Friday, October 12, 2018

BẢN TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 12-10-2018 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
12/10/2018

Kịch bản quyền lực của Trung Quốc qua sáng kiến Vành đai Con đường

Ngày 20 tháng 9 vừa rồi, Trung tâm An ninh mới Hoa Kỳ (Center for New American Security), đã xuất bản một báo cáo đánh giá những tác động của Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc trong định hình trật tự thế giới và từ đó đưa ra những đề xuất chính sách cho chính phủ Hoa Kỳ trên các phương diện kinh tế, an ninh, địa chính trị và quyền lực mềm.

Trong bản tin hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch tóm tắt những đánh giá về tác động của sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, trong đó chứa đựng các đề xuất cụ thể cho chính phủ Hoa Kỳ trong việc đối phó với Vành đai Con đường của Trung Quốc.

***

Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh để định hình dòng chảy thế kỷ 21. Mối đe doạ là liệu trật tự quốc tế hiện hành – vốn được coi là hàng rào bảo vệ hoà bình, thịnh vượng và tự do – có thể kéo dài hay không, hay là tầm nhìn mới nổi của Bắc Kinh sẽ trở thành hiện thực toàn cầu. Trong tầm nhìn đó của Bắc Kinh, thế giới được định nghĩa bởi phạm vi ảnh hưởng của cường quốc, những tương tác kinh tế có tính thủ đoạn, và chủ nghĩa độc tài gia tăng.

Để đạt được tầm nhìn này, Trung Quốc đang thực hiện nhiều kịch bản quyền lực. Nước này đã làm việc cần mẫn để làm giảm ảnh hưởng lợi thế quân sự lâu đời của Mỹ bằng cách biến Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) thành một lực lượng có năng lực khai thác các lỗ hổng hiển hiện của Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng đã sử dụng cưỡng chế kinh tế chống lại các đồng minh và đối tác của Mỹ để sửa đổi hành vi của họ theo hướng phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Và Bắc Kinh đã tìm cách lấy công nghệ nước ngoài một cách có hệ thống thông qua các phương tiện hợp pháp và bất hợp pháp với mục tiêu thống trị các ngành công nghiệp đổi mới trong tương lai.

Tiếp sau đó là cái mà Trung Quốc gọi là “Một vành đai, một con đường”, kịch bản quyền lực mới nhất của Trung Quốc kết hợp các công cụ kinh tế, ngoại giao, quân sự và thông tin. Chiến lược Vành đai Con đường này hình dung một thế giới kết nối hơn thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số tài trợ bởi Trung Quốc. Bắc Kinh đã dành những nguồn lực khổng lồ cho chiến lược này; ước tính độc lập cho rằng tổng mức đầu tư và xây dựng liên quan đến Vành đai Con đường vào khoảng 340 tỷ USD từ năm 2014 đến 2017. Tuy nhiên, Vành đai và Con đường không nên được xem là Kế hoạch Marshall thế kỷ 21 mang màu sắc Trung Quốc. Mặc dù giải quyết nhu cầu có thật về cơ sở hạ tầng, chiến lược này được thiết kế để đặt nền tảng cho một trật tự thay thế và đã làm xói mòn các chuẩn mực và quy tắc quốc tế theo cách tạo đặc quyền cho Trung Quốc.

Vành đai Con đường đang định hình lại thế giới như thế nào

Mặc dù phải đối mặt với sự kháng cự ngày càng tăng ở một số quốc gia, Vành đai Con đường đang có các hiệu ứng trong thế giới thực mở rộng từ phạm vi địa chính trị sang thương mại đến quản trị và phát triển.

Trung Quốc sẽ củng cố vị thế của mình như một quyền lực toàn cầu

·         Các cơ sở lưỡng dụng được xây dựng dưới biểu ngữ Vành đai Con đường sẽ cho phép PLA tăng cường hoạt động trên toàn cầu. Điều này sẽ tạo ra những rủi ro mới cho quân đội Hoa Kỳ, đồng minh và quân đội của các đối tác hoạt động tại Khu vực Ấn Độ Dương (IOR) và xa hơn nữa.

·         Trung Quốc sẽ đạt được đòn bẩy ngoại giao lâu dài trên một phần lớn thế giới bằng cách cung cấp vốn phát triển cơ sở hạ tầng cho một số chính phủ ở mức vượt quá khả năng hoàn trả của họ.

·         Năng lực của Trung Quốc thao túng chuỗi cung ứng toàn cầu vì lợi ích địa chính trị sẽ tăng lên. Trong một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột, nó có thể tạo ra sự khan hiếm thị trường do bàn tay con người, như một hình thức cưỡng chế kinh tế mới.

·         Sự gắn kết trong nội bộ châu Âu về chính sách Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu khi đầu tư Vành đai và Con đường vào Nam và Đông Âu khuyến khích các quốc gia giảm thiểu các vị trí bất đồng với Bắc Kinh.

Trung Quốc sẽ đặt kinh tế thế giới vào rủi ro trong quá trình nước này tăng cường năng lực cạnh tranh

·         Các tiêu chuẩn thương mại quốc tế sẽ chịu áp lực khi Trung Quốc chạy đua để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và tiến tới tạo ra một kiến trúc pháp lý mới liên quan đến Vành đai và Con đường.

·         Vành đai và Con đường sẽ cung cấp cho ngành công nghệ thông tin của Trung Quốc một lợi thế đáng kể bằng cách cho phép Bắc Kinh thiết lập các tiêu chuẩn trên Internet và thiết lập những nền tảng mới trong khi khai thác dữ liệu và tài năng ở nước ngoài.

·         Các quốc gia chủ chốt sẽ đối mặt với rủi ro đáng kể của khủng hoảng nợ do hầu hết tài trợ của Trung Quốc cho các dự án Vành đai và Con Đường là các khoản vay.

·         Các công ty không phải của Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh cho các hợp đồng Vành đai và Con đường trong một sân chơi bất bình đẳng và phải tham gia vào các dự án tuân theo những điều khoản mà Trung Quốc muốn. Trung Quốc sẽ ngoại hiện một số rủi ro tài chính liên quan đến các dự án Vành đai và Con đường bằng cách mời các nhà đầu tư phương Tây.

Trung Quốc sẽ tàn phá dân chủ ở một số nước và thúc đẩy phát triển chất lượng thấp

·         Các nước tham gia đầu tư của Trung Quốc vào Vành đai và Con đường có nguy cơ cao về suy thoái quản trị, một phần vì thiếu những thiết chế mạnh, một phần bởi vì tham nhũng và hệ quả của nó là thu hút được tầng lớp tinh hoa sẽ là công cụ để Bắc Kinh củng cố các dự án có tiềm năng chiến lược.

·         Vành đai và Con đường sẽ phục vụ xuất khẩu các yếu tố của hệ thống giám sát kỹ thuật số của Trung Quốc khi Bắc Kinh thúc đẩy kết nối thông tin bổ trợ cho cơ sở hạ tầng vật chất.

·         Bắc Kinh phát triển mô hình phát triển theo phương châm “Trung Quốc trước tiên” tối đa hóa lợi ích kinh tế của nó trong khi chỉ xây dựng năng lực tối thiểu cho các nước nhận đầu tư. Các vấn đề về môi trường và nhân quyền địa phương sẽ bị bỏ qua.





No comments: