Sunday, September 16, 2018

JOHN STUART MILL & CHUYỆN 'CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC' (Nguyễn Quân - Luật Khoa)




Posted on 14/09/2018

“Chúng ta không bao giờ chắc chắn được rằng cái ý kiến mà ta đang cố sức dập tắt là một ý kiến sai lầm; ngay cả nếu như chúng ta tin chắc đi nữa thì việc dập tắt nó vẫn là một điều xấu xa”.

John Stuart Mill (1806 – 1873), nhà triết học và kinh tế học người Anh đã nói như vậy hơn 150 năm trước trong cuốn sách kinh điển “Bàn về Tự do” (On Liberty).

Ông đã dành trọn vẹn sự nghiệp của mình để bảo vệ các quyền tự do cá nhân của con người. Theo ông, hạnh phúc của con người là sống theo ý của chính bản thân mình chứ không phải vì ý kiến của những người xung quanh.

Tự do mà John S. Mill đề cập đến gồm tự do tư tưởng, tự do thảo luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, và tự do sống theo cách của mình. Lý tưởng của ông là nếu muốn xã hội tiến bộ thì con người cần phải được tự do.

Để hiểu rõ hơn quan điểm của ông, ta có thể lấy một ví dụ đang rất nóng hiện nay để giải thích: cuộc tranh cãi xung quanh bộ sách “Công nghệ Giáo dục” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên.

Bài viết này sẽ không phán xét tính đúng sai của bộ sách mà chỉ đánh giá hiện tượng tranh luận xung quanh cuốn sách này dựa trên quan điểm về tự do thảo luận của John S. Mill.

Khởi đầu của cuộc tranh luận này là một đoạn video mô tả một phụ huynh học sinh với tâm trạng bức xúc khi con gái mình nhìn các chữ thì không đọc được, còn khi nhìn các ô vuông tròn thì lại đọc vanh vách. Từ đó các ý kiến phản đối cách dạy này trên mạng bùng lên một cách dữ dội. Sau đó các chuyên gia, cũng như những người trực tiếp soạn thảo cuốn sách này đã lên tiếng và giải thích rõ về cơ sở khoa học của phương pháp học theo bộ sách “Công nghệ Giáo dục” này. Cuối cùng, đến bây giờ dù cuộc tranh luận vẫn chưa kết thúc nhưng có lẽ nhiều người đã tìm ra những câu trả lời cho mình về tính đúng sai của phương pháp giáo dục nói trên.

Ai cũng có thể sai lầm

Theo John S. Mill, “những ông hoàng chuyên chế hay những người được nuông chiều vô giới hạn thường hoàn toàn tin tưởng vào ý kiến của bản thân về mọi đề tài. Ai cũng biết rõ là mình có thể sai lầm, nhưng ít người chịu nghĩ cần phải đề phòng tính có-thể-sai-lầm của mình”.

Có thể thấy John khẳng định rằng, ai cũng có thể sai lầm, từ ông hoàng bà chúa, từ giáo sư đại học cho đến người nông dân, v.v. Trong tình huống này, bộ sách “Công nghệ Giáo dục” và GS. Hồ Ngọc Đại cũng không phải ngoại lệ? Và việc hoài nghi cũng như lên tiếng về hoài nghi của mình như vị phụ huynh kia và sự lên tiếng của nhiều người khác cũng không phải là điều gì quá sai lầm dù ý kiến đó có sai đi chăng nữa?

Có rất nhiều người sau khi được giải thích lại quay sang phê phán những người đã lên tiếng phản đối “Công nghệ Giáo dục” với những từ ngữ như “thiếu hiểu biết”, “bị dắt mũi”, “đú bẩn”, v.v.

Đối với tôi, những người đã đưa ra ý kiến phản đối bộ sách không những không đáng bị người khác vùi dập như vậy, mà họ còn xứng đáng nhận được những lời cảm ơn, vì nhờ họ mà những người trong cuộc đã phải trả lời cho cả xã hội, hay cả chính những người đang phê phán họ biết rõ hơn về phương pháp giáo dục này. Khi họ hoài nghi, họ đã trực tiếp chất vấn những người có thẩm quyền, và kết quả là họ đã được những câu trả lời xứng đáng, không chỉ cho họ mà cho cả cộng đồng. Nếu chúng ta đang từng bước xây dựng một xã hội dân chủ thì chính những con người này đang đặt những viên gạch đầu tiên.

Khi ý kiến trái chiều không được đưa ra thì ai là người chịu thiệt?

Nhìn nhận lại ví dụ trên, nếu những ý kiến phản đối không được đưa ra thì cả cộng đồng sẽ là người chịu tổn thất chứ không chỉ những người có ý kiến đó.

John có viết trong cuốn “Bàn về Tự do” rằng “… cái xấu xa đặc biệt của việc bắt một ý kiến không được trình bày ra là sự đánh cắp đối với loài người, với các thế hệ mai sau hay hiện nay, thiệt hại nhiều cho người bất đồng với ý kiến đó hơn là cho người giữ ý kiến đó. Nếu ý kiến đó là đúng thì người ta đã tước đi mất cơ hội bỏ cái sai lấy cái đúng; nếu ý kiến đó là sai thì họ mất đi một cái lợi lớn là cảm nhận được cái chân một cách minh triết hơn và ấn tượng về cái chân lí sống động hơn khi cái chân và chạm với cái ngụy”.

Khi chúng ta có quyền nói ra những suy nghĩ của mình, khi ý kiến của chúng ta được người khác phản biện thì rõ ràng vấn đề sẽ ngày một sáng tỏ, chân lý hay cái đúng đắn sẽ được tìm ra. Điều này không chỉ có ích đối với người nắm giữ ý kiến đó, mà còn có ích đối với những người phản đối ý kiến đó. Hoặc là họ sẽ được “khai sáng” hoặc là niềm tin của ngày một bền vững.

Cũng theo John, cái ưu thế của một chân lý là ở chỗ một khi ý kiến là đúng, nó có bị dập tắt một lần, hai lần, hay nhiều lần , nhưng trải qua nhiều thời đại sẽ có người phát hiện lại nó, cho tới lúc gặp được hoàn cảnh thuận lợi, đủ thời gian để nó đứng vững được trước các mưu toan kế tiếp nhằm dập tắt nó.

Chứng kiến những tranh luận, ý kiến phản đối của mọi người, GS. Hồ Ngọc Đại đã nói, “những ngày qua, dư luận lên án công nghệ giáo dục của tôi. Tôi cười, vì họ không hiểu. Nhiều người hỏi tôi bị xúc phạm, bị thoá mạ như thế tôi có buồn không? Tôi cũng cười, vì tôi không quan tâm. Tôi thấy cũng có cái tốt, là nhân chuyện này, có nhiều người chưa biết về ‘Công nghệ Giáo dục’ của tôi đã mày mò tìm hiểu xem đó là gì. Khi biết rồi thì họ không chửi nữa. Còn những người vẫn chửi, tôi tin vì họ vẫn chưa hiểu. Tôi mừng vì phương pháp giáo dục của mình đã được người ta quan tâm và biết đến nhiều hơn.”

Có thể thấy sau cuộc tranh luận này chính GS Hồ Ngọc Đại đã nhận ra rằng, thứ mình nhận được còn nhiều hơn là mất, khi phương pháp của ông được nhiều người biết đến hơn.

***
Tự do bày tỏ ý kiến là một quyền không thể thiếu của con người. Nó không chỉ thỏa mãn nhu cầu ý kiến của một cá nhân mà nó còn giúp cả xã hội đến gần hơn chân lý của vấn đề. Không một ý kiến nào là bất khả sai lầm và hiếm khi hặc chẳng bao giờ là toàn bộ chân lý. Vậy nên khi va chạm với những ý kiến khác, những ý kiến đối lập, cái chân lý sẽ có cơ hội được bổ khuyết.

Thông qua sự kiện” Công nghệ Giáo dục”, chúng ta thấy rằng tầm quan trọng của việc tranh luận trong công cuộc tìm ra chân lý của vấn đề. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần khích lệ và bảo vệ những người dám đưa ra những ý kiến trái chiều, nơi bắt đầu của mọi cuộc tranh luận.

Cuộc tranh luận này sẽ là ngòi nổ thúc đẩy những cuộc tranh luận khác trong thời gian tiếp theo. Nó sẽ tạo những tiền đề cho các cuộc tranh luận công khai giữa những người có thẩm quền và người dân. Đó là điều cần thiết đối với một xã hội dân chủ.






No comments: