Tuesday, October 2, 2018

BẢN TIN NGÀY 02.10.2018 (Báo Tiếng Dân)




02/10/2018

Nhất thể hóa đảng và nhà nước

Mấy ngày qua, cư dân mạng bàn tán xôn xao về chuyện nhất thể hóa hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ Tịch nước, nhân sự kiện ông Trần Đại Quang qua đời. Một số nhân vật ủng hộ có thể kể đến như nhà báo Huy Đức; nhà văn Nguyễn Viện; GS Nguyễn Đăng Hưng… với lý do là, người đứng đầu đất nước phải có chính danh và thực quyền trong các quyết định của đất nước. Ngoài ra, nhập hai cơ quan đảng và nhà nước lại với nhau sẽ giúp tiết kiệm ngân sách, bớt gánh nặng cho dân.

Nhà văn Nguyễn Viện viết: “Tôi không thích ông Trọng, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc cần một chức danh duy nhất cho 2 cương vị khác nhau vốn đã không những làm suy yếu sức mạnh lãnh đạo mà còn tạo ra lỗ hổng trách nhiệm đối với đất nước của chức danh tổng bí thư. Một tam đầu chế với sự phân công cụ thể sẽ phân minh hơn với công tội của từng người, phù hợp hơn với xu thế của thời đại. Ít ra, cái hình ảnh về một đảng đứng ngoài, đứng trên luật pháp cũng bớt phần thô bỉ“.

Nhưng cũng có một số người không ủng hộ “nhất thể hóa” như nhà văn Võ Thị Hảo; TS Nguyễn Quang A… với lý do là độc tài nhất nguyên sẽ giống Trung Quốc, sẽ trở thành ông vua suốt đời, tương tự như Tập Cận Bình. Ngoài ra, quyền lực cần phải có sự cạnh tranh, thay vì tập trung vào một người.

TS Nguyễn Quang A lo ngại: “Nếu để tập trung quyền lực vào tay một người sẽ có thể TỐN gấp trăm gấp ngàn số tiền ‘tiết kiệm’ được vì rất có thể dẫn đến những quyết định gây tai hoạ cho nền kinh tế và đất nước. Hãy để các vị ấy ‘cạnh tranh nội bộ’ một chút và sự gầm ghè này có thể kiềm chế bớt những quyết định sai lầm chết người“.

Nhà báo Tâm Chánh cho rằng, Việt Nam có “nhất thể hóa” hay không, cách cai trị đất nước của những người đứng đầu cũng giống Trung Quốc. Ông Tâm Chánh viết: “Nhất thể, tam đầu lĩnh hay tứ trụ gì cũng theo lý cầm quyền của Tàu. Binh quyền là thực quyền. Phương thức đảng trị tập trung quyền lực về Bộ Chính trị… BCT tham gia toàn diện vào công việc của đất nước như một cơ quan lãnh đạo tối cao nhưng không phải là một thiết chế hợp hiến. BCT không chịu trách nhiệm với nhân dân“.

Ý kiến của các Facebooker về vấn đề này, theo thăm dò của LS Trần Vũ Hải trên Facebook, hiện có 62% đồng ý ‘nhất thể hóa’ và 38% không đồng ý. Nhưng cũng có một số ý kiến bình luận “không quan tâm”. Chuyện bàn luận, thăm dò, ý kiến, ý cò chủ yếu là để cho vui, bởi đất nước dưới sự lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” của ĐCS, tiếng nói người dân không được lắng nghe. Có “nhất thể hóa” hay không cũng không phải do dân quyết định.

Nhà báo Kỳ Duyên viết: “Mấy hôm nay, trang mạng XH râm ran bàn chuyện ‘Nhất thể hóa’. Hôm nay, mình còn nghe thông tin: Đã xong ‘Nhất thể hóa’ với số phiếu 15/16?” Nhưng nhà báo Đà Trang đưa tin, kết quả cuộc họp cuối ngày 1/10 là tuyệt đối, tức số phiếu đồng ý là 16/16.


Ông Đỗ Mười qua đời

Ông Đỗ Mười, cựu Tổng Bí thư đảng CSVN qua đời lúc 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018, theo tin chính thức từ báo nhà nước. Tin đồn ông Đỗ Mười qua đời rộ lên hôm 21/9, đúng ngày ông Trần Đại Quang qua đời. Cư dân mạng nói rằng, do sợ trùng tang nên đảng để ông Đỗ Mười sống thêm một thời gian nữa. Ngay sau đó, báo Dân Việt đính chính bằng một bài viết “Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đang điều trị tại Bệnh viện T.Ư Quân đội” nhưng chẳng có thông tin gì chứng minh ông còn sống lúc đó.

Đỗ Mười là một trong những lãnh đạo được cho là có trình độ học vấn thấp nhất. Ngay cả trong tiểu sử của ông do đảng và nhà nước viết, cũng không hề có một chữ “học” nào, nên không ai biết ông đã từng học qua lớp mấy, trường gì. Nhiều nguồn tin không chính thức nói rằng, trước khi tham gia cách mạng, bản thân ông làm nghề “hoạn lợn” và cụm từ lãnh đạo “lớp ba trường làng” cũng để nói về ông. Mời xem đồ họa nói về tiểu sử của Đỗ Mười trên báo ĐCSVN: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/10/H1-3.jpg

Đỗ Mười được biết đến qua vụ “cải tạo công thương nghiệp”, phá hoại đất nước, mặc dù ông ta rất tự hào về chuyện này. Theo ông Nguyễn Khắc Mai, cựu Trưởng ban Dân vận Trung ương Đảng, nói với BBC: “Một trong hai sự kiện nổi trội liên quan đến ông Đỗ Mười (cùng với việc dự Hội nghị Thành Đô) là chủ trương đánh tư sản hay còn gọi là ‘cải tạo công thương nghiệp’. Theo như tôi hiểu, ông làm điều này rất hung hăng vì học vấn ít, và cuồng tín cao. Hệ lụy của việc cải tạo công thương nghiệp rất bi thảm, khốc liệt, để lại tai họa rất lớn cho dân tộc”.

LS Vũ Đức Khanh, nói với BBC“Đối với nhiều người dân thành thị miền Nam, ông Đỗ Mười được nhắc đến như một ‘hung thần’ của tiềm lực kinh tế của xã hội miền Nam trong những năm hậu chiến 1975-1985. Từ gốc trung nông, không có trình độ và kiến thức chuyên môn về kinh tế nhưng nhờ tinh thần ‘đấu tranh giai cấp’ cao độ và triệt để, ông đã được cất nhắc vào chức vụ Thứ trưởng và sau đó là Bộ trưởng Bộ Nội thương những năm 1956, 1958. Trong suốt trên 20 năm công tác trong lãnh vực kinh tế tài chính, thành tích lớn nhất cũng như có thể tạm gọi là ‘di sản’ của ông là một nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn bị kiệt quệ, lụn bại dẫn đến việc ‘Đổi mới’ năm 1986”.


Nhân quyền ở Việt Nam

RFA đưa tin, hôm 29/9/2018, ông Phan Văn Phong, chồng của tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, cùng hai con nhỏ đã đi hơn 1.300 km để tới trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, thăm gặp bà Nga theo định kỳ hàng tháng, nhưng họ đã bị quản giáo trại giam từ chối, không cho gặp mặt.

Ông Phong nói: “Nó (cán bộ trại giam Gia Trung) bảo chị không chấp hành nội quy của trại, chị bảo mình không có tội, không nhận tội nên không cho thăm gặp. Mình xuống nước bảo là không cho người lớn gặp thì cho trẻ con gặp, tụi nó đi cả ngàn cây số. Nó cũng bảo là không, trẻ con cũng không cho gặp”.

Trước đó, ngày 18/8, trong cuộc gọi ngắn ngủi với gia đình, bà Nga cho biết, bà bị đánh và dọa giết trong tù. Chính việc này khiến bà Nga bị quản giáo trại giam Gia Trung đã đũa bằng cách không cho gặp mặt chồng và con mình hôm 29/9/2018.

Cũng tin nhân quyền, trước sai phạm tại trạm BOT cầu sông Cái Nhỏ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, về việc đơn vị khai thác không đưa vé, không có biên lai thu tiền, tự ý tăng phí qua cầu không theo quy định, thái độ ứng xử của nhân viên thu phí thiếu tôn trọng khách qua cầu, “né” bán vé tháng cho người dân địa phương… một số người dân sau khi tập trung phản đối sai phạm trên, đã bị bắt giữ với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”.

Trang Zing đưa tin: Hai vợ chồng bị tạm giữ khi gây rối tại BOT cầu sông Cái Nhỏ, đó là vợ chồng ông Trần Thiện Thắng và Nguyễn Thị Thanh Tuyền. Báo này dẫn lời một công an huyện Cao Lãnh, nói: “Vợ chồng này có hành vi quá khích, gây rối, dùng xe tải chặn làn thu phí, không cho phương tiện khác lưu thông”. Cùng bị bắt với vợ chồng ông Thắng, còn 3 người khác, gồm: Phạm Hoàng Quy, Trần Thanh Tùng và Phạm Anh Vũ.

Mời xem clip người dân phản đối BOT sông Cái Nhỏ:


Vụ Thủ Thiêm “chìm xuồng”

Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố những sai phạm liên quan đến cá nhân, tổ chức lãnh đạo TP HCM trong dự án KĐT Thủ Thiêm, đến nay những kẻ gây ra sai phạm vẫn chưa được công bố hay trừng phạt, ngoại trừ các quan chức thành Hồ xin lỗi người dân bằng miệng cho qua chuyện. Có thể thấy, TP HCM đang cố đẩy vụ Thủ Thiêm “chìm xuồng” để thoát tội.

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Đừng để người gây ra sai phạm vụ Thủ Thiêm hạ cánh an toàn. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN.


Hàng trăm đảng viên bị kỷ luật

Báo Lao Động đưa tin: Hà Nội thi hành kỷ luật 545 đảng viên trong 9 tháng đầu năm. Tại hội nghị lần thứ 15 của BCH đảng bộ Hà Nội, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cho biết, trong 9 tháng đầu năm, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp của thành phố đã thi hành kỷ luật 545 đảng viên, khiển trách 402, cảnh cáo 75, cách chức 5, khai trừ 63 trường hợp.

Tại Đà Nẵng, kỷ luật 100 trường hợp đảng viên vi phạm. Trong đó, khiển trách 79 đảng viên, cảnh cáo 20 đảng viên, cách chức một đảng viên và thi hành kỷ luật đối với một tổ chức đảng bằng hình thức khiển trách. Nhìn cách mà các những người cộng sản kỷ luật cán bộ, quan chức của mình giống như người dân đang được xem một bộ phim hài dài tập không có hồi kết, mang tên “rút kinh nghiệm”.


Đường 52 tỉ chưa đi đã hư hỏng nghiêm trọng

Báo Petro Times đưa tin: Đường 52 tỉ đồng chưa nghiệm thu đã xuống cấp. Theo đó, sau gần 10 năm triển khai, dự án đường liên xã Mậu Đức – Thạch Ngàn, dài 10,5 km với chi phí đầu tư 52 tỉ đồng, sau nhiều lần chậm tiến độ cho đến nay vẫn chưa nghiệm thu, nhưng đường thì đã nát bét, hư hỏng nặng nề.

Người dân địa phương cho biết: “Những ngày nắng đi qua đây còn đỡ, nhưng những lúc mưa gió, đường lầy lội, trơn trượt khiến việc đi lại trên đoạn đường này hết sức khó khăn, nguy hiểm. Tuy vậy, cả đoạn đường hư hỏng không có tấm biển cảnh báo nguy hiểm nào cho người tham gia giao thông lưu ý, đề phòng”.


Giáo dục Việt Nam

Báo Giáo Dục Việt Nam đưa tin: Hiệu trưởng chi sai hơn 900 triệu đồng, nhưng chỉ bị rút kinh nghiệm. Trong 5 năm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng, quận Bình Tân, Sài Gòn, ông Trần Văn Thơm đã chi sai hơn 900 triệu đồng tiền quỹ cha mẹ học sinh, nhưng chị bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Cũng tin giáo dục, trước phản ứng của người dân về vấn nạn độc quyền SGK của NXB Giáo dục, báo Pháp Luật TPHCM dẫn lời Phó TT Vũ Đức Đam: ‘Phải xóa độc quyền của SGK của NXB Giáo dục’. Ông Đam cho biết, không chỉ độc quyền SGK, nhiều trường còn bắt “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng.

Nói về mức chi chiết khấu phát hành sách giáo khoa khoảng 250 tỷ đồng/năm trong khi NXB Giáo Dục nói, in SGK mỗi năm lỗ 40 tỉ đồng, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng GD&ĐT lý giải: “SGK là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước và được trợ giá, có tỷ lệ chiết khấu khi phát hành từ 20-25%, thấp hơn mức trung bình so với tỷ lệ chiết khấu các loại sách khác là từ 35-40%”.


***







No comments: