Wednesday, June 12, 2019

BẢN TIN NGÀY 12-6-2019 (Báo Tiếng Dân)




12/06/2019

Tin Biển Đông

Facebooker Duan Dang đưa tin, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 982 xuống Biển Đông. Tác giả lấy tin từ bản đồ trực tuyến của trang Marine Traffic, cho biết, tính đến khoảng 19 giờ đêm 10/6, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 (Haiyang Shiyou 982) của Trung Quốc đã xuất hiện ở vị trí có tọa độ 17°9’18.25″N/109°58’43.32″E. Có ít nhất 3 tàu kéo và tàu hỗ trợ xa bờ các loại đã hộ tống giàn khoan này.

Tác giả viết: “Hiện tàu Hải Dương Thạch Du 982 có dấu hiệu đã dừng lại tại khu vực nói trên, nhưng chưa thể biết chắc nó có còn tiến xuống phía nam nữa hay không. Vị trí của Hải Dương Thạch Du 982 cách Tam Á khoảng 65 hải lý về phía nam và cách Đà Nẵng khoảng 110 hải lý về phía đông bắc“. Vẫn không thấy báo chí trong nước đưa tin về sự kiện này.

Bài thứ hai trong loạt bài trên báo Thanh Niên về 5 năm Trung Quốc xây đảo trái phép ở Trường Sa – Kỳ 2: Bãi đá Ga Ven (TN). Suốt 5 năm qua, Trung Quốc không ngừng xây đảo nhân tạo, trong khi Việt Nam chỉ làm được mỗi việc là cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao “quan ngại” và lặp đi lặp lại rằng “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Hội nghề cá Việt Nam phản đối Trung Quốc cướp mực của ngư dân, theo RFA. Vụ tàu cá QNa – 91441-TS của ngư dân VN bị tàu Trung Quốc số hiệu 46305 đến cướp 2 tấn mực khô vào ngày 2/6, Hội Nghề cá Việt Nam vừa lên tiếng phản đối, cho rằng Trung Quốc “cướp phá tài sản của ngư dân Việt Nam và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cũng như vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam”. Toàn là “võ mồm” như mọi khi.

Cảnh sát biển Philippines vừa phát hiện tàu chiến Trung Quốc tiến sát bãi cạn Scarborough, báo Pháp Luật TP HCM dẫn tin từ trang Diplomat. Ông Armand Balilo, người phát ngôn của Lực lượng Cảnh sát biển Philippines cho biết, tàu chiến này bị phát hiện hôm 10/6 cách bãi cạn Scarborough khoảng 7-12 hải lý, được hộ tống bởi hai tàu cảnh sát biển và hai thuyền nhỏ của lực lượng dân quân biển Trung Quốc.

Ông Balilo nói: “Ngoại trừ những câu tra hỏi của Cảnh sát biển Trung Quốc về sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực này, không có sự cố nào xảy ra suốt chuyến tuần tra”.

Zing dẫn lời đại diện tuần duyên Mỹ: Chúng tôi ở đây để giúp các quốc gia Biển Đông. Bà Linda Fagan, phó chỉ huy Tuần duyên Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, cho biết: “Sự hiện diện ở Biển Đông và các khu vực khác sẽ giúp thực thi chủ quyền của các quốc gia đối tác trong vùng biển tranh chấp. Chúng tôi rất quan tâm đến việc tham gia cùng các nước đối tác trong việc xây dựng năng lực hàng hải của họ theo cách có ích”.

Hai tàu tuần tra USCGC Bertholf và USCGC Stratton của lực lượng Tuần duyên Mỹ đang được triển khai cùng các tàu chiến của Hạm đội 7 đóng quân tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản, với mục đích giúp đỡ việc thực thi luật hàng hải và xây dựng năng lực nghề cá cho các nước trong khu vực. Riêng tàu tuần tra USCGC Bertholf gần đây đã tham gia diễn tập gần bãi cạn Scarborough với cảnh sát biển Philippines.


“Củi” ở Vinashin

Báo Lao Động có bài: Đại án Oceanbank: Cựu sếp Vinashin bị đề nghị phạt tới 20 năm tù. Trong phiên xử chiều 11/6, sau khi đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, khoan hồng và các tình tiết khác, VKS đề nghị các mức án: Phạt 18-20 năm tù cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sự, cựu Chủ tịch HĐTV Vinashin; phạt 18-20 năm tù cho bị cáo Trần Đức Chính, cựu Kế toán trưởng; phạt 7-8 năm tù cho bị cáo Trương Văn Tuyến, cựu TGĐ và hình 8-9 năm tù cho bị cáo Phạm Thanh Sơn, cựu Phó TGĐ.

Đại diện VKS cho biết thêm, “các bị cáo phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền chi ngoài lãi hơn 105 tỉ đồng. Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận bản thân có nhận tiền chi lãi ngoài, chiếm dụng cá nhân nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm về số tiền này”.

TB Kinh Tế Sài Gòn có bài: Ai sẽ giúp DATC gánh khoản nợ 20.500 tỉ đồng của Vinashin. Bài viết lưu ý, trong lúc TAND TP Hà Nội đang xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhà nước” đối với một số cựu lãnh đạo Vinashin, Công ty DATC công bố Báo cáo tài chính 2018 cho thấy, trong số các doanh nghiệp mà DATC tái cơ cấu, đến nay Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) là con nợ lớn nhất, với tổng các khoản phải thu là 20.500 tỉ đồng (khoảng 931 triệu Mỹ kim).

Bài viết lưu ý, trong tổng số 20.614 tỉ đồng là nợ phải thu dài hạn của DATC thì khoản nợ phải thu của SBIC (tiền thân là Tập đoàn Vinashin) chiếm tới 99,5%. “Còn tính cụ thể thì SBIC đang nợ DATC 15.406 tỉ đồng trái phiếu phát hành trong nước, quốc tế và 4.281 tỉ đồng phát hành hối phiếu”.


Dịch tả heo: Đã lan tới thành Hồ

Chiều 11/6, Sở NN&PTNT TP HCM chính thức thông báo, phát hiện ca bệnh dịch tả heo Châu Phi đầu tiên tại TP.HCM, VOV đưa tin. Trước đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phát hiện một trường hợp trong đàn heo nuôi tại hộ của bà Lê Thị Ngọc Cẩm, phường Phú Hữu, Quận 9 có triệu chứng của bệnh dịch tả heo Châu Phi. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm và nhận được kết quả dương tính với bệnh dịch này.
Cơ quan chức năng dự kiến trong thời gian tới sẽ “triển khai cấp thuốc sát trùng cho 7 hộ chăn nuôi với tổng đàn 506 con heo tại khu vực phường Phú Hữu, liên tục mỗi ngày trong 7 ngày kể từ ngày 11/6, tiêu độc định kỳ 3 lần/tuần trong 3 tuần kế tiếp. Các hộ này tạm thời không được xuất bán heo trong vòng 30 ngày”.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết đã cùng với UBND quận 9 tiêu huỷ 163 con lợn nhiễm dịch tả châu Phi ở Sài Gòn, theo Zing. Trong đàn lợn đầu tiên ở TP HCM bị phát hiện nhiễm dịch tả heo, có 23 lợn nái, 112 lợn thịt, 28 lợn con, cơ quan chức năng đã tiêu hủy hết, cùng toàn bộ thức ăn thừa tại khu vực đất xa khu dân cư ở phường Phú Hữu.

Bước tiếp theo, 29 hộ nuôi lợn khác với tổng đàn 2.422 con, có bán kính 3 km từ điểm dịch thuộc các phường Long Trường, Trường Thạnh (quận 9), Bình Trưng Đông (quận 2), cũng sẽ được các quận cấp thuốc sát trùng để khử độc định kỳ trong 4 tuần.

Dịch tả heo châu Phi lan ra các xã đảo ở Kiên Giang, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Chiều 11/6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang xác nhận, có thêm 2 đàn heo với hơn 70 con của 2 hộ nuôi ở xã đảo Nam Du và xã Hòn Tre bị dịch tả heo châu Phi. Sau khi dịch bệnh xuất hiện ở đàn heo 33 con của bà Nguyễn Sol Pha ở huyện Tân Hiệp vào cuối tháng 5/2019, “nay dịch tả heo châu Phi đã vượt biển lan tới các xã đảo của huyện Kiên Hải. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh rất phức tạp”.



Các nạn nhân kiện Formosa

Diễn biến mới vụ Formosa: Các nạn nhân kiện đòi 4 triệu đôla tại Đài Loan, BBC đưa tin. Theo đó, một nhóm đại diện cho gần 8.000 nạn nhân VN, bị ảnh hưởng bởi thảm họa tràn hóa chất làm hư hại khoảng 200 km bờ biển VN và hủy hoại sinh kế của nhiều người dân hồi năm 2016, đã đệ đơn kiện tại Đài Bắc, chống lại các thành viên hội đồng quản trị và cổ đông của Tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan.

Dù trước đó, Formosa tuyên bố đã trả 500 triệu Mỹ kim cho chính phủ VN, nhưng các nhóm vận động nhân quyền khẳng định, “nhiều nạn nhân đã không nhận được bất kỳ khoản tiền nào, những người đã nhận thì nhận được quá ít để phục hồi từ những mất mát của họ và môi trường vẫn còn chưa được dọn dẹp sạch sẽ”.

Các nhà hoạt động đấu tranh tại Đài Loan đòi quyền lợi cho các nạn nhân Formosa ở Việt Nam. Nguồn: BBC

Một ngư dân họ Nguyễn cho biết: “Vụ ô nhiễm gây ra một tác động lớn đến tôi và gia đình tôi… Trước đây, tôi có một chiếc thuyền và đánh cá kiếm sống, nhưng nước bị nhiễm độc và cá chết hết. Ngay cả sau một thời gian dài trôi qua, nước vẫn không an toàn, vẫn có ít cá và ngay cả khi dân làng có thể đánh cá và đề nghị bán với giá rẻ, không ai dám mua”.


Tin môi trường

VTC có bài: Đám khói vàng như nghệ bao phủ bầu trời ở Hải Dương. Chiều 11/6, ông Vũ Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc xác nhận, mấy ngày nay, nhiều người dân sống quanh Khu công nghiệp Phúc Điền, ở xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng lo sợ hít phải khí độc khi thấy một lượng khói màu vàng bao phủ bầu trời vào ngày 8/6.

Ông Thọ kể: “Qua thông tin từ Ban quản lý Khu công nghiệp Phúc Điền, chúng tôi được biết đây là sự cố bình dập mạ kim loại. Sau mấy phút thì công ty dập được”.  Còn ông Nguyễn Xuân Lịch, Trưởng Phòng TN&MT huyện Cẩm Giàng cho biết, sự cố khói vàng bao phủ diện rộng xuất phát từ Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam.

Đám khói màu vàng như nghệ bao phủ Khu công nghiệp Phúc Điền trong ngày 8/6. Nguồn: VTC

Cá chết trắng sông Tiền, người nuôi đau xót bán rẻ mỗi xô 20.000 đồng, VietNamNet đưa tin. Tại khu vực cồn Thới Sơn, TP Mỹ Tho, Tiền Giang và cồn Tân Vinh, huyện Châu Thành, Bến Tre, đang xảy ra hiện tượng cá lồng bè hết bất thường. Cá chết chủ yếu là loại điêu hồng thương phẩm gây thiệt hại nặng cho người nuôi.

Một người nuôi cá điêu hồng ở cồn Thới Sơn nói: “Trước đây mỗi ngày cá chết khoảng 7-10 kg, nay tăng lên 70-100 kg/bè. Hiện tôi kêu người đến bán mỗi xô cá 20.000 đồng. Cá này họ mua về chế biến làm thức ăn cho động vật”.

Cá trên trắng trên sông Tiền, người nuôi đang rất lo lắng. Nguồn: VNN

Báo Tiền Phong đưa tin: Báo động các tỉnh lân cận ô nhiễm hơn nội đô Hà Nội. Theo bài viết, tình trạng này đã kéo dài nhiều ngày qua, mỗi chiều tối, “chất lượng không khí ở vùng ven đô Hà Nội và các tỉnh lân cận lại ô nhiễm đột ngột, chẳng hạn như 19h ngày 7/6, điểm đo Xuân Ninh- Xuân Trường (Nam Định) không khí lên ngưỡng nguy hại với chỉ số đánh giá chất lượng không khí AQI lên tới 218, mức xấu”, còn ở Phủ Lý (Hà Nam) chỉ số AQI là 161 (chất lượng không khí kém), ở Bắc Ninh là 153 (chất lượng không khí kém).



Cán bộ phá rừng

Zing đưa tin: Chủ tịch xã bị tố chặt phá rừng của dân. Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết, Huyện ủy đang chờ giải trình ông Trần Văn Cân, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân, người bị tố chặt phá rừng của ông Nguyễn Đông, ở thôn Điền Lộc, xã Phong Xuân.

Ông Đông kể, sáng 8/6, bốn cây tràm nằm trên đất rừng được cấp quyền sử dụng của ông, đã bị ông Trần Văn Cân tự ý chặt phá. Bài báo có đoạn: “Người nhà ông Đông cho rằng ông Cân đã dùng rựa chặt, gọt vỏ quanh thân với mục đích làm cây chết. Việc làm của ông Cân bị phát hiện quả tang, có nhiều người làm chứng”.

Báo Tiền Phong dẫn lời Bí thư Đảng ủy xã bị ‘tố’ chặt phá cây của dân: Bỗng dưng tôi đánh mất mình. Ông Trần Văn Cân đã xin lỗi gia đình ông Đông, nhưng lại phủ nhận thông tin cho rằng mình trực tiếp chặt phá cây và nói rằng thủ phạm là ông Nguyễn Văn Trí, người đi cùng ông Cân, dù ông Trí không hề có mâu thuẫn với gia đình ông Đông.

Ông Cân trình bày: “Không hiểu trời xui đất khiến thế nào tôi lại không ngăn cản anh Trí chặt gọt cây của hộ anh Đông … Vì việc này mà mấy hôm nay tôi mất ăn mất ngủ, bỗng dưng tôi lại đánh mất mình”.
Công an tỉnh Nghệ An vừa khởi tố thêm 5 cán bộ tại BQL rừng phòng hộ huyện Yên Thành, theo VOV. Các bị can bị khởi tố gồm: Nguyễn Thọ Vinh, cựu Kế toán trưởng BQL rừng phòng hộ Yên Thành; Ngô Sỹ Lợi. Phó phòng Kỹ thuật; Hồ Đình Lai, Trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4; Phan Thị Vịnh, Kế toán viên; Nguyễn Thị Trâm, Thủ quỹ.

Trước đó, vào năm 2014, Công ty Đông Bắc tiến hành thuê đất rừng tại huyện Yên Thành, ông Phan Tiến Sỹ, cựu thủ trưởng của nhóm cán bộ nói trên đã lập 3 bộ hồ sơ khống để lấy tiền đền bù cây trên đất rừng của Công ty Đông Bắc, chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng. Ngày 6/5, công an đã khởi tố vụ án và tạm giam ông Sỹ cùng một số đồng phạm.

VOV đặt câu hỏi: Khắc phục dự án điện vi phạm luật QLBVR ở Gia Lai như thế nào? Bài viết bàn về dự án “Đường dây 220kV Pleiku 2 – An Khê”, một đơn vị thi công dự án đã vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Ông Hà Thanh Xuân, PGĐ Công ty Truyền tải điện Gia Lai thừa nhận: “Ngay khi chúng tôi nhận được thông tin đơn vị thi công để xảy ra sai sót khi thi công móng trụ điện tại lâm phần Ban Quản lý rừng Bắc An Khê, chúng tôi đã rất cầu thị, tích cực… giải quyết sự việc”.


***






No comments: