Saturday, September 15, 2018

ĐIỂM TUẦN BÁO PHÁP : NGÀI TRUMP ĐÁNG SỢ (Thanh Phương - RFI)




Đăng ngày 15-09-2018

« Ngài Trump bất khả ». Đó là hàng tựa trên trang nhất của tờ Courrier International tuần này. Sau những tiết lộ của nhà báo kỳ cựu Bob Woodward về những chuyện điên rồ trong Nhà Trắng, tờ báo đặt câu hỏi : Donald Trump còn có thể trụ lại ?

Một vị tổng thống bất ổn định và nguy hiểm. Một Nhà Trắng lúc nào cũng căng thẳng thần kinh. Đó là những gì mà nhà báo kỳ cựu Bob Woodward mô tả trong một cuốn sách gây sốc, « Fear » (Nỗi sợ hãi). Courrier International trích dịch một số đoạn trên tờ Washington Post về cuốn sách này.

Theo Washington Post, Wooward giải thích cuốn « Fear » được viết dựa trên hàng trăm giờ trò chuyện với những nhân vật đã trực tiếp hoặc gián tiếp can dự vào những sự kiện được kể trong cuốn sách. Toàn bộ những người cung cấp thông tin đều xin được ẩn danh. Cuốn sách của Woodward cũng dựa trên những biên bản cuộc họp, các nhật ký và những tài liệu chính thức.

Theo mô tả của Woodward, Donald Trump vẫn luôn tức giận về cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và thái độ này đôi khi đã làm tê liệt Nhà Trắng trong suốt nhiều ngày. Vào tháng 05/2017, khi biết Robert Mueller được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt, Trump đã nổi cơn thịnh nộ : « Ai cũng muốn làm thịt tôi !». Những trận lôi đình thường xuyên của Trump khiến các cố vấn của ông hoảng loạn, tưởng như đang sống lại những ngày cuối cùng Nixon nắm quyền.

Nhiều lần trong cuốn sách của ông, Woodward kể lại mối lo ngại tột cùng của êkíp đặc trách an ninh quốc gia trước sự thờ ơ của Trump đối với thời sự quốc tế, trước sự thiếu hiểu biết của ông trong lĩnh vực này, cũng như thái độ xem thường những phân tích của các lãnh đạo quân đội và tình báo Mỹ.

Trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, ngày 19/01, Trump đã chỉ trích việc duy trì một sự hiện diện quân sự rất quan trọng của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí còn hỏi là tại sao phải huy động nhiều phương tiện như thế ở khu vực đó. Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis đã trả lời : « Đó là để tránh một cuộc Thế chiến thứ ba ». Theo lời kể của Woodward, sau khi Trump rời phòng họp, « Mattis vô cùng bực bội và lo ngại, ông nói với các cộng sự viên thân tín rằng tổng thống hành xử như một đứa trẻ 11 hay 12 tuổi, và trình độ của ông cũng bằng một đứa trẻ".

Theo Washington Post, cuốn "Fear" chủ yếu đề cập đến những quyết định quan trọng và những bất đồng nội bộ, nhất là về những căng thẳng với Bắc Triều Tiên và chính sách của Mỹ ở Afghanistan.

Woodward kể rằng các thành viên chính phủ Mỹ thường xuyên lo ngại về cách thức mà Trump đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Chỉ một tháng sau khi lên cầm quyền, Trump đã yêu cầu Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Joseph Dunford vạch kế hoạch oanh kích ngăn ngừa vào Bắc Triều Tiên, khiến tướng Dunford toát mồ hôi hột.

Cuốn sách cũng giải thích thái độ sốt ruột của Trump đối với chiến tranh ở Afghanistan. Vào tháng 07/2017, trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, Trump đã trút cơn giận lên các tướng lãnh và các cố vấn của ông, trách họ là khiến cho Hoa Kỳ bị thua trong cuộc chiến tranh này.

Trong một bài báo khác cũng được Courrier Internatinonal trích dịch, tờ Washington Post ghi nhận một điểm ở Trump : nếu chọc tức, ông sẽ nổi cơn thịnh nộ, nhưng nói vuốt ve, thì ông sẽ dịu ngay. Vị tổng thống này lừa những người xung quanh, nhưng không phải là một cách nham hiểm giống như Richard Nixon hay một cách đạo đức giả giống như Bill Clinton.

Trump không theo một chiến lược sâu sắc hay tinh tế nào. Thậm chí không phải lúc nào ông cũng hành động vì những lợi ích của riêng ông. Ông phản ứng giống như một đứa trẻ. Đó là lý do vì sao các luật sư của Trump từ chối để cho công tố viên Robert Mueller thẩm vấn ông. Bởi vì làm như thế chẳng khác gì bắt một đứa bé 9 tuổi trình luận án tiến sĩ.

*
Về thời sự châu Âu, L’Express tuần này quan tâm đặc biệt đến tình hình Thụy Điển, với sự kiện đảng cực hữu bài ngoại bành trướng thế lực qua cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 09/09/2018.

Tuy chưa phải là « trận động đất » như hy vọng của Jimmie Akesson, người đã mơ đến chuyện vượt qua bức tường tâm lý 20%, đưa đảng « Những Người Dân chủ Thụy Điển » của ông trở thành đảng thứ hai, thậm chí đảng hàng đầu ở nước này, nhưng với 17,6% số phiếu, lãnh đạo cực hữu nay có một trọng lượng lớn chưa từng có trong lịch sử vương quốc vùng Scandinave.

Là một diễn giả rất khéo léo và dè dặt, khác hẳn với những tuyên bố nẩy lửa của lãnh đạo đảng cực hữu Ý Matteo Salvini, Jimmie Akesson, 39 tuổi, biết khai thác mối lo ngại của dân Thụy Điển trước những thay đổi do sự hiện diện quá lớn, theo cái nhìn của họ, của những người nhập cư. Lập luận của ông rất đơn giản : Mô hình Bắc Âu đang suy thoái do tình trạng nhập cư không được kiểm soát chặt chẽ.

Từ năm 2013 đến nay, Thụy Điển, quốc gia chỉ có 10,5 triệu dân, đã đón nhận đến 400 ngàn người tị nạn. Đây là một con số kỷ lục ở châu Âu : tính trên dân số, chưa có quốc gia nào đón nhận nhiều như thế, kể cả nước Đức. Nhưng thật ra, làn sóng nhập cư không phải là hiện tượng gì mới mẻ ở Thụy Điển. Với 1 phần 5 dân số là người gốc nước ngoài, trong vòng 4 thập niên, quốc gia Bắc Âu này đã thay đổi hẳn. Sau những đợt nhập cư từ Nam Mỹ, châu Phi và Nam Tư củ, nay đến làn sóng nhập cư Afghanistan, Irak và Syria. Kể từ nay, trên đường phố Thụy Điển, với rất nhiều phụ nữ đội khăn chùm kín mặt, tính đa văn hóa ngày càng rõ rệt.

Theo L’Express, tuy hiện không có đảng nào, dù là cánh tả hay cánh hữu, chấp nhận thương lượng với đảng của Jimmie Akesson, thậm chí họ có thể sẽ liên minh với nhau để ngăn đảng cực hữu tham gia cầm quyền, nhưng đà lớn mạnh của xu hướng dân túy ở Thụy Điển sẽ không dừng ở đó.

Tuy Thụy Điển hiện vẫn đạt mức tăng trưởng 2% và tỷ lệ thất nghiệp ở nước này chỉ là khoảng 6%, nhưng chính phủ mới sẽ đối đầu với nhiều thách thức : cải thiện hoạt động của hệ thống bệnh viện, nâng cao giáo dục và nhất là giải quyết khủng hoảng về nhà ở, nhất là nhà xã hội (nhà giá rẻ). Tuần báo Pháp trích lời một nữ hộ lý về hưu đã bầu cho « Jimmie » lo ngại nói : « Một số người dân Thụy Điển chờ được cấp nhà từ 3 năm nay, thế mà đùng một cái, cả một gia đình người Afghanistan được cấp trước họ ».

Nhà viết xã luận của tờ nhật báo lớn Dagens Nyheter, Erik Helmerson, nhận xét : « Cách đây vài năm, các chiến dịch tranh cử thường xoay quanh vấn đề nam nữ bình quyền hay tăng ngân sách giáo dục, nhưng nay, các ứng cử viên chỉ đề cập đến vấn đề biên giới, tội phạm ». Một điều chắc chắn là chưa bao giờ xã hội Thụy Điển bị chia rẽ đến như thế. Trong một quốc gia nổi tiếng là luôn có sự đồng thuận, đang có một sự thay đổi sâu rộng. Một điều không thể tưởng tượng được chỉ cách đây 4 năm, đó là vào tháng trước một phóng sự điều tra truyền hình đã đề cập đến một chủ đề cấm kỵ : nguồn gốc sắc tộc của những người bị kết án vì tội hiếp dâm. Kết quả điều tra : trên 843 kẻ hiếp dâm, có đến 85% sinh ở nước ngoài. Kể từ nay, 1/4 số phụ nữ Thụy Điển tuyên bố không cảm thấy an toàn vào một số thời điểm nào đó trong ngày.

*
Một phần năm dân Pháp, tức tổng cộng 12 triệu người, đã hoặc sẽ mắc một chứng bệnh tâm thần trong cuộc đời của mình. Đó là thực tế được tuần báo L’Express ghi nhận trên trang nhất số ra tuần này.

Chi phí cho việc điều trị các chứng bệnh tâm thần hiện đã trở thành khoản chi tiêu lớn nhất của Quỹ Bảo hiểm Y tế. Hàng năm tại Pháp, có đến 10 ngàn người tự tử do bệnh tâm thần, cao gấp ba lần số nạn nhân chết vì tai nạn giao thông.

Thế mà, theo L’Express, nước Pháp hầu như không có một chính sách để ngăn ngừa bệnh tâm thần. Bệnh nhân thường phải mất nhiều thời gian mới được chẩn đoán và trong số những người đã được chẩn đoán, có rất ít người được chữa trị đàng hoàng. Đối với tuần báo này, đúng là các phương tiện của các bệnh viện đang giảm đi, nhưng việc không thể chữa trị đàng hoàng các bệnh nhân tâm thần bên ngoài bệnh viện là một điều không thể chấp nhận được.

Cho nên tờ L’Express đã giới thiệu đến độc giả một cuốn sách mới được xuất bản gần đây, trình bày kết quả một cuộc điều tra rất tỷ mỷ, cho thấy là hoàn toàn có thể đảo ngược tình thế, nhất là vì những tiến bộ của khoa học có thể giúp nhiều bệnh nhân cải thiện bệnh tình, thậm chí được chữa khỏi.

Bên cạnh các bác sĩ, y tá, nay các điện thoại thông minh và máy tính bảng, thông qua các ứng dụng tin học, cũng đã trở thành những trợ thủ đắc lực trong việc chữa trị các chứng bệnh như trầm cảm, thậm chí ngăn ngừa tự tử.

Theo lời bác sĩ Marion Leboyer, bệnh viện Henri Mondor, ngoại ô Paris, trong tương lai, thay vì kê toa thuốc, các bác sĩ có thể nói với bệnh nhân : « Hãy cầm lấy ứng dụng này và trở lại gặp tôi để nói cho biết có khá hơn không ».

Riêng các bệnh nhân có nguy cơ tự tử cao, chẳng hạn như những người đã từng toan kết liễu đời mình, thì được đề nghị trang bị một ứng dụng để họ có thể tự đánh giá những cảm xúc đang có và ứng dụng sẽ thu thập những thông tin đó, nếu cần sẽ báo động ngay cho các nhân viên y tế để họ ngăn chặn kịp thời, không để cho bệnh nhân thực hiện hành vi tự tử.

*
Tuần báo L’Obs trong tuần này cũng dành một hồ sơ cho bệnh mà tờ báo này gọi là « căn bệnh của thế kỷ », đó là Alzheimer. Vào lúc mà hầu như gia đình nào cũng có người mắc bệnh này, ngành y tế vẫn thường bất lực. Nhưng bên cạnh điều trị bằng thuốc, nhiều phương pháp trị liệu khác đang được áp dụng, chú trọng nhiều hơn đến tình trạng của bệnh nhân.

Trên thế giới hiện có ít nhất 35 triệu người bị Alzheimer, trong đó có 900 ngàn người ở Pháp. Hầu như nhà nào cũng có người bị bệnh này, khiến cuộc sống các gia đình bị đảo lộn. Thậm chí theo kết quả một cuộc điều tra vào năm 2015, Alzheimer hiện là căn bệnh mà dân Pháp sợ nhất, chỉ sau ung thư. Họ sợ nhìn thấy vợ hay chồng mình, bố hay mẹ mình mắc căn bệnh quái ác, gặm nhấm từ từ trí nhớ, làm thay đổi tính tình và đẩy họ vào trạng thái lú lẫn hoàn toàn.

Nỗi lo Alzheimer càng lớn vì sau hàng mấy thập niên nghiên cứu, căn bệnh này vẫn đầy bí hiểm, khoa học vẫn chưa hiểu rõ được nguồn gốc của nó, và nhất là chưa biết làm cách nào để ngăn chặn đà phát triển của căn bệnh.

Càng về già thì nguy cơ mắc Alzheimer càng cao : trong độ tuổi từ 65 đến 85 tuổi, số ca bệnh cứ mỗi 5 năm lại tăng gấp đôi. Khoảng 40% người trong độ tuổi 80 mắc bệnh này, theo sách trắng của Tổ chức Médéric Alzheimer, vừa được xuất bản. Số ca bệnh bùng nổ đến mức mà các chuyên gia tự hỏi không biết tuổi già và Alzheimer có phải là một hay không.

Nhưng có phải vì thế mà chúng ta buông tay ? Rất may là không, theo tuần báo L’Obs. Bởi vì, tuy hiện chưa có thuốc nào thật sự hiệu nghiệm, các phát hiện gần đây về tính co dãn của bộ não cho thấy là có thể làm chậm sự xuất hiện của căn bệnh nếu chăm sóc tốt bộ não.

Trước hết phải kích thích hoạt động trí tuệ của bộ não vì kể từ nay người ta biết được rằng trình độ học vấn là một yếu tố bảo vệ. Dĩ nhiên là không thể đòi hỏi các cụ học đến trình độ đại học, nhưng đọc sách, tham gia các trò chơi xã hội là những thú vui tích cực tốt hơn là những thú vui thụ động, như xem truyền hình. Các chuyên gia nhấn mạnh là những người lớn tuổi nên có những hoạt động mới, đòi hỏi sự suy nghĩ, tập trung và ghi nhớ: học một ngoại ngữ, chơi một môn thể thao mới.

Hoạt động thể lực thậm chí là rất cần thiết. Phải tạo thói quen mỗi ngày hoạt động khoảng 30 phút: đi bộ, bơi lội, đi xe đạp. Dĩ nhiên là phải tránh những môn thể thao mà bộ não có thể bị va chạm: quyền Anh, rugby…Về chế độ ăn uống thì theo chế độ ăn uống của người dân vùng Địa Trung Hải: ít thịt, dùng dầu olive, nhiều rau cải, tránh tối đa rượu, thuốc lá, thuốc ngủ, thuốc phiện.

Mặt khác, cũng cần có một đời sống xã hội càng rộng càng tốt, nhất là trong giai đoạn mới phát bệnh Alzheimer. Những nước như Anh Quốc, Bỉ, hay Thụy Sĩ từ lâu đã hiểu điều đó, cho nên họ tạo điều kiện tối đa cho bệnh nhân hòa nhập hoàn toàn vào xã hội. Tại Hà Lan, bệnh nhân Alzheimer được sống tự do, nhưng một cách an toàn, trong một trung tâm rộng lớn, được thiết kế như một ngôi làng. Roma cũng đã khánh thành ngôi làng tương tự vào năm ngoái. Ngôi làng thứ ba loại này sẽ ra đời vào năm tới ở thành phố Dax của Pháp. Các nước Bắc Âu thì thiên về các cấu trúc nhỏ, theo kiểu nhà gia đình.

------------------------------------

LIÊN QUAN HOA KỲ



Thanh Hà   -   Đăng ngày 14-09-2018








No comments: