Friday, June 14, 2019

BẢN TIN NGÀY 14-6-2019 (Báo Tiếng Dân)




14/06/2019

Tin Biển Đông

Bài thứ 4 trong loạt bài trên báo Thanh Niên về 5 năm Trung Quốc xây đảo trái phép ở Trường Sa – Kỳ 4: Đá Chữ Thập. Sau khi chiếm đóng trái phép đá Chữ Thập đợt Hải chiến Trường Sa, từ cuối tháng 2/1988, Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ tại đây và hoàn tất việc tạo lập căn cứ vào tháng 7/1988. “Trung Quốc đã xây dựng 1 tòa nhà bê tông dài hơn 60m. Trên đó có nhiều ăng-ten, gồm ăng-ten radar thu phát sóng cao tần”.

Hệ thống hỏa lực của Trung Quốc đã mở bạt pháo, nhằm vào tàu đi gần. Ảnh: Mai Thanh Hải/ TN

Hiện nay, căn cứ Chữ Thập “đã hoàn tất với cụm 7 nhà lớn ở khu vực trung tâm (cao 5-6 tầng) và 30 công trình nhà trung bình, nhỏ khác; 1 đường băng sân bay dài hơn 3.000 m, rộng 50 m phục vụ các loại máy bay vận tải dân dụng, quân sự, du lịch”.

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi về tình hình Biển Đông: ‘Giọt nước tràn ly’, Philippines đổi chiến lược? Ngay sau vụ tàu cá chở 22 ngư dân Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm, tại thủ đô Manila, “hàng trăm người dân đã đổ xuống đường biểu tình, mang theo những băng rôn, biểu ngữ bày tỏ phản đối hành động của Trung Quốc và yêu cầu chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia và có thái độ cứng rắn hơn với nhà cầm quyền Bắc Kinh”.

GS Jay Batongbacal bình luận: “Nếu cứ để Trung Quốc tiếp tục làm thế, chúng ta có thể sẽ sớm thấy Trung Quốc thường xuyên tông vào và buộc ngư dân của ta rời khỏi biển Đông, giống như cách mà họ đã làm với ngư dân Việt Nam ở vùng biển của Việt Nam”.


Vũ “nhôm” tiếp tục nhận án

Chiều 13/6/2019, sau 4 ngày xử phúc thẩm và nghị án, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm đối với Vũ ‘nhôm’ và 2 cựu thứ trưởng công an, VTC đưa tin. Phía tòa án tuyên phạt bị cáo Vũ “nhôm” 15 năm tù (cộng bản án trước 25 năm tù, tổng hình phạt chung là 30 năm tù), y án với hai cựu thứ trưởng công an, Trần Việt Tân nhận 36 tháng tù và Bùi Văn Thành 30 tháng tù.

Tuy nhiên, TAND cấp cao tại Hà Nội chấp nhận giảm án cho 2 bị cáo Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách. Ông Tuấn nhận án 4 năm tù (cộng với bản án trước 7 năm tù, tổng cộng là 11 năm tù), ông Bách nhận mức án 42 tháng tù, cộng bản án trước 6 năm tù, tổng hình phạt là 9 năm 6 tháng tù.



Sai phạm ở Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN

Ngày 13/6, VKSND Tối cao đã hoàn thành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, báo Lao Động đưa tin. Ông Lê Quang Thung bị truy tố tội vi phạm quản lý tài chính doanh nghiệp và sử dụng sai vốn nhà nước, gây ra thiệt hại 43 tỉ đồng.

Lê Quang Thung, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: BVPL

Cùng bị truy tố với ông Thung còn có 4 đồng phạm, gồm: ông Nguyễn Thành Châu, cựu Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai; ông Nguyễn Hồng Phú, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Phú Riềng; ông Nguyễn Văn Minh, cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và ông Hoàng Văn Sơn, Kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng.

Trang Đời Sống và Pháp Luật đặt câu hỏi: Vì sao nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bị truy tố? Theo cáo trạng, giai đoạn 2007-2008, ông Lê Quang Thung tự ý đứng ra thành lập Công ty thủy sản Đồng Tháp dù không phải ngành kinh doanh chính của Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN. Sau đó, ông Thung chỉ đạo 4 thuộc cấp nói trên sử dụng quỹ phúc lợi của đơn vị, góp vốn hàng chục tỷ đồng vào công ty mới thành lập này.

Đến năm 2014, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều sai phạm của Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN, bao gồm vụ thành lập công ty trái quy định, thao túng công ty con của các đơn vị thành viên. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an điều tra các sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN.


Vụ xăng giả và nhóm lợi ích ở Sóc Trăng

Trưa 13/6, nguyên Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng thừa nhận được Trịnh Sướng bao đi Nhật Bản, báo Tiền Phong đưa tin. Ông Huỳnh Thành Hiệp, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã chịu thừa nhận vụ ông này được “đại gia” xăng giả Trịnh Sướng mời tham gia chuyến đi Nhật và chụp hình lưu niệm.

Ông Hiệp kể, khi về hưu ông có quen biết với một người tên Út Lọt, Chủ cửa hàng xăng dầu số 3, TP Sóc Trăng, ông này là bạn của ông Sướng: “Ông Lọt tâm sự rằng ông Sướng hay tặng xe, tặng nhà tình thương… cho người dân trên địa bàn tỉnh. Sắp tới, ông Sướng có ý mời 5 – 6 anh em cán bộ hưu trí đi Nhật Bản chơi nên tôi cũng đồng ý”.

Ông Huỳnh Thành Hiệp (bìa phải) trong chuyến đi du lịch tại Nhật Bản. Ảnh: Zing/TP

Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng cải chính tin Trịnh Sướng ‘bao’ cán bộ đi Nhật, theo báo Đất Việt. Cơ quan này đính chính rằng “ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì phát biểu đã có một phần nội dung chưa chính xác. Đó là thông tin liên quan đến việc một số lãnh đạo tỉnh được doanh nghiệp mời đi tham quan du lịch nước ngoài”.

Bây giờ thì cựu Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã thừa nhận vụ được “đại gia” xăng giả mời đi Nhật. Nghĩa là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược… rồi lại trống đánh xuôi. Thà các ông lãnh đạo nói thật từ đầu, người dân chỉ thấy họ “móc ngoặc” với tư bản đỏ, còn hơn là nói đi nói lại, để dân nhận ra chúng đã làm bậy, còn tìm cách ém bằng cách nói láo.


Báo Thanh Niên có bài: 389 ơi là 389! Bài viết bình luận về “hiệu quả” của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Sóc Trăng (Ban chỉ đạo 389): “Phó giám đốc Sở, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường của tỉnh thì đi mượn tiền của doanh nhân… Vậy nên câu hỏi: Vì sao nhiều lần kiểm tra doanh nghiệp này mà không phát hiện làm xăng giả, chẳng cần phải có câu trả lời”.


Phí chia tay: Ngụy biện để cướp

Báo Dân Trí dẫn lời ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng nói về “phí chia tay” 3-5 USD/người: “Tôi nghĩ không nhiều, một bữa ăn sáng thôi”. Nhiều hay ít không quan trọng, vấn đề ở chỗ, chuyện thu chi không rõ ràng, người dân không biết các khoản thu bao nhiêu, chi cho cái gì, hay là vào túi riêng của những người đặt ra loại phí này. Dù chỉ là một bữa ăn sáng, cũng là cướp của dân. À mà các ông, bà nghị dạo này thích xài tiền đô nhỉ? Chê tiền Hồ rồi à?

Trang Thế Giới Tiếp Thị dẫn lời Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Ủng hộ đề xuất thu phí ‘chia tay’. Ông Ngô Hoài Chung cho biết: “Tôi ủng hộ đề xuất thu phí visa khi ra nước ngoài, tuy nhiên cần tính toán thu phí ở mức 1 USD”. Đã không minh bạch thì dù mức phí là 1, 3 hay 5 Mỹ kim thì cũng như nhau thôi, mức phí tuy ít, nhưng khi nhân lên hàng triệu người thì sẽ trở thành con số không nhỏ chút nào.


Quyền Vụ trưởng Vụ 3 TTCP “học tập và làm theo” tấm gương Trần Dân Tiên?

Ông Nguyễn Minh Mẫn, quyền Vụ trưởng Vụ 3 Thanh tra Chính phủ, là người luôn khẳng định mình “liêm khiết nhất ngành thanh tra“. Ngày 12/6/2019 là sinh nhật của ông Mẫn, nhà báo Nguyễn Đức đưa tin, ông Mẫn đã đặt rất nhiều vòng hoa để tặng… chính ông! Ông Đức viết: “Qua xác minh các nguồn tin trong cơ quan ông Mẫn cho biết: số hoa này ông Mẫn tự đặt để tặng mình. Cán bộ ở TTCP nói ông này rất thích nổ và thể hiện“.

Các vòng hoa có dòng chữ tự ca tụng chính ông Mẫn, như: “Cả cuộc đời vì nước – 60 năm hoàn thành xuất sắc kiếp làm người – Chúc mừng thí chủ an lành và hạnh phúc – Chúc mừng ông 60 năm đau thương và gian khổ – Chúc mừng ông 60 đầy vinh dự và tự hào – 60 năm đầy gian nan bất hạnh“. Ông Nguyễn Minh Mẫn đang “học tập và làm theo” tấm gương… Trần Dân Tiên?

Vòng hoa chúc mừng sinh nhật ông Nguyễn Minh Mẫn có dòng chữ: “Chúc mừng Ông cả cuộc đời hy sinh vì dân vì nước”. Ảnh: Nguyễn Đức


Xử phúc thẩm BS Hoàng Công Lương: Chưa rõ nguyên nhân đã kết tội?

Phiên xử ngày 13/6, đại diện Bộ Y tế đề nghị xem xét lại nguyên nhân tử vong của các nạn nhân vụ tai biến chạy thận, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin. Bài viết lưu ý, Bộ Y tế đã có Công văn mật gửi một số cơ quan chức năng, phủ nhận kết luận của Viện Khoa học hình sự và Bộ Công an khi khẳng định nguyên nhân gây tử vong của 8 nạn nhân chạy thận tại BV Hòa Bình là do ngộ độc florua. Bộ Y tế cho rằng, nếu nồng độ Florua cao thì không chỉ 8 nạn nhân tử vong mà chắc chắn cả 18 bệnh nhân chạy thận vào thời điểm đó sẽ tử vong.

Đối đáp tại tòa, đại diện Viện Khoa học hình sự khẳng định, viện này chịu trách nhiệm pháp lý về các kết luận giám định của Viện: “Một lần nữa, Viện Khoa học hình sự khẳng định lại việc Bùi Mạnh Quốc sử dụng axit Flohydric và HCl trong sục rửa đường ống đã dẫn đến hệ thống RO2 nhiễm florua là nguyên nhân dẫn đến cái chết của các nạn nhân”.

Tuy nhiên, Viện Khoa học hình sự thừa nhận chưa thể lý giải về 3 chiếc van hỏng, theo Viet Times. TS. Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế cho rằng, Viện Khoa học hình sự chưa phân tích ảnh hưởng của 3 chiếc van này tới hệ thống lọc nước, đây mới chính là nguyên nhân khiến cho chất độc, nước ô nhiễm không được cách ly với bệnh nhân, gây ra cái chết của 8 người.

Sau phiên tòa, Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang cho biết: “Các nhà khoa học của Bộ Y tế hoàn toàn thất vọng với cách trả lời của Viện Khoa học hình sự”. Trước câu hỏi của Bộ Y tế về 3 chiếc van hỏng của hệ thống RO 1, “đại diện của Viện Khoa học hình sự không lý giải được vấn đề này, nhưng vẫn cứng rắn bảo lưu quan điểm đã làm đúng việc”.

Trong phiên xử chiều 13/6, người nhà nạn nhân xin giảm án cho bị cáo Hoàng Công Lương, VOV đưa tin. Đại diện gia đình các nạn nhân thiệt mạng khẳng định, họ thống nhất xin giảm án cho BS Lương: “Trước khi sự cố xảy ra, bác sĩ Lương chăm sóc bệnh nhân rất chu đáo, chúng tôi coi bệnh viện như ngôi nhà thứ hai. Sự cố xảy ra không ai mong muốn, trong đơn kháng cáo, chúng tôi xin với HĐXX miễn truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Còn BS Lương khi được hỏi vụ giao quyền đơn nguyên thận nhân tạo, đã trả lời: “Bản thân bị cáo không được ai phân công quản lý khoa đơn nguyên thận nhân tạo. Đối với việc sửa chữa vật tư, sau mỗi lần sửa chữa bảo dưỡng RO phòng vật tư sẽ thông báo cho đơn vị”.

Báo Người Đưa Tin có bài: ĐBQH lên tiếng về việc nhận tội của bác sĩ Hoàng Công Lương. ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn bình luận: “Có thể Hoàng Công Lương quá mệt mỏi về tâm lý, thực tế Lương cũng đã quá mệt mỏi, trầm cảm và đã điều trị ở bệnh viện. Như vậy, áp lực về tinh thần có thể làm cho Hoàng Công Lương không còn kiên định nữa”.

LS Lê Văn Luân bình luận: “Việc bác sỹ nhận tội, từ chối mọi luật sư, xin hưởng án treo (như một sự ân huệ), chỉ khiến chúng ta lo lắng về ngành y và một nền tư pháp. Những điều bất thường vốn vẫn là những điều bình thường mà người ta đã quá quen thuộc – kêu oan – từ chối luật sư – truyền thông định hướng bất lợi hoặc kết tội – nhận tội và xin giảm án“.



Cán bộ phá rừng

Lực lượng chức năng huyện Bạch Thông, Bắc Kạn phát hiện nhiều cây gỗ nghiến chặt hạ trái phép, VOV đưa tin. Theo đó, “nhiều cây gỗ Nghiến (thuộc nhóm 2A quý hiếm) bị chặt hạ trái phép tại 2 xã Sỹ Bình, Vũ Muộn. Tổng khối lượng gỗ bị chặt hạ lên đến gần 100m3”. Ông Hà Ngọc Bảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bạch Thông cho rằng: “Để vụ việc xảy ra là do vừa qua UBND xã chưa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời”.

Báo Đất Việt dẫn lời Bí thư Đảng ủy phá cây của dân: ‘Tôi ngu đột xuất‘. Vụ ông Trần Văn Cân, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, bị tố cáo có hành vi chặt phá cây trồng của dân, ông Cân nói: “Đây là cái ngu đột xuất của tôi, không có cái ngu nào giống cái ngu như vậy nữa. Mình là cán bộ lãnh đạo xã, có nhận thức và trách nhiệm mà lại để xảy ra việc đáng tiếc như vậy. Vì việc này mà mấy hôm nay tôi mất ăn mất ngủ, bỗng dưng tôi lại đánh mất mình”.


300 thi thể thai nhi ở nhà máy rác

Báo Người Lao Động có bài: Thông tin mới nhất vụ hơn 300 thi thể thai nhi ở nhà máy rác. Ngày 13/6, Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế, đề nghị Sở Y tế tỉnh Cà Mau xác minh thông tin vụ Công ty Công Lý, chủ đầu tư Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau trong 7 năm hoạt động (từ năm 2012), nhà máy phát hiện và chôn cất cho hơn 300 thi thể thai nhi lẫn theo nguồn rác được tập kết vào nhà máy.

Trước đó, Công ty Công Lý đã có tờ trình gửi đến UBND tỉnh Cà Mau xin hỗ trợ xử lý tình trạng thai nhi tại nhà máy xử lý rác, trong đó cho biết, “từ khi hoạt động cho đến nay đơn vị đã phát hiện và chôn cất cho hơn 300 thi thể thai nhi lẫn theo nguồn rác tập kết”.


***







No comments: