Saturday, September 15, 2018

VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN TRONG BỐI CẢNH QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC GIỮA ÚC & VIỆT NAM (CĐNVTD Liên Bang Úc Châu)




CĐNVTD Liên Bang Úc Châu
23/08/2018

CĐNVTD/VIC đã tổ chức một buổi thuyết trình về đề tài Nhân Quyền trong bối cảnh Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược giữa Úc và Việt Nam (Australia-Vietnam Strategic Partnership) tại Quốc Hội Victoria vào ngày 23/08/2018 với sự tham dự đông đảo của chính giới, của các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo, các vị đại diện cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể và các thân hào nhân sĩ (xin xem danh sách đính kèm bên dưới).

Sau lời chào mừng các quan khách của cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch CĐNVD/VIC) Bà Dân Biểu Marsha Thomson, đại diện cho một số dân biểu cùng chủ tọa buổi thuyết trình, đã có đôi lời cùng với cử tọa. Đối với Bà, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam là một vấn đề thật đáng quan tâm nhưng điều quan trọng hơn hết là mọi người trong chúng ta đều có cơ hội trình bày quan điểm của mình một cách công khai mà không sợ bị bức hại. Buổi thuyết trình hôm nay là một sự nhắc nhở cho những vị dân cử nhớ rằng họ phải có trách nhiệm đối với nguyện vọng của cử tri khi được bầu vào quốc hội. Do đó những vị dân cử cần phải cân nhắc khi đưa ra những chính sách, những quyết định có liên quan đến Việt Nam. Nhân dịp này Bà Marsha Thompson ngỏ lời cám ơn cộng đồng người Việt đã cho Bà có cơ hội gần gũi và làm việc với nhau trong suốt 19 năm qua và năm nay là năm cuối của Bà trước khi về hưu.

Diễn giả của buổi thuyết trình là hai nhân vật tên tuổi của cộng đồng người Việt Úc Châu - LS Lưu Tường Quang, một người rất am tường, uyên bác về chính trị, về các chính sách ngoại giao, được chính giới Úc trọng nể, và LM Hoàng Kim Huy, một người tu hành nhưng quyết tâm đem đạo vào đời, mạnh mẽ góp tiếng nói đấu tranh vì sự tồn vong của dân tộc và đất nước Việt Nam.

Là người có một kho tàng kiến thức và kinh nghiệm về chính trị, LS Lưu Tường Quang đã bắt đầu từ bản tuyên bố chung về Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược giữa Úc và Việt Nam được ký vào ngày 15/03/2018 rồi đi ngược về quá khứ để phân tích mối bang giao giữa Úc và Việt Nam cùng những sự thay đổi về mối quan hệ theo thời gian. Một trong những sự thay đổi ấy là vấn đề nhân quyền. Đây là một vấn đề mà CĐNVTD Úc Châu luôn luôn ưu tiên quan tâm, yêu cầu chính phủ Úc phải cứu xét, đặt vấn đề nhân quyền như một điều kiện tiên quyết trong các chính sách giao thương với Việt Nam.

Úc và nhà cầm quyền Việt Nam đã có Cuộc Đối Thoại về Nhân Quyền (Australia-Vietnam Human Rights Dialogue) đầu tiên vào năm 2002, và cho đến nay 2018, Úc và Việt Nam đã có tất cả 15 lần đối thoại nhưng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam càng ngày càng trở nên tệ hại hơn bao giờ hết. Và cũng trong suốt thời gian này Úc và Việt Nam đã 3 lần tuyên bố chung về mối quan hệ - Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện (09/09/2009), Nâng Cấp Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện (18/03/2015) và Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược (15/03/2018).

Theo sự nhận xét và phân tích của LS Lưu Tường Quang thì các cuộc Đối Thoại về Nhân Quyền đã không mang lại một kết quả khả quan nào cả, ngược lại CSVN đã trắng trợn vi phạm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (The UN Charter, the UN Declaration of Human Rights), Bản Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (The UN International Covenant for Civil and Political Rights), Bản Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn (The UN Convention Against Torture). Trong khi đó chính sách "ngoại giao im lặng" (Quiet Diplomacy) của Úc, với những từ ngữ "Nhân Quyền" xuất hiện trên các công văn có tính cách tượng trưng lấy lệ mà không có những hành động mạnh mẽ đi kèm, đã giúp cho CSVN mạnh tay bóp nghẹt tiếng nói của người dân Việt, dùng những tù nhân lương tâm như những món hàng để trao đổi trả giá cho những lợi ích, những món tiền viện trợ.

LS Lưu Tường Quang cho rằng để có thể thay đổi tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, chính phủ Úc cần phải xét lại việc sử dụng "quyền lực mềm" (Soft Power) và đưa ra một đạo luật tương tự như đạo luật Magnitsky.

Mạnh mẽ và đầy cảm xúc, LM Hoàng Kim Huy trình bày cùng cử tọa về những sự vi phạm nhân quyền trắng trợn và thô bạo của CSVN không bằng cảm tính mà bằng những sự kiện, bằng những chứng cớ hiển nhiên. LM Huy đi thẳng vào vấn đề, xác định - Chế dộ CSVN là một chế độ độc tài, độc đảng, tham nhũng, lạm quyền, bốc lột công nhân, coi thường vấn đề nhân quyền, công khai & tùy tiện bắt bớ, tra tấn, đánh đập trái phép, lạm dụng luật pháp, xét xử bất công, kiểm soát gắt gao & đàn áp tôn giáo, bóp nghẹt tự do báo chí, ngôn luận, cấm hội họp, kiểm soát & ngăn chặn mạng lưới toàn cầu (Luật An ninh mạng),...  luôn luôn kết tội các "bị cáo" là "xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, vu khống, nói xấu chế độ", "tuyên truyền chống nhà nước", "âm mưu lật đổ chính quyền", "lợi dụng các quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước" (Thật là buồn cười chế độ CS làm gì có "tự do, dân chủ" mà lợi dụng?!).

LM Hoàng Kim Huy nêu lên bản báo cáo của Human Rights Watch  (https://www.hrw.org/vi/world-report/2018/country-chapters/313835) để xác nhận những điều LM trình bày. Càng thô bạo hơn đó là những trường hợp người dân bị công an giả dạng côn đồ tấn công, đánh đập, sát hại dã man trước sự làm ngơ của công an hoặc không bao giờ được công an lập hồ sơ, điều tra, truy tìm thủ phạm. Tiếp theo, LM Huy liệt kê và nêu tên một số những người hoạt động dân chủ, đấu tranh cho Việt Nam, những bloggers, facebookers đã bị bắt như là những bằng chứng không thể chối cải về tình trạng nhân quyền bị bức hại tại Việt Nam. Trong đó có vô số những người bị giam giữ vô thời hạn mà không được đưa ra xét xử, tuyên án.

Theo LM Hoàng Kim Huy nhân quyền phải được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm, hỗ trợ và đặt ra những điều kiện, những nguyên tắc (code of conduct), những tiêu chuẩn đánh giá/đo lường (key performance) trong vấn đề kinh doanh trước khi đặt bút xuống ký một khế ước, một hợp đồng với Việt Nam. Giới kinh doanh phải có những trách nhiệm xã hội, có sự hiểu biết về đạo đức, về phẩm giá con người để nhận ra bao điều bất công, oan trái mà công nhân và người dân Việt Nam phải hứng chịu. Lm Huy thành khẩn kêu gọi lương tâm và sự lắng nghe của chính phủ Úc cũng như giới kinh doanh hãy mạnh mẻ lên tiếng về vấn đề nhân quyền với chế độ CSVN.

Cô Phượng Vỹ cho rằng cộng đồng người Việt tỵ nạn nay là công dân Úc không những quan tâm mà còn có trách nhiệm lên tiếng về vấn đề nhân quyền. CĐNVTD không chỉ tổ chức các buổi thuyết trình và nêu vấn đề nhân quyền ở cấp chính quyền tiểu bang mà còn có những cuộc vận động, buổi nói chuyện ở cấp chính quyền Liên Bang.

Ông Nguyễn Huy, trong cương vị Phó Chủ Tịch Nội Vụ CĐNVTD Liên Bang Úc Châu, khẳng định - 15 năm Đối Thoại về Nhân Quyền giữa Úc và Việt Nam đã không mang lại một kết quả nào khả quan, ngược lại tình trạng nhân quyền tại Việt Nam càng ngày càng tồi tệ hơn. Ông Huy nhận xét rằng trong thời gian qua Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược giữa Úc và Việt Nam đã mang lại những lợi ích (cho Úc và CSVN) kèm theo những cái giá phải trả (costs vs benefits), cái giá phải trả đó chính là tình trạng nhân quyền tại Việt Nam (the cost is human rights). Tuy nhiên CĐNVTD vẫn cương quyết tiếp tục làm việc với chính phủ Úc và làm mọi cách để tiếng nói và nguyện vọng của CĐNVTD, về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, được lắng nghe.

Kết thúc buổi thuyết trình, ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD Liên Bang) kêu gọi sự hỗ trợ và quan tâm của chính giới, của giới kinh doanh, đầu tư và các hội đoàn, đoàn thể về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam đồng thời thúc đẩy Quốc Hội Liên Bang Úc Châu cứu xét về đạo luật Magnitsky.

Melbourne
23/08/2018


Một số hình ảnh của buổi thuyết trình https://photos.app.goo.gl/qPs8ysZV9cHYw3c66


Danh sách quan khách tham dự buổi thuyết trình






No comments: