Sunday, May 26, 2019

CHÍNH SÁCH MỚI (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
Friday, 24/05/2019 - 06:37:22

Chính sách mới của Tổng Thống Donald Trump đối với Iran là hòa hoãn; hôm thứ Tư 15 tháng 5, 2019, trong một phiên họp tại Phòng Tình Hình (The Situation Room), ông chỉ thị cho ông Patrick Shanahan, xử lý thường vụ chức vụ Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, là ông không muốn một cuộc chiến tranh xảy ra giữa Mỹ và Iran.

Góc tiếu lâm nho nhỏ của buổi họp là, để thảo luận về một vấn đề hòa bình tổng thống mời hai nhân vật cao cấp nhất trong quân đội vào Bạch Cung hỏi ý, và khi cần gây chiến, ông gọi Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John R. Bolton -già cả, lẩm cẩm- đến bàn chuyện giết người.

Bỏ quên ông cố vấn Diều Hâu, tổng thống chỉ thị ông Shanahan và đại tướng tổng tham mưu trưởng Joseph F. Dunford Jr., là ông không muốn một cuộc chiến tranh xảy ra giữa Mỹ và Iran.

John R. Bolton

Tình hình căng thẳng hơn từ ngày 13 tháng 5, 2019 -ngày chính phủ Saudi Arabia công bố việc hai chiếc tầu chở dầu của họ bị quân phá hoại gây hư hại; hôm sau -14 tháng 5- quân du kích Houthi của lân quốc Yemen tấn công Saudi bằng máy bay không người lái -drone; cuộc không kích này cũng nhắm vào những chiếc tầu chở dầu, đang thả neo, chờ bơm dầu. Hai chiếc nữa bị trúng bom.

Saudi là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh giữa họ và Yemen -một lân quốc nhỏ bé, và rất nghèo- nằm về phía Nam của Saudi; nước này là đồng minh của Iran. 

Một kiểu chiến tranh proxy war (chiến tranh ủy nhiệm), như Nam Việt và Bắc Việt, giết nhau giùm Mỹ, và giùm Trung Cộng, giùm Nga.

Để tránh tiếng mình tự vệ nước mình theo lệnh Iran, quân Houthi khẳng định những chiếc máy bay không người lái họ dùng để tấn công Saudi là sản phẩm họ tự chế, nhưng nhiều nước không tin, mặc dù drones là một kỹ thuật tương đối giản dị, chính xác, dễ sử dụng đến mức nhiều nhà buôn Mỹ đang xin chính phủ tổ chức một hệ thống không lưu bay thấp, có luật lệ giao thông, như lái xe trên mặt đất, để họ sử dụng drones giao hàng cho khách, và hiện nay, drones cũng đang là một trò chơi lý thú cho quần chúng.

Hiện nay, drones đang là một trò chơi lý thú cho quần chúng,

Và sẽ là một phương tiện giao hàng tiện lợi, nhanh chóng cho khách.

Tuy nhiên, trên phương diện chiến tranh, drones vẫn là một loại vũ khí tiện dụng, rẻ tiền đang giúp du kích quân Houthi của Yemen trả đũa quân Saudi, hùng mạnh gấp hàng trăm lần.

Cảnh bị động của 1 triệu quân Nam Việt được nửa triệu quân Mỹ trợ chiến nửa thế kỷ trước lại đang tái diễn tại Saudi. Vài chục (hoặc tối đa vài trăm anh phi công Houthi, ngồi an toàn cách chiến trường vài trăm cây số) điều khiển dàn drones vào đánh phá Saudi; cuộc tấn công của vài trăm anh phi công không cất cánh, đang cầm chân 478,000 quân Saudi được hải lực, không lực của cả Saudi lẫn Mỹ, ngày đêm trợ chiến.

Nửa triệu quân Saudi đang bị cầm chân trong thế thụ động phòng thủ không kiến hiệu.

Một tuần sau cuộc tấn công vào tiềm năng kinh tế của Saudi bằng cách oanh tạc đoàn tầu dầu, gây hư hại cho bốn chiếc, quân Houthi quay sang oanh kích phi trường Saudi tại tỉnh Najran.

Mờ sáng 21 tháng 5, 2019, những anh phi công ngồi dưới đất lại lái drones đến tấn công đơn vị Saudi đồn trú trong vòng đai của phi trường Najran để bảo vệ phi trường đó. Quân đội Hoàng Gia Saudi xác nhận cuộc tấn công đó là có thật.

Đúng ra thì đó không phải là tấn công, mà chỉ là cuộc oanh kích đơn lẻ, đánh bằng một chiếc drone duy nhất -bay đến và đâm đầu xuống sân bay Najran, gây tổn thất vừa phải.

Đài truyền hình Almasirah của Yemen loan tin, và nói rõ là du kích quân Houthi dùng loại bom bay Qasef-2K để tấn công kho đạn đặt trong sân bay. Najran nằm trên biên giới hai nước Yemen và Saudi.

Bom bay, hay máy bay không người lái, hay cảm tử quân IS lái xe bom lủi vào thánh đường của tôn giáo đối nghịch cũng đều là ám số chuyên nghiệp của tín đồ Shiite; nhưng quân Houthi không còn nhu cầu bắt chước chiến thuật Thần Phong của phi công Nhật lái máy bay đâm vào chiến hạm Mỹ nữa. Họ xài drones.

Phát ngôn viên quân đội Saudi, đại tá Turki al-maliki nói với tổ chức thông tấn Saudi Press Agency là du kích quân Houthi tấn công vào một sân bay dân sự, và việc làm đó sẽ bị trừng phạt. Ông mô tả lực lượng Houthi là lực lượng khủng bố của Iran -quốc gia đứng đầu khối Shia.

Khác biệt lớn nhất giữa hai giáo phái Sunni và Shia là -sau cái chết của nhà tiên tri Muhammad năm 632 sau Công nguyên -là người Sunni trở thành một nhóm thế tục và bảo thủ, trong khi người Shiite vẫn giữ truyền thống chính thống hơn.

Cuộc chiến tranh tôn giáo kéo dài đã 1,387 năm, gây ra vô vàn tổn thất nhân mạng và tài sản, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Mỹ trực tiếp liên hệ đến cuộc nội chiến giữa hai phe Hồi Giáo này qua cuộc tấn công do tổng thống George W. Bush quyết định năm 2003, và kéo dài cho đến năm 2010; chiến phí lên đến $1,100 tỷ Mỹ kim.

Viện đại học Brown University kết toán cho thấy bộ quốc phòng thật chi cho cuộc chiến tranh này là $757.8 tỷ, nhưng tiền lời của số chiến phí này cộng thêm vào, đưa tổng số chiến phí lên đến $1,100 tỷ.

Tổng thống ca tụng số tiền $100 tỷ thái tử Mohammad bin Salman trả cho Mỹ để mua vũ khí Mỹ là một mối hàng lớn chưa từng thấy.

Nhận định đó đúng, nếu cuộc mua bán ngừng tại đó; nhưng $100 tỷ không mua được sự tham chiến của Mỹ, vì nó nhỏ hơn số tiền lời Mỹ phải trả ($343 tỷ) để tổng thống Bush vay số chiến phí cho 8 năm chiến tranh.

Lần này, Mỹ không chỉ tham chiến thôi, mà tổng thống còn phủ quyết cả quyết định của quốc hội đòi ông chấm dứt dùng phương tiện chiến tranh của Mỹ, dùng quân Mỹ giúp thái tử Mohammad.

Ông đúng khi ông ra lệnh cho Bộ Quốc Phòng là ông không muốn xảy ra cuộc chiến tranh với Iran; nhưng ông không đúng khi ông vẫn để không quân Mỹ oanh tạc Yemen, oanh tạc du kích quân Houthi.

Thái độ lưỡng lự -nói ngừng mà vẫn tham chiến đó- không giúp tổng thống tái đắc cử đâu; vì nó không phải là chính sách mới về cuộc chiến tranh tôn giáo đã quá cũ, đã kéo dài trên ngàn năm, và còn tiếp tục thêm vài ngàn năm nữa.

Điều kiện tiên quyết để ngồi thêm bốn năm nữa trong bạch cung là phải khôn hơn nhà độc tài Đức -Adolf Hitler.

-------------------------

Các tin khác
·        
·        
·        
·        
·        







No comments: