Sunday, May 5, 2019

NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐANG Ở ĐÂU? (Diên Vỹ tổng hợp)




Diên Vỹ  tổng hợp
06/05/2019

(VNTB) - Nếu ông Trọng có mặt trong hội nghị Ủy ban Trung ương Việt Nam vào tháng 5, hoặc có chuyến công du Hoa Kỳ đáp lại lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thì mọi đồn thổi lại sẽ sớm bị quên lãng.

Sau ba tuần lễ kể từ khi ngã bệnh, Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa xuất hiện trước công chúng. Mối nghi ngờ về bệnh trạng của Nguyễn Phú Trọng ngày càng gia tăng khi ông Trọng – trưởng ban tang lễ – đã không có mặt trong tang lễ của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong khi có sự tham dư của tất cả các quan chức chính phủ hàng đầu khác. 

Ông Giang Nguyễn, biên tập viên của BBC Tiếng Việt cho biết sự thận trọng về sức khỏe của các nhà lãnh đạo đảng và quan chức chính phủ là cách để thể hiện Việt Nam là một quốc gia ổn định dưới sự cai trị độc đảng. Ông Giang cũng cho biết thêm rằng việc thông qua luật xếp sức khoẻ lãnh đạo đảng và quan chức chính phủ vào loại “bí mật nhà nước” hồi tháng 11 năm ngoái là nỗ lực ngăn chặn những đồn đoán độc hại mà họ cho là “ nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân của các thế lực thù địch”

Ông Giang cũng nhận định rằng vì luật chưa được áp dụng khiến cho báo chí trong nước phải rất thận trọng khi đưa tin về bệnh trạng của ông Trọng và nhường chỗ cho mạng xã hội và truyền thông nước ngoài suy đoán về tình hình sức khoẻ của ông ta. 

Nhận định từ báo Stratfor cho rằng không chỉ tình hình sức khoẻ của ông Trọng nguy hiểm cho bản thân ông ta mà còn có thể gây ảnh hưởng tới cả đất nước vì sự mơ hồ về sức khỏe của nhà lãnh đạo cao nhất có nguy cơ tạo ra sự bất ổn trong bối cảnh chính trị của Việt Nam, đặc biệt là với địa vị lớn bất thường của Trọng trong hệ thống chính trị sau khi thâu tóm cả hai vị trí lãnh đạo cao nhất nước vào tay Trọng trong tháng 10 năm 2018. Sự thâu tóm này theo tác giả là nhằm ổn định chính trị trong nước và làm dịu các cuộc cạnh tranh nội bộ khi Đảng Cộng sản bước vào một sự chuyển đổi lãnh đạo vào năm 2021 (khi Trọng sắp nghỉ hưu).

Tác giả cũng nhận định rằng nếu Trọng vẫn có thể tiếp tục nắm vai trò lãnh đạo ở một mức độ nào đó, hai vị trí lãnh đạo của ông ta có thể được tách ra và trao lại cho các đồng chí đáng tin cậy. Nhưng sự chuyển đổi như vậy khó có thể gây ra biến đổi mạnh mẽ về định hướng chính sách ngắn hạn do ông Trọng đã tương đối thành công trong việc đối phó với các đối thủ chính trị và tạo được sự đồng thuận chung về chính sách kinh tế và đối ngoại trong đảng.

Ngoài ra việc ông Trọng mất khả năng làm việc hoặc qua đời có thể tạo ra những đấu đá chính trị mới - làm cho quá trình chuyển đổi chính trị không lường trước được cho đến năm 2021 trở nên hỗn loạn hơn nhiều. Điều này có thể lần lượt phá vỡ sự tiếp cận thực dụng của Trọng với Trung Quốc, cũng như các kế hoạch dần dần tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam. Nếu những thách thức này trở thành một cuộc khủng hoảng kế nhiệm nghiêm trọng, thì cũng có thể ảnh hưởng môi trường đầu tư của Việt Nam - ít nhất là tạm thời - khi làm suy yếu sức hấp dẫn của Việt Nam vào thời điểm cạnh tranh khu vực về điểm đến thân thiện với doanh nghiệp nhất đang nóng lên

Đồn thổi về bệnh trạng của ông Tổng Tịch đi từ cúm tới đột quỵ, liệt tay phải, ngồi xe lăn cho tới hiện đang tập đi và tập nói nhưng vẫn không được tiết lộ chính thức gì thêm ngoài những phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao về việc ông Trọng sẽ sớm quay trở lại làm việc sau khi bị bệnh vì cường độ làm việc cao và do thay đổi thời tiết. Tuy nhiên nếu ông Trọng có mặt trong hội nghị Ủy ban Trung ương Việt Nam vào tháng 5, hoặc có chuyến công du Hoa Kỳ đáp lại lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thì mọi đồn thổi lại sẽ sớm bị quên lãng.





No comments: