08/06/2019
Một số người Việt đang chia sẻ tin Đại tá Nguyễn Từ
Huấn của Hải quân Mỹ vừa trở thành Phó Đề đốc (Rear Admiral lower half – RDML)
trên mạng xã hội. Một số người khác thì bán tín, bán nghi vì chưa thấy thông
tin này trên hệ thống truyền thông Mỹ.
Đại tá Hải quân Nguyễn Từ Huấn được gắn huy hiệu
trong một sự kiện ở thủ đô Washington, ngày 8 tháng 1, 2018.
Ngày 6 tháng 6, trang facebook dành cho thân hữu và
gia đình của Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Uniformed Services
Association - VAUSA) đã gửi lời chúc mừng Đại tá Huấn (1).
Tìm kiếm kỹ hơn, có thể thấy đề nghị chỉ định Đại tá
Huấn làm Phó Đề đốc trên trang web của Quốc hội Hoa Kỳ. Đề nghị đã được Tổng thống
chuyển cho Thượng viện Hoa Kỳ ngày 5 tháng 6 và đang được Ủy ban Quân vụ Thượng
viện xem xét (2).
Nói cách khác, nếu không có gì thay đổi, cộng đồng
người Mỹ gốc Việt sẽ có thêm một vị tướng sau những: Lương Xuân Việt (Thiếu tướng
Lục quân), William H. Seely III (Chuẩn tướng Thủy quân lục chiến), Châu Lập Thể
Flora (Chuẩn tướng Lục quân).
***
Trên Internet không có nhiều thông tin về Đại tá Huấn
song ít nhất qua Internet cũng có thể biết, Đại tá Huấn làm việc tại Bộ Tư lệnh
Hệ thống Kỹ thuật Hải quân Mỹ - Naval Sea Systems Command – NAVSEA).
Năm ngoái, Đại tá Huấn được NAVSEA và Bộ Tư lệnh Hệ
thống Hải chiến - Chiến tranh Không gian (Space and Naval Warfare Systems
Command - SPAWAR) chọn trao phù hiệu Engineering Duty Officer Qualification
(phù hiệu EDO) (3).
Tạm dịch EDO là Sĩ quan Thường vụ Kỹ thuật vận hành.
Trong Hải quân Mỹ, phù hiệu EDO là bằng chứng, chứng tỏ khả năng đặc biệt của một
sĩ quan Hải quân. Theo Wikipedia thì Hải quân Mỹ chỉ có chừng 800 sĩ quan mang
phù hiệu này (4).
Các EDO là những sĩ quan giữ vai trò trụ cột cả về
thiết kế, mua sắm, đóng, bảo trì, sửa chữa, chuyển đổi, thanh lý tất cả các loại
tàu của Hải quân Mỹ (chiến hạm, tàu ngầm, hải vận hạm, hàng không mẫu hạm), lẫn
trang bị các hệ thống (vũ khí, liên lạc, mạng máy tính, mạng kiểm soát và vận
hành) trên những tàu này.
Nhìn một cách tổng quát, các EDO của Hải quân Mỹ là
những cá nhân thật sự xuất sắc về tri thức, kỹ năng, giàu kinh nghiệm, sau khi
trải qua một tiến trình thẩm định kỹ lưỡng, được xác nhận là đủ tư cách nắm giữ
vai trò chỉ huy hoặc là cố vấn về tất cả các khía cạnh liên quan đến kỹ thuật của
các phương tiện thuộc Hải quân Mỹ (5).
Theo hệ thống truyền thông quân đội Mỹ, dịp 30 tháng
4 vừa qua, Captain (cách mà lực lượng hải quân và tuần duyên Mỹ gọi những sĩ
quan mang cấp bậc đại tá) Huan Nguyen đến Guam, tham dự lễ khánh thành Đài tưởng
niệm “Lone Sailor” (6).
Đài tưởng niệm “Lone Sailor” vừa là biểu tượng liên
kết giữa Hải quân và Hàng hải, vừa ghi lại sự kiện Guam đã từng là nơi trú thân
của hàng chục ngàn người Việt phải bỏ xứ tha hương khi quân đội miền Bắc Việt
Nam tràn vào Sài Gòn.
Hồi 30 tháng 4 vừa qua, Captain Huan Nguyen đến Guam
không chỉ nhằm đại diện Hải quân Mỹ mà còn vì là một trong hàng chục ngàn người
Việt từng được Hải quân Mỹ vớt trên biển cách nay 44 năm, rồi đưa đến Guam…
Hôm ấy, ông đại tá hải quân này kể rằng, 44 năm trước,
khi đến Guam, ông là một thiếu niên 14 tuổi, đơn độc vì cha, mẹ, anh, chị, em đều
đã bị giết,… nước Mỹ đã tiếp nhận những kẻ xa lạ như ông, cho ông hy vọng, cơ hội...
Trên Internet có một trang web do Daniel Pham lập ra
và điều hành với tham vọng chia sẻ những điều tốt để hình thành tính cách tốt,
giúp cuộc sống tốt hơn. Daniel Pham còn là tác giả Great Quotes và theo những
gì Daniel chia sẻ thì Captain Huan Nguyen từng viết vài dòng, trong đó trích dẫn
nguyên văn tâm tình của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông
cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” để khuyến khích Daniel tiếp tục
theo đuổi ước vọng của chàng trai này (6).
***
Cũng tuần này, khi bàn về hòa giải dân tộc, một số
người Việt chia sẻ với nhau tấm ảnh Saigon Execution (Hành quyết tại Sài Gòn)
do Eddie Adams chụp tại Sài Gòn vào Tết Mậu Thân năm 1968 đã được chỉnh sửa lại.
Saigon Execution từng được hệ thống truyền thông
phương Tây và hệ thống tuyên truyền của khối Cộng sản sử dụng như một bằng chứng
tố cáo “tội ác Mỹ Ngụy”, sự “phi nghĩa” của cuộc chiến chống cộng sản miền Bắc
xâm chiếm miền Nam.
Trong Saigon Execution, người ta có thể thấy ông
Nguyễn Ngọc Loan, lúc đó là Chuẩn tướng Tư lệnh Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa,
dùng súng ngắn bắn vào đầu một tù binh Việt Cộng mặc thường phục và hai tay
đang bị trói!
Năm 1969, Saigon Execution đã giúp Eddie Adams nhận
giải Pulitzer về ảnh báo chí chụp tại hiện trường… Saigon Execution từng làm tướng
Loan và chính thể Việt Nam Cộng hòa bị chỉ trích kịch liệt vì... vô nhân đạo –
bắn một tù binh đã bị vô hiệu hóa.
Tuy nhiên theo thời gian, sự thật tưởng vậy mà không
phải vậy...
Một số cựu chiến binh cộng sản bảo “nạn nhân” là
Nguyễn Văn Lém, còn được gọi là Bảy Lốp (7), số khác bảo “nạn nhân” là Lê Công
Nà (8). Còn chính quyền CSVN chỉ dùng Saigon Execution để tố cáo “tội ác Mỹ Ngụy”,
nêu cao “chính nghĩa” của cuộc chiến “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”
chứ chưa bao giờ chính thức xác định danh tính, thân thế - sự nghiệp của “nạn
nhân”.
Vì sao? Có thể vì làm như thế sẽ khó giải thích tại
sao “nạn nhân” lại tham gia vào việc biến thủ đô của một quốc gia có chủ quyền
thành mặt trận, giết nhiều thường dân, trong đó có gia đình một trung tá tên là
Nguyễn Tuấn – Chỉ huy trưởng Trường Thiết giáp, tọa lạc tại Gò Vấp, nên mới bị
tướng Loan hành quyết ngay tại mặt trận.
Năm ngoái – nhân dịp 50 năm xảy ra sự kiện Tết Mậu
Thân, ông Hoàng Tất Thắng đã sưu tầm nhiều tài liệu, nhân chứng, thực hiện bài
viết “Một thời điểm: Hai tấm hình - hai số phận và tội ác của truyền thông
thiên tả” (9).
Chính quyền CSVN chỉ dựa vào “Saigon Execution” của
AP mà lờ đi nhiều hình ảnh khác cũng trên AP về Tết Mậu Thân ngay tại Sài Gòn.
Chẳng hạn tấm ảnh minh họa cho sự kiện Trung tá Nguyễn Tuấn bị chặt đầu, vợ (Từ
Thị Như Tùng) và sáu đứa con bị bắn bằng tiểu liên, chỉ có một bé trai may mắn
trốn thoát.
Nguyễn Văn Lém – Bảy Lốp hay Lê Công Nà chính là chỉ
huy vụ thảm sát đó và nhiều vụ thảm sát khác ở Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân… Năm
1998, sau khi tướng Loan qua đời, Eddie Adams viết trên Time số ra ngày 27
tháng 7 về “Saigon Execution”: Tấm ảnh đó có hai người bị giết, tên Việt Cộng bị
ông tướng bắn và ông tướng bị tôi giết bằng máy ảnh của tôi. Dù không có ý đồ
ngụy tạo nhưng đôi khi một tấm ảnh có thể nói dối. Tôi xin lỗi…
Chẳng phải Sài Gòn, những cuộc thảm sát đã xảy ra tại
nhiều nơi ở miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968. Bé trai con của Trung tá Nguyễn
Tuấn, không chỉ đội tang cha, mẹ, anh, chị, em. Đứa bé trai ấy còn đội thêm
tang cậu ruột: Thiếu tá Từ Tôn Khán (Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng nông thôn tỉnh
Quảng Nam, về Huế ăn Tết với đại gia đình, bị các đồng chí của những Nguyễn Văn
Lém – Bảy Lốp, Lê Công Nà dùng cha mẹ già uy hiếp buộc ra hàng rồi bị đập đầu bằng
búa bửa củi...) và những người thân khác.
Hồi đầu tuần, ai đó đã chỉnh sửa “Saigon Execution”
– thay khẩu súng trên tay tướng Loan bằng một bông hoa tím. Một số người đã
chuyển “Saigon Execution” được chỉnh sửa như một đề nghị xóa bỏ hận thù. Có khá
nhiều người không tán thành, không phải vì cố chấp mà vì chính quyền CSVN vừa
kêu gọi hòa giải, vừa xem những Nguyễn Văn Lém – Bảy Lốp, Lê Công Nà là anh
hùng, hữu công, qua đó phải tri ân đảng (10)…
Đứa trẻ may mắn trốn thoát khỏi cuộc thảm sát cách
nay 51 năm, may mắn trốn thoát thêm một lần nữa cách nay 44 năm sắp trở thành một
vị tướng của Hải quân Mỹ. Ngẫu nhiên cả hai sự kiện chỉnh sửa “Saigon
Execution” và Tổng thống Mỹ đề cử Nguyễn Từ Huấn làm Phó Đề đốc Hải quân Mỹ diễn
ra trong cùng một tuần. Cuộc đời đúng là đầy bất ngờ!
----------------------------------
Chú thích
(7) https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Văn_Lém
(8) https://vi.wikipedia.org/wiki/Lê_Công_Nà
--------------------------------
CÙNG CHỦ ĐỀ
Nguyễn
QuâN -
Sinh Hoạt QLVNCH 6/6/2019
.
Hoàng Sa Paracel 6/6/2019
No comments:
Post a Comment