Wednesday, October 3, 2018

TỔNG THỐNG TRUMP CHẾ NHẠO BÀ FORD, BỊ LUẬT SƯ CỦA BÀ FORD CHỈ TRÍCH LÀ 'HÈN HẠ' (Người Việt Online)




October 3, 2018
SOUTHHAVEN, Mississippi (AP) — Tổng Thống Donald Trump gây sự hào hứng cho đám đông tại một buổi vận động tranh cử của đảng Cộng Hòa ở tiểu bang Mississippi vào tối Thứ Ba, ngày 2 Tháng Mười, bằng hành động chế nhạo bà Christine Blasey Ford, người phụ nữ từng ra trước Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện để cáo buộc rằng ứng viên Tối Cao Pháp Viện Brett Kavanaugh có hành vi tấn công tình dục bà mấy thập niên trước đây.

Tổng Thống Donald Trump tham dự một cuộc vận động tranh cử nghị sĩ tại tiểu bang Mississippi. (Hình: AP Photo/Evan Vucci)

Đám đông cười thích thú khi Tổng Thống Trump nêu lên một loạt những điều mà ông cho rằng không hợp lý trong phần trình bày của bà Christine Blasey Ford trước ủy ban.

Bà Ford kể lại là ông Kavanaugh đè bà xuống giường, tìm cách lột quần áo bà, và lấy tay bịt miệng để bà khỏi kêu lớn, vào một buổi tối đầu thập niên 80, khi cả hai còn học trung học. Ông Kavanaugh đến nay vẫn mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này.

Trong cuộc gặp gỡ người ủng hộ ở thành phố Southhaven, ông Trump nhại giọng bà Ford khi trả lời câu hỏi của các nghị sĩ và diễu cợt các câu trả lời này.

Hành động này của Tổng Thống Trump ngược hẳn điều ông nói ra ít ngày trước đây rằng bà Ford là “một nhân chứng rất đáng tin cậy–very credible witness.”

Luật sư của bà Ford, ông Michael Bromwich gọi cuộc tấn công của Tổng Thống Trump là “ác độc, hèn hạ và vô hồn”.

Luật sư Bromwich gửi tweet nói rằng “Bà Ford là biểu tượng của can đảm. Ông Trump là biểu tượng của hèn nhát.”

Tổng Thống Donald Trump đến Mississippi hôm Thứ Ba để tìm cách dùng ảnh hưởng của mình nhằm ngăn không cho phía Dân Chủ trong tiểu bang có cơ hội giành lại ghế trong Thượng Viện.

Ông bày tỏ sự ủng hộ cho bà Cindy Hyde-Smith, thuộc đảng Cộng Hòa, người được bổ nhiệm để tạm giữ ghế nghị sĩ của ông Thad Cochran  vừa nghỉ hưu hồi Tháng Tư năm nay.

Trong tháng tới sẽ có cuộc bầu cử đặc biệt để cử tri chọn người đại diện tiểu bang ở Thượng Viện Mỹ cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ hai năm.

Bà Hyde-Smith ra tranh cử chống lại một đối thủ ở đảng Cộng Hòa và hai người khác ở đảng Dân Chủ.

Tuy nhiên, Tổng Thống Trump dành đa số thời giờ tại đây để than phiền về điều mà ông gọi là sự đối xử tệ hại của phía Dân Chủ đối với ông Kavanaugh, và gọi Dân Chủ là “bọn quỷ”. (V.Giang)

------------------------------------

Ngô Nhân Dụng
October 2, 2018

Khi Nghị Sĩ Jeff Flake (Cộng Hòa-Arizona) đề nghị phải cho FBI điều tra thêm về quá khứ của Thẩm Phán Brett Kavanaugh, nếu không ông sẽ bỏ phiếu chống, người ta có cảm tưởng đảng Cộng Hòa đã thất bại và ông Kavanaugh lâm nguy.

Nhưng sự thật không nhất thiết như vậy.

Năm nay ông Jeff Flake không tái ứng cử, một phần vì ông đã từng phê phán thẳng thắn nhiều ý kiến và hành động của Tổng Thống Donald Trump, nên biết trước sẽ bị những người ủng hộ ông Trump ở Arizona chống. Nhưng trong việc phê chuẩn ông Kavanaugh thì ông Flake hoàn toàn tự do, không cần phải tỏ ra mình theo hay chống ông Trump.

Việc ông Flake đòi FBI điều tra trước khi phê chuẩn có thể lại giúp cho đảng Cộng Hòa trong vụ này, nếu cuộc điều tra của FBI không đem lại một chứng cớ chắc chắn nào để phản bác những lời ông Kavanaugh quả quyết tại Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện rằng ông “không bao giờ uống rượu quá say và không bao giờ tấn công tình dục phụ nữ.”

Điều quan trọng là “chứng cớ chắc chắn!”

Nhưng rất khó đưa ra những chứng cớ chắc chắn!

Những chuyện bị tố cáo đã xảy ra trên 30 năm rồi. Các nhân chứng khó nhớ lại đầy đủ tất cả các chi tiết. Mà nếu họ nói rằng họ nhớ thì người ta cũng có lý để nghi ngờ. Những tài liệu, giấy tờ, có thể còn, có thể đã mất vì đây là những chuyện “nhỏ” nếu ông Kavanaugh không được cử vào Tối Cao Pháp Viện.

Cuộc điều tra của FBI lần này không là một vụ điều tra hình sự, cho nên nhiều người có quyền từ chối không trả lời. Các nhân viên FBI có thể phỏng vấn rồi thuật lại những câu trả lời; nhưng thế nào cũng có các nhân chứng nói trái ngược nhau. FBI cũng chỉ có bổn phận tìm hiểu rồi viết phúc trình mà không đưa ra một kết luận nào. Như trong một vụ án hình sự, cảnh sát chỉ có thể tường trình kết quả cuộc điều tra, còn đề nghị “truy tố” hay không thuộc thẩm quyền của biện lý cuộc. Trong vụ này, các nghị sĩ Thượng Viện đóng vai trò đó.

Nếu bản phúc trình của FBI không cho thấy những chứng cớ chắc chắn về các lời tố cáo, thì các nghị sĩ còn chưa quyết định sẽ chấp nhận ứng viên Kavanaugh hay không sẽ không đủ lý do để bác bỏ ông. Có ba nghị sĩ Cộng Hòa và ba người Dân Chủ trong số này; họ đang chờ đợi lý do vững vàng để bác bỏ ứng viên, nếu không thì chấp thuận. Những người đang do dự mà muốn bỏ phiếu OK có thể đọc nhật báo Wall Street Journal để dùng những ý kiến ủng hộ ông Kavanaugh trong đó biện minh cho quyết định của mình!

Có thể nói Nghị Sĩ Flake đã cứu đảng Cộng Hòa thoát khỏi một thế bí, tạo cơ hội cho họ có thể phê chuẩn ông Kavanaugh mà trước mắt công chúng không tỏ ra quá vội vã chỉ vì lý do chính trị.

Những người chống ông Kavanaugh có thể nêu ra một lý do mạnh mẽ để bác bỏ ông, là ứng viên vào Tối Cao Pháp Viện này đã “nói dối” khi quả quyết rằng mình không say rượu, trong khi nhiều nhân chứng hoặc hồ sơ cảnh sát trong quá khứ cho thấy ông có những lúc quá uống quá say.

Đến đây thì các nghị sĩ sẽ đụng phải câu hỏi: Như thế nào thì đáng gọi là “Quá say?”

Nếu nhiều nghị sĩ đồng ý rằng ông Kavanaugh thật đã quá say rất nhiều lần trong thời đi học, thì vẫn còn một câu hỏi khác: Một người bình thường, bị người chung quanh coi là đã từng “quá say” thì chính họ có tự nhận ra mình mắc tật xấu đó hay không? Thường khi tự phán đoán, ai cũng có khuynh hướng rất rộng lượng khi nhận xét về mình! Nếu ông Kavanaugh cũng tự xét thấy ông không bao giờ say sưa bê bối, rồi ông quả quyết nói như vậy, thì ông có phạm tội cố tình nói dối hay không?

Chỉ có một chuyện khiến các nghị sĩ coi là ông Kavanaugh nói dối, là khi ông quả quyết chỉ biết vụ bà Deborah Ramirez tố giác ông sau khi đọc báo. Nhưng ngày Thứ Hai, 1 Tháng Mười, đài NBC mới tìm ra những email giữa ông Kavanaugh và mấy người bạn học cũ của ông và của bà Raminez; trong đó họ bàn về cách chống đỡ nếu bà này tố giác chuyện cũ.
Nhưng chưa biết FBI có điều tra chuyện này để viết phúc trình hay không, vì họ sẽ kết thúc cuộc điều tra trong ngày Thứ Tư.

Xét cho cùng, cuộc điều tra của FBI sẽ khó tạo ảnh hưởng lớn trên quyết định của các nghị sĩ cả hai đảng. Phần lớn họ đã chọn bỏ phiếu thế nào rồi. Họ chỉ cần các chứng cớ dể biện minh cho lựa chọn của họ thôi. Đáng chú ý nhất là năm người còn lưỡng lự, ba Cộng Hòa và hai Dân Chủ. Yếu tố sau cùng trên lựa chọn của họ sẽ chỉ là ảnh hưởng chính trị. Chọn đàng nào ích lợi nhất cho họ nhất trong các cuộc bầu cử sắp tới?

Phía Cộng Hòa, ông Jeff Flake, Arizona, có thể bỏ phiếu “NO” nếu ông không muốn tham dự vào chính trị nữa. Nhưng nếu ông vẫn còn có ý định sẽ tranh cử thống đốc tiểu bang hoặc làm tổng thống sau này, thì ông sẽ phải chứng tỏ mình vẫn trung thành với đảng Cộng Hòa. Đặc biệt, ông phải cho những người ủng hộ ông Trump thấy rõ điều đó, mặc dù chính ông không đồng ý với các việc ông Trump đang làm.

Các bà Susan Collins, Maine, và Lisa Murkowski, Alaska có thể bỏ phiếu bác bỏ ông Kavanaugh nếu họ thấy các cử tri nữ giới trong tiểu bang mình bất phục ông và tin tưởng vào những lời tố cáo của các bà Christine Blasey Ford, Deborah Ramirez, Julie Swetnick. Tùy phán đoán của họ về phản ứng của các nữ cử tri, họ sẽ nói Yes hay No! Hiện nay hai nữ nghị sĩ này đã chịu áp lực của các cử tri vì họ lo ông Kavanaugh sẽ xóa bỏ án lệ cho phép phá thai.

Nếu được cả ba nghị sĩ Cộng Hòa trên ủng hộ thì ông Kavanaugh sẽ thong thả bước vào Tối Cao Pháp Viện. Nếu ba người đó, hoặc có hai nghị sĩ Cộng Hòa trên đây bác bỏ ông Kavanaugh thì các nghị sĩ Dân Chủ đang lưỡng lự sẽ không cần suy nghĩ thêm, có thể  bỏ phiếu bác bỏ dễ dàng. Vì họ đang tranh cử trong những tiểu bang từng ủng hộ ông Trump mạnh mẽ trong cuộc bầu cử năm 2016, nên họ lưỡng lự, không biết chống một ứng viên do ông Trump đề cử hay không. Nhưng họ có thể biện minh rằng ông Kavanaugh không xứng đáng vì chính các nghị sĩ Cộng Hòa cũng chống ông ta.

Chưa biết năm nghị sĩ lưỡng lự trên sẽ bỏ phiếu ra sao, cho nên ông Kavanaugh vẫn phấp phỏng, chưa biết số phận mình.

Nhưng dù ông Kavanaugh có được vào Tối Cao Pháp Viện hay không, thì tất cả những chuyện xảy ra từ khi bà Christine Blasey Ford tố giác ông ta tấn công tình dục đang giúp đảng Dân Chủ khi dân Mỹ bỏ phiếu Tháng Mười Một sắp tới.

Trong cuộc tranh cử năm nay, những vấn đề quan trọng nhất đối với nước Mỹ hầu như không được mấy người nhắc tới. Kinh tế phồn thịnh? Môi trường sống mong manh? Chiến tranh mậu dịch sẽ đi về đâu? Làm sao giảm bớt di dân bất hợp pháp? Xóa tên hiệp ước NAFTA, đổi tên mới thành USMCA? Hầu như không mấy ứng cử viên đem các “chuyện lớn” đó ra để vận động người ta bỏ phiếu cho mình.

Hiện nay, hầu như dư luận chỉ chú ý đến những vấn đề phụ: Ủng hộ hay chống ông Trump? Đảng nào đề cao đàn bà, đảng nào coi thường họ?

Vụ Kavanaugh trước Thượng Viện và cuộc điều tra của FBI khiến cho dư luận càng chú ý đến vấn đề đàn ông, đàn bà. Đảng Dân Chủ có thể được lợi, dù ông Kavanaugh có vào Tối Cao Pháp Viện hay không, nếu vì vấn đề này mà nhiều cử tri phụ nữ hăng hái đi bỏ phiếu hơn để ủng hộ họ. Nhưng nếu ông Kavanaugh bị bác bỏ, một số các bà các cô đó có thể hài lòng đủ rồi, tháng sau họ thấy đi bỏ phiếu hay không đi cũng không cần. Ngược lại, nếu ông Kavanaugh được chấm đậu, đảng Dân Chủ sẽ có một cái “bung xung” dùng để tấn công đảng Cộng Hòa trong cả một tháng tới. Họ sẽ khích động cho nhiều bà nhiều cô nổi giận vì cảm thấy tiếng nói của phụ nữ bị đảng Cộng Hòa bỏ qua. Cuối cùng, chuyện gì cũng ảnh hưởng tới chính trị! (Ngô Nhân Dụng)







No comments: