Wednesday, September 19, 2018

THƯƠNG MẠI : MỸ TẤN CÔNG MẠNH ĐỂ DỄ THƯƠNG THUYẾT VỚI TRUNG QUỐC (Trọng Thành - RFI | ĐIỂM BÁO)




Đăng ngày 19-09-2018

Đòn tấn công thương mại của Mỹ nhắm vào 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc là chủ đề quốc tế hàng đầu của hầu hết các báo Pháp hôm nay, 19/09/2018. Tuyên bố chuẩn bị giã từ chính phủ của bộ trưởng Nội Vụ, được coi là một trụ cột của tổng thống Macron, cũng là tựa lớn của nhiều nhật báo.

Bài phân tích « Thương mại : Trump tấn công, đe dọa… rồi thương thuyết » của Le Monde tìm cách lý giải chiến lược của Washington. Thứ nhất là tại sao chính quyền Trump lại chọn ồ ạt tấn công Trung Quốc đúng vào thời điểm này ? Theo Le Monde, nếu như khủng hoảng của nửa đầu năm nay chủ yếu là giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh, thì kể từ đó đến nay, Washington đã đạt được thỏa thuận hưu chiến với Liên Hiệp Châu Âu, với Mêhicô, hay Canada. Đối thủ chính của Mỹ hiện chỉ là Trung Quốc. Washington tỏ ra không khoan nhượng, trong thông báo hôm 17/09, Mỹ cảnh báo sẽ tiếp tục áp thuế mới với 256 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, có nghĩa là toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, nếu Bắc Kinh trả đũa.

Điều đáng chú ý thứ hai là, lượng hàng hóa 200 tỉ đô la nói trên trước mắt sẽ « chỉ » bị tăng thuế 10%, kể từ 24/9/2018, và mức thuế 25% sẽ chỉ có hiệu lực từ đầu năm tới. Vậy tại sao lại có khoản thời gian hơn 2 tháng cách biệt này ? Theo Le Monde, điều này có ít nhất ba lý do.

Khi làm như vậy, chính quyền có dụng ý để ngỏ cơ hội cho việc các nhà đàm phán Mỹ, Trung có thể đạt được một thỏa hiệp, trước khi Donald Trump và Tập Cận Bình gặp nhau tại thượng đỉnh khối G20 tháng 11 tới. Lý do thứ hai là cho phép các doanh nghiệp Mỹ thời gian chuẩn bị tìm nguồn cung cấp khác ngoài Trung Quốc. Và lý do thứ ba hạn chế nguy cơ giá cả tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt vào trước thời điểm Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) và đặc biệt là trước cuộc bầu cử giữa kỳ, đầu tháng 11.

Theo Le Monde, đưa ra quyết định tăng thuế này, chính quyền Trump cảm thấy đang ở thế thượng phong trong tương quan lực lượng với Trung Quốc. Nền kinh tế Mỹ trong quý hai vừa qua giữ được mức tăng trưởng cao (4,2%), thấp nghiệp ở tỉ lệ thấp, trong lúc tăng trưởng Trung Quốc chậm lại, còn nợ thì tăng cao.

Tác động của các biện pháp tăng thuế hàng Trung Quốc là không lớn với nền kinh tế Mỹ, với khoảng từ 0,1 đến 0,2% GDP sụt giảm. Về phía các doanh nghiệp Mỹ, thiệt hại do việc phải mua hàng Trung Quốc với giá cao hơn, do bị biểu thuế nhập khẩu tăng, không phải là đáng kể, so với các khoản tiền cắt giảm thuế doanh nghiệp của chính quyền Trump (với 1.400 tỉ đô la trong vòng 10 năm).

*
Doanh nhân châu Âu lên án Trung Quốc trì hoãn cải cách
Không hẹn mà gặp, chỉ vài giờ sau thông báo của chính quyền Trump, hôm qua, 18/09, Phòng Thương Mại Châu Âu tại Trung Quốc, đã công bố một bản báo cáo lên án tình trạng thiếu vắng cải cách trong kinh tế tại Trung Quốc. Vẫn theo Le Monde, cho dù « khác hẳn về dung lượng » (báo cáo dài 394 trang so với các thông điệp Twitter vài chữ của Donald Trump), báo cáo của châu Âu cũng chung một thông điệp với Mỹ : Lên án chính quyền Trung Quốc trong hiện tại đã không thực sự cải cách kinh tế để hội nhập quốc tế. Cho dù trong hơn 40 năm qua, nhiều tiến bộ rất lớn đã được thực hiện.

Giới doanh nhân châu Âu đã chọn vị trí, đứng về phía Mỹ, nhưng không chỉ có vậy. Bản báo cáo của các tập đoàn kinh tế lớn của châu Âu nhấn mạnh là, trong nội bộ Tổ Chức Thương Mại thế giới, đã có « hơn 1.900 câu hỏi mà các thành viên khác đặt ra » về Trung Quốc, điều này cho thấy những lo ngại của cộng đồng quốc tế nói chung, chứ không chỉ có các nước phương Tây, về vai trò thực sự của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Ba lo ngại lớn được nêu ra. Thứ nhất là vấn đề bị Trung Quốc cưỡng bức chuyển giao công nghệ, mà có đến 19% doanh nghiệp châu Âu khẳng định chính họ bị đặt vào tình trạng này, riêng trong năm ngoái 2017. Vấn đề thứ hai là việc thiếu quan hệ có đi có lại trong lĩnh vực đầu tư. Trung Quốc bị tố cáo là nơi mà tệ nạn quan liêu hoành hành, các quy định không rõ ràng, bị đối xử bất bình đẳng, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó thâm nhập vào thị trường… Lo ngại lớn thứ ba liên quan đến kế hoạch mang tên « Made in 2025 », đặt mục tiêu đưa Trung Quốc lên đứng đầu thế giới trong 10 lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Giới doanh nhân lo ngại, mục tiêu đầy tham vọng này sẽ tạo điều kiện cho phía Trung Quốc có thêm nhiều hành động cạnh tranh bất chính.

Tuyên bố chính thức của Trung Quốc khác xa với hiện thực là nhận đinh xuyên suốt của báo cáo nói trên (cụ thể là giữa tuyên bố ủng hộ toàn cầu hóa mà ông Tập Cận Bình đưa ra tại hội nghị Davos hồi năm ngoái với những điều mà Trung Quốc đang làm). Báo cáo của Phòng Thương Mại Châu Âu ghi nhận : « các dự án mang tên Con Đường Tơ Lụa Mới bị phản đối mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới », chính bởi mâu thuẫn lớn này.

Theo Le Monde, không có gì chứng minh rõ ràng hơn cho nhận định này bằng dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh, dự án đầu tư tại hơn 100 quốc gia, một kế hoạch được quảng bá là sẽ đem lại lợi ích to lớn cho thế giới. Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS cho biết có đến 89% dự án trong khuôn khổ sáng kiến này là về tay các doanh nghiệp Trung Quốc.

*
Mỹ : Bê bối bạo hành tình dục ra Thượng Viện
Tuyên bố tăng thuế với hàng Trung Quốc gây chấn động nhưng tại Mỹ, thông tin về đòn tấn công này, được đưa ra hôm thứ Hai đầu tuần, gần như bị chìm khuất sau chủ đề người được tổng thống Trump đề cử làm thẩm phán Tòa Án Tối Cao, bị cáo buộc bạo hành tình dục.

Bài « Tối Cao Pháp Viện : Trump khó xử » của Le Figaro nhận xét « thiên hướng thích trình diễn, xì-căng-đan của chính trị Mỹ sẽ được thỏa mãn », với việc vào thứ Hai tuần tới, ứng cử viên vào chức vụ thẩm phán Tòa Án Tối Cao, ông Brett Kavanaugh đối mặt với một phụ nữ, người buộc tội ông đã mưu toan cưỡng hiếp bà, trong một phiên điều trần tại Thượng Viện. Đây là điều chưa từng thấy tại nước Mỹ từ hơn nửa thế kỷ nay.

Bà Christine Blasey Ford tố cáo bà đã bị nhân vật nói trên bạo hành tình dục, vào năm 1982, khi bà 15 tuối, và đương sự thì 17 tuổi. Vào lúc hay bên gặp nhau trong một cuộc hội hè tại một vùng ngoại ô Washington.

Vào đầu mùa hè này, người tố cáo ứng cử viên thẩm phán tối cao đã viết một lá thư cho nữ thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, thành viên Ủy ban Tư Pháp Thượng Viện, bày tỏ nỗi lo sợ có thể bị ông Brett Kavanaugh giết hại, đề bịt đầu mối.

Thẩm phán Kavanaugh bác bỏ hoàn toàn vụ việc. Trong lúc một ủy ban của Thượng Viện dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua việc ứng cử của vị thẩm phán nói trên dự kiến sẽ diễn ra ngày mai, thứ Năm, 20/9, phe Cộng Hòa chấp nhận nhân nhượng dưới áp lực của công luận, với việc tổ chức phiên điều trần về vấn đề này vào thứ Hai tới.

Tổng thống Trump, thông thường vốn đứng về phía những người thân cận, trong vụ này đã tỏ ra thận trọng hiếm có. Donald Trump một mặt ca ngợi thẩm phán Brett Kavanaugh, là một người xuất sắc, và vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nhân vật này, nhưng mặt khác cũng cổ vũ Thượng Viện « đi đến cùng », bởi điều quan trọng, theo ông, là mọi việc phải diễn ra hoàn hảo, cho dù thời hạn có thể không bảo đảm. Mục tiêu của Nhà Trắng là bổ nhiệm thẩm phán mới tại Tòa Án Tối Cao sẽ được tiến hành, từ đây đến tháng 10, và nếu việc bổ nhiệm thành công, phe Cộng Hòa sẽ có thêm thế mạnh trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ, ngày 6/11 tới.

Hiện tại, ở Thượng Viện, phe Cộng Hòa chỉ nhiều hơn phía Dân Chủ có hai ghế. Nếu trong buổi điều trần tới, ứng cử viên vào chức thẩm phán Tòa Án Tối Cao thể hiện là người nói dối, sẽ có nhiều nghị sĩ Cộng Hòa chống lại ông. Như vậy, mục tiêu đưa người vào Tối Cao Pháp Viện của tổng thống Trump sẽ không thành.

*
Thượng đỉnh Liên Triều : Viễn cảnh tái thống nhất khiến dân Hàn lo ngại
Thượng đỉnh Liên Triều tại Bình Nhưỡng là một chủ đề thời sự quốc tế lớn khác hôm nay. Le Monde có hai bài viết về Triều Tiên trước cuộc hội kiến giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng. Bài « Tái thống nhất, chủ đề rất nhạy cảm tại Hàn Quốc » nhận xét là tiến trình xích lại gần với miền Bắc đang diễn ra gây nhiều hy vọng, cũng như sợ hãi tại miền Nam.

Trong một thăm dò dư luận hồi tháng Tư, trong bối cảnh thượng đỉnh Moon-Kim đầu tiên, 70% người dân xứ Hàn tin tưởng vào lãnh đạo họ Kim, 10% không tin. Tuy nhiên, tình hình từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi.

Nhiều người cho rằng mong muốn tái thống nhất chỉ là một giấc mơ lãng mạn, phi hiện thực, sau bao nhiêu thử nghiệm bất thành. Nhiều thanh niên cho rằng hơn 60 năm chia cách đã khiến hai miền trở nên vô cùng khác biệt về văn hóa, cho dù ngôn ngữ vẫn còn là « tài sản chung ». Nhiều người trẻ khác rất sợ hãi trước cái giá phải trả cho việc tái thống nhất đất nước, như kinh nghiệm thống nhất nước Đức.

Một sinh viên 26 tuổi bày tỏ hy vọng là tái thống nhất sẽ đến, nhưng chỉ sau khi anh không còn trên cõi đời này. Quá trình tái thống nhất, nếu diễn ra, sẽ phải kéo dài hàng chục năm, cũng là nhận định của giáo sư Cheong Seong Chang, Viện Sejong. Theo ông, giới trẻ hiện nay thiên về quan điểm hai miền cùng tồn tại hòa bình, và một quá trình tái thống nhất xảy ra quá nhanh, sẽ không tránh khỏi tạo ra những cú sốc « không thể chấp nhận nổi » với người dân Hàn Quốc.

Về chủ đề Triều Tiên, bài Le Monde « Sau bom hạt nhân, Kim đặt cược vào phát triển kinh tế » nhận xét là lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ý thức được là tình trạng khốn khó hiện nay tại miền Bắc không thể kéo dài. Theo Liên Hiệp Quốc, 10 triệu trên tổng số 25 triệu dân Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng, một phần năm trẻ em bị chậm phát triển. Tuy nhiên, khó khăn của xã hội Bắc Triều Tiên là các động lực cho thay đổi, như ý thức phê phán đã bị triệt tiêu sau hơn nửa thế kỷ sống trong chế độ toàn trị.

*
Khu phi quân sự Idlib : Thỏa thuận Nga - Thổ đầy bất trắc
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đạt thỏa thuận lập vùng đệm phi quân sự tại tỉnh Idlib. Viễn cảnh quân đội Damas mở chiến dịch phản công lớn vào vùng đất của phe nổi dậy tạm thời được gạt qua một bên. Đây là một tin vui với hàng triệu cư dân Idlib, tạm thời tránh được một chiến dịch tấn công hứa hẹn sẽ rất khốc liệt. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại là thỏa thuận này sẽ không kéo dài. Le Figaro có bài : « Những bất trắc của thỏa thuận Putin – Erdogan về Idlib ».

*
Pháp : Bộ trưởng Nội Vụ ra đi gây khó cho tổng thống
Quyết định rời chính phủ của bộ trưởng Nội Vụ Gerard Collomb là chủ đề thời sự trong nước hàng đầu. Báo Le Monde ghi nhận, sau vụ từ chức của bộ trưởng Môi Trường Nicolas Hulot, việc bộ trưởng Collomb báo trước sẽ ra đi vào năm tới, là một « đòn đau » mới đối với tổng thống Macron. Trong chính phủ Pháp, sau thủ tướng, ông Collomb được coi là trợ thủ số một của tổng thống. Bất đồng với tổng thống thể hiện rõ qua một phê phán của bộ trưởng Collomb nhắm vào chính phủ hồi đầu tháng 9/2018, trách các nhà lãnh đạo đã « thiếu khiêm tốn ». Les Echos cho biết bộ trưởng Nội Vụ từng là một trong những người rất gắn bó với Macron.

Về phần mình, báo Le Figaro chỉ trích chính phủ đã cố tình không thừa nhận tầm nghiêm trọng của việc ông Collomb quyết định ra đi. Bất đồng sâu xa, theo Le Figaro, là cách xử lý vụ Benalla, người từng được coi là cận vệ thân tín của tổng thống Macron, bị cáo buộc hành hung người biểu tình hồi đầu mùa hè năm nay. Hôm nay, nhân vật này chấp nhận ra điều trần trước Thượng Viện. Libération chạy tựa trang nhất : « Benalla ra Thượng Viện, Điện Elysée bị hở sườn ».







No comments: