Quốc đe dọa môi trường Biển Đông. Trong báo cáo mới đây, AMTI thuộc Trung tâm CSIS ở Mỹ, cho biết, nhiều tàu khai thác sò tai tượng của Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại trên Biển Đông. Đây là đội tàu “đã gây tổn hại nghiêm trọng hoặc phá hủy ít nhất 28 bãi đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2012 – 2015”.

AMTI cho biết, tàu cá Trung Quốc thường sử dụng nhiều biện pháp khai thác mang tính tận diệt như dùng thuốc nổ, thuốc độc, giã cào và lưới mắt nhỏ. “Hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông cũng góp phần phá hủy san hô trên quy mô lớn”.


Hoàng Chi Phong (Hồng Kông) vs Phó TT Vũ Đức Đam (Việt Nam)

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), khi 17 tuổi đã là thủ lĩnh của phong trào dù vàng và là Tổng Thư ký đảng chính trị Demosistō do anh thành lập. Anh đã bị bắt bỏ tù vì những hoạt động chính trị của của mình, ngay khi ra tù ngày 17/6/2019, anh tham gia cuộc biểu tình với người dân Hồng Kông và đã tuyên bố: “Tôi không muốn cuộc đấu tranh dân chủ truyền lại cho đời sau, đây là trách nhiệm của thế hệ chúng tôi”.

Cư dân mạng so sánh câu nói của Hoàng Chi Phong, hiện 22 tuổi, với câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Trung Quốc đã dùng vũ lực đã chiếm Hoàng sa và nhất định chúng ta phải đòi lại, đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì đời con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại”.

Nhà văn Thùy Linh bình luận: “Sự khác biệt trong suy nghĩ này là do đâu? Và độ chín chắn trong tư duy của người VN so với thế giới chậm và kém hàng thế kỉ? Làm sao mà đến 2045 đuổi kịp Singapore như chính phủ kiến tạo mong muốn?


Biểu tình ở Hồng Kông

Báo Thanh Niên có bài: Tình hình Hồng Kông chưa dịu. Sáng 17/6, “các tuyến đường quanh các khu vực trung tâm của đặc khu như Trung Hoàn và Kim Chung đều bị phong tỏa trong khi các nhân viên chính quyền nhận chỉ đạo làm việc ở nhà. Trong buổi sáng, người biểu tình vẫn tập trung trước tòa nhà Hội đồng lập pháp”.

Bình luận về tình hình Đặc khu trưởng Lâm Thị Nguyệt Nga, nghị viên đối lập Đồ Cẩn Thân phát biểu: “Chính quyền của bà ấy không tỏ ra hiệu quả và sẽ rất khó để tiếp tục. Tôi tin rằng trung ương sẽ chấp nhận nếu bà ấy nộp đơn từ chức”.


Tin nhân quyền

Trang Văn Việt có bài: Yêu sách tám điểm năm 2019 của người dân Việt Nam. Các điểm yêu sách gồm: Tổng ân xá cho các tù chính trị, cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, quyền tự do báo chí và ngôn luận, quyền tự do lập hội và hội họp, tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất ngoại, tự do học tập…

Đây là những điểm mà Nguyễn Ái Quấc gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Lansing ở Hội nghị Hoà bình Paris, ngày 18/6/1919. Thế nhưng, 100 năm sau, người dân Việt Nam vẫn chưa có những quyền mà lãnh tụ của đảng Cộng sản đã đòi 100 năm trước.

Báo CAND đăng bài tuyên truyền với giọng điệu quá cũ: Những con rối dưới vỏ bọc “tự do, dân chủ”, “yêu nước”. Bài viết có đoạn: “Bên cạnh đó, cần nhận diện và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động nói chung, của các phần tử cơ hội, chống đối sống bằng những đồng tiền bẩn“.

LS Lê Văn Luân đặt câu hỏi: Ai mới là kẻ xấu? LS Luân viết: “Nói chung là, nghiêm cấm việc dùng mạng xã hội để kích động quần chúng và cần phải ngăn chặn mọi âm mưu chống phá của thế lực thù địch dùng mạng xã hội gây bất ổn chính trị. Nhưng không rõ là ‘lợi ích nhóm’ và việc ‘chạy chức, chạy quyền’ hay chuyện nhiều tỉnh, thành cả họ làm quan có phải do bọn phản động và thế lực thù địch tạo ra hay không?

Báo CAND tuyên bố: “Báo CAND là cơ quan chủ lực trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”. Báo Quân đội Nhân dân đã chuyển giao nhiệm vụ cho báo Công an Nhân dân rồi sao? QĐND không còn là cơ quan chủ lực chống “các thế lực thù địch” nữa à? Biển đảo càng ngày càng mất dần vào tay Trung Cộng, có lẽ là do QĐND bận chống “diễn biến hòa bình” và “các thế lực thù địch” nhiều năm qua.

Chuyện ở Vĩnh Long: Chính quyền thắng kiện và nỗi oan ức 19 năm của người dân Mỹ Hòa, theo báo Một Thế Giới. TAND Cấp cao thành Hồ xử phúc thẩm một vụ án và “tuyên án 1 người dân ở xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long thua kiện, 12 người hàng xóm đi cùng, mắt ráo hoảnh, cúi đầu bước ra. Có lẽ, họ không còn nước mắt để khóc, vì đã khóc cho nỗi oan ức suốt 19 năm qua”.

Phiên tòa xử 1 trong 13 hộ nông dân, kiện ông Phạm Văn Đấu, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, “đã ký quyết định thu hồi đất của họ sai luật, giao đất cho Công ty Hoàng Quân cũng sai luật. Mỗi đơn kiện của mỗi hộ dân được tách làm 1 phiên xử riêng, và họ đều thua!”


“Lực lượng nòng cốt” của đảng ăn gì?

Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng xác minh thông tin phát hiện sán trong tô bún cá của công nhân Đà Nẵng, báo Tiền Phong đưa tin. Bài viết bàn về thông tin vừa xuất hiện trên mạng xã hội, liên quan đến vụ phát hiện sán trong bữa ăn của công nhân Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa.

Trưa 13/6, ba công nhân của công ty Việt Hoa phản ánh, “trong tô bún cá cam có sán. Sau khi tiếp nhận phản hồi, công ty An Thạnh đã kiểm tra toàn bộ 900 suất bún đã chia suất, phát hiện khoảng 10 lát cá có sán trong phần thịt cá”.

Báo Người Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Tứ, Phó Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng, nói về vụ có sán trong suất ăn công nhân Đà Nẵng: Không ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân.

Theo ông Tứ, “mặc dù có ký sinh trùng (sán) trong thức ăn nhưng nếu được công ty chế biến chín và kỹ thì cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân“. Có lẽ cần cho ông này và gia đình ăn thức ăn có sán để thử xem có ảnh hưởng đến sức khỏe của họ không?

Diễn biến mới trong chuyện lùm xùm quanh vụ bữa trưa của công nhân nghi có sán: Mẫu lưu đã bị bỏ đi, theo báo Lao Động. Khi được hỏi rằng mẫu thực phẩm nghi có sán hiện nay có được lưu ở đâu không, thì ông Châu Quang Anh, GĐ Cty An Thạnh (đơn vị cung cấp thực phẩm) trả lời: “Theo hợp đồng ký kết, mẫu thực phẩm sẽ được lưu trữ bên phía Cty Việt Hoa nhưng chỉ lưu trữ lạnh, không cấp đông nên qua 48 tiếng mẫu thực phẩm trên đã bị hư hỏng”.


Xăng giả, lợi ích nhóm và Bộ Công thương

Báo Một Thế Giới đặt câu hỏi: Liệu có việc bảo kê không khi sếp QLTT tỉnh cũng vay tiền đại gia xăng giả Trịnh Sướng? Bài viết bàn về thông tin cho rằng “ông trùm sản xuất và tiêu thụ xăng giả, đại gia Trịnh Sướng, năm 2017 từng cho ông Nguyễn Việt Trung mượn tiền”. Năm 2017, ông Trung là PGĐ Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng.

Không chỉ thế, trong tình hình các bộ, ngành đang cố gắng tinh giản biên chế, thì Bộ Công Thương lại được nâng cấp Cục QLTT thành Tổng cục QLTT và được Chính phủ ủng hộ. “Phải chăng cũng do sự chậm trễ kỳ quặc nói trên của Bộ Công Thương khiến cho Chi cục quản lý thị trưởng tỉnh Sóc Trăng như rắn mất đầu từ trung ương xuống tỉnh. Để rồi chuyện gì đã xảy ra thì đã xảy ra như ta đã thấy mấy bữa nay”.

Dường như vụ công an kiểm tra doanh nghiệp của ông Trịnh Sướng để có lý do bắt luôn ông này, rồi bắt đầu “khui” ra cả một đường dây lợi ích nhóm ở Sóc Trăng, chỉ là sự khởi đầu của một đòn đánh tổng lực vào Bộ Công thương?


Vụ Địa ốc Alibaba

VKSND thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa thông qua quyết định gia hạn tạm giữ hình sự 2 người của Công ty CP địa ốc Alibaba để điều tra về hành vi cố ý hủy hoại tài sản, báo Người Lao Động đưa tin. Hai người bị tạm giữ là Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh.

Khu đất bị cưỡng chế có khảng 60% diện tích nằm trong quy hoạch làm đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, nhưng vẫn bị Tập đoàn địa ốc Alibaba chia lô, bán nền. Nhiều người đang thắc mắc, tập đoàn này được ai “chống lưng”, dù làm sai nhưng vẫn dám chống đối chính quyền và an ninh thị xã Phú Mỹ?

Báo Đất Việt có bài: Lãnh đạo địa ốc Alibaba bị điều tra vẫn gây náo loạn. Đó là ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Địa ốc Alibaba. Ông Luyện “đang bị cơ quan chức năng điều tra về hành vi quảng cáo, rao bán tại những dự án trên địa bàn TP. HCM và Đồng Nai”.

Chính quyền hai khu vực này cũng đã cảnh báo về các dự án của Tập đoàn Alibaba từ đầu năm 2019, nhưng ông Luyện vẫn có thể huy động hàng chục người đến trụ sở công an thị xã Phú Mỹ để quấy rối, đòi người.


Đại học Luật thành Hồ

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Nghi vấn sai phạm tài chính tại ĐH Luật TP.HCM. Theo đó, “thời gian gần đây, một số cán bộ Trường ĐH Luật TP.HCM đã gửi tâm thư cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề nghị làm rõ một số vấn đề, trong đó có nội dung quản trị tài chính của trường”.

Kết luận ngày 29/12/2017 của Bộ GD&ĐT liên quan đến Trường ĐH Luật TP.HCM đã chỉ ra, số thu tiền học lại của hệ vừa học vừa làm năm 2014 của trường này chỉ hơn 777 triệu đồng, năm 2015 là hơn 852 triệu đồng và năm học 2016 chỉ hơn 939 triệu đồng.

Bài viết thống kê một loạt sai phạm tài chính ở trường này từ năm 2013 đến 2017, trong đó Học kỳ 2 năm 2013-2014: Trường báo cáo chỉ thu 346 triệu đồng, tương ứng với 1.981 tín chỉ, nhưng số tín chỉ đăng ký học lại lên đến hơn 8.000, “nếu tính ra thành tiền theo quy định tại thời điểm này thì số tiền tương ứng với số tín chỉ trên là hơn 1,4 tỉ đồng”.


Quân nhân “thánh Gióng”?

Ban chỉ huy quân sự quận Dương Kinh, TP Hải Phòng xác minh việc cựu quân nhân 2 tuổi nhập ngũ, 7 tuổi xuất ngũ, báo Tiền Phong đưa tin. Đơn vị này xác nhận đang điều tra, làm rõ thông tin phiếu thẩm định hồ sơ thương tật thể hiện ông Đ. V. Q. (sinh năm 1963, ở quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng) nhập ngũ từ lúc 2 tuổi, xuất ngũ năm 7 tuổi.

Ban chỉ huy quân sự quân Dương Kinh cho biết, “theo hồ sơ gốc ông Q. đang giữ và bản sao lưu tại Ban chỉ huy quân sự quận đều thể hiện ông Q. sinh năm 1963, nhập ngũ năm 1983 và xuất ngũ năm 1986. Việc xuất hiện phiếu thẩm định trên Ban chỉ huy quận cho rằng có thể đã có nhầm lẫn hoặc là do lỗi đánh máy”.

Phiếu thẩm định hồ sơ thương tật của quân nhân “thánh Gióng”. Nguồn: TP


Trẻ em bị bạo hành

Báo Lao Động đưa tin: Đuổi theo đàn gà, bé trai 7 tuổi bị đánh bầm mặt vì nghi ăn trộm. Nạn nhân là bé trai 7 tuổi, ở phường Phú Mỹ, quận 7, Sài Gòn. “Bé trai được cho là thấy đàn gà dễ thương nên chạy theo chơi, nhưng bị chủ đàn gà đánh vì cho rằng bé chạy theo để bắt trộm gà”. Bệnh viện Việt Pháp kết luận, bé bị “đa chấn thương phần mềm vùng đầu mặt”.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi vụ bé 8 tuổi bị đánh bầm tím mặt vì nghi trộm gà: Công an Q.7 nói gì? Công an quận 7 cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, Công an phường Phú Mỹ đã chuyển hồ sơ vụ việc của bé T.M.C bị đánh tại block A, chung cư Belleza, lên Công an quận 7. Tuy nhiên, phía công an không thể cung cấp thông tin của nghi phạm.  


***







No comments: