Quỳnh
Hương - Việt Tân
05/05/2019
Nạo phá thai ở Việt
Nam đang là một vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội mà chưa có biện pháp
nào thật sự khắc phục tệ nạn đang lan tỏa trong xã hội. Đặc biệt, tỉ lệ nạo phá
thai không an toàn dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường cho phụ nữ cũng là vấn đề rất
đáng báo động.
Tổ chức Y Tế Thế Giới
(WHO) xếp Việt Nam vào danh sách một trong 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế
giới. Nước có số ca phá thai cao nhất toàn cầu là Trung Quốc (7,93 triệu ca),
thứ hai là Nga (2,28 triệu). Việt Nam ở vị trí thứ ba với 1,52 triệu ca mỗi
năm. Hai vị trí thứ 4 và 5 thuộc về Mỹ (gần 1,4 triệu ca) và Ukraina (hơn
600.000 ca).
Mỗi năm cả nước có
khoảng 250.000-300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức (chưa tính những bệnh
viện, phòng khám tư). Khảo sát mới đây của một tổ chức thực hiện với 3.000
thanh niên tại 15 quốc gia, có đến 64,5% thanh niên có quan hệ tình dục không
an toàn. Hàng năm thế giới có 208 triệu ca mang thai và 41% trong số đó là mang
thai ngoài ý muốn, nửa trong số này sẽ phá thai.
Ước tính 33 triệu
ca mang thai ngoài ý muốn mỗi năm do ngừa thai thất bại hoặc sử dụng biện pháp
ngừa thai không đúng cách. 11% ca sinh con rơi vào các bà mẹ trẻ trong độ tuổi
18-19, tương đương với khoảng 16 triệu ca mang thai vị thành niên mỗi năm.
Theo thống kê của Bệnh
viện Từ Dũ – một trong những bệnh viện phụ sản lớn nhất Việt Nam thì chỉ riêng
sáu tháng đầu năm 2017, bệnh viện nầy đã có 14.159 ca phá thai (trung bình tiếp
nhận 80 ca mỗi ngày).
Theo nhiều chuyên
gia lĩnh vực sinh sản, những con số được công bố chỉ là bề nổi của tảng băng
chìm, số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều. Thực tế này khiến bất cứ ai cũng phải
giật mình về tình trạng nạo phá thai đáng báo động ở nước ta và mối nguy hại với
thế hệ trẻ.
Nạo phá thai dù một
lần hay nhiều lần đều để lại những hậu quả nặng nề về sức khỏe cũng như tâm lý.
Nhiều bé gái đến bỏ thai khi cơ thể đang trong giai đoạn phát triển mới qua tuổi
dậy thì, cho nên rất nhiều biến chứng nguy hiểm xảy ra như: thủng tử cung, thủng
ruột, viêm phúc mạc, tổn thương niêm mạc tử cung, dính buồng trứng, tắc vòi trứng,
vĩnh viễn mất đi khả năng làm mẹ, nhiễm trùng, băng huyết, sót nhau, chửa ngoài
dạ con, thậm chí tử vong…
Còn nạo phá thai tại
các phòng mạch tư nhân không có chuyên môn có thể dẫn đến vô sinh hoặc đe dọa
nghiêm trọng tính mạng người mẹ. Vô sinh đối với phụ nữ chưa có con và nhất là
đối với tuổi vị thành niên là một nỗi đau cả về thể chất và tâm hồn, gây ám ảnh
lâu dài.
Hiện nay, những giá
trị đạo đức lại bị sa sút và sói mòn, bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất.
Hơn nữa trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa làm cho con người càng đánh mất
lương tâm: họ có thể làm bất kỳ điều gì vì mục đích quyền lợi cá nhân, và ngay
cả việc không cần suy nghĩ để phá bỏ một thai nhi chưa kịp chào đời. Vấn đề này
không chỉ đem đến sự nhức nhối lo lắng cho các bậc làm cha làm mẹ, mà còn gây ảnh
hưởng bức xúc đến thực trạng xã hội và những người có lương tâm trách nhiệm về
vấn đề này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạo phá
thai lan tràn hiện nay tại Việt Nam.
1/ Bản thân người nạo phá
Xuất phát từ thiếu
hiểu biết về kiến thức giới tính nên các bạn trẻ vì “tò mò” tìm hiểu trên mạng
những thước phim không lành mạnh về sự (giao phối nam nữ) mà bị kích dục giới
tính. Từ đó, mà các bạn trẻ không làm chủ được mình khi yêu nhau dẫn đến có
thai. Một số bạn trẻ yêu nhau vượt quá giới hạn đến khi có thai, người yêu cao
chạy xa bay, để lại hậu quả cho đối phương một bào thai, cuối cùng người con
gái đành phải đi nạo thai.
Hơn nữa, nhiều bạn
đã tự nguyện “sống thử” trước lập hôn nhân, đặc bịêt là các bạn nữ sinh viên và
công nhân trẻ. Các bạn thích một cuộc sống hưởng thụ, phóng đãng. Rất nhiều bạn
đã tự hạ thấp nhân cách phẩm hạnh của mình, đồng thời cũng không coi trọng gia
đình, dòng họ, cho dù họ biết hành động mình đang làm là sai với chuẩn mực đạo
đức truyền thống, nhưng vẫn cố tình bước vào.
Từ thực trạng phóng
đãng trên mà các bạn nữ sinh đã mang thai và khi sự việc đã rồi, biện pháp cuối
cùng là phải phá bỏ thai nhi, bởi nếu không phá thì còn chuyện học hành, việc
làm, không chồng mà có con, nuôi con thì còn khổ hơn. Những lý do nêu trên được
coi là phổ biến trong giới trẻ nữ sinh còn đang học năm đầu, năm thứ hai của
các trường đại học, cao đẳng.
2/ Từ nền tảng gia đình
Thực tế hiện nay, với
sự phát triển kinh tế thị trường, cha mẹ bận rộn việc kiếm tiền nên ít có thời
gian để chăm sóc con cái. Nhiều gia đình phó mặc con cho nhà trường và xã hội,
đến khi phát hiện con mình có thai thì đã muộn. Mặt khác, cha mẹ ngại chia sẻ
kiến thức giới tính cho các con. Có những trường hợp khi con hỏi cha mẹ về vấn
đề giới tính, nhiều bậc cha mẹ lại bảo, sau này lập gia đình con sẽ biết. Hoặc
biết để làm gì vì sợ con “tò mò” dẫn đến hư hỏng nên chỉ đe nẹt nói bóng, nói
gió mà không dạy thẳng về đạo đức và giới tính cho các con. Có bạn trẻ tâm sự:
“Do cha mẹ đi làm về muộn, mỗi khi đi học về, em cảm thấy buồn, không có ai
chia sẻ, nên em đã kiếm bạn tâm sự. Sau một thời gian quen nhau, chúng em đã vượt
qua giới hạn, nên đã có thai.
Một nguyên nhân
khác vì cha mẹ không hiểu thấu đáo về việc nạo phá thai nhi dẫn đền ảnh hưởng
trực tiếp cả về hai mặt (sức khỏe và tinh thần) nên cha mẹ chỉ đơn giản nghĩ việc
nạo phá thai như ta bỏ đi một giọt máu rơi “bình thường”; hoặc vì ngại mình luống
tuổi nuôi con thơ mà đã loại bỏ thai nhi. Lại nữa, cũng không ít trường hợp vì
“bồ bịch” cũng gây nên tình trạng nạo phá thai vô tội.
Ngoài ra, do sự
giáo dục của gia đình còn quá lỏng lẻo, ít quan tâm đến các em, nhất là các em đang
ở tuổi cặp kè yêu đương cần có người đồng hành chia sẻ.
3/ Từ môi trường xã hội
Từ định hướng giáo
dục duy lý sai lầm về nguồn gốc con người, nên so sánh sự hành thành của thai
nhi trong các giai đoạn với các động vật thuần túy khác đã dẫn đến tư duy chủ
quan đơn giản hóa, xem thai nhi trong giai đoạn hình thành và phát triển không
phải là một con người. Các chương trình giảm sinh, kế hoạch hóa, tuyên truyền
triệt sản, thậm chí dọa dẫm, sa thải đuổi việc, cách chức v.v. đã làm cho một số
không nhỏ cá nhân “sẩy chân” vào tệ nạn nạo phá thai.
Từ ý thức duy lý
trong một bộ phận giáo dục, cùng với hệ thống luật pháp vừa lỏng lẻo vừa chệch
hướng, cộng với việc không tìm hiểu sâu giáo lý về nhân quả của các tôn giáo
nói chung, nên đã một thời trong tâm thức con người xem nhẹ việc nạo phá thai,
đây cũng là nguyên nhân đưa đến tình trạng phá thai phổ biến, góp phần làm cho
xã hội bất ổn và nhân cách đạo đức con nguời ngày càng tha hóa trầm trọng, đặc
biệt là trong giới trẻ với bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển hiện nay.
Ta thấy là điều kiện
sống hiện nay của giới trẻ đa số phải đi học và làm việc xa nhà. Trong cuộc sống
thường nhật không có sự quản lý của gia đình, thêm vào đó là đồng lương thấp,
môi trường sống thiếu những loại hình giải trí lành mạnh. Chính lối sống buông
thả của một số không ít thanh niên trong giới trẻ hiện nay đã làm ảnh hưởng
không nhỏ đến môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng sinh viên cũng như
trong các khu công nghiệp.
Từ thực tế này,
chúng ta thấy con số nạo phá thai của giới trẻ ngày càng gia tăng sau các kỳ
nghỉ lễ, tết và vào cuối học kỳ của năm học tại các trường cao đẳng, đại học.
Giáo dục không có gỗc
rễ từ đạo lý thì không khác gì theo dòng nước xuôi dần dần cuốn trôi, mất đi
căn bản làm người. Một khi đường hướng giáo dục lầm lạc xem ngọn là gốc… học
sinh dễ dàng phóng túng hành động theo đòi hỏi của lòng ham muốn tính dục chẳng
còn “tàm quý”* ngăn che, nên phá thai thành tiền lệ là điều dễ hiểu.
Việc nâng cao nhận
thức người dân đối với vấn đề giáo dục giới tính, kiến thức về quyền sinh sản
và quyền đối với sức khỏe tình dục là vô cùng quan trọng, nhưng không được quan
tâm đủ và đúng.
Một xã hội dân sự
được tự do hoạt động công khai, lành mạnh và đủ mạnh, bên cạnh các tổ chức tôn
giáo, có thể góp phần đáng kể để giải quyết vấn nạn nầy của xã hội.
Quỳnh Hương
--------------------
* Theo Phật học, hạnh tàm
quý là thiện tâm sở rất quan trọng; vì không có hạnh này, người ta dễ
tạo tội lỗi và đi vào thế giới ác ma. Tàm là khi mình phạm tội
mặc dù không có ai biết nhưng tự cảm thấy hổ thẹn, còn quý là
khi mình tạo tội mọi người đều biết mà mình xấu hổ.
No comments:
Post a Comment