Friday, March 22, 2019

CHÍNH QUYỀN ĐANG ĐAU ĐẦU HỢP THỨC HÓA VỤ TRƯƠNG DUY NHẤT? (Diễm Thi - RFA)




Diễm Thi, RFA
2019-03-21

Vào ngày 20/3, cô Trương Thục Đoan, con gái của blogger Trương Duy Nhất, cho đài ACTD biết cha của mình đang bị giam tại trại giam T16 ở Hà Nội. Đây là thông tin mới nhất về tung tích của blogger này kể từ khi ông mất tích bí ẩn ở Thái Lan vào ngày 26/1 khi đang xin quy chế tị nạn. Tuy nhiên những thông tin ít ỏi từ gia đình của blogger không thể trả lời được câu hỏi tại sao khi blogger này đang xin tị nạn ở Thái lại đột ngột xuất hiện trong trại giam ở Việt Nam?

Blogger Trương Duy Nhất là người có nhiều bài viết chỉ trích chính phủ và được cho là có nhiều thông tin quan trọng về các quan chức chính quyền hiện thời.

Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền, người đã giúp blogger này khi ở Thái Lan, nói với đài ACTD rằng, blogger tâm sự ông sẽ công bố các thông tin quan trọng có thể có hại cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một khi ông được định cư ở nước thứ ba. Ông cũng cho biết ông lo ngại mình sẽ bị bắt giữ nếu còn ở lại Việt Nam.

Cô Trương Thục Đoan, hiện đang ở Canada nói với đài ACTD rằng phía trại giam thông báo cho mẹ của cô, bà Cao Thị Xuân Phượng, là ông Nhất bị bắt vào ngày 28/1/2019 và bị đưa vào trại T16 ở Thanh Oai, Hà Nội trong cùng ngày.

Vợ ông Nhất đã đến trại T16 hôm 20/3 để tiếp tế thức ăn cho ông nhưng không được gặp mặt với lý do đang trong giai đoạn điều tra.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định đây là một vụ phức tạp hơn cả vụ Trịnh Xuân Thanh. Ông phân tích:

“Vụ Trịnh Xuân Thanh có khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thậm chí có lệnh truy nã. Còn vụ ông Trương Duy Nhất thì theo những gì tôi theo dõi trên báo chí, trên mạng thì đến nay hoàn toàn không có một giấy tờ nào mang tính chất pháp lý để bắt ông Trương Duy Nhất hết. Do đó có thể khẳng định đây là một vụ bắt cóc chính thống.
Theo thông tin tôi thấy trên BBC thì có chi tiết "Một người, hôm 15/3, không biết là ai, gọi cho mẹ ở Việt Nam báo là ba hiện đang bị giam ở T16". Tôi cho rằng người này nhất định phải là thành phần quan trọng trong việc bắt ông Nhất, và nhân vật ‘bí ẩn’ này chắc chắn phải nhận chỉ thị từ một cấp rất cao.”

Ông cho rằng trong chuyện bắt ông Trương Duy Nhất không có sự đồng nhất trong Bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam. Nó có sự chia rẽ và thậm chí đang có sự đấu đá, giống như trong vụ bắt Trịnh Xuân Thanh.

Ngay sau khi Trương Duy Nhất mất tích, đã có nhiều nghi ngờ trong những người Việt tị nạn tại Thái và những nhà hoạt động cho rằng ông đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc. Hồi đầu tháng 2, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phân ban châu Á của Human Rights Watch nói với Á Châu Tự do:

Việt Nam là một trong số rất ít các nước tìm cách truy đuổi những người bỏ đi và tìm cách lôi họ trở lại Việt Nam. Mối lo ngại của chúng tôi là blogger này có thể đã bị phía Việt Nam bắt giữ.”

Vào hồi năm 2017, Đức cũng cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức dầu khí bị buộc tội tham nhũng, ngay trên đất Đức.

Theo Bộ luật tố tụng hình sự thì khi bắt người, trong vòng 24 giờ, cơ quan bắt giữ phải thông báo cho gia đình. Blogger Phạm Lê Vương Các cho rằng luật này nhằm ngăn chặn việc giam giữ người bí mật, vì khi giam giữ người bí mật thì người bị giam giữ sẽ đối diện với nhiều nguy cơ như bị tra tấn hoặc không được tiếp cận luật sư kịp thời. Riêng trường hợp ông Trương Duy Nhất, blogger Phạm Lê Vương Các có ý kiến:

“Vụ ông Nhất thì theo một số thông tin trên mạng cho rằng ông bị bắt từ Thái Lan đem về. Trường hợp này nó nhạy cảm với phía nhà nước. Theo quan sát thì Việt Nam trước đây cũng đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh bên Đức về. Nếu tiếp tục xác minh rõ việc bắt cóc ông Trương Duy Nhất thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín cũng như tính pháp quyền của một Nhà nước chính danh.
Tôi nghĩ Nhà nước đang cố gắng cân nhắc xem nên xử lý vụ ông Nhất như thế nào cho phù hợp. Họ đang trong giai đoạn cố giấu đi nguồn tin bắt ông Nhất từ Thái Lan về. Họ cần thời gian để xứ lý về mặt truyền thông.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một luật sư thường bào chữa cho các nhà bất đồng chính kiến thì cho rằng vụ bắt Trương Duy Nhất là một vụ nổi cộm.

“Theo nguyên tắc thì bắt người như vậy phải có thông báo với gia đình. Nếu sự kiện anh Nhất mà có mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng đến xã hội, đến quốc gia thì phải có thông cáo báo chí nữa cơ. Chuyện này cũng lạ. Tuy nhiên nếu họ không thông báo thì nó trái thông lệ thôi chứ cũng không sai theo quy định. Nếu sai thì sai phần không thông báo cho gia đình.”

Ông nói thêm rằng thực sự ông không biết gia đình ông Nhất có được thông báo không và thông báo từ thời điểm nào. Ông nhấn mạnh một điểm đáng nói về luật trong vụ này qua thông tin mới nhất là bị bắt hôm 28/1:

“Trong vụ này có điểm đáng nói về phương diện pháp luật, là ngày nào họ bị bắt tức ngày đó họ đã mất tự do, thì phải đó phải tính. Sau này khi tòa xét xử thì thồi gian bị bắt sẽ được cấn trừ vào thời gian tòa tuyên án. Nếu bắt ông Nhất vào ngày 26 mà hồ sơ để ngày 28 để hợp thức hóa thì nếu bị tuyên án tù ông Nhất sẽ mất hai ngày 26 và 27 không được trừ vào thời gian thụ án. Với người tự do thì không sao chứ với người tù thì “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”.

RFA liên lạc với cô Trương Thục Đoan sáng 21/3/2019 thì cô xác nhận gia đình cô không nhận được văn bản hay thông tin chính thức nào về việc bắt giam từ chính quyền.

Kể từ khi ông Trương Duy Nhất bị mất tích tại Thái Lan đến nay là gần hai tháng. Trên các trang mạng xã hội đồn đoán rằng có lẽ sẽ có kịch bản như Trịnh Xuân Thanh, tức sẽ xuất hiện trên truyền thông, truyền hình xác nhận về Việt Nam đầu thú.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì nhận định khác. Ông cho rằng kịch bản nhiều người dự đoán là lập lại như Trịnh Xuân Thanh, tức ra đầu thú, là chuyện đó sẽ không có, vì ông Nhất có bị truy nã đâu mà đầu thú!

Ông nói thêm rằng đã đến lúc chuyện ông Trương Duy Nhất không thể ém nhẹm được nữa và chính quyền đang tìm mọi cách ‘hợp thức hóa’ chuyện này:
“Có thể họ bắt tại Thái Lan rồi đưa qua Campuchia rồi đưa về Việt Nam theo cách bắt cóc y như của băng đảng. Vì thế phía chính phủ Việt Nam buộc phải làm một động tác mà tôi cho rằng họ đang rất đau đầu, nghĩa là họ phải hợp thức hóa toàn bộ giấy tờ để bắt ông Trương Duy Nhất.
Ngoài thông tin từ ông Bùi Thanh Hiếu ra thì chuyện ông Cao Lâm bị trục xuất về Việt Nam, chuyện ông Bạch Hồng Quyền đang phải lẩn trốn để tránh việc bắt bớ, rồi RFA đã báo cáo cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và một số dân biểu Mỹ thì sự việc ông Trương Duy Nhất không còn có thể ém nhẹm được nữa, và tôi tin rằng phe muốn bắt ông Trương Duy Nhất đã mất kiểm soát và phe chống lại đang sử dụng lợi thế này để bung vụ này ra. Tôi nhận định đây là sự đấu đá trong Bộ chính trị hiện nay.”

Ngay sau khi ông Trương Duy Nhất bị mất tích, nhiều đồn đoán cho rằng ông Nhất nắm giữ nhiều bí mật của ngành công an, liên quan đến vụ án Vũ Nhôm.

Ông Trương Duy Nhất từng là một phóng viên của báo Công an Đà Nẵng, sau đó tạo lập trang blog Một Góc Nhìn Khác, đưa nhiều vấn đề mang tính phản biện liên quan đến chính trị xã hội Việt Nam. Ông bị bắt vào năm 2013, bị tuyên án hai năm tù giam với tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước’ theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

-------------------------------------

Thụy My – RFI
Đăng ngày 22-03-2019

Trong thông cáo đề ngày 21/03/2019, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris kêu gọi chính quyền Việt Nam làm rõ tình trạng của blogger Trương Duy Nhất, bị mất tích từ cuối tháng Giêng và đến hôm thứ Tư thì được biết đang bị giam tại Hà Nội.

Ông Daniel Bastard, phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Phóng viên Không biên giới đề nghị Việt Nam nhanh chóng cho biết về tình hình của ông Trương Duy Nhất, vì sao lại bị bắt tại Thái Lan. Ông Bastard tuyên bố : « Hiện nay, tất cả đều cho thấy ông Nhất bị bắt giam vì hoạt động báo chí. Cũng rất cần thiết định rõ vai trò cụ thể của chính quyền Thái Lan trong vụ này ».

Thông cáo của RSF nhắc lại, ông Trương Duy Nhất được nhìn thấy lần cuối hôm 26/1 ở Bangkok khi đến văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc xin trợ giúp, và sau đó không có tin tức gì. Đến thứ Tư 20/3, vợ con ông Nhất cho biết ông đang bị giam giữ tại trại giam T16 ở Hà Nội.

Người vợ, bà Cao Thị Xuân Phượng đến hôm 15/3 mới được báo tin, bà đã đến trại giam nhưng chưa được tiếp xúc, mà chỉ được cấp một « Sổ tiếp tế, thăm gặp » cho lần tới. Trong cuốn sổ này có ghi ngày bắt là 28/01/2019 và được chuyển đến trại tù trong cùng ngày.

RSF ghi nhận ông Trương Duy Nhất vẫn chưa chính thức bị khởi tố, và lý do ông quay về Việt Nam vẫn chưa được giải thích. Theo con gái ông Nhất, thì ông không tự ý về nước. Blogger Trương Duy Nhất hồi năm 2014 bị kết án hai năm tù vì tội « lạm dụng tự do dân chủ », lập blog chỉ trích chính quyền.






No comments: